Liên Thành
Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đến thăm Nga từ ngày 20 đến ngày 22 và gặp gỡ Tổng thống Nga Putin trong nỗ lực thiết lập một trật tự thế giới mới. Vào thời điểm này, bài báo “Liên minh Trung – Nga 300 năm, 5 lần liên minh, 5 lần bị lừa” được lan truyền trên Internet Trung Quốc, ngay sau đó, nó đã bị chính phủ nước này xóa bỏ. Trước khi biến mất bài báo vẫn kịp thổi bùng lên làn sóng thảo luận sôi nổi trên khắp cõi mạng.
Vào ngày 23/3, theo báo chí nước ngoài đưa tin, chuyến thăm Nga đầu tiên của ông Tập Cận Bình sau khi tái đắc cử là đến Nga với vai trò trung lập, làm người hòa giải cho cuộc chiến Nga – Ukraina.
Theo nhà bình luận Tần Bằng (Qin Peng), hiện nay ông Putin đang bị quốc tế truy nã mà ông Tập lại đến thăm cùng với những món quà lớn, điều này tương đương với việc cho Điện Kremlin có khoảng hòa hoãn, liên minh đều mang lợi cho cả 2 phía, nhưng chính quyền Nga được lợi nhiều hơn.
Bài báo “Liên minh Trung – Nga 300 năm, 5 lần liên minh, 5 lần bị lừa” đã lan truyền trên Internet được viết vào tháng 1, nhưng bài báo tránh nói bất lợi cho chính phủ Trung Quốc, thậm chí còn đặc biệt bênh vực ĐCSTQ, nói rằng khi ngoại trưởng Trung Quốc và Nga điện đàm vào năm 2023, Bắc Kinh một lần nữa thể hiện quan điểm trung lập và sẽ không ủng hộ bất kỳ bên nào.
Nhà bình luận Tần Bằng chỉ ra rằng bài báo vẫn đề cập đến việc “ĐCSTQ bị lừa” nên vẫn bị xóa. Ông giải thích về năm lần hợp tác Trung-Nga:
Lần đầu tiên là vào thế kỷ 16, vào thời kỳ đầu lập quốc, lãnh thổ Nga được mở rộng từ 680.000 km2 lên hơn 10 triệu km2. Tuy nhiên, vì lo ngại về sự bất ổn ở phía đông, Nga đã cử sứ giả sang lập liên minh với nhà Thanh vào năm 1654 và ký hiệp ước không xâm lược lẫn nhau.
Nhưng sau khi hoàn tất quá trình bành trướng về phía tây, Nga đã xé bỏ hiệp ước và xâm chiếm vùng Đông Bắc Trung Quốc. Vào thời điểm đó, Hoàng đế Khang Hy đã hạ lệnh phát động chiến tranh. Cuối cùng, đội nhà Thanh giành chiến thắng và hai bên đã thống nhất ký kết Hiệp ước Nerchinsk Trung – Nga vào ngày 24/7 năm Khang Hy thứ 28.
Lần hợp tác Trung – Nga thứ hai là vào cuối thời nhà Thanh, Nga muốn xây dựng tuyến đường sắt đến Vladivostok ở phía đông bắc nên hai bên đã ký “Hiệp ước tương trợ chống lại kẻ thù”. Tuy nhiên, Nga một lần nữa xé bỏ giao ước và ép Trung Quốc ký một loạt hiệp ước bất bình đẳng, cắt bỏ tổng cộng 3,1 triệu km2 lãnh thổ của Trung Quốc mà đến nay vẫn chưa được trả lại.
Lần thứ ba, vào những năm đầu thời Trung Hoa Dân Quốc, Lãnh tụ Liên Xô khi đó là Joseph Stalin đã ủy quyền cho Đại sứ Liên Xô đầu tiên tại Trung Quốc dưới thời chính phủ Bắc Dương, ông Garakhan, ban hành “Tuyên bố của Nga Xô về Trung Quốc”. Tuyên bố này nhằm mục đích công bố việc Nga tiến tới bãi bỏ các hiệp ước bất bình đẳng của chính quyền Nga hoàng, và hứa hẹn trả lại tất cả những gì Nga đã cướp của Trung Quốc cho nhân dân nước này.
Tuyên bố này đã khơi dậy những phản ứng tích cực trong xã hội Trung Hoa Dân Quốc lúc bấy giờ, và ông Tôn Trung Sơn thậm chí còn thiết lập một liên minh quân sự và chính trị với nước Nga Xô viết.
Nhưng cuối cùng, liên minh này cũng tan vỡ vì Liên Xô không chỉ ủng hộ ĐCSTQ lật đổ Trung Hoa Dân Quốc mà còn xúi giục Ngoại Mông giành độc lập.
Lần thứ tư, vào năm 1945, Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch ký “Hiệp ước Hữu nghị và Liên minh Trung – Xô” để Liên Xô cử quân kháng Nhật, và đổi lấy việc Ngoại Mông tổ chức trưng cầu dân ý về nền độc lập.
Nhưng vào ngày thứ hai của hiệp ước, Nhật Bản đã đầu hàng Trung Quốc. Vào thời điểm đó, Liên Xô đã đưa quân đến vùng Đông Bắc Trung Quốc theo hiệp ước và nhân cơ hội này chiếm vùng Lữ Thuận và Đại Liên, mãi đến năm 1955 mới trao trả lại cho Bắc Kinh.
Lần thứ năm, lo sợ rằng Quốc Dân đảng sẽ phản công Trung Quốc, ĐCSTQ vừa lên nắm quyền đã thành lập liên minh với Liên Xô vào năm 1950 và ký “Hiệp ước đồng minh hữu hảo tương trợ Trung Quốc – Liên Xô”, đồng ý để Liên Xô thuê hai quân cảng của Trung Quốc là Lữ Thuận và Đại Liên.
Tuy nhiên, vào năm 1960, mối quan hệ giữa hai bên trở nên xấu đi, thậm chí còn xảy ra sự kiện đảo Trân Bảo khiến hai bên trở nên thù địch.
Nhà bình luận Tần Bằng lập luận rằng, trong cả 5 lần Matxcova và Bắc Kinh lập liên minh, Nga luôn là bên đầu tiên bội ước. ĐCSTQ đã biết điều đó từ lâu, nhưng họ vẫn ôm ấp huyễn tưởng rằng, chính vì Nga hiện đang rơi vào thế bất lợi nên Bắc Kinh có thể nhân cơ hội này để giành lại một số lợi ích chính trị và kinh tế.
Tuy nhiên, thời thế đang không ngừng biến đổi, chẳng hạn như cục diện trên chiến trường Nga – Ukraina có thể khuấy động nội bộ nước Nga, thậm chí khiến ông Putin khó lòng giữ được ngai vàng. Khi đó, liệu ĐCSTQ có đạt được ước nguyện của mình hay sẽ trở thành một bên trong cuộc chiến giữa con gà và quả trứng?.