Qua ứng dụng ChatGPT trong các lĩnh vực, sự phát triển công nghệ của trí tuệ nhân tạo (AI) gần đây đã thành điểm nóng công luận, Baidu Trung Quốc cũng không chịu kém cạnh khi ra mắt robot trò chuyện Ernie Bot, còn quân đội Trung Quốc cũng tuyên bố máy bay chiến đấu do AI điều khiển đã giành chiến thắng trong trận không chiến trên không. Tham vọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong ứng dụng AI vào quân sự đang đặc biệt được chú ý.
Cuộc chiến Mỹ – Trung về sức mạnh tính toán
Tuần trước, các chatbot AI dường như đã bước vào “thời chiến” (từ việc OpenAI phát hành GPT-4 đến việc Baidu phát hành Ernie Bot, Microsoft phát hành trợ lý AI Microsoft 365 Copilot của Office, Google tung ra chatbot Bard để thử nghiệm) đã làm tăng vọt nhu cầu về bộ xử lý đồ họa (GPU) với sức mạnh tính toán và khả năng học cực cao.
Lấy GPT-3.5 làm ví dụ, AI này cần tới 30.000 GPU NVIDIA A100 để hỗ trợ sức mạnh tính toán, nhưng chip dòng A100 và H100 của NVIDIA vào tháng 8/2022 đã bị Mỹ hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc, sau đó NVIDIA đã ra mắt A800 GPU để tránh lệnh cấm kiểm soát xuất khẩu, giữa hai loại có sự khác biệt đáng kể về tốc độ truyền, A100 là 600GB mỗi giây trong khi chip A800 chỉ còn 400GB mỗi giây.
Theo DIGITIMES, có tin đồn rộng rãi rằng trước đó Baidu không chỉ mua sạch toàn bộ chip A100 mà còn đặt đơn đặt hàng lớn với NVIDIA cho càng nhiều chip A800 càng tốt. NVIDIA đã ngừng sản xuất A100 vào ngày 1/3.
Tờ SCMP đưa tin, trong một cuộc hội thảo kín gần đây của Hiệp hội AI Trung Quốc, những người tham gia trong ngành đã đề cập Mỹ đang dẫn trước Trung Quốc về sức mạnh tính toán chủ yếu là do lợi thế GPU của Mỹ. Sau khi lệnh cấm của Mỹ được thực hiện, các nhà sản xuất Trung Quốc không thể có được A100 cao cấp, vì vậy gom GPU có sức mạnh tính toán kém hơn để hy vọng chiến thẳng bằng số lượng, dù vậy sức mạnh tính toán vẫn là yếu tố quyết định để giành chiến thắng.
Ngày 16/3, Baidu đã ra mắt Ernie Bot, do thiếu phần trình diễn trực tiếp nên từng có thời điểm bị người dùng trực tuyến chỉ trích gay gắt, giá cổ phiếu giảm mạnh.
Vài ngày trước cuộc họp báo, trang công nghệ LaoYaoBa Trung Quốc đã nhận được biên bản cuộc họp nội bộ của Baidu, cho biết Ernie Bot của Baidu đã lần lượt sử dụng NVIDIA A100 và Siyuan 590 của Cambrian Trung Quốc, kết quả phát hiện so với NVIDIA A100 thì Siyuan 590 cần thêm 20% đến 30% công việc và thời gian, vẫn ưu tiên sử dụng A100 cho Ernie Bot. Nhưng sau khi nguồn cung A100 bị cắt và lượng hàng đã mua trước đó được sử dụng hết, liệu Ernie Bot có “trở nên ngu ngốc” hay giảm hiệu quả không đã trở thành tâm điểm chú ý.
Cuộc chiến AI lan sang lĩnh vực quân sự
Nói với Epoch Times vào ngày 18/3, chuyên gia quân sự và nhà nghiên cứu của Quỹ Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Đài Loan là Jie Zhong cho biết, từ lâu việc sử dụng AI cho tương lai chiến tranh đã là mục tiêu phát triển của các cường quốc quân sự lớn trên thế giới. Mỹ đã bắt đầu đẩy mạnh dùng AI cho quân sự.
Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng Mỹ (DARPA) ngày 13/2 thông báo, đã thử nghiệm thành công máy bay chiến đấu F-16 bằng phần mềm AI tại Căn cứ Không quân Edwards ở California. Thuật toán này bắt đầu vào năm 2019 với chương trình Air Combat Evolution (ACE) của Lầu Năm Góc; trong khi các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc đã báo cáo vào tháng 3 rằng trong một trận không chiến tầm gần, một máy bay chiến đấu không người lái do AI điều khiển đã có thể đạt được mục tiêu trong vòng 90 giây đánh bại một máy bay chiến đấu khác do con người điều khiển từ xa.
Ngày 17/3, nhà nghiên cứu Wang Xiuwen tại một tổ chức tư vấn quốc phòng ở Đài Loan nói với Epoch Times rằng Mỹ vẫn bảo đảm duy trì vị trí dẫn đầu trong ứng dụng AI trong quân sự.
Theo phân tích của chuyên gia Jie Zhong, tác động chính của AI đối với tác chiến trong tương lai nằm ở hệ thống vũ khí hoặc hệ thống chỉ huy chiến đấu liên hợp, sẽ phát huy hết khả năng của AI trong việc đưa ra quyết định độc lập và hành động độc lập, khiến cho thời gian vòng tác chiến truyền thống gồm “quan sát – phán đoán – quyết định – tấn công” (OODA) được rút ngắn thành phản ứng gần như tức thì, có thể đạt được bước nhảy vọt về tốc độ hành động và nhịp điệu chiến đấu.
Chuyên gia Đài Loan Wang Xiuwen nói rằng Mỹ đã bắt đầu sử dụng AI để tiến hành huấn luyện chiến đấu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, còn Trung Quốc vẫn chưa thể thực hiện được các cuộc tập trận như vậy.
Theo đánh giá của Jie Zhong, quân đội ĐCSTQ hiện tại đã đạt được một số thành tựu trong các nền tảng chiến đấu không người lái như máy bay không người lái, phương tiện lặn không người lái, phương tiện đổ bộ không người lái và thuyền chiến đấu không người lái, nhưng vẫn chỉ thực hiện nhiệm vụ giản đơn chứ chưa thể có được khả năng phối hợp tác chiến ở tầm quy mô bầy đàn.
Chiến thắng trong cuộc đua AI Mỹ-Trung sẽ thế nào?
Tác giả sách “Cuộc chiến Chip” (Chip Wars) là phó giáo sư lịch sử quốc tế tại Đại học Tufts (Mỹ), ông Chris Miller, đề cập rằng từ những năm 1970 người ta đã ý thức xu thế kết hợp sức mạnh tính toán trong quân sự sẽ thay đổi hoàn toàn hình thái chiến tranh. Ví dụ ở Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thất bại của chiến lược bán dẫn cùng vấn nạn đạo văn gây ra tình trạng lạc hậu về công nghệ dẫn đến suy thoái kinh tế, hệ quả là thua trong Chiến tranh Lạnh.
ĐCSTQ xem phát triển AI là chiến lược quốc gia bắt đầu từ đầu nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập Cận Bình, với mục tiêu cạnh tranh với Mỹ. Năm 2017 ĐCSTQ công bố kế hoạch mang tên “Kế hoạch phát triển AI thế hệ mới”, theo đó đặt ra ba giai đoạn với mục tiêu là đến năm 2030 năng lực AI trong nghiên cứu cơ bản và ứng dụng công nghệ của Trung Quốc đạt trình độ hàng đầu thế giới.
Kế hoạch này đã thu hút sự chú ý của giới quân sự và tình báo Mỹ. Tháng 3/2021, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ về AI (NSCAI) đệ trình báo cáo lên Tổng thống Biden và Quốc hội, theo đó Trung Quốc đã được nhắc đến 699 lần cảnh báo năng lực của ĐCSTQ đã gây ra mối đe dọa cho Mỹ.
Phó chủ tịch NSCAI kiêm nguyên Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work đã đề cập trong một báo cáo đưa ra vào cuối năm 2017 rằng, Mỹ cần khởi động “chiến lược bù đắp thứ ba” để nỗ lực sử dụng những tiến bộ của AI cho các hệ thống tự động nhằm cải thiện khả năng chiến đấu của quân đội Mỹ.
Chuyên gia Đài Loan Jie Zhong tin rằng “chiến lược bù đắp thứ ba” Mỹ đưa ra là nhắm vào ĐCSTQ và Nga, gần 80% dự án có liên quan mật thiết đến công nghệ AI, mục tiêu là đến năm 2030 có 60% nền tảng chiến đấu trên bộ của quân đội Mỹ áp dụng được AI không người lái.
Đối với ĐCSTQ, ông Jie Zhong cho rằng kế hoạch của ĐCSTQ là trước năm 2049 có đủ khả năng vận hành chiến tranh thông minh, để có thể dần dần bắt kịp hoặc thậm chí vượt qua Mỹ. Tuy nhiên, vì trong những năm gần đây Mỹ đã tăng cường kiểm soát trong các lĩnh vực công nghệ cao như chip, nên tác động đáng kể đến việc ĐCSTQ có thể đạt được các mục tiêu đó.
Vai trò quan trọng của nhà văn khoa học viễn tưởng
Hơn một năm sau khi Nga tiến hành cuộc chiến xâm lược toàn diện vào Ukraine, cả hai bên đã sử dụng máy bay không người lái để xác định vị trí và theo dõi lực lượng của đối phương cũng như hướng dẫn các cuộc tấn công bằng pháo binh. Các nhà phân tích quân sự tin rằng trong tương lai, máy bay không người lái có thể xác định, lựa chọn và tấn công mục tiêu thông qua sự hỗ trợ của AI mà không cần sự trợ giúp của con người.
Chuyên gia Wang Xiuwen chỉ ra rằng AI là công nghệ cơ bản của chiến tranh thông minh: “Hình thái chiến tranh sẽ có những thay đổi lớn nếu tất cả vũ khí và thiết bị liên lạc như vệ tinh đều được trang bị AI, ví dụ như chiến tranh không người bằng vũ khí không người lái”.
Với xu thế AI hóa trong chiến tranh, một nhóm chuyên gia cố vấn SIGMA bao gồm các nhà văn khoa học viễn tưởng đang cung cấp những ý tưởng mới cho Lực lượng Không quân Mỹ, NATO, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng bắt đầu mời các nhà văn khoa học viễn tưởng cung cấp các đề xuất mang tính cách mạng về quốc phòng.
Wang Xiuwen cho rằng các đơn vị quốc phòng có thể cân nhắc mời các nhà văn khoa học viễn tưởng tham gia vào cách ứng phó với các cuộc chiến trong tương lai.
Theo Lâm Tâm, Epoch Times