Liên Thành
Theo một báo cáo mới, ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với nhân quyền quốc tế, khi nước này tăng cường thao túng Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc để xuất khẩu quan điểm phi tự do về nhân quyền.
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) là một tổ chức liên chính phủ bao gồm 47 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, được bầu ba năm một lần và mục tiêu của tổ chức là “thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền” trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được công ty tư vấn chiến lược và rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft có trụ sở tại Vương quốc Anh công bố vào thứ Năm (ngày 30 tháng 3) cho thấy, chính quyền TQ “mong muốn đưa ra quan điểm xét lại về nhân quyền”, khiến Hội đồng Nhân quyền trở thành một “chiến trường địa chính trị cho các tiêu chuẩn cạnh tranh”.
Chính quyền TQ sử dụng UNHRC để thúc đẩy “quan điểm về nhân quyền” của riêng mình
Verisk Maplecroft đã chỉ ra trong báo cáo rằng, chính quyền TQ đã thay đổi từ thụ động chống lại sự chỉ trích toàn cầu về hồ sơ nhân quyền của mình sang hình thành và ủng hộ “thương hiệu nhân quyền của riêng mình”, và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc là một công cụ quan trọng để đạt được mục tiêu này.
Báo cáo viết: “Khuôn khổ nhân quyền của chế độ toàn trị của Bắc Kinh đã phá vỡ tự do cá nhân, và nhấn mạnh phát triển kinh tế quan trọng hơn tất cả các quyền lợi khác. Điều này giúp quốc gia phi tự do này có vẻ như tham gia vào nhân quyền, nhưng lại trốn tránh trách nhiệm giải trình và giám sát một cách hiệu quả đối với các vi phạm nhân quyền – Đặc biệt là những tội ác do nước này gây ra”.
Theo thống kê của Verisk Maplecroft, gần 3/4 (33 quốc gia) quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền được coi là có rủi ro cao (High risk) hoặc rủi ro cực cao (Extreme risk) trong lĩnh vực “quyền dân sự và chính trị”. Điều này cho thấy Trung Quốc và các đồng minh đang “làm suy yếu hành động nhân quyền quốc tế”.
Báo cáo chỉ ra: “Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) là một cơ quan liên chính phủ chịu trách nhiệm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới, nhưng thành viên của nó bao gồm Sudan, Eritrea và Pakistan, một trong những quốc gia áp bức nghiêm trọng nhất thế giới”.
Nghiên cứu cũng lưu ý: “Sự thao túng chính trị của chính quyền TQ đối với các cơ chế quan trọng của Hội đồng Nhân quyền ngày càng tinh vi, sự chỉ trích toàn cầu đã bị dập tắt và ngày càng có nhiều quốc gia tham gia vào việc minh oan cho hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh”.
35 quốc gia thành viên tham gia “Vành đai và Con đường” của chính quyền TQ
Chính quyền TQ đang sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để gây ảnh hưởng đến cuộc bỏ phiếu của hội đồng. Báo cáo nghiên cứu chỉ ra rằng, ít nhất 35 trong số 47 quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền đã tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Nhiều quốc gia trong số này là các quốc gia ở châu Á hoặc châu Phi, thường có chỉ số nhân quyền thấp.
Năm 2022, Hoa Kỳ đề xuất tại Hội đồng Nhân quyền rằng, họ hy vọng sẽ tổ chức một cuộc tranh luận về vấn đề Tân Cương vào tháng 10 năm đó, nhưng dự thảo nghị quyết bất ngờ bị từ chối. Kết quả bỏ phiếu cho thấy Bắc Kinh có ảnh hưởng đáng kể đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là các bên ký kết Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Báo cáo cho biết hơn một nửa số quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền có nguy cơ cao hoặc rất cao trong bốn lĩnh vực, bao gồm quyền lao động, quyền dân sự và chính trị, phát triển con người và an ninh con người. Điều này có nghĩa là hầu hết các quốc gia của Hội đồng Nhân quyền đều có hồ sơ nhân quyền không tốt.
Verisk Maplecroft cũng nhận thấy rằng việc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường có thể thúc đẩy hành động xâm phạm nhân quyền. Báo cáo lưu ý rằng 18 quốc gia là thành viên của Hội đồng Nhân quyền đã chứng kiến điểm số về quyền lao động của họ giảm kể từ năm 2017, 15 quốc gia trong số đó là các bên đã ký kết Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Báo cáo cũng lưu ý rằng với nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, các thành viên hội đồng phụ thuộc vào đầu tư (và các khoản vay) của Trung Quốc, chẳng hạn như Pakistan, Bangladesh và Cameroon, không chỉ có khả năng sẽ ủng hộ Bắc Kinh tại LHQ, mà họ còn làm ngơ trước các vi phạm do sáng kiến Vành đai, Con đường gây ra.