Thanh Đoàn
Hôm qua, 29/3/2023, Tổng cục thống kê đã công bố thông tin kinh tế – xã hội tháng Ba và 3 tháng đầu năm 2023; tin tức xấu lập tức tràn ngập các mặt báo. Dù vậy, tin tức về tăng trưởng chậm lại, khó khăn trong sản xuất kinh doanh cũng như lạm phát gia tăng không gây bất ngờ. Các chuyên gia kinh tế kêu gọi chính phủ giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế và Ngân hàng nhà nước có động thái tiếp tục giảm lãi suất điều hành.
Tăng trưởng suy yếu nhất kể từ 2011
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê (TCTK), tăng trưởng GDP quý 1 năm 2023 đạt mức tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong giai đoạn kể từ năm 2011 -2022 trở lại đây, ngoại trừ năm 2020, thời điểm Việt Nam phải hy sinh tăng trưởng để chống đỡ với đại dịch Covid.
Trong đó, ngành sản xuất bắt đầu dấu hiệu bị thu hẹp. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm (GDP) của toàn nền kinh tế.
Cầu giảm làm sản xuất suy yếu, tồn kho ngành sản xuất tăng mạnh. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2023 tăng 19,8% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 17,7%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I/2023 là 81,1% (bình quân quý I/2022 là 79,9%).
Dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam cũng giảm trong 3 tháng đầu năm. Dòng vốn toàn cầu đang suy yếu do tổng cầu yếu và điều kiện tài chính thắt chặt ở Mỹ và EU. Điều này đã tác động tiêu cực lên dòng vốn FDI toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Theo TCKT, tính đến 20/3/2023, dòng vốn FDI vào Việt Nam giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 14,8%). Trong khi đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài (đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài) tiếp tục giảm mạnh 38,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Cầu thế giới suy giảm cũng khiến xuất khẩu bị thu hẹp lại. Giá trị kim ngạch hàng hoá xuất khẩu và hàng hoá nhập khẩu quý I/2023 giảm 11,9% và 14,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Số doanh nghiệp từ bỏ thị trường cao kỷ lục
Trong 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 60,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 20,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Con số này bình quân trong các năm trước khoảng 12 nghìn doanh nghiệp.
Trong đó, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn của khu vực kinh doanh bất động sản (BĐS) và công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh nhất; lần lượt tăng 60,7% và 26,4% so cùng kỳ 2022.
Cơn bão thất nghiệp và chi phí doanh nghiệp
Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023, có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm, trong đó 75% là lao động tại doanh nghiệp FDI. Lượng đơn hàng mới giảm, hàng tồn kho tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp thâm dụng lao động phải cắt giảm nhân công, giảm giờ làm, gây ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.
Chỉ số sử dụng lao động tại doanh nghiệp công nghiệp thời điểm đầu tháng 3/2023 giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Thất nghiệp gia tăng khi doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh khi cầu tiêu dùng yếu cả trong nước và quốc tế. Quan trọng hơn, chi phí vận tải, chi phí vốn (lãi suất), chi phí nhân công ở Việt Nam rất cao so với nền kinh tế khác trong khu vực thế giới khiến nhiều doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường.
Tại Việt Nam, chi phí bảo hiểm các loại mà doanh nghiệp phải chi trả theo lương là 21,5%; mức cao nhất trong khu vực, chỉ thấp hơn Trung Quốc (28,5%). Tỷ lệ này ở Indonesia là 7%, Malaysia là 13%, Singapore là 17%, Indonesia là 11,74% (theo số liệu công bố trên trang Trading Economics). Trong khi ngành sản xuất của Việt Nam thâm dụng lao động, chi phí lao động quá lớn, không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp thuộc các nền kinh tế khác trong khu vực và thế giới.
Chi phí vốn của doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức cao khi mức lãi suất bình quân của doanh nghiệp SMEs vẫn ở mức 11-13%/năm. Chỉ doanh nghiệp lớn mới tiếp cận vốn vay có lãi suất thấp hơn tại các NHTM lớn.
Chuyên gia kêu gọi Ngân hàng nhà nước tiếp tục giảm lãi suất
Bức tranh u ám của kinh tế Việt Nam trong quý 1 tương hợp với bầu không khí kinh tế toàn cầu.
Nhiều chuyên gia kinh tế tiếp tục kêu gọi ngân hàng nhà nước giảm lãi suất điều hành. PGS. TS. Phạm Thế Anh, trên trang FB cá nhân của mình, đã nêu ý kiến rằng NHNN nên tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Và đây cũng là ý kiến của nhiều nhà kinh tế khác. Bản thân NHNN cũng phát đi thông điệp trên truyền thông rằng sẽ cân nhắc giảm lãi suất điều hành.
Tuy nhiên, theo dõi trong nhiều thập kỷ, lãi suất điều hành của NHNN tác động rất khiêm tốn tới lãi suất cho vay trên thị trường tài chính. Ngoài ra, trong đợt giảm lãi suất điều hành gần đây nhất, NHNN đã không giảm lãi suất tái chiết khấu. Điều này khiến chi phí vốn của NHTM cũng giảm nhưng không đáng kể.
Thêm vào đó, số liệu quá khứ chứng minh rằng lãi suất cho vay (chi phí vốn của doanh nghiệp) thường tăng cao do khối nợ xấu của NHTM. Khi NHTM có nợ xấu, họ phải trích lập dự phòng nhiều hơn, họ phải tăng lãi suất cho vay để có tiền cho trích lập dự phòng. Nói cách khác, họ phải lấy của doanh nghiệp bớt ốm yếu để nuôi doanh nghiệp ốm yếu hoặc doanh nghiệp xác sống.
Nhìn vào khối lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường và thực tế doanh nghiệp kinh doanh BĐS, nợ xấu của nền kinh tế Việt sẽ bùng phát mạnh vào cuối năm 2023; đặc biệt khi rất nhiều người đi vay mua nhà được ân hạn lãi suất 1 – 2 năm ở các dự án BĐS lớn sẽ không được ân hạn lãi suất nữa. Với mức lãi suất cao trong khi thu nhập và việc làm bị thu hẹp lại, có thể sẽ tồn tại nhiều cá nhân mua nhà mất khả năng thanh toán vào cuối năm nay và năm 2024. Khối nợ này lên tới 1,7 triệu tỷ VND (theo tuyên bố của NHNN).
Trong bối cảnh huy động khó khăn hơn, các vấn đề của NHTM nhỏ và yếu chưa được giải quyết triệt để, doanh nghiệp có lẽ không nên đặt quá nhiều hy vọng giảm lãi suất cho vay ở các NHTM. Trong bất kỳ giai đoạn nào khi điều kiện tài chính thắt chặt, việc giảm nợ là quan trọng nhất.
Như phân tích ở trên, doanh nghiệp Việt không chỉ chịu gánh nặng về chi phí vốn, gánh nặng về vận tải, chi phí logistics ở trong nước, gánh nặng chi phí lao động là rất lớn. Nhưng có vẻ như chuyên gia và chính phủ chưa tính tới các giải pháp căn cơ này, vốn còn rất nhiều dư địa. Khi mục tiêu tăng trưởng và phục hồi kinh tế dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ, nền kinh tế đó như xây lâu đài trên cát, khó bền vững trong trung và dài hạn.
Thanh Đoàn