Tạ Linh
Chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này thiên về việc nhắc lại những lợi ích chung của 2 nước, và ít nói về bất kỳ biện pháp cụ thể nào hướng tới việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraina.
Chuyến công du kết thúc hôm thứ Tư (22/3). Ông Tập và Tổng thống Nga Vladimir Putin tận dụng cơ hội này để thể hiện mối quan hệ cá nhân thân thiết giữa 2 nhà lãnh đạo và vạch ra cách họ có thể thúc đẩy một trật tự thế giới mới chống lại trật tự do Mỹ và các đồng minh dân chủ đang dẫn dắt.
Trong một tuyên bố dài sau các cuộc hội đàm giữa ông Tập và ông Putin tại Matxcova trong tuần này, 2 nhà lãnh đạo khẳng định sự liên kết sâu rộng của họ trong một loạt vấn đề.
Ông Putin cho biết Nga đặt mục tiêu sớm khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng nói rằng việc giải quyết xung đột với Ukraina sẽ chỉ xảy ra “bất cứ khi nào phương Tây và Kyiv sẵn sàng cho việc đó”.
Ngoài việc Nga ghi nhận kế hoạch hòa bình 12 điểm của Trung Quốc và đánh giá cao thiện chí của Bắc Kinh, thì không có đề xuất cụ thể nào về việc chấm dứt chiến tranh trong các cuộc thảo luận song phương của 2 bên. Trong khi đó, cả 2 bên đều chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Putin và Tập Cận Bình đều cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác phối hợp chiến lược toàn diện trong thời kỳ mới. Nhìn chung, hợp tác kinh tế đã chi phối chuyến thăm của ông Tập.
Chuyến thăm của ông Tập cũng có ý nghĩa tượng trưng. Đây là dịp kỷ niệm 10 năm chuyến thăm đầu tiên của ông tới Nga sau khi đảm nhận vị trí chủ tịch Trung Quốc vào năm 2013, và là chuyến thăm đầu tiên kể từ khi đảm nhận nhiệm kỳ chủ tịch thứ ba vào đầu tháng này.
Theo một danh sách của Điện Kremlin, 2 bên đã đạt được hơn 10 thỏa thuận thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, từ thương mại, công nghệ, đến tuyên truyền nhà nước.
Dưới đây là một số điểm đáng chú ý về cuộc gặp của Tập Cận Bình và Putin.
Không có hướng đi ý nghĩa cho vấn đề Ukraina
Các cuộc đối thoại của ông Tập và ông Putin không mang lại bước đột phá nào trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraina.
Theo tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra, cả hai nhà lãnh đạo đều kêu gọi chấm dứt các hành động “làm gia tăng căng thẳng” và “kéo dài cuộc chiến” ở Ukraina. Tuyên bố không thừa nhận rằng cuộc xâm lược và tấn công quân sự của Nga là nguyên nhân dẫn đến bạo lực và khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Ukraina.
Trong khi đó, 2 nhà lãnh đạo lại kêu gọi NATO tôn trọng chủ quyền, an ninh, lợi ích của các quốc gia khác. Điều này tương đương với việc 2 nước đổ lỗi sai lầm cho liên minh phương Tây đã kích động Nga xâm lược.
Sau cuộc hội đàm hôm 21/3, ông Putin tuyên bố nhiều điều khoản của kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đề xuất có thể được “lấy làm cơ sở” cho một giải pháp hòa bình ở Ukraina. Ông đồng thời cáo buộc phương Tây không giúp Ukraina đạt một thỏa thuận như vậy.
Tuy nhiên, phía phương Tây trước đó coi đề xuất của Trung Quốc là không thông minh, bởi vì nó không bao gồm điều khoản yêu cầu Nga phải rút quân khỏi lãnh thổ Ukraina.
Túm lại, cuộc gặp của Putin và Tập Cận Bình không đưa ra được biện pháp thực chất để giải quyết cuộc xung đột ở Ukraina.
Nga-Trung muốn trật tự thế giới mới và liên kết chống Mỹ
Theo các chuyên gia, xu hướng xây dựng một liên minh chống lại Mỹ – và một trật tự thế giới phù hợp hơn với các chương trình nghị sự của chính Nga và Trung Quốc – đã thúc đẩy cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Putin, chứ không phải họ quan tâm đến việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraina.
Khi ông Tập rời Điện Kremlin sau buổi chiêu đãi đại tiệc của ông Putin vào tối ngày 21/3, thông điệp chia tay nhắc lại quan điểm của ông rằng động lực quyền lực của thế giới đang thay đổi, rằng Trung Quốc và Nga cần trỗi dậy.
Ông Tập nói trong lúc bắt tay tạm biệt Putin: “Cùng nhau, chúng ta nên thúc đẩy những thay đổi chưa từng xảy ra trong 100 năm qua. Hãy bảo trọng!”
Trong tuyên bố chung, 2 nhà lãnh đạo này kêu gọi thúc đẩy một “thế giới đa cực”.
Họ cũng công kích Washington ở nhiều điểm, bao gồm cả việc kêu gọi Mỹ ngừng phá hoại an ninh khu vực và quốc tế, cũng như sự ổn định chiến lược toàn cầu. Rõ ràng, Nga và Trung Quốc coi Mỹ là một mối đe dọa an ninh lớn của họ.
‘Tin cậy lẫn nhau về quân sự’ và quan hệ quốc phòng
Trong tuyên bố chung, ông Tập và ông Putin đều bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc NATO liên tục tăng cường quan hệ an ninh-quân sự với các nước châu Á-Thái Bình Dương. 2 nhà lãnh đạo tuyên bố họ phản đối các lực lượng quân sự bên ngoài phá hoại hòa bình và ổn định khu vực.
Nga và Trung Quốc cam kết “tăng cường hơn nữa sự tin tưởng lẫn nhau về mặt quân sự”, tăng cường trao đổi và hợp tác về quân sự, đồng thời thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra chung trên biển và trên không.
Thực tế là 2 nước đã tiến hành các cuộc tập trận chung trên khắp thế giới kể từ khi chiến tranh nổ ra.
Tăng cường hợp tác kinh tế và năng lượng
Ông Putin ngày 21/3 cho biết Nga sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc “thay thế các doanh nghiệp phương Tây” đã rời khỏi Nga kể từ khi cuộc xâm lược Ukraina bắt đầu.
Cả hai nhà lãnh đạo cho biết họ sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác năng lượng chặt chẽ hơn, hỗ trợ các công ty của cả hai nước trong việc thúc đẩy các dự án hợp tác về dầu mỏ, khí đốt, than đá, điện và năng lượng hạt nhân.
Trong một bình luận trước báo giới, ông Putin nói thêm rằng việc tăng cường xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc đã được thảo luận, bao gồm cả việc “thực hiện sáng kiến xây dựng đường ống dẫn khí Power of Siberia 2 qua lãnh thổ Mông Cổ”.
Putin tuyên bố Nga sẵn sàng cung cấp dầu mỏ và khí đốt để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Như vậy, chuyến thăm Matxcova của ông Tập chủ yếu nhằm củng cố sự liên kết giữa Trung Quốc với Nga mà chính quyền Bắc Kinh coi là rất quan trọng để làm suy yếu ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ.
Giáo sư Jean-Pierre Cabestan tại Đại học Baptist Hồng Kông, nhận định rằng chuyến thăm của ông Tập rõ ràng đặt quan hệ Trung-Nga lên trên bất kỳ loại quan hệ song phương nào khác mà Trung Quốc có thể có.