Tin thế giới sáng thứ Bảy: Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố “Triều Tiên sẽ phải trả giá sau loạt vụ thử tên lửa khiêu khích liều lĩnh”

Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố: Triều Tiên sẽ phải trả giá sau loạt vụ thử tên lửa khiêu khích liều lĩnh

Tạ Linh

Hàn Quốc tuyên bố sẽ khiến Triều Tiên phải trả giá vì những hành động mà Seoul cho là liều lĩnh. (Ảnh: REUTERS/Wikipedia).

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 24/3 tuyên bố sẽ buộc Triều Tiên phải trả giá vì những hành động thử tên lửa khiêu khích liều lĩnh với mật độ chưa từng thấy.

Ông Suk-yeol phát biểu được Yonhap dẫn lời: “Triều Tiên đang phát triển vũ khí hạt nhân từng ngày và tiến hành các vụ thử tên lửa khiêu khích liều lĩnh với mật độ chưa từng thấy. Tôi chắc chắn Triều Tiên sẽ phải trả giá cho những hành động này”.

Cảnh báo trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên thông báo vừa tiến hành một vụ thử thiết bị không người lái dưới nước có khả năng tấn công hạt nhân. Thiết bị này lặn sâu 80-150m trong vòng hơn 59 giờ đồng hồ và kích nổ ở vùng biển phía đông.

Hãng thông tấn KCNA cho biết, Quân ủy Trung ương đảng Lao động Triều Tiên đã chỉ đạo cuộc diễn tập “nhằm cảnh báo kẻ thù về một cuộc khủng hoảng hạt nhân thực sự và xác minh độ tin cậy của lực lượng phòng vệ hạt nhân”.

Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm vũ khí mới trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận chung kéo dài 11 ngày Lá chắn Tự do, kết thúc hôm 23/3. Đây là cuộc tập trận chung lớn nhất giữa hai nước 5 năm qua.

Mỹ lo ngại Nga ủng hộ Trung Quốc phát triển hạt nhân

Liên Thành

Ngoại trưởng Antony Blinken và Tổng thống Joe Biden (ảnh: Bloomberg).

Chính quyền tổng thống Mỹ Joe Biden ngày càng lo ngại về khả năng Nga đang hỗ trợ Trung Quốc phát triển vũ khí hạt nhân bằng cách cung cấp uranium được làm giàu cao cho nước này.

Ngoại trưởng Antony Blinken nói trong phiên điều trần trước quốc hội hôm thứ Tư: “Sự hỗ trợ ngoại giao, hỗ trợ chính trị của họ và ở một mức độ nào đó hỗ trợ vật chất cho Nga chắc chắn đi ngược lại lợi ích của chúng tôi trong việc chấm dứt cuộc chiến này. Họ đã nói về một quan hệ đối tác không có giới hạn”.

Lĩnh vực quan tâm mới mà chính quyền Tổng thống Joe Biden bày tỏ bắt nguồn từ hợp tác hạt nhân giữa Nga và Trung Quốc. Trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12, Nga đã xuất khẩu một khối lượng lớn uranium được làm giàu cao sang Trung Quốc.

Theo Bloomberg, uranium được dùng để làm nhiên liệu cho một lò phản ứng sinh sản nhanh ở tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc, dự kiến ​​sẽ bắt đầu hoạt động trong năm nay.

John Plumb, trợ lý bộ trưởng quốc phòng giám sát chính sách vũ trụ và hạt nhân của Mỹ, cảnh báo nguy cơ việc Nga cung cấp uranium làm giàu có thể dẫn đến việc Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân. 

Ông cho biết tại một phiên điều trần vào đầu tháng 3: “Thật đáng lo ngại khi thấy Nga và Trung Quốc hợp tác về vấn đề này”.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với báo Nikkei: “Các quốc gia hạt nhân có trách nhiệm không nên đưa vật liệu phân hạch vào các chương trình hạt nhân của Trung Quốc mà không hiểu tiềm năng leo thang, không hiểu bản chất gây bất ổn, không hiểu hậu quả của việc chuyển giao đó”. 

Quan chức này nói rằng Mỹ đã đạt được rất ít hoặc không đạt được tiến bộ nào trong việc thiết lập đối thoại với Trung Quốc về năng lực hạt nhân và kêu gọi Bắc Kinh đưa ra sự minh bạch hơn về các chương trình hạt nhân của mình.

Tại Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, dân biểu Mike Turner và hai thành viên cấp cao khác của Đảng Cộng hòa đã gửi một bức thư ngỏ tới Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc, cảnh báo ông rằng “Sự hợp tác hạt nhân của Nga và Trung Quốc sẽ đi rất xa, xa hơn là chỉ các dự án dân sự”.

“Chính quyền nên sử dụng tất cả các công cụ có sẵn để ngăn chặn sự hợp tác nguy hiểm của Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Nga Rosatom và Trung Quốc”, bức thư khuyến nghị.

Chính quyền Biden đã phát hiện ra rằng Trung Quốc đang mở rộng đáng kể khả năng hạt nhân của mình. Trong một báo cáo thường niên được công bố vào tháng 11 năm ngoái, Ngũ Giác Đài ước tính rằng Trung Quốc sẽ tăng gấp ba kho dự trữ lên 1.500 đầu đạn hạt nhân vào năm 2035.

Jacob Stokes, một thành viên cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu về An ninh mới của Mỹ có trụ sở tại Washington, cho biết: “Một hạn chế lịch sử đối với kho vũ khí của Bắc Kinh là thiếu vật liệu phân hạch để chế tạo vũ khí mới. Các chuyến hàng của Nga cung cấp cho Trung Quốc uranium, với quá trình xử lý bổ sung, có thể đi vào đầu đạn hạt nhân mới, do đó giảm bớt hạn chế đó.”

Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách với Mỹ về số lượng đầu đạn và quân đội Trung Quốc đang xây dựng khả năng tấn công lục địa Mỹ. Có vẻ như Trung Quốc đang tìm cách triển khai một kho vũ khí có khả năng tấn công Mỹ nhằm nỗ lực tạo ra hiệu ứng răn đe ngăn cản các lực lượng Mỹ tham gia vào một cuộc khủng hoảng bùng phát ở Biển Đông hoặc Đài Loan.

Lyle Morris, thành viên cấp cao tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á và là cựu giám đốc quốc gia về Trung Quốc tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng, cho biết việc chuyển giao uranium đã được làm giàu là “một vấn đề khá lớn” và rằng “hai nước đã trở nên thân thiết như thế nào trong lĩnh vực quân sự và vũ khí hạt nhân.”

Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin trong chuyến thăm cấp nhà nước vào đầu tuần này. Hai nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược, cùng với tuyên bố chung về kế hoạch hợp tác kinh tế đến năm 2030.

Patrick M. Cronin, chủ tịch an ninh châu Á-Thái Bình Dương của Viện Hudson, nhấn mạnh rằng “Putin sử dụng các nguồn lực chiến lược để buộc Trung Quốc đứng về phía mình, trong khi Tập khai thác sự tuyệt vọng của Nga để trói buộc Putin và nới lỏng năng lượng, hạt nhân giá rẻ, nhiên liệu và các lợi ích an ninh khác.”

Ryan Hass, một thành viên cao cấp tại Viện Brookings, nói rằng nếu sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc tăng lên, Matxcova có thể hỗ trợ các bước đột phá của Trung Quốc ở Bắc Cực hoặc để Bắc Kinh tiếp cận các căn cứ quân sự do Nga sử dụng ở những nơi khác trên thế giới. Ông cũng nêu ra khả năng hợp tác phát triển tàu ngầm hoặc chia sẻ thông tin tình báo tiên tiến và sâu hơn.

Nhiều nơi ở Giang Tây hứng chịu mưa đá lớn, vỡ kính ô tô, mùa màng bị hư hại

Liên Thành

Vào ngày 22 tháng 3, tại Ninh Đô và Thạch Thành, thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc đã hứng chịu những trận mưa đá cực lớn, hạt mưa to bằng quả trứng, khiến nhiều phương tiện bị hư hại, mùa màng và nhà kính bị thiệt hại nghiêm trọng. (Ảnh: thepaper).

Vào ngày 22 tháng 3, tại Ninh Đô và Thạch Thành, thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc đã hứng chịu những trận mưa đá cực lớn, hạt mưa to bằng quả trứng, khiến nhiều phương tiện bị hư hại, mùa màng và nhà kính bị thiệt hại nghiêm trọng. Các nhà chức trách đã đưa ra cảnh báo mưa đá màu da cam.

Theo The Paper đưa tin, vào chiều ngày 22 tháng 3, những trận mưa đá lớn đã rơi xuống Ninh Đô, Thạch Thành và Hưng Quốc ở thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây, những hạt mưa đá rơi xuống có kích thước lớn nhỏ như bánh trôi nước.

Theo báo cáo của Sohu, Đài quan sát khí tượng huyện Thạch Thành, thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây đã phát tín hiệu cảnh báo mưa đá màu cam vào lúc 16:06 ngày 22/3/2023: Dự kiến ​​trong 6 giờ tới, làng Đại Do, làng Phong Sơn, thị trấn Cám Giang Nguyên, thị trấn Cao Điền, thị trấn Hoành Giang, làng Long Cương, làng Mộc Lan, thị trấn Bình Sơn, thị trấn Cầm Giang, thị trấn Tiểu Tông, làng Châu Khanh có thể xảy ra mưa đá kèm theo thời tiết đối lưu mạnh như giông bão, gió mạnh và mưa lớn trong thời gian ngắn. Vui lòng thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Cư dân mạng địa phương phản ánh rằng vào chiều ngày 22, tại Thạch Thành, thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây gặp phải một trận mưa đá dữ dội, các bức ảnh chụp cho thấy hạt mưa đá lớn nhất có kích thước bằng quả trứng, cửa kính của một số ô tô bị mưa đá đập vỡ. ​

Hoa màu thủng lỗ chỗ, thậm chí cả tấm ni lông giữ ẩm cũng bị thủng.

Đoạn video do cư dân mạng đăng tải cho thấy, vào ngày 22, thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây hứng chịu trận mưa đá lớn, hạt mưa đá to bằng quả trứng, nhiều cửa kính ô tô bị vỡ.

Trung Quốc: Một cuộc khủng hoảng đã đến điểm nguy kịch, liệu quân đội và cảnh sát sẽ buộc phải nổi dậy?

Tạ Linh

Ảnh: Bloomberg.

Cách đây ít lâu, theo creaders.net, giới trẻ Trung Quốc đã sử dụng hình ảnh văn học Khổng Ất Kỷ (Kong Yiji), một nhà nho lỗi thời, nghèo túng trong tác phẩm của Lỗ Tấn để tự cười nhạo bản thân, thể hiện sự hoang mang và đau đớn khi thất nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học. Sự phổ biến của văn học Khổng Ất Kỷ phản ánh mức độ nghiêm trọng của vấn đề thất nghiệp ở Trung Quốc, vì vậy các phương tiện truyền thông chính thức của chính quyền Trung Quốc và Ủy ban Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra các bài báo để dập lửa.

Vào ngày 21 tháng 3, một bài báo khác xuất hiện ở Trung Quốc, kể về câu chuyện của một sinh viên tốt nghiệp đại học 211 kiếm được hơn 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng bằng cách nhặt rác. Cư dân mạng đã bình luận gay gắt ở khu vực bình luận, chỉ ra rằng bài báo là giả tạo, họ tức giận nói: “tạo dáng chụp ảnh có thể chuyên nghiệp hơn chút được không?”; “Vậy còn xây trường trường đại học hoặc cấp 3 làm gì nữa? Đợi  khi 16 tuổi đến sạp bán thịt lợn nhặt ve chai là được rồi”.

Một bài viết trên trang “pincong” bình luận rằng điều này cho thấy vấn đề thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp đại học Trung Quốc có thể đã đến điểm giới hạn.

Bài báo cho rằng tờ “Nhân dân nhật báo” nói rằng hiện tượng Khổng Ất Kỷ của sinh viên đại học là vì họ không thể buông bỏ thể diện của mình làm những việc nặng nhọc, hiện còn có một đoạn video ngắn do truyền thông chính thức đăng tải nói rằng một cô gái tốt nghiệp trường đại học 211 ở tỉnh Hà Nam kiếm được 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng nhờ nhặt ve chai. Các bài báo trên các phương tiện truyền thông như Nhân dân Nhật báo cũng đều để ý đến và đưa ra những nhận xét, điều này nói rõ hai vấn đề: Một là tình trạng thất nghiệp hàng loạt của sinh viên tốt nghiệp đại học, hai là thị trường lao động không phù hợp với ngành học.

Bài báo cho biết, năm 2017, trên trang Zhihu, có người đặt câu hỏi về khó khăn trong việc làm của sinh viên đại học, tức là ít nhất sáu năm trước, khó khăn trong việc làm của sinh viên đại học đã rất nổi cộm. Nếu một sinh viên đại học lần đầu không tìm được việc làm, thì lần sau sẽ ngày càng khó tìm việc hơn. Một mặt, dân số Trung Quốc đang già đi nghiêm trọng và cần dưỡng lão, mặt khác, lại có một lượng lớn nhân lực nhàn rỗi. Những người này không có công ăn việc làm nên đương nhiên mong muốn kết hôn và sinh con của họ thấp. Nếu điều này tiếp tục trong một thời gian dài, các mỏ người của TQ sẽ cạn kiệt nhanh hơn, tạo thành một vòng tuần hoàn ác tính.

Ông Triệu, một nhà bình luận Internet ở Bắc Kinh, nói rằng nhiều người ở Bắc Kinh hiện không tìm được việc làm, bao gồm cả sinh viên đại học, thậm chí cả nghiên cứu sinh hay tiến sĩ đều thất nghiệp, tình hình vô cùng nghiêm trọng. “Foxconn đang dần rút lui, các doanh nghiệp tư nhân trong nước từng lọt vào danh sách giàu có cũng tháo chạy, không còn niềm tin đầu tư, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ đều nằm thẳng. Số lượng sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ ở Bắc Kinh năm nay vượt xa cử nhân, tất cả đều phải đối mặt với vấn đề việc làm và không tìm được việc làm. Một thời đại đã kết thúc rồi”.

Không chỉ sinh viên đại học, vấn đề thất nghiệp của Trung Quốc còn lan rộng đến cơ quan nhà nước.

Có người đăng tin rằng, bản thân đang học tại một trường cấp 3 trọng điểm ở tỉnh Giang Tây, từ tuần trước liên tục có thông tin giáo viên bị nợ lương thưởng, thậm chí hiệu trưởng còn dẫn đầu các giáo viên đến căng tin biểu tình, yêu cầu Sở Giáo dục thành phố trả lương. Đến tuần này, các giáo viên bắt đầu đình công tập thể, các giáo viên nói rằng họ thậm chí không được phát lương cơ bản, và cảm thấy rằng tài chính địa phương sẽ bùng nổ, bây giờ các giáo viên đã đến cổng tòa thị chính để phản đối.
sound of Hope cho biết, một cư dân mạng có tên “Tạ Vạn Quân” đã tweet rằng bây giờ không có tiền để trả lương cho giáo viên thì trong tương lai sẽ không có tiền để trả lương cho quân đội. Dùng máy in để in tiền trả lương, tiền gửi buổi sáng mua được một bao hạt kê, nhưng buổi chiều chỉ mua được nửa bao hạt kê, đến lúc đó cảnh sát, quân đội sẽ nổi loạn, bởi vì nổi loạn thì còn sống được, còn tiếp tục dây dưa với kẻ độc tài thì chỉ có chết đói hoặc bị đánh chết.

Số người thiệt mạng trong vụ cháy kho nhiên liệu ở Indonesia tăng lên 33

Cơ quan y tế Indonesia ngày 24/3 cho biết số người chết trong vụ hỏa hoạn tại một kho chứa nhiên liệu của Indonesia do công ty năng lượng nhà nước Pertamina điều hành đã tăng lên 33 người, với gần chục người khác trong tình trạng nguy kịch.

Các quan chức hàng đầu đã kêu gọi kiểm tra các cơ sở năng lượng của Indonesia sau vụ cháy ngày 3/3 xé toạc một khu dân cư gần đó, thiêu rụi các ngôi nhà và đốt cháy ô tô bên cạnh kho chứa ở thủ đô Jakarta.

“Tính đến hôm nay, tổng cộng 33 người đã chết và 11 người vẫn đang được điều trị. Họ đang ở ICU [phòng chăm sóc đặc biệt] và tình trạng của họ rất nghiêm trọng”, ông Luigi, phát ngôn viên cơ quan y tế Jakarta, nói với AFP hôm thứ Sáu.

Các nhà chức trách trước đó đã đưa ra con số tử vong là 18 người một ngày sau vụ cháy.

Hàng nghìn người đã buộc phải sơ tán khi đám cháy bùng phát.

Các nhân chứng ví vụ hỏa hoạn giống như một vụ nổ bom sau khi đám cháy ban đầu khiến người dân địa phương hoảng sợ la hét và bỏ chạy qua những con đường hẹp với quả cầu lửa thắp sáng bầu trời Jakarta phía sau họ.

Công ty Pertamina đã xin lỗi và một trong những giám đốc của họ đã bị sa thải.

Công ty nhà nước này cho biết đã phát hiện rò rỉ đường ống trước khi đám cháy bắt đầu.

Nhưng những lời chỉ trích về vụ nổ đã buộc chính phủ phải xem xét di dời cơ sở hoặc cư dân sống bên cạnh nó.

Tổng thống Joko Widodo đã đến thăm những người sống sót và kêu gọi thống đốc Jakarta cùng các bộ trưởng tìm giải pháp cho các kho nhiên liệu nằm gần khu dân cư để tránh thảm họa lặp lại.

Giám đốc của Pertamina, Nicke Widyawati, nói với các phóng viên vào tuần trước rằng không thể di dời kho chứa ngay lập tức vì nó có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp nhiên liệu quốc gia.

Vụ hỏa hoạn là một trong nhiều vụ cháy xảy ra tại các cơ sở của công ty trong những năm gần đây.

Một đám cháy lớn bùng phát vào năm 2021 tại nhà máy lọc dầu Balongan ở Tây Java, cũng thuộc sở hữu của Pertamina và là một trong những cơ sở lớn nhất của Indonesia.

Cũng kho hàng đó đã xảy ra hỏa hoạn vào năm 2009 và một lần nữa vào năm 2014, khi ngọn lửa lan sang 40 ngôi nhà gần đó. Không có thương vong nào được báo cáo trong cả hai trường hợp trên.

Nhật Minh (theo AFP)

Ông Medvedev: Bắt giữ ông Putin ở nước ngoài đồng nghĩa tuyên chiến với Nga

(Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev/Ảnh: Getty Images)

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, phát biểu hôm 23/3 rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin theo lệnh của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) về tội ác chiến tranh sẽ bị coi như một “lời tuyên chiến” chống lại Nga.

Ông Medvedev trả lời trong một cuộc phỏng vấn với các nhà báo Nga, trong đó có hãng thông tấn nhà nước TASS rằng: “Hãy tưởng tượng – chắc chắn là tình huống như vậy sẽ không bao giờ xảy ra, nhưng hãy cứ tưởng tượng rằng điều đó sẽ đến. Người đứng đầu đương nhiệm của một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đến Đức chẳng hạn, và bị bắt. Điều này có nghĩa là gì? Chính là một lời tuyên chiến chống lại Nga”.

Cựu Tổng thống Nga tiếp tục: “Trong tình huống như vậy, tất cả vũ khí của chúng tôi sẽ nhắm vào Bundestag (Quốc hội Liên bang Đức), Văn phòng Thủ tướng [Đức], và hơn thế nữa”.

Bình luận của ông Medvedev nhằm đáp trả lại lời tuyên bố trong tuần này của Bộ trưởng Tư pháp Liên bang Đức Marco Buschmann rằng Berlin sẽ phải thi hành quyết định của ICC và bắt giữ ông Putin nếu ông đặt chân lên lãnh thổ của họ.

Ông Medvedev giễu cợt: “Liệu ông ấy có nhận ra rằng đó là một lời kích động chiến tranh, một lời tuyên chiến? Hay ông ta là một sinh viên luật kém hiểu biết?”

Tuần trước, ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Putin, cáo buộc ông phạm tội ác chiến tranh vì đã trục xuất trái phép hàng ngàn trẻ em từ các vùng lãnh thổ Ukraine đến Nga. Luật pháp quốc tế nghiêm cấm các quốc gia chiếm đóng chuyển dân thường từ khu vực bị chiếm đóng sang các vùng lãnh thổ khác.

Trong một tuyên bố công khai, Moscow đã không phủ nhận các cáo trạng trên, tuyên bố rằng hàng ngàn trẻ em Ukraine đã được đưa đến Nga trong một chiến dịch nhân đạo nhằm bảo vệ trẻ mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi trong khu vực xung đột.

Ngược lại, Điện Kremlin khẳng định lệnh bắt giữ là bất hợp pháp, cho rằng Nga cũng giống như Trung Quốc và Hoa Kỳ không công nhận quyền tài phán hoặc thẩm quyền của ICC.

“Chúng tôi không công nhận tòa án này; chúng tôi không công nhận quyền tài phán của nó”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời các nhà báo ở Moscow hôm 21/3.

Bên cạnh việc tìm cách bắt giữ ông Putin, ICC còn tiết lộ trong một tuyên bố vào ngày 17/3 rằng họ đã ban hành lệnh bắt giữ bà Maria Alekseyevna Lvova-Belova, Ủy viên phụ trách Quyền trẻ em tại Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga, với những cáo buộc tương tự.

Tòa án cho biết: “Các tội ác này bị cáo buộc đã được thực hiện trên vùng lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng ít nhất là từ ngày 24/2/2022”, cũng là ngày mà Nga xâm lược Ukraine.
“Ngày tận thế hạt nhân”

Giữ chức Tổng thống Nga từ năm 2008 đến năm 2012, ông Medvedev tự cho mình là một nhà cải cách thân phương Tây. Tuy nhiên, kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2/2022, ông đã trở thành một trong những nhân vật hiếu chiến công khai nhất của Nga, đã xúc phạm các nhà lãnh đạo phương Tây và đưa ra một loạt cảnh báo hạt nhân.

“Có phải mối đe dọa về một cuộc xung đột hạt nhân đã biến mất? Không, không phải thế. Nó đang phát triển. Mỗi ngày khi các vũ khí nước ngoài được trao cho Ukraine thì cuối cùng lại đưa ngày tận thế hạt nhân này đến gần hơn”, ông Medvedev lên tiếng hôm 23/3, chỉ vài ngày sau khi ông được cho là đã đe dọa nhắm vào tòa án hình sự ở Hague bằng tên lửa có khả năng mang hạt nhân siêu thanh.

Ông Putin coi cuộc chiến ở Ukraine là một cuộc đấu tranh sinh tồn để bảo vệ nước Nga khỏi những gì mà ông gọi là một phương Tây kiêu ngạo, hiếu chiến và đang muốn tiêu diệt Nga.

Phương Tây phủ nhận việc họ muốn phá hủy nước Nga và giải thích họ đang giúp Ukraine chống lại một cuộc xâm chiếm theo kiểu đế quốc. Ukraine sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi tất cả binh lính Nga bị trục xuất khỏi lãnh thổ của họ.

Theo ông Medvedev, quan hệ với phương Tây một ngày nào đó sẽ được cải thiện, mặc dù sẽ mất nhiều thời gian.

Ông Medvedev phát biểu: “Tôi tin rằng sớm hay muộn thì tình hình sẽ ổn định và các cuộc đối thoại sẽ được nối lại, nhưng tôi chân thành hy vọng rằng vào lúc ấy, phần lớn những người đó [các nhà lãnh đạo phương Tây] đã nghỉ hưu và một số người đã chết”.

Vy An (Theo Epoch Times)

Related posts