Kết thúc chuyến thăm Moscow, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký kết và ra hai tuyên bố chung, nhấn mạnh việc thúc đẩy thiết lập một trật tự thế giới mới, trong khi chưa có thông tin về khả năng hòa đàm cho Ukraine.
Mặc dù tuyên bố chung cũng nhấn mạnh việc giải quyết cuộc chiến Nga – Ukraine thông qua đàm phán hòa bình nhưng hai bên vẫn chưa đạt được đột phá ngoại giao thực chất nào trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ông Tập và ông Putin muốn thúc đẩy một trật tự thế giới mới
Tờ Reuters đưa tin, trước khi kết thúc chuyến thăm Nga ngày 22/3, ông Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký kết và ra hai tuyên bố chung, gồm “Tuyên bố chung Trung – Nga về làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong kỷ nguyên mới” và “Tuyên bố chung về kế hoạch phát triển các phương hướng chính của hợp tác kinh tế Trung – Nga trước năm 2030”.
Theo hãng tin Visiontimes, nội dung tuyên bố chung cho thấy Bắc Kinh đã cùng Moscow chống lại phương Tây, nhấn mạnh việc thúc đẩy một trật tự thế giới mới.
Nga đã sắp xếp công phu và chào đón chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Moscow bằng một buổi lễ trọng thể. Ông Putin và ông Tập Cận Bình cũng gọi nhau là “bạn thân”, đồng thời hứa hẹn sẽ tăng cường hợp tác về kinh tế. Nguyên thủ hai quốc gia cũng khẳng định mối quan hệ song phương hiện được mô tả là liên minh “sắt son” nhất từ trước đến nay.
Ông Tập nói với ông Putin trước khi rời Moscow rằng: “Có nhiều thay đổi đang diễn ra. Đây là điều chưa từng có trong 100 năm qua. Khi sát cánh với nhau, chúng ta sẽ thúc đẩy những thay đổi này”.
“Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng mối quan hệ Nga – Trung hiện đã vượt xa phạm vi song phương và có tầm quan trọng sống còn đối với trật tự toàn cầu và tương lai của nhân loại”, Bắc Kinh cho biết trong một tuyên bố.
Theo trang web chính thức của Điện Kremlin, ông Putin nói rằng: “Chúng tôi thống nhất cam kết hướng tới một trật tự thế giới đa cực công bằng và dân chủ hơn dựa trên vai trò trọng tâm của Liên Hợp Quốc (LHQ), kết hợp với Hội đồng Bảo an LHQ, cùng với luật pháp quốc tế và tuân theo các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương LHQ”.
Trong một tuyên bố chung từ Moscow và Bắc Kinh, cả ông Putin và ông Tập đều chỉ trích phương Tây đã phá hoại sự ổn định toàn cầu và sự can dự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định rằng quan hệ gần gũi giữa Trung Quốc và Nga không có nghĩa là tồn tại liên minh chính trị – quân sự giữa hai bên, theo hãng tin TASS.
Về vấn đề hòa đàm chiến tranh Nga – Ukraine, ông Putin ca ngợi kế hoạch hòa bình do chính quyền Bắc Kinh đề xuất, đồng thời chỉ trích chính quyền Kyiv và các nước phương Tây vì đã bác bỏ đề xuất này.
Tuy nhiên, trong tài liệu “Lập trường của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine” công bố ngày 24/2, chính quyền Bắc Kinh không cung cấp thông tin chi tiết về cách thức đàm phán đình chiến.
Mỹ và phương Tây coi “kế hoạch hòa bình” của Bắc Kinh là một chiến thuật “câu giờ” để ông Putin tái tập hợp quân đội, bổ sung trang thiết bị quân sự và tăng cường kiểm soát lãnh thổ đối với Ukraine.
Trong khi đó, Mỹ đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép lên chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình trong lúc Ukraine đang bị tấn công
Khi ông Tập chuẩn bị rời Nga, còi báo động không kích đã vang lên ở thủ đô Kyiv của Ukraine, cũng như ở các khu vực phía bắc và phía đông nước này.
Ngày 22/3, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết, trong chuyến thăm Moscow của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, quân đội Nga đã giáng đợt không kích rầm rộ, đồng thời phóng tổng cộng 21 tên lửa Shahed-136 vào vùng thủ đô Kyiv và những nơi khác.
Nhà Trắng: Trung Quốc không ‘vô tư’ khi làm trung gian cho Nga và Ukraine
Bình luận về cuộc hội đàm của ông Tập với ông Putin, Nhà Trắng cho biết lập trường của Bắc Kinh không trung lập và “vô tư”, đồng thời Mỹ kêu gọi Bắc Kinh gây sức ép để Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine nhằm chấm dứt cuộc chiến lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II.
Phát biểu trước báo giới hôm 21/3, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby khẳng định Mỹ không nhận thấy Trung Quốc có khả năng trở thành một trung gian hòa giải ‘vô tư’ cho Ukraine và Nga.
“Tôi không cho rằng Trung Quốc vô tư dưới bất kỳ hình thức nào”, ông John Kirby nói với các phóng viên sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ đề xuất của Bắc Kinh về lệnh ngừng bắn ở Ukraine trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Kremlin.
“Trung Quốc không lên án cuộc xâm lược này. Thậm chí họ vẫn tiếp tục mua dầu và năng lượng của Nga”, ông Kirby tuyên bố.
Trong khi ông Tập đích thân bay “đến tận Moscow” để gặp Tổng thống Nga Putin trong chuyến thăm ba ngày, thì ông ấy “chưa một lần hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, chưa từng đến thăm Ukraine, và không bận tâm đến mục tiêu của Ukraine”, ông Kirby nói .
“Ông Tập và chính quyền của ông vẫn không ngừng lặp đi lặp lại những lời tuyên truyền của Nga rằng đây là cuộc chiến của phương Tây nhằm vào Nga, gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với ông Putin. Đó chỉ là một trò bịp bợm. Ukraine không gây ra mối đe dọa nào cho bất kỳ ai, chứ đừng nói đến Nga”.
Hôm 21/3, khi ông Tập Cận Bình và ông Putin vừa kết thúc cuộc hội đàm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo rằng họ đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Kyiv về chương trình cho vay 4 năm trị giá khoảng 15,6 tỷ USD.
Huyền Anh tổng hợp