Sau khi loại bỏ các khoản đầu tư thất bại ra khỏi danh mục mua, Ngân hàng First Citizens đồng ý mua lại Ngân hàng Thung lũng Silicon đã đóng cửa với mức giá 16,5 tỷ USD từ Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC). SVB trở thành định chế tài chính thứ 38 bị thâu tóm bởi First Citizens kể từ năm 1971 đến nay.
Sau khi đóng cửa, SVB thuộc quyền thanh lý của Công ty Bảo hiểm Tiền gửi liên bang (FDIC). Theo nguồn tin từ FDIC, ngân hàng First Citzens đã nỗ lực thương thảo và mua lại SVB vào hôm nay 27/3.
Mua phần tài sản tốt nhất của SVB với chiết khấu 77%
Sau khi tin tức này được tiết lộ, chỉ số chứng khoán của ngân hàng đang suy yếu First Republic Bank đã phục hồi 24% so với phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước.
Theo thông báo của FDIC, kể từ hôm nay, thứ Hai (27/3/2023), 17 chi nhánh cũ của SVB sẽ mở cửa với tư cách là First Citizens. FDIC đã cố gắng bán đấu giá SVB trong khoảng hai tuần, kể từ khi ngân hàng này trở thành ngân hàng lớn nhất của Hoa Kỳ phá sản kể từ sau Washington Mutual vào năm 2008.
FDIC cho biết tính đến ngày 10/3, Ngân hàng Cầu Thung lũng Silicon có tổng tài sản khoảng 167 tỷ USD và tổng số tiền gửi khoảng 119 tỷ USD. Thỏa thuận mua lại của First Citizens bao gồm khối tài sản trị giá 72 tỷ USD của SVB; nhưng giá mua cuối cùng là 16,5 tỷ USD, chiết khấu lên tới 77%.
Khoảng 90 tỷ USD chứng khoán và các tài sản khác sẽ vẫn thuộc quyền tiếp nhận của FDIC.
Ngay sau khi giao dịch này thành công, cổ phiếu của First Citizens đã tăng 11% trong ngày hôm nay. Trong năm nay, cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm 23% trong năm 2023, giảm 15% so cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ thương vụ thâu tóm thành công của First Citizens, cổ phiếu của những ngân hàng cho vay trong khu vực, chẳng hạn như First Republic Bank FRC và Pac West Bancorp lần lượt tăng 24% và 8% trước khi thị trường mở cửa.
Chia sẻ rủi ro từ khối tài sản của SVB
FDIC đã thành lập Ngân hàng Cầu Thung lũng Silicon, Hiệp hội Quốc gia, sau khi Bộ Bảo vệ và Đổi mới Tài chính California đóng cửa SVB vào ngày 10/3 vừa qua.
Cơ quan bảo hiểm tiền gửi ước tính Quỹ bảo hiểm tiền gửi phải chi ra 20 tỷ USD để bảo hiểm cho người gửi tiền ở SVB. Phần còn lại 90% tiền gửi, khoảng 150 tỷ USD, sẽ do Ngân hàng Trung ương Mỹ chi trả (một cách giải cứu khá bất thường). Theo FDIC, chi phí chính xác bảo hiểm tiền gửi sẽ được xác nhận sau khi tiếp nhận toàn bộ SVB.
Theo FDIC, ngân hàng First Citizens đã tham gia vào một giao dịch chia sẻ tổn thất với các khoản vay thương mại mà họ đã mua của Ngân hàng Cầu thung lũng Silicon. FDIC cho biết họ sẽ chia sẻ thiệt hại và khả năng thu hồi đối với các khoản vay theo thỏa thuận đó. Điều này “dự kiến sẽ tối đa hóa khả năng thu hồi tài sản bằng cách giữ chúng trong khu vực tư nhân” và giảm thiểu sự gián đoạn đối với khách hàng vay vốn. First Citizens cũng sẽ xử lý tất cả các hợp đồng tài chính đủ điều kiện liên quan đến khoản vay.
First Citizens là ai?
Thâu tóm SVB lần này là một tập đoàn tài chính có ngân hàng là hoạt động kinh doanh chính. Theo Macro Trend, tổng tài sản của tập đoàn tài chính ngân hàng này ở mức 109,3 tỷ USD; quy mô bằng một nửa SVB trước khi SVB phá sản.
Ngân hàng First Citizens thành lập năm 1898, hiện đã có 125 năm kinh nghiệm trên thị trường tài chính. Ban đầu, nó được thành lập với tên gọi Ngân hàng Smithfield. Trải qua nhiều thay đổi do mua bán, sáp nhập, hiện tại nó có tên là First Citizens Bancshares, Inc., có trụ sở tại Raleigh, North Carolina.
Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2019, công ty đã điều hành 574 chi nhánh tại 19 tiểu bang; tuy nhiên, 72% tiền gửi của ngân hàng là ở Bắc Carolina và Nam Carolina.
Trong ba thế hệ, ngân hàng đã được lãnh đạo bởi gia đình Robert Powell Holding, người đã gia nhập ngân hàng vào năm 1918 và trở thành chủ tịch vào năm 1935.
Bé nhưng có võ: thâu tóm và mở rộng nhờ khủng hoảng
First Citizens chưa phải ngân hàng lớn của Mỹ, nó thậm chỉ bằng một nửa quy mô của Tập đoàn tài chính SVB. Tuy. nhiên lịch sử thâu tóm các định chế tài chính của First Citizens rất đáng hâm mộ.
Không chỉ sống sót một cách đầy mạnh mẽ qua các cuộc khủng hoảng, kể từ năm 1971 đến nay, First Citizens đã thâu tóm tổng cộng 38 ngân hàng thương mại, định chế tài chính bị đổ vỡ, theo thống kê từ Wikipedia.
Thời điểm First Citizens bắt đầu thâu tóm các ngân hàng, định chế tài chính (1971) cũng chính là thời điểm mà Đạo Luật Glass-Steagall bắt đầu bị nới lỏng và sau đó bị vô hiệu (vào năm 1999). Sự thay đổi này dẫn tới sự suy yếu của nhiều ngân hàng thương mại tham lam; rủi ro đổ vỡ trên thị trường tài chính gia tăng. Đây là cơ hội tuyệt vời cho những kẻ hiểu biết và giữ được tiền mặt trong khủng hoảng.
Chỉ tính từ 2009 đến nay, ngân hàng nhỏ bé này đã thâu tóm 20 ngân hàng thất bại trên thị trường tài chính Mỹ. Theo truyền thông, First Citizens đã theo đuổi mục tiêu thâu tóm SVB từ tuần trước.
Quang Nhật tổng hợp