Ngộ độc Lịch sử và Tội phạm Chiến tranh

Trần Gia Huấn

28-3-2023

Ще не вмерла України – Ukraine Has Not Yet Perished.

“…Vinh quang và tự do bất diệt trên tổ quốc Ukraine.

Hỡi những người anh em! Số phận đã mỉm cười.

Kẻ thù sẽ bị tiêu diệt như giọt sương tan biến dưới ánh sáng mặt trời.

Linh hồn và thể xác hãy yên nghỉ cho tự do của quê hương

Hỡi anh em những người con của dân tộc Cossacks…”

Trên đây là một phần của bài quốc ca Ukraine, ra đời cách nay hơn 150 năm. Lời bài hát lấy từ khổ thơ đầu của bản trường ca “Ще не вмерла України – Ukraine Has Not Yet Perished – Ukraine không bao giờ bị tiêu diệt” của nhà thơ Pavlo Chubynsky, sáng tác vào năm 1862. Bài thơ được truyền miệng ở miền tây Ukraine.  Năm 1863, Mykhailo Verbytsky, một linh mục công giáo, nhà soạn nhạc lừng danh, đã viết nhạc cho bài ca này.

Ukraine là những dải đồng bằng mêng mông bất tận, màu mỡ, phì nhiêu vào loại bậc nhất hành tinh. Nhưng Ukraine cũng là bãi chiến trường, nơi xâu xé của kẻ thù truyền kiếp Nga – Thổ, Nga – Ba Lan kéo dài nhiều thế kỷ.

Ngày 24 tháng 2 năm 2022, Nga xâm lược Ukraine. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda khuyên Tổng thống Ukraine Zelensky đánh đến cùng để rửa mối hận Pereyaslav – 1654.

Ba Lan như một người bạn trung thành trên tuyến đầu giúp Ukraine vô điều kiện. Thổ đóng vai nhà hòa giải, nhưng khiếp nhược trước kẻ thù truyền kiếp Nga.

Địa lý đang nguyền rủa lịch sử, và lịch sử cũng chửi rủa địa lý. Putin đã tận dụng điểu này để phục vụ cho mục đích gây chiến, đàn áp, và chiếm đóng. Nhìn lại vài lát cắt lịch sử để hiểu thêm sức mạnh và cả sự yếu hèn của quyền lực.

Năm 1654

Trở về năm 1654, Ukraine là một quốc gia, có quân đội Cossack, cùng các định chế. Nga và Cossacks đang có chiến tranh với khối Ba Lan – Lithuanian. Lãnh tụ Cossack là Hetman Bohdan Khmelnytsky của Zaporizhzhia, đã liên kết với Nga để chống lại Ba Lan.

Ba Lan bại trận phải phải rút quân. Từ đó, miền đông sông Dnipro và Kyiv dưới sự chiếm đóng của Nga, còn miền Tây dưới sự chiếm đóng của Ba Lan.

Hiệp ước Pereyaslav năm 1654 ra đời, là lời thề trung thành của Cossacks với Nga, chứ không phải để dâng hiến lãnh thổ, hay hợp pháp hóa sự chiếm đóng của Nga. Hiệp ước này là một giải pháp tình thế trong lúc Ba Lan đang mở rộng chiến tranh ngay trên đất Ukraine.

Ai cũng hiểu điều này, nhưng Putin thì không. Putin bảo: Ukraine không phải là một quốc gia. Ukraine không hẳn là một dân tộc. Putin muốn xóa bỏ tư cách quốc gia của Ukraine bằng vũ lực, dựa vào sự diễn giải lịch sử của riêng ông ta.

Crimea

Bán đảo Crimea, các nhà bình luận quân sự tin rằng nơi đây sẽ là trận thư hùng lịch sử giữa Ukraine và Nga trong năm nay. Vậy, trên góc độ lịch sử thì ai từng là chủ sở hữu bán đảo này?

Qua nhiều thế kỷ, Crimea có hai nhóm Cossacks va Tatar sinh sống ở đây. Dòng họ lừng danh Tatar Khanate cai trị Crimea dưới sự bảo trợ của Đế quốc Ottoman (Thổ). Người dân ở đây nói tiếng Thổ, và thờ phượng đấng tiên tri thiêng liêng Muhammad.

Vợ của Hoàng đế Nga Peter III là Catherine, đã tổ chức một cuộc đảo chính cung đình. Đêm 8-7-1762, Catherine và người tình Grigory Potemkin cùng vài tướng lãnh khác bí mật bắt chồng, giam trong ngục tối. Tám ngày sau, Hoàng đế Peter III bị giết chết ở tuổi 34, ngồi ghế Nga hoàng vừa được 6 tháng.

Sau khi giết chồng, ngày 22 tháng 9 năm 1762, Catherine lên ngôi, tuyên xưng Nữ Hoàng Đại đế Catherine II (Catherine II the Great – Екатерина II Великая). Ngay sau đó, bà gởi người tình Grigory Potemkin đến cưỡng chiếm Crimea từ tay Ottoman.

Đến năm 1783, Nữ Hoàng Cathrine II và Potemkin xoay sở và thủ đoạn sát nhập bán đảo này vào lãnh thổ Nga. Đế quốc Ottoman và dòng Cossacks ngậm đắng nuốt cay với Nga từ đó.

Tuy vậy, những hậu duệ của dòng họ Tatar Khanate vẫn còn hiện hữu trên bán đảo này và miền nam Ukraine. Hai dòng người Cossack nói tiếng Ukraine và Tatar nói tiếng Thổ vẫn sinh sống bao gồm cả vùng Zaporizhia.

Năm 1944, Joseph Stalin đưa 200.000 người Tatars đang sống ở Crimea, nhốt vào xe tải chở lợn, chạy thẳng đến nước Cộng hòa Soviet Uzbekistan. Bởi vì Tatars đã hợp tác với Đức Quốc xã trong Thế chiến II nên họ cần phải bị học tập cải tạo.

Từ đó, người Nga tấp nập đổ vào Crimea, suốt thời Soviet đã hình thành khu vực dân số nói tiếng Nga, áp đảo tiếng Ukraine và tiếng Thổ.

Năm 1954, Tổng Bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev tuyên bố cắt bán đảo Crimea từ Cộng hòa Soviet Nga qua Cộng hòa Soviet Ukraine. Bán đảo Crimea trở về chủ cũ trong hòa bình.

Lãnh thổ Ukraine hiện đại

Hai lãnh tụ Liên xô là Stalin và Khrushchev đóng vai trò quan trọng hình thành lên lãnh thổ của Ukraine được quốc tế công nhận hôm nay.

Năm 1922, Stalin sợ sự bất tuân lệnh của nước cộng hòa. Ông lùa người nói tiếng Nga vào vùng Donbass, và đẩy những người nói tiếng Ukraine qua vùng khác.

Năm 1939, Stalin ký hiệp định với Hitler, cưa đôi Ba Lan. Miền tây Ba Lan thuộc về Đức, còn nửa miền đông sát nhập vào Ukraine.

Đến những năm cuối Thế chiến II, Stalin cho chiếm thêm một phần lãnh thổ của Slovakia và Romania, sát nhập vào Ukraine.

Stalin qua đời tháng 3 năm 1953. Nikita Khrushchev lên thay chức Tổng Bí thư. Từ năm 1654 đến năm 1954 là 300 năm. “Ba trăm năm nữa ta đâu biết”.

Kỷ niệm 300 năm Hiệp ước Pereyaslav (như đã đề cập phần trên). Nikita Khrushchev long trọng tuyên bố, cắt bán đảo Crimea từ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Soviet Nga chuyển qua cho Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Soviet Ukraine.

Không ít người nhận ra rằng Khrushchev là dân Kyiv, đã rửa mối hận 300 năm của tổ tiên Cossacks.

Stalin và Khrushchev đã hình thành lãnh thổ Ukraine gồm cả bán đảo Crimea, hợp pháp, được quốc tế công nhận vào năm 1991.

Putin khác Stalin

Stalin luôn khẳng định Đảng Cộng Sản Liên Xô “tạo điều kiện cho Ukraine phát triển như một quốc gia độc lập, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cossacks. Không ai được chống lại lịch sử”. Ngược lại, Putin bảo Ukraine không phải là một đất nước, không hẳn là một dân tộc, không đáng được hưởng quy chế quốc gia.

Trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm giữa Ukraine và Nga, chưa có một lãnh tụ Nga nào đối xử với Ukraine như Putin đang làm. Putin đã đẩy Ukraine, người anh em ruột của Nga, vào nỗi cay đắng hận thù đến mức không đường trở lại.

Tiếng Nga đã sản sinh ra những áng văn chương tuyệt mỹ. Tiếng Nga là thứ tiếng của giới quý tộc, giới khoa bảng, giới nghệ sĩ Ukraine. Dùng tiếng Nga là sự tự hào, là niềm kiêu hãnh của người Ukraine. Văn hào Nicolai Gogol, người Ukraine, nhưng viết nhiều tác phẩm lừng danh “Những linh hồn chết” (Dead Souls), “Nhật ký người điên” (Diary of a Madman) bằng tiếng Nga. Thế mà, giờ đây nói tiếng Nga là sự hổ thẹn, là nỗi ô nhục, là sự căm hờn, là niềm cay đắng, là cơn phẫn uất trên lãnh thổ Ukraine.

Nhà sử học Soviet Yury Afanasiev đã viết trong tùy bút chính trị “The End of Russia” (Nước Nga đã đến hồi cáo chung) vào năm 2009, đại ý rằng: Người Thụy Sĩ tự hào về chiếc đồng hồ. Người Pháp tự hào về ổ bánh mì baguette. Người Nga tự hào về lãnh thổ mênh mông và công cuộc mở rộng bờ cõi. “Mở rộng bờ cõi” thì làm sao có thể sống hòa thuận được với những người hàng xóm. Ông ẩn dụ. Nếu nước Nga phải in tấm card-visits, thì một mặt sẽ in “Vũ Lực” còn mặt kia in “Chiếm Đóng”.

“Vũ lực” và “chiếm đóng” là đặc sản Nga được nhìn nhận như là công cuộc “Vệ quốc Vĩ đại”. Catherine The Great giao du, phóng đãng, ngoại tình với nhiều tướng lãnh, tổ chức đảo chính, giết chồng, cướp ngôi vẫn được nước Nga phong là Nữ hoàng Đại đế “Vĩ đại”.

Yuri Afanasiev, lớn lên trong thời Soviet, từng là một đảng viên Cộng sản Liên Xô. Trong tác phẩm “Dangerous Russian” (Nước Nga hung hãn) viết năm 2001, ông cảnh báo hai điều: Nước Nga đang bị ngộ độc lịch sử và Putin sẽ là một tội phạm.

Cả hai điều này đã ứng nghiệm.

Related posts