Cù Tuấn, dịch
31-3-2023
Năm 1872, Tổng thống Ulysses S. Grant bị cảnh sát bắt vì điều khiển xe ngựa kéo quá tốc độ ở Washington. Viên cảnh sát giơ tay ra hiệu dừng lại, Grant tuân theo rồi đi cùng viên cảnh sát đến đồn cảnh sát.
Việc này có làm hạ nhục chức vụ Tổng thống không?
Không, tôi muốn nói rằng đó là một cống hiến đẹp đẽ cho nền dân chủ. Điều không tưởng đối với ông Vua Mặt Trời của Pháp, Louis XIV—“L’état, c’est moi” (“Ta chính là nhà nước”) — lại phù hợp trong một hệ thống bình đẳng trước pháp luật.
The New York Times đưa tin rằng một đại bồi thẩm đoàn đã bỏ phiếu truy tố Donald Trump vì các khoản tiền bịt miệng cho một ngôi sao khiêu dâm nhưng bản cáo trạng hiện đang được niêm phong. Có những câu hỏi chính đáng về vụ truy tố cụ thể này và mặc dù chúng ta không biết chi tiết về các cáo buộc, nhưng sau khi phỏng đoán có căn cứ, chúng ta tự hỏi:
Bản cáo trạng đầu tiên đối với một cựu tổng thống có nên theo một lý thuyết pháp lý mới mà thẩm phán hoặc bồi thẩm đoàn có thể bác bỏ hay không? Chúng ta nghĩ gì về những nghi ngờ về vụ việc này ngay cả với những người không có thiện cảm với Trump? Công tố viên quận [Manhattan] Alvin Bragg có biết ông ta đang làm gì không?
Không ai trong chúng ta có thể chắc chắn về câu trả lời cho những câu hỏi này cho đến khi chúng ta nhìn thấy bằng chứng được đưa ra tại phiên tòa và tôi lo lắng rằng việc truy tố thất bại có thể làm Trump mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, tôi cũng lo lắng – thậm chí còn nhiều hơn – về thông điệp không bị trừng phạt sẽ được gửi đi nếu các công tố viên ngoảnh mặt làm ngơ vì nghi phạm là một cựu tổng thống.
Người chuyên xử lý việc của ông cựu tổng thống, Michael Cohen, đã bị kết án ba năm tù vì thực hiện công việc này cho Trump, và một nguyên tắc cơ bản của công lý là nếu một người đại diện bị trừng phạt thì người đứng đầu cũng phải bị như vậy. Điều đó không phải lúc nào cũng khả thi và có thể khó lặp lại những gì mà một công tố liên bang đã đạt được trong trường hợp của Cohen. Nhưng mục tiêu phải là công lý, và bản cáo trạng này tôn vinh mục tiêu đó.
Điều đó đặc biệt đúng bởi vì đây rõ ràng là một tội phạm nguy hiểm cao hơn so với một trường hợp làm sai lệch hồ sơ kinh doanh điển hình; mục đích rõ ràng là ảnh hưởng đến kết quả của một cuộc bầu cử tổng thống, và điều đó có thể đã xảy ra.
Khi Trump bị bắt, ông được cho là sẽ bị lấy dấu vân tay, chụp ảnh và có thể bị còng tay. Câu hỏi đặt ra: Truy tố cựu lãnh đạo quốc gia có phải là suy thoái dân chủ?
Nền dân chủ thành thạo nhất trong việc bắt giữ các cựu lãnh đạo quốc gia là Hàn Quốc, quốc gia đã truy tố năm cựu tổng thống và là quốc gia mà tôi đã đưa tin liên tục kể từ khi tôi còn là trưởng văn phòng Thời báo ở Hồng Kông vào những năm 1980.
Một cựu tổng thống đã bị kết án tử hình vào năm 1996 vì vai trò của ông ta trong một vụ thảm sát dưới chế độ độc tài quân sự. Người kế nhiệm ông ta bị kết án 17 năm tù vì tội danh tương tự.
Một cựu tổng thống khác đã tự sát vào năm 2009 khi đang bị điều tra về một vụ bê bối tham nhũng. Người kế nhiệm tổng thống này đã bị kết án tổng cộng 17 năm tù vì tội tham nhũng. Và tổng thống tiếp theo, tại vị từ năm 2013 đến 2017, đã bị kết án tổng cộng 25 năm tù vì các tội bao gồm hối lộ và lạm dụng quyền lực.
Đã có lúc tôi nghĩ chuỗi truy tố này là một dấu hiệu của sự non nớt về chính trị. Tuy nhiên, có lẽ tôi đã hiểu nhầm. Đúng vậy, Hàn Quốc trong những năm 1990 là một nền dân chủ chưa trưởng thành với thiên hướng tham nhũng — nhưng những vụ truy tố đó đã giúp nền dân chủ Hàn Quốc trở nên mạnh mẽ hơn.
Jie-ae Sohn, giáo sư truyền thông tại Đại học Ewha Womans ở Seoul, nói với tôi: “Không dễ để người Hàn Quốc truy tố các cựu tổng thống của chúng tôi. Đó là một quá trình đau đớn và là một quá trình mà chúng tôi không vui khi cho phần còn lại của thế giới thấy. Tuy nhiên, quá trình này đã cho thấy rõ ràng rằng pháp quyền áp dụng cho tất cả mọi người”.
“Quá trình này có thể trông khá xấu xí”, Sohn nói thêm, “nhưng chúng tôi tin rằng điều này sẽ củng cố nền dân chủ của chúng tôi và cho phép nó trở nên kiên cường hơn”.
Có một lập luận phản bác rằng đây là thời điểm của nước Mỹ để hạn chế quyền truy tố nhằm cho phép nước Mỹ phục hồi và đi tiếp. Khi còn là một thiếu niên, tôi đã rất tức giận khi Tổng thống Gerald Ford ân xá cho cựu Tổng thống Richard Nixon, nhưng theo thời gian, tôi nghĩ rằng đó là quyết định đúng đắn và cho phép nước Mỹ hàn gắn. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt rõ ràng: Nixon năm 1974 đã hoàn toàn mất uy tín, bị tẩy chay và suy sụp, trong khi Trump phủ nhận mọi hành vi sai trái và đang tái tranh cử vào Nhà Trắng.
Hàn Quốc có lẽ đưa ra một mô hình để thúc đẩy cả pháp quyền và sự hàn gắn. Trong khi các cựu tổng thống Hàn Quốc đều phải nhận những bản án nghiêm khắc, họ đều được ân xá và trả tự do trong vòng một đến bốn năm.
Ở giai đoạn này, thật khó để tôi đánh giá sức mạnh của bản cáo trạng chống lại Trump của luật sư quận Manhattan, nhưng tôi tìm thấy nguồn cảm hứng từ những lời buộc tội của cảnh sát William H. West, người đã bắt giữ Tổng thống Grant vì tội chạy xe ngựa quá tốc độ. Theo lời kể của ông nhiều năm sau đó, được đăng trên báo Washington Post, ông nói với Grant rằng: “Thưa Tổng thống, tôi rất xin lỗi vì phải làm điều đó, vì ông là nguyên thủ quốc gia, còn tôi chẳng là gì ngoài một cảnh sát, nhưng nhiệm vụ là nhiệm vụ, thưa ngài, và tôi sẽ phải bắt giữ ngài.”
Đó là sự uy nghiêm và phẩm giá tột cùng của hệ thống pháp luật của chúng ta. Và nếu một sĩ quan cảnh sát vào năm 1872 có thể giơ tay ra và buộc chiếc xe đang chạy quá tốc độ của Tổng thống phải dừng lại, thì chúng ta cũng nên làm những gì có thể để duy trì một nguyên tắc tuyệt vời, đó là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.