Viên Minh
Áp lực từ bên ngoài sẽ không thể ngăn cản Đài Loan vươn ra với thế giới, Tổng thống Thái Anh Văn cho biết hôm thứ Tư (29/3) khi bà rời Mỹ, dường như thách thức lời đe doạ trả đũa của Trung Quốc nếu bà gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy.
Trung Quốc, vốn luôn tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình, đã nhiều lần cảnh báo các quan chức Mỹ không được gặp bà Thái Anh Văn, coi đó là sự ủng hộ cho mong muốn độc lập của hòn đảo.
Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan vào tháng 8 năm ngoái khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi đến thăm Đài Bắc. Các lực lượng vũ trang của Đài Loan cho biết họ đang theo dõi sát bất kỳ động thái nào của Trung Quốc khi bà Thái ở nước ngoài.
Bà Thái sẽ đến thăm Guatemala và Belize với các điểm quá cảnh ở New York và Los Angeles (Mỹ), Mặc dù chưa được xác nhận chính thức, nhưng Tổng thống Đài Loan được cho là sẽ gặp ông McCarthy khi ở California.
“Áp lực bên ngoài sẽ không cản trở quyết tâm vươn ra thế giới của chúng tôi”, bà Thái ám chỉ Trung Quốc khi phát biểu tại sân bay quốc tế Đào Viên của Đài Loan.
“Chúng tôi bình tĩnh và tự tin, sẽ không nhượng bộ hay khiêu khích. Đài Loan sẽ vững bước trên con đường tự do, dân chủ và bước ra thế giới. Dù con đường này có gập ghềnh nhưng Đài Loan không đơn độc”, bà Thái nói thêm ở New York vào đầu giờ chiều thứ Tư (29/3).
Phát biểu tại Bắc Kinh ngay trước chuyến đi của bà Thái, Chu Phượng Liên, phát ngôn viên Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, cho hay việc “quá cảnh” ở Mỹ của bà Thái không chỉ là chờ đợi ở sân bay hoặc khách sạn, mà còn để gặp các quan chức và nhà lập pháp Mỹ.
“Nếu bà ấy liên lạc với Chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy, đó sẽ là một hành động khiêu khích khác vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc, gây tổn hại đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, đồng thời phá hủy hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan”, bà Chu cho biết. “Chúng tôi kiên quyết phản đối điều này và chắc chắn sẽ có biện pháp kiên quyết chống trả”, bà Chu nói thêm nhưng không đưa ra chi tiết.
Chuyến quá cảnh của bà Thái diễn ra vào thời điểm quan hệ của Mỹ – Trung đang ở mức mà một số nhà phân tích coi là tồi tệ nhất kể từ khi Washington bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh vào năm 1979.
Đài Loan là vấn đề lãnh thổ nhạy cảm nhất của Trung Quốc và là một vấn đề gây tranh cãi lớn với Washington. Mỹ, giống như hầu hết các quốc gia, chỉ duy trì quan hệ không chính thức với Đài Bắc. Tuy nhiên, theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan của Quốc hội Mỹ năm 1979, chính phủ Mỹ phải cung cấp cho hòn đảo các biện pháp để tự vệ.
Mỹ nói rằng những chuyến quá cảnh như vậy của các Tổng thống Đài Loan là thường lệ và Trung Quốc không nên lợi dụng chuyến đi của bà Thái Anh Văn để thực hiện bất kỳ động thái gây hấn nào đối với hòn đảo. Mỹ thấy không có lý do gì để Trung Quốc phản ứng thái quá với kế hoạch quá cảnh của bà Thái.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết trong những lần quá cảnh trước đây, bà Thái đã tham gia vào một loạt hoạt động, bao gồm các cuộc gặp gỡ với các thành viên Quốc hội, cộng đồng người Đài Loan hải ngoại và các nhóm dân sự khác.
“Vì vậy, hoàn toàn không có lý do gì để Bắc Kinh sử dụng chuyến quá cảnh sắp tới này như một cái cớ để thực hiện các hoạt động gây hấn hoặc cưỡng chế nhằm vào Đài Loan”, quan chức này nói.
Các Tổng thống Đài Loan thường xuyên tới Mỹ trong khi thăm các đồng minh ngoại giao ở Mỹ Latinh, Caribe và Thái Bình Dương. Mặc dù đó không phải là các chuyến thăm chính thức, nhưng thường được cả hai bên sử dụng cho các cuộc gặp cấp cao.
Chính phủ Đài Loan bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, và trong khi bà Thái Anh Văn nhiều lần đề nghị đàm phán với Bắc Kinh, bà cũng nói chỉ người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của họ.
Chuyến đi của bà Thái đã khiến các cơ quan an ninh ở Đài Loan lo lắng rằng Trung Quốc có thể khởi động một loạt chiến dịch gây ảnh hưởng bao gồm truyền bá thông tin sai lệch trên các nền tảng truyền thông xã hội để làm thay đổi nhận thức của công chúng về chuyến quá cảnh Mỹ của bà Thái, theo một bản ghi nhớ nội bộ của cơ quan an ninh Đài Loan, Reuters nhận định.
Bản ghi nhớ cho biết Trung Quốc đã sử dụng các chiến dịch gây ảnh hưởng quy mô lớn bao gồm các cuộc tấn công mạng chống lại Đài Loan trong chuyến thăm của bà Pelosi vào năm ngoái. Chính quyền Đài Loan dự kiến Bắc Kinh sẽ tăng cường hoạt động tương tự trong những ngày tới.
Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Đây là chuyến đi châu Mỹ đầu tiên của bà Thái kể từ năm 2019 và là lần thứ 7 bà quá cảnh Mỹ kể từ khi nhậm chức vào năm 2016. Nếu việc gặp ông McCarthy được xác nhận, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên trên đất Mỹ giữa Chủ tịch Hạ viện Mỹ và một nhà lãnh đạo Đài Loan và điều này này khiến Bắc Kinh tức giận.
Trung Quốc vừa tuyên bố một chiến thắng ngoại giao khác trước Đài Loan vào Chủ nhật (26/3) khi đồng minh trung thành một thời của Đài Loan là Honduras chuyển sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Hiện chỉ có 13 quốc gia duy trì quan hệ chính thức với Đài Loan.
Viên Minh (Tổng hợp)