Hà Sĩ Phu
(Nhân ngày giỗ thứ 97 của cụ Phan Châu Trinh, 24/3/2023)
Ngày 21/3/2006 báo Nhân dân đã đăng một bài của nhà văn Nguyên Ngọc, tán thành ý kiến của 2 người đồng chí thân thiết nhất của Phan Châu Trinh là Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp, rằng “Phan Châu Trinh là NHÀ CÁCH MẠNG ĐẦU TIÊN của Việt Nam”, chứ không chỉ là nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà yêu nước hay chiến sĩ giải phóng dân tộc… như nhiều người quan niệm.
Nhà văn Nguyên Ngọc giải thích 2 chữ “Cách mạng” của Phan Châu Trinh ở chỗ “không chỉ dừng lại ở vấn đề độc lập dân tộc”, “ông chủ trương một cuộc cách mạng xã hội chứ không chỉ là một cuộc chiến đấu chống ngoại xâm”, “ông chủ trương đưa dân tộc lên tầm cao mới, để hội nhập cùng thế giới mới, phát triển trong thế giới mới đó”, “nhà cách mạng là người chủ trương và thực hiện một cuộc thay đổi tận gốc xã hội, chuyển từ một xã hội này sang một xã hội khác, khác tận gốc, về cơ bản”.
Cảm ơn 2 chữ “CÁCH MẠNG” rất chính xác về Phan Châu Trinh, nhưng nếu chỉ mô tả tư tưởng của Phan Châu Trinh sơ lược như vậy e có thể bị hiểu cũng tương tự như con đường của “nhà cách mạng” Hồ Chí Minh chăng?
Thực ra nhà cách mạng Phan Châu Trinh khác hẳn với nhà cách mạng Hồ Chí Minh ở 2 điểm mấu chốt cực kỳ quan trọng:
1/ Về CON ĐƯỜNG CỨU NƯỚC: Muốn cứu nước phải hiểu nguyên nhân tại sao nước mình lại hèn yếu để chịu phận nô lệ trước ngoại bang? Vì chênh nhau một tầm văn minh! Nếu không nâng được tầm văn minh mà muốn đánh thắng kẻ mạnh hơn mình gấp bội thì phải nhờ cậy sức mạnh của nước khác, thì rốt cuộc kẻ đã giúp mình sẽ lại ngồi lên đầu mình, “nhân dân vẫn cứ là cái lưng con ngựa chỉ thay người cưỡi mà thôi”.
Vì “Mẫu quốc” là nước ở tầm văn minh cao hơn nên có những mặt tốt, hiện đại.
Muốn nâng tầm văn minh thì tốt nhất là khai thác mặt tốt, mặt dân chủ của “Mẫu quốc” để nâng dần trình độ của mình, và đấu tranh để cải biến dần mặt xấu của nó. Chế độ Thực dân chỉ là một giai đoạn nhất thời của lịch sử, nó sẽ tự mất đi khi nhân loại dần được “toàn cầu hóa” để thu dần khoảng cách về tầm văn minh giữa các dân tộc.
Vậy, muốn giành độc lập thì không được nhờ sức mạnh của nước khác, và giành độc lập chỉ là công đoạn sau cùng. Điều này hoàn toàn đối lập với con đường Cộng sản của Hồ Chí Minh và con đường của nhà ái quốc Phan Bội Châu…
2/ VỀ DÂN CHỦ HÓA XÃ HỘI: Trong mục đích xây dựng xã hội mới thì Phan Châu Trinh có cái nhìn toàn cục, kết hợp cả Đông và Tây, cả văn hóa-giáo dục với chính tri-kinh tế, nhưng đã phát hiện nhu cầu cốt lõi nhất là nhu cầu DÂN CHỦ.
Trong khi còn tạm thời chấp nhận sự thống trị của Pháp thì Phan Châu Trinh đã kiên quyết chống chế độ Quân chủ Phong kiến của nhà Nguyễn mà Pháp còn lợi dụng để nô dịch dân Việt.
Vào đầu thế kỷ 20, trong quá trình cư trú tại Pháp, tư tưởng Phan Châu Trinh đã chuyển biến từ CHỦ NGHĨA DÂN TỘC thành CHỦ NGHĨA DÂN TỘC-DÂN CHỦ (nationalisme démocratique).
Trong bài nói chuyện tại Sài-gòn cuối năm 1925 với chủ đề “QUÂN TRỊ chủ nghĩa và DÂN TRỊ chủ nghĩa”, ông phân tích về Viện Dân biểu (Chambre des députés), tức Hạ nghị viện của nước Pháp như sau:
“Bởi vì trong hạ-nghị-viện thế nào cũng có hai đảng, một đảng tả, một đảng hữu; nếu cái đảng tả chiếm số nhiều mà cầm quyền trong nước, thì đảng hữu nó xem xét chỉ trích, cho nên có muốn làm bậy cũng khó lắm.” (Tây-Hồ Phan-Châu-Trinh, Bài diễn thuyết Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa, Chân Phương ấn quán, Hà Nội 1926).
Do nhận thức “DÂN CHỦ = HỢP TÁC TẢ – HỮU”, trong thực tế Phan Châu Trinh đã tìm cách tạo ra một liên minh tả – hữu giữa những người Việt yêu nước.
Điều đáng tiếc là sau khi Phan Châu Trinh qua đời, trước sự công phá của phe cực hữu (thực dân) lẫn phe cực tả (cộng sản), liên minh này đã bị phá vỡ. Đó chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hai cuộc chiến tranh dẫm máu và việc thiết lập chế độ toàn trị cộng sản tại Việt Nam.
Theo Phan Châu Trinh, 2 phe đối lập Tả – Hữu không phải chỉ chấp nhận nhau mà rất cần có nhau, kẻ đối lập chính là ân nhân giúp mình ngày càng hoàn thiện. Trước đây cả Thế kỷ, Phan Châu Trinh chẳng những đã thấy nhu cầu cấp thiết phải Dân chủ hóa xã hội mà còn có quan niệm “rất cần có đối lập” để tự hoàn thiện mình, thì chủ nghĩa Cộng sản đến mãn đời cũng không thể có được.
KẾT LUẬN: Phan Châu Trinh chính là nhà tư tưởng kiệt xuất, về cả con đường cứu nước và Văn minh hóa xã hội. Ba khẩu hiệu nổi tiếng “Khai Dân Trí, chấn Dân khí, Hậu Dân sinh” chỉ là ba công việc cụ thể để thực hiện hai lý tưởng rất lớn kia mà thôi.
Nói về Cách mạng thì như thế mới đáng là CÁCH MẠNG TIỀN PHONG, chẳng những vượt trước thế kỷ mình đang sống mà vượt trước cả nhiều thế kỷ về sau. Nhưng nhà Cách mạng kiệt xuất và thánh thiện ấy đã không thắng nổi một xã hội chỉ biết thiển cận và thực dụng như xã hội Việt Nam lúc bấy giờ!.
Nếu Việt Nam biết theo Phan Châu Trinh? …Ôi! Ước mơ…! Nhưng Lịch sử chẳng bao giờ có chữ… NẾU!
24/3/2023
H.S.P