Hội An lùi việc thu phí toàn bộ du khách
Bí thư Thành ủy Hội An vừa lên tiếng trước việc UBND thành phố đề ra phương án buộc du khách mua vé tham quan khi vào phố cổ.
Ngày 8/4, ông Trần Ánh, Bí thư Thành ủy Hội An, cho biết đã đề nghị UBND thành phố chưa thực hiện phương án phân luồng và bán vé cho tất cả du khách vào phố cổ từ ngày 15/5 như dự kiến.
Lý giải về việc này, ông Ánh cho hay Hội An sẽ họp với người dân, các hộ kinh doanh, và cần tham khảo thêm kinh nghiệm trong nước và thế giới để tìm phương án tối ưu, chỉ áp dụng với khách du lịch thực sự.
Mới đây, UBND TP. Hội An ban hành phương án về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An.
Theo đó, từ ngày 15/5, Hội An sẽ áp dụng yêu cầu bắt buộc mua vé tham quan tại các quầy vé trước khi vào phố cổ Hội An đối với tất cả du khách trong và ngoài nước.
Giá vé áp dụng 80 nghìn đồng/vé đối khách trong nước và 120 nghìn đồng/vé đối với khách quốc tế. Thời gian hoạt động bán vé tham quan khu phố cổ là từ 7h30 đến 21h30 hàng ngày vào mùa hè, và đến 21h vào mùa đông.
Lực lượng chức năng sẽ phân luồng 2 lối đi tại các đường chính vào khu phố cổ. Một lối đi dành cho người dân địa phương và một lối đi dành cho du khách.
Giới chức TP. Hội An cho biết việc áp dụng bắt buộc mua vé đối với tất cả du khách khi đến tham quan phố cổ Hội An là để “đảm bảo công bằng đối với địa phương và tất cả du khách”. Du khách khi vào khu phố cổ đều phải mua vé. Bởi theo quyết định công nhận khu phố cổ Hội An là di sản văn hóa thế giới thì toàn thể cảnh quan khu phố cổ là di sản chứ không phải chỉ riêng một di tích nào.
Ngoài ra, nguồn thu từ việc bán vé tham quan phục vụ cho việc trùng tu di sản, cải tạo hạ tầng trong khu phố cổ, phục vụ tổ chức các sự kiện du lịch, cũng như hỗ trợ người dân trong việc trùng tu cải tạo nhà. Tất cả kinh phí triển khai đó đều lấy từ nguồn từ thu vé tham quan.
Đối với những trường hợp vào khu phố cổ để làm việc tại các cơ sở kinh doanh, nhà hàng sẽ không thu phí nhưng đơn vị phải đảm bảo đúng mục đích, nếu kiểm tra phát hiện vào tham quan mà trốn vé cũng sẽ bị phạt.
Đề xuất trên từ giới chức TP. Hội An đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Minh Long
Thanh Hóa chi 300 triệu đồng xây 5 cánh tay khổng lồ tại bãi biển
5 cánh tay cỡ lớn làm bằng bê tông cốt thép vừa xuất hiện trên bãi tắm ở khu du lịch biển Hải Tiến (Thanh Hóa) khiến người dân lẫn du khách không khỏi bất ngờ.
Dọc bãi biển Hải Tiến (xã Hoằng Tiến và xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá) có chiều dài hơn 1km đã xuất hiện 5 bàn tay khổng lồ, được xây dựng bằng bê tông, sắt thép và đang trong quá trình hoàn thiện.
Các cánh tay này được xây dựng từ đầu tháng 3/2023. Mỗi cánh tay cao khoảng hơn 4m (tính cả bệ móng bê tông), cổ tay to 1 người lớn ôm không hết. Phần đế hình tròn, chu vi khoảng 6m, cũng đúc bằng bê tông.
Nhiều người dân và du khách cho rằng hình tượng 5 cánh tay là thô kệch, phá vỡ cảnh quan tự nhiên và chắn mất không gian bờ biển vốn đã bị thu hẹp do thủy triều xâm thực những năm gần đây. Khối bê tông có thể gây nguy hiểm cho du khách tắm biển.
Ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Hoằng Hóa, cho biết đây là hạng mục chòi canh nhằm quan sát du khách tắm biển, khi du khách có bất trắc thì có thể kịp thời hỗ trợ. Công trình cũng tạo cảnh quan mới lạ để du khách chụp ảnh check-in. Mỗi tượng trị giá 60 triệu đồng, kinh phí từ ngân sách, theo báo Vnexpress.
Ông Tú cho rằng những công trình liên quan tới kiến trúc thường có ý kiến khen chê, “vì cái đẹp trong mắt mỗi người mỗi khác”.
Dự án do UBND huyện Hoằng Hóa làm chủ đầu tư, thuộc thẩm quyền quyết định của UBND huyện.
Công trình này đang trong giai đoạn hoàn thiện để kịp đưa vào phục vụ mùa du lịch biển Hải Tiến hè 2023 từ cuối tháng 4 này.
Minh Long
Đôi vợ chồng điều hành đường dây buôn bán giấy tờ giả qua bưu chính suốt 5 năm
Hoạt động hơn 5 năm, từ năm 2018, đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, mua bán, vận chuyển giấy tờ giả qua dịch vụ bưu chính của đôi vợ chồng ở Hà Nội thu lợi từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/1 tháng.
Ngày 6/4, Cục An ninh chính trị nội bộ Bộ Công an đã cho biết thông tin ban đầu về vụ đường dây mua bán, vận chuyển giấy tờ giả qua dịch vụ bưu chính. Liên quan đến vụ án trên, sau khi hoàn tất các thủ tục ban đầu, Cục An ninh chính trị nội bộ đã bàn giao hồ sơ vụ án cho Văn phòng CSĐT Công an TP. Hà Nội thụ lý theo thẩm quyền.
Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 10/3, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; ra quyết định khởi tố bị can đối với 5 người về hành vi phạm tội trên.
Năm người gồm: Nguyễn Anh Tiệp (SN 1983), Lê Thu Minh (SN 1988, cùng trú tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP. Hà Nội); Nguyễn Văn Thành (SN 1998, ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội); Chung Thị Linh (SN 2001) và Nguyễn Đức Trung (SN 1994, cùng ở phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội).
Trước đó, vào tháng 11/2022, Cục An ninh chính trị nội bộ đã cho truyền thông biết về đường dây sản xuất giấy tờ giả, lợi dụng dịch vụ bưu chính để mua bán, vận chuyển giấy tờ giả. Các nghi phạm lợi dụng các sơ hở của dịch vụ bưu chính, viễn thông, ngân hàng để phạm tội, thu lợi bất chính.
Nhằm tránh bị công an phát hiện, những người này gửi hàng qua nhiều khâu trung gian, thường xuyên thay đổi nơi gửi, sử dụng nhiều người để giao dịch tại nhiều bưu cục của các doanh nghiệp bưu chính. Đồng thời, để qua mặt lực lượng chức năng, các nghi phạm tạo nhiều tài khoản của rất nhiều doanh nghiệp bưu chính công nghệ bằng cách kích hoạt nhiều sim “rác” của nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông để đăng ký tài khoản, sau đó hủy ngay sim để xóa dấu vết.
Thậm chí, các nghi phạm đã sử dụng CCCD giả để đăng ký tài khoản ngân hàng (dùng CCCD của người khác hoặc thay ảnh vào CCCD của người khác), lợi dụng việc cho phép mở tài khoản bằng phương thức điện tử, không cần phải đến phòng giao dịch để kiểm tra CCCD, đối chiếu nhận dạng… để mở tài khoản ngân hàng nhằm thu lợi bất chính từ việc sản xuất, mua bán giấy tờ giả.
Qua công tác rà soát, các trinh sát Cục An ninh chính trị nội bộ đã dựng được chân dung của 5 người nghi vấn gồm vợ chồng Tiệp, Minh; cặp đôi Linh, Trung và Thành. Được biết, Tiệp có 2 tiền án, trong đó có 1 tiền án về tội sản xuất giấy tờ giả.
Sau khi đã xác định được địa điểm nơi vợ chồng Minh, Tiệp sản xuất giấy tờ giả tại 1 căn hộ trong tòa nhà CT6B, chung cư Xa La, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, vào 19h ngày 1/3, Ban chuyên án đã phối hợp với Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội bắt quả tang bị can Nguyễn Anh Tiệp, khi người này đang mang 53 loại giấy tờ giả gồm giấy phép lái xe, căn cước công dân, chứng minh nhân dân, 6 biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe,…
Tiếp theo đó, lực lượng chức năng khám xét khẩn cấp căn hộ của Tiệp, thu giữ 19 thiết bị, máy móc dùng để sản xuất giấy tờ giả; 3 máy khắc dấu và gần 500 con dấu của cơ quan, tổ chức; 42 giấy tờ giả thành phẩm và hơn 7 nghìn phôi dùng để sản xuất giấy tờ giả. Tiếp tục mở rộng điều tra, Cục An ninh chính trị nội bộ khám xét căn nhà của vợ chồng Tiệp, Minh tại khu đô thị Kiến Hưng Luxury (phường Kiến Hưng), thu giữ 300 phôi, thẻ nhựa.
Đồng thời, Cục An ninh chính trị nội bộ đã phối hợp với Công an TP. Hà Nội triệu tập các nghi phạm có liên quan gồm Minh, Thành, Linh và Trung. Lực lượng chức năng phát hiện thêm 1 cơ sở sản xuất giấy tờ tại phòng trọ của Thành tại phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân), thu giữ 5 thiết bị, máy móc, 11 con dấu của cơ quan, tổ chức, 117 giấy tờ giả thành phẩm cùng hơn 1 nghìn phôi dùng để sản xuất giấy tờ giả.
Tổng cộng, cơ quan công an đã thu giữ 24 thiết bị sản xuất giấy tờ giả (máy vi tính, máy in màu, máy in thẻ, máy scan, máy cán màu, máy cắt phôi, các loại máy ép plastic, ép thẻ, ép thủ công, điện thoại di động, máy tính bảng…), 3 máy khắc con dấu và gần 500 con dấu của cơ quan, tổ chức; 768 giấy tờ giả thành phẩm (CCCD gắn chíp, giấy triệu tập của cơ quan công an, tem đăng kiểm ô tô, giấy chứng nhận sử dụng đất, giấy chứng nhận công an nhân dân…); 8.978 phôi dùng để sản xuất giấy tờ giả.
Bước đầu, các bị can khai nhận từ năm 2018, nắm được nhu cầu của người sử dụng mạng xã hội về các loại giấy tờ, bằng cấp không phải thi, Tiệp bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu, mua thiết bị để sản xuất các loại giấy tờ giả. Sau đó, từ năm 2019, Tiệp cùng vợ là Minh bắt đầu sản xuất giấy tờ giả tại nhà ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông. Hàng hóa được sản xuất theo đơn đặt hàng trên mạng.
Trong đường dây phạm tội này, Nguyễn Văn Thành là người trực tiếp sản xuất giấy tờ giả theo chỉ đạo của vợ chồng Tiệp, Minh. Bị can giao, nhận giấy tờ giả cho các mắt xích khác trong đường dây, trong đó có Linh và Trung, Thành được trả 30 triệu đồng/tháng.
Hai bị can Linh và Trung, sau khi nhận hàng sẽ đóng các giấy tờ giả, trà trộn vào các hàng hoá thông thường để gửi đến người mua, qua các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính.
Với những thủ đoạn trên, mỗi tháng, đường dây này thu lời từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng.
Hiện, vụ án đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra.
Thạch Lam
Doanh nghiệp bất động sản khất nợ trái phiếu gần 79.000 tỷ đồng trong quý 1/2023
Theo báo cáo trong quý 1 năm nay, trong tổng số 69 doanh nghiệp phát hành khất nợ trái phiếu có tới 49 tổ chức thuộc lĩnh vực bất động sản (BĐS) với tổng giá trị nợ lên tới gần 79.000 tỷ đồng (chiếm 83% tổng nợ).
Chiều hôm 7/4, Bộ Tài chính đưa ra thông cáo về tình hình thị trường tài chính, trong đó quý 1/2023, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã phát hành hơn 24.700 tỷ đồng.
Về cơ cấu, có hơn 98% khối lượng phát hành mới đây thuộc lĩnh vực BĐS, khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức chiếm 99%, trong đó các ngân hàng chiếm 77%.
Tình hình thanh toán nợ trái phiếu trong quý 1, có 69 doanh nghiệp phát hành chậm thanh toán gốc, lãi TPDN. Trong đó có 43 tổ chức phát hành thuộc ngành BĐS với tổng giá trị TPDN chậm trả nợ ở mức 78.900 tỷ đồng, chiếm 83,6% với tổng giá trị TPDN của các doanh nghiệp chậm trả nợ.
Ngoài ra, có 23 tổ chức phát hành có phương án đàm phán với nhà đầu tư và báo cáo cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với giá trị khoảng 9.600 tỷ đồng.
Trước đó, Nghị định 08 được Chính phủ Việt Nam ban hành có hiệu lực từ ngày 5/3 thể hiện nhiều điểm thay đổi về trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Cụ thể, nếu doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư, “doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.”
Trong chương trình về ngành BĐS của Công ty Chứng khoán SSI diễn ra vào chiều hôm 8/3, bà Đinh Thị Mai Anh Trưởng phòng Phân tích SSI cho biết đa số trái chủ chỉ muốn được thực hiện đúng cam kết là trả lãi và gốc đúng hạn, thay vì lùi hay hoán đổi do lo ngại tính pháp lý của những sản phẩm chuyển đổi, trang Vietnambiz đưa tin.
Theo bà Mai Anh, Nghị định 08 cho phép các doanh nghiệp được trao đổi và thương lượng với các trái chủ về việc tái cấu trúc và thay đổi thời hạn trả gốc trả lãi và phương thức chuyển đổi nợ gốc thành BĐS, hoặc theo hình thức tài sản khác.
“Theo như chúng tôi thấy, đa số trái chủ chỉ muốn được thực hiện đúng cam kết là trả lãi và gốc đúng hạn, và trái chủ vẫn kỳ vọng doanh nghiệp vẫn thanh toán được thay vì lùi hay hoán đổi”, Trưởng phòng Phân tích SSI cho hay.
Bà Anh nói thêm, có nhiều chủ đầu tư cam kết sẽ đảm bảo tính pháp lý cho những sản phẩm để chuyển đổi, tuy nhiên để thực hiện được trong thực tế thì không dễ dàng. Nguyên nhân vì các nhà đầu tư không thể cùng chuyển đổi chung nhau một tài sản hay một sản phẩm bất động sản.
Theo phản ánh, nhiều doanh nghiệp đang gây khó trong việc gán nợ tài sản, “biến” trái chủ thành con nợ khi yêu cầu trái chủ nộp thêm tiền để hoán đổi tài sản. Đơn cử như Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup của ông Nguyễn Ngọc Thủy (còn gọi là “Shark” Thủy) gạt nợ sang BĐS, báo Giao Thông đưa tin.
Cụ thể, Egroup cho biết đã làm việc với các đối tác và chọn ra 2 dự án BĐS với nhiều loại sản phẩm đủ điều kiện để đề xuất với các nhà đầu tư phương án đổi nợ lấy đất.
Đầu tiên là một dự án tại tỉnh Thanh Hóa, chủ đầu tư là Công ty Đại Nam Á đang có 75 lô đất, diện tích từ 100 – 194m2, với một giá bán là 300 triệu đồng, nhà đầu tư được chuyển đổi 100 triệu đồng tiền trái phiếu, do đó phải đóng vào thêm tiền mặt 200 triệu đồng.
Tương tự với 27 căn biệt thự nghỉ dưỡng tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), Công ty Egroup thông báo nhà đầu tư trái phiếu được hoán đổi tối đa 6 tỷ đồng và phải đóng thêm vào 6,5 tỷ đồng để sở hữu biệt thự được định giá tới 12,5 tỷ đồng.
Tuấn Minh