Anh Tuấn
Đó là một khoảnh khắc chứa đựng nhiều thông điệp trong chuyến thăm Moscow được lên kế hoạch chặt chẽ của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình: Đứng ở ngưỡng cửa của Cung điện Grand Kremlin, ông nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng hai người họ đang “chứng kiến những thay đổi chưa từng có trong hơn một thế kỷ và chúng ta đang thúc đẩy chúng lại với nhau.”
“Tôi đồng ý,” Putin trả lời.
Lời nhận xét – được camera của điện Kremlin ghi lại – đưa ra một cái nhìn hiếm hoi về tham vọng của ông Tập và mối quan hệ của ông ta với Nga sau hơn một năm chiến sự ở Ukraine.
Trong khi Moscow ngày càng giống như một cấp dưới của Bắc Kinh, thì Tập Cận Bình có khả năng cung cấp một cứu cánh vững chắc cho Putin – đối tác chính của ông ta trong nỗ lực định hình lại thế giới nhằm hạn chế sự thống trị của Hoa Kỳ.
Tuyên bố khác thường của ông Tập như một tiêu đề cho cuộc hội đàm kéo dài hơn 10 giờ ở Điện Kremlin, kết thúc bằng những tuyên bố dài đầy những lời hoa mỹ về việc mở rộng “quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược” giữa Nga và Trung Quốc, cam kết ủng hộ cách tiếp cận đa phương đối với các vấn đề toàn cầu và chỉ trích Washington .
Trong tuyên bố kết luận của mình, Putin đã ca ngợi đề xuất của Trung Quốc về một giải pháp ở Ukraine, điều mà phương Tây đã bác bỏ vì cho rằng không khả thi. Nhà lãnh đạo Nga cũng đưa ra một loạt sáng kiến nhằm củng cố vai trò của đất nước ông như một nguồn cung cấp năng lượng và các nguyên liệu thô chính cho nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc. Ông đề xuất xây dựng các đường ống dẫn năng lượng mới, mời người Trung Quốc lấp đầy khoảng trống bị bỏ lại sau sự di dời của các doanh nghiệp phương Tây và tuyên bố sẽ thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.
Tập vẫn kín tiếng. Ông ta tránh bất kỳ cam kết chắc chắn nào liên quan đến các dự án cụ thể và chủ yếu xoay quanh những lời hoa mỹ chung chung và mơ hồ về việc mở rộng quan hệ.
Rana Mitter, giáo sư lịch sử và chính trị Trung Quốc tại Đại học Oxford, nói với hãng tin AP: “Thực tế, rất nhiều điều mà Vladimir Putin mong muốn đã không được đáp ứng. “Tập đã không đưa ra tuyên bố rõ ràng rằng ông ta ủng hộ Nga trong cuộc chiến Ukraine.”
Trên thực tế, có “cảm giác rằng Trung Quốc đang dành cho mình một đường lui trong việc từ bỏ sự ủng hộ tuyệt đối” đối với lập trường của Nga trong cuộc chiến, Mitter nói thêm.
Moscow và Bắc Kinh cho biết họ sẽ tăng cường liên lạc giữa quân đội hai nước và tổ chức nhiều cuộc tuần tra và tập trận chung trên biển và trên không, nhưng Trung Quốc không hề đề cập đến việc giúp đỡ vũ khí cho Nga, điều mà Mỹ và các đồng minh phương Tây khác lo lắng.
Phát biểu hôm thứ Tư trước một ủy ban của Thượng viện, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết cho đến nay Trung Quốc đã chú ý đến những cảnh báo mạnh mẽ của Hoa Kỳ về việc hỗ trợ vũ khí sát thương cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Ông nói: “Chúng tôi chưa thấy họ vượt qua ranh giới đó.”
Một nhà phân tích hàng đầu tại Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết Bắc Kinh muốn được nhìn nhận như một bên kiến tạo hòa bình và có ảnh hưởng ngoại giao.
Doug Wade, người đứng đầu nhóm nhiệm vụ Trung Quốc của DIA cho biết: “Vì vậy, tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ rất bối rối khi bị phát hiện công khai hỗ trợ Nga vũ khí sát thương”. “Điều này sẽ làm suy yếu toàn bộ câu chuyện của họ và hình ảnh mà họ đang cố gắng hết sức để thể hiện với thế giới.”
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Kirby đã mô tả mối quan hệ Putin-Tập là “một cuộc hôn nhân vì lợi ích”, trong đó họ tập hợp các nỗ lực để thách thức sự lãnh đạo của Hoa Kỳ và người Nga “chắc chắn là đối tác cấp dưới”. Ông nói thêm trong một cuộc họp ngắn đầu tuần này rằng Putin coi ông Tập là phao cứu sinh trong cuộc chiến ở Ukraine.
Nhiều nhà bình luận cho rằng hội nghị thượng đỉnh lần này đánh dấu việc Putin không giành được bất kỳ viện trợ cụ thể nào từ Bắc Kinh và củng cố vai trò ngày càng phụ thuộc của Nga trong liên minh với Trung Quốc.
“Trung Quốc đã hoàn tất sự thống trị đối với Nga,” Sam Greene, giáo sư chính trị Nga tại Đại học King’s College London, viết trên Twitter. “Mặc dù chắc chắn có những thỏa thuận mà chúng ta không biết, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc gia tăng đáng kể hỗ trợ quân sự cho Nga — thậm chí ông Tập cũng không có ý định tăng cường hỗ trợ Nga về mặt ngoại giao. Đây quả là một pha quay lưng đối với Putin.”
Sau hơn một năm tham chiến ở Ukraine và hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Đối mặt với những hạn chế của phương Tây đối với dầu mỏ, khí đốt và các mặt hàng xuất khẩu khác, Nga đã chuyển hướng dòng năng lượng sang Trung Quốc và mở rộng mạnh mẽ các mặt hàng xuất khẩu khác, dẫn đến thương mại song phương tăng 30%.
Việc phương Tây áp giá dầu của Nga đã buộc Moscow phải giảm giá mạnh cho Trung Quốc và các khách hàng khác, nhưng ngay cả khi phải bán dầu với giá thấp, thị trường Trung Quốc rộng lớn vẫn có thể đảm bảo nguồn thu từ dầu mỏ ổn định cho ngân quỹ của Kremlin.
Chris Weafer, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Macro-Advisory, cho biết miễn là Nga có thể giao dịch thương mại với Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác, thì nước này sẽ “không gặp nguy cơ hết tiền hay buộc phải nhượng bộ trên chiến trường”.
Trong khi thu lợi lớn từ tình thế tuyệt vọng của Moscow, Bắc Kinh chắc chắn sẽ tăng cường hỗ trợ Nga nếu thấy nước này suy yếu một cách nguy hiểm.
Alexander Gabuev, một thành viên cấp cao tại Carnegie Endowment, cho biết: “Kịch bản ác mộng đối với Trung Quốc là sự sụp đổ quân sự của Nga dẫn đến sự sụp đổ của chế độ và sự thành lập của một chính phủ thân phương Tây”.
Gabuev lập luận rằng Bắc Kinh cảm thấy chưa cần thiết phải cung cấp bất kỳ hỗ trợ quân sự trực tiếp nào cho Moscow. Ông nói: “Nga không làm tốt trên chiến trường, nhưng rõ ràng là họ không thua cuộc, vì vậy nhu cầu hỗ trợ quân sự cho Nga cho đến nay vẫn là một nghi vấn đối với cả hai bên.”
Thực tế điều Nga cần ở Trung Quốc hơn cả đạn dược, xe tăng và tên lửa là sự giúp đỡ để vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm duy trì dòng chảy của các thành phần công nghệ cao cho ngành công nghiệp vũ khí và các ngành kinh tế khác. Sergei Markov, một nhà phân tích chính trị ủng hộ Điện Kremlin, dự đoán rằng Trung Quốc có thể sẽ hành động kiên quyết hơn để giúp Nga có được những thành phần này.
“Nga không cần vũ khí từ Trung Quốc,” Markov viết trên kênh ứng dụng nhắn tin của mình. “Họ cần vi mạch và linh kiện, và chúng sẽ được đáp ứng.”
Một số nhà quan sát cho rằng mặc dù Bắc Kinh e dè trong việc hỗ trợ Moscow, nhưng họ có lợi ích sống còn trong việc hỗ trợ đồng minh của mình để tránh bị bỏ lại một mình trong bất kỳ cuộc đối đầu tiềm tàng nào với Hoa Kỳ.
Mikhail Korostikov, một chuyên gia về quan hệ Nga-Trung, cho biết trong một bài bình luận cho Carnegie Endowment rằng Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ cách Nga đối mặt với các lệnh trừng phạt lớn của phương Tây. Ông nói: “Đối với Bắc Kinh, việc nghiên cứu kỹ lưỡng và áp dụng một phần các biện pháp của Nga là một hướng đi hợp lý trong tình huống mà cuộc đối đầu của Trung Quốc với phương Tây dường như là không thể tránh khỏi.”
Korostikov lưu ý rằng trong khi sự phụ thuộc của Moscow vào Bắc Kinh đang gia tăng, khả năng chi phối của Trung Quốc cũng đang bị thu hẹp lại.
Ông nói: “Ngoài Nga, Trung Quốc khó có thể tìm được đối tác nào khác có thể cung cấp các nguồn tài nguyên mà Trung Quốc cực kỳ cần trong trường hợp leo thang đối đầu với phương Tây”. “Điều này giúp cân bằng tình hình và cho phép Moscow hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ không lợi dụng các đòn bẩy kinh tế mà họ mới có được”.
Isachenkov đã đưa tin về Nga và các quốc gia khác thuộc Liên Xô cũ cho hãng tin AP từ năm 1992.