Nga sắp làm chủ tịch Hội đồng Bảo an dù Putin là tội phạm chiến tranh

Liên Thành

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (ảnh: IT).

Nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin – người mới Tòa án Hình sự Quốc tế kết tội là tội phạm chiến tranh – sẽ đảm nhận chức chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vào ngày 1/4.

Điều này có nghĩa là một tội phạm chiến tranh sẽ đứng đầu cơ quan quốc tế quyền lực nhất.

Mặc dù điều đó nghe giống như một trò đùa độc ác vào ngày Cá tháng Tư, nhưng đó không phải trò đùa.

Trong 30 ngày – thời hạn của nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp Quốc – thế giới có lẽ sẽ phải xấu hổ khi để nước Nga đảm nhận vai trò lãnh đạo này. Trừ khi, có ai đó làm gì để ngăn chặn điều đó, để báo hiệu rằng việc này không thể diễn ra bình thường.

Theo bà Colombe Cahen-Salvador, người đồng sáng lập đảng Volt Europa – một đảng chính trị xuyên châu Âu, bà cho rằng nước Nga của ông Putin cần phải bị tẩy chay khỏi vị trí chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an.

Tổng thống Putin đã bị Tòa án Hình sự Quốc tế ngày 17/3 phát lệnh bắt giữ vì “trục xuất trái pháp luật” trẻ em Ukraina sang Nga — tức cáo buộc ông phạm tội ác chiến tranh.

Tuy ngăn chặn Nga có vẻ như là một nhiệm vụ bất khả thi, nhưng vẫn có bằng chứng cho thấy các chiến dịch do công dân phát động có thể tác động đến hoạt động của các tổ chức quốc tế.

Và trong khi các quy trình của Liên hiệp Quốc cần cải cách mạnh mẽ, thì vẫn có một cách để bảo vệ nền dân chủ trong các tòa nhà quyền lực này.

Bà Cahen-Salvador cũng là người đồng sáng lập phong trào cấp cơ sở toàn cầu Atlas. Bà cho biết phong trào này vào năm 2021 đã giúp làm sáng tỏ quá trình lựa chọn tổng thư ký Liên hiệp Quốc. Và nhờ nỗ lực phối hợp của hàng nghìn người trên khắp hành tinh, phong trào đã thúc đẩy Đại hội đồng Liên hiệp Quốc chú ý đến ứng cử viên của tổ chức này cho chức Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

Hiện nay các học giả đang thúc đẩy lập luận rằng một “kẻ xâm lược” không thể đảm nhận vị trí chủ tịch Hội đồng Bảo an. Vậy thì thế giới vẫn có thể ngăn chặn Nga hoàn thành bất cứ điều gì trong 1 tháng theo cách tương tự.

Hãy thử nghĩ nếu Đức Quốc xã của Adolf Hitler, Iraq của Saddam Hussein hay Augusto Pinochet của Chile nắm quyền lãnh đạo Hội đồng Bảo an – điều đó sẽ thật khó tin. Đơn giản là mọi người sẽ không bao giờ để nó xảy ra. Trường hợp này của Putin cũng có thể như thế.

Hội đồng Bảo an Liên hiệp Quốc không chỉ là một cơ quan nổi tiếng có quyền lực, nó còn có trách nhiệm chính là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, thực thể này đã trở thành nạn nhân của sự bế tắc trong một thời gian dài và những sai sót của nó chưa bao giờ rõ ràng hơn thế. Như Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy đã tuyên bố, “An ninh mà Hội đồng Bảo an phải đảm bảo nằm ở đâu? Không có an ninh.”

Vì vậy, phải ngăn Nga chiếm đóng Ukraina và phá bỏ những gì còn lại của trật tự quốc tế – bắt đầu từ nhiệm kỳ chủ tịch tháng tới.

Bà Cahen-Salvador cho biết phong trào Atlas đã bắt đầu chiến dịch “Liên hiệp Quốc tẩy chay Nga”, thúc đẩy ít nhất 7 trong số 15 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an tẩy chay tổ chức này trong suốt tháng Tư, theo đó ngăn chặn Nga thông qua bất kỳ điều gì.

Các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an luôn có thể phủ quyết các vấn đề quan trọng.

Với sự ủng hộ trước đây của họ đối với việc loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, những quốc gia thành viên đó nhiều khả năng sẽ ủng hộ nỗ lực này. Trong số họ có 3 thành viên thường trực là Mỹ, Anh và Pháp, cùng 5 thành viên luân phiên là Albania, Ecuador, Nhật Bản, Malta và Thụy Sĩ.

Và việc 7 trong số 8 quốc gia không xuất hiện tại bất kỳ phiên họp nào có nghĩa là nhiệm kỳ chủ tịch của Nga sẽ trở nên hoàn toàn vô nghĩa.

Nó cũng sẽ vẽ nên một hình ảnh mạnh mẽ thể hiện tinh thần của một thời đại. Đó là hình ảnh về một căn phòng trống của Hội đồng Bảo an.

Vào tháng 11/2023, Trung Quốc sẽ lại đảm nhận chức vụ chủ tịch luân phiên — có nghĩa là một quốc gia khác bị Liên Hiệp Quốc cáo buộc vi phạm nhân quyền, có thể dẫn đến tội ác chống lại loài người, sẽ lãnh đạo Hội đồng Bảo an. Khi đó, kỹ thuật này lại có thể phải dùng đến.

Việc thiếu các thủ tục dân chủ của Liên Hiệp Quốc, thiếu khả năng đưa ra các quyết định mang tính ràng buộc đối với nhiều vấn đề cấp bách — bao gồm cả phản ứng đối với các nhà lãnh đạo độc tài phạm tội trên thế giới — cần phải được xử lý.

Bà Cahen-Salvador kêu gọi: Chúng tôi đang mắc nợ người dân Ukraina, Hồng Kông, Tây Tạng, Tân Cương và tất cả những người bị chủ nghĩa độc tài tra tấn. Các nước không thể đứng yên, mà cần hành động.

Related posts