Tân Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng: Người kế vị được chỉ định của Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. (Ảnh: TTXVN)

Trong nền chính trị độc đảng ở Việt Nam hậu Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) là người có quyền lực nhất nước, là nguyên thủ quốc gia trên thực tế, Chủ tịch nước vì vậy mang tính lễ nghi là chính. Cũng bởi lý do này, chức Chủ tịch nước được mặc định như một sự tưởng thưởng công lao, đồng nhất với nhiệm kỳ công tác cuối cùng. Nói cách khác, Chủ tịch nước là chức vụ tiền hưu trí.

Không kể Hồ Chí Minh là người khai sáng Nhà nước Việt Nam hiện tại, Tôn Đức Thắng là nhân vật được chính Hồ Chí Minh chọn làm phó cho mình trong cương vị Phó Chủ tịch nước và Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng “lấp chỗ trống” do cái chết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang để lại, các Chủ tịch nước khác có được vị trí của họ là do họ thuộc “bên thắng cuộc” trong cuộc đấu tranh quyền lực nói chung, đấu tranh quyền lực giữa ba phe Bắc, Trung, Nam (1) nói riêng trong Trung ương Đảng. Ví dụ: Trần Đại Quang và Nguyễn Xuân Phúc, hai người này đã giúp Nguyễn Phú Trọng loại bỏ Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc đua vào chức Tổng bí thư tại Đại hội Đảng XII (2016).

Do đó, việc Võ Văn Thưởng, sinh năm 1970, được Quốc hội ngày 2/3 vừa qua bầu làm Chủ tịch nước thay Nguyễn Xuân Phúc, bị bãi nhiệm do dính líu đến đại án tham nhũng có tên “Việt Á”, là một đột biến chính trị. Bởi rõ ràng rằng thành viên trẻ nhất này của Bộ chính trị sẽ không nghỉ hưu khi nhiệm kỳ Chủ tịch nước kết thúc sau ba năm nữa.

Vậy tại sao ông Thưởng, cho đến giờ chưa để lại ấn tượng đặc biệt nào trong công tác, cũng không có công lao nào đặc biệt trong chiến thắng của ông Trọng trước Thủ tướng Dũng, lại được bổ nhiệm làm Chủ tịch nước?

Đến Đại hội Đảng XIII (2021) thì quyền lực của Tổng bí thư Trọng là vô đối, điều này cho phép ông định đoạt ba vị trí còn lại trong “Tứ trụ Triều đình” là Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội. Để nói, việc ông Thưởng trở thành người đứng đầu Nhà nước mang đậm dấu cá nhân của ông Trọng. Bản thân tân Chủ tịch nước đã không che giấu điều này khi mở đầu diễn văn nhậm chức (2) bằng “Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương ĐCSVN”, điều không có trong diễn văn nhậm chức của hai người tiền nhiệm.

Mặc dầu vậy, sự lựa chọn này của ông Trọng chắc chắn không phải là tùy hứng. Ngược lại là đằng khác, đó là một toan tính có tính dài hạn liên quan đến sự tồn vong của bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực vậy, ông Trọng đã nhắm ông Thưởng làm người kế vị khi bố trí ông này làm Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, vị trí trong nhiều trường hợp được coi là “phòng chờ” của chức Tổng Bí thư Đảng. Hiểu như vậy thì việc ông Trọng bố trí ông Thưởng làm Chủ tịch nước là một sự khẳng định hơn nữa vị thế của ông này như Tổng bí thư tương lai của Đảng.

Còn lý do ông Trọng nhắm ông Thưởng làm “truyền nhân” của mình thì có thể là như sau.

Trước hết, ông Thưởng “chôn nhau cắt rốn” ở tỉnh Hải Dương, điều này thỏa mãn được một nguyên tắc bất thành văn của ĐCSVN là người đứng đầu phải là người sinh ra tại miền Bắc, nếu lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Thực tế cho thấy trong số 13 đời chủ tịch, tổng bí thư, bí thư thứ nhất của Đảng thì chỉ có Lê Duẩn sinh ra ở miền Nam, cụ thể là ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thế nhưng nếu xác định xuất xứ theo quê quán thì Lê Duẩn lại là người miền Bắc vì quê ông là làng Phương Cai, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh (3).

Tiếp theo, ông Trọng là Giáo sư chuyên ngành xây dựng Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Vì vậy, nắm vững lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin đối với ông là phẩm chất không thể thiếu của mọi cán bộ làm công tác Đảng, nhất là ứng viên Tổng Bí thư. Ông Thưởng, người duy nhất trong Bộ chính trị có tấm bằng Thạc sĩ Triết học Mác – Lê nin, dĩ nhiên phù hợp nhất với tiêu chí này của ông Trọng.

Việc chọn ông Thưởng còn xuất phát từ nhu cầu chống tham nhũng mà Tổng bí thư Trọng coi là có tính sống còn đối với chế độ cộng sản Việt Nam.

Đầu năm 2013, ngay sau khi giành được quyền chỉ đạo chống tham nhũng từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bị cáo buộc dính líu đến thất thoát nghiêm trọng xảy ra tại các tập đoàn kinh tế do ông này lập ra, Tổng bí thư Trọng tiến hành công cuộc “đốt lò”, mà giới quan sát coi là bản sao của “đả hổ, diệt ruồi”, chiến dịch chống tham nhũng do Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình phát động. Kết quả “đốt lò” cho thấy phần đông những kẻ tham nhũng là quan chức chính quyền. Điều này lý giải vì sao ông đã chọn Trần Quốc Vượng, một người chưa từng làm việc trong hành pháp, làm “truyền nhân” của ông trong quá trình chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Thế nhưng, do sự cạnh tranh quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sinh tại tỉnh Quảng Nam (Nam vĩ tuyến 17), người có các quan hệ lợi ích với đa số ủy viên Trung ương Đảng là quan chức chính quyền nên ông Vượng đã không thu đủ phiếu trong Trung ương Đảng để trở thành ứng viên Tổng bí thư. Tình huống ngoài dự kiến này đã buộc ông Trọng vượt qua Điều lệ Đảng để làm Tổng bí thư nhiệm kỳ 3 nhằm giữ vững nguyên tắc bất thành văn của Đảng, như đã đề cập, là Tổng bí thư phải là người sinh ra tại miền Bắc. Để chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng sẽ họp sau 3 năm nữa, ông Trọng lại tìm kiếm “truyền nhân” trong số chính trị gia không phải là quan chức chính quyền. Trong bối cảnh đó, ông Thưởng với một sự nghiệp “thuần Đảng” hiện ra như một lựa chọn tối ưu của ông Trọng.

Một nguyên tắc bất thành văn khác của ĐCSVN là lấy con cái các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước làm nguồn lãnh đạo kế tiếp trên cơ sở niềm tin rằng con cái sẽ bảo vệ đến cùng thành quả chính trị của cha mẹ họ. Tầng lớp “lãnh đạo dự bị” này vì thế được dân gian gọi là “thái tử Đỏ” hay ”thái tử Đảng”, như một sự làm mới hay cập nhật hóa câu ca dao “Con vua thì lại làm vua/Con sãi ở chùa lại quét lá đa.” Do đó, việc ông Thưởng, vốn chưa để lại ấn tượng đặc biệt nào trong công tác, lọt vào “mắt xanh” của Tổng bí thư Trọng cho phép suy đoán ông là một “thái tử Đảng” khi mà tiểu sử của tân Chủ tịch nước (4) do Nhà nước Việt Nam công bố không cho biết cha mẹ ông là ai. Theo nghiên cứu riêng của tôi (5), cha ông Thưởng là Võ Chí Công, một yếu nhân của Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Vị này từng là Phó bí thư trung ương Cục miền Nam của Đảng lao động Việt Nam (ĐCSVN ngày nay), Phó Chủ tịch Mặt trân Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Thủ tướng phụ trách nông nghiệp rồi Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1987 – 1992), chức vụ tương đương Chủ tịch nước.

Cuối cùng, Tổng bí thư Trọng nhắm Võ Văn Thưởng ở độ tuổi 50 vào vị trí đứng đầu Đảng là để bảo đảm cho chế độ Cộng sản ở Việt Nam có được sự ổn định ít nhất trong 2 thập kỷ nữa, tức cho đến khi ông Trọng nhắm mắt xuôi tay.

Tóm lại, cú “ngã ngựa” của Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Chủ tịch nước là cơ hội để nhân vật quyền lực nhất Việt Nam kể từ sau Hồ Chí Minh khẳng định vị thế không thể cạnh tranh của “thái tử Đảng” họ Võ như là “người cầm lái” tiếp theo của con tàu có tên “Đảng cộng sản Việt Nam”.

Chú thích:

1. Việc xác định vùng lãnh thổ ở Việt Nam khá phức tạp do bị chính trị chi phối. Việt Nam thời thuộc Pháp được chi thành ba vùng với chế độ chính trị khác nhau: Bắc Kỳ (từ giáp giới Trung Quốc cho đến tỉnh Thanh hóa) là xứ bảo hộ, Trung Kỳ (từ tỉnh Thanh hóa cho đến tỉnh Bình Thuận) cũng là xứ bảo hộ nhưng Triều đình Huế có một số quyền hành nhất định và Nam Kỳ (phần đất còn lại) là xứ thuộc địa. Hiệp định Genève 1954 xác định vĩ tuyến 17 là giới tuyến tạm thời nhằm cách ly Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội liên hiệp Pháp, dẫn tới hai vùng lãnh thổ nằm phía trên và phía dưới vĩ tuyến này được gọi là “miền Bắc” và “miền Nam”. Cũng vì lý do này mà trong Chiến tranh Việt Nam miền Bắc được đồng nhất với chính quyền cộng sản và miền Nam được đồng nhất với chính quyền chống cộng. Ngày 30/4/1975, những người cộng sản thống nhất đất nước, chấm dứt “miền Bắc” và “miền Nam” như những chế độ chính trị đối nghịch. Thay vào đó, đấu tranh quyền lực trong nội bộ ban lãnh đạo ĐCSVN Việt Nam dẫn tới hình thành 3 phái tương ứng với 3 vùng địa lý: “miền Bắc” (như “miền Bắc” trong Chiến tranh Việt Nam), “miền Trung” (dưới vĩ tuyến 17 cho đến Bình Thuận) và “miền Nam” (như Nam Kỳ thuộc Pháp). Cụ thể, Tổng bí thư theo một nguyên tắc bất thành văn của Đảng phải là người sinh ra tại miền Bắc. Các vị trí còn lại trong “Tứ trụ” gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội tùy theo tương quan lực lượng mà do người sinh tại miền Trung hay miền Nam nắm.

2. Toàn văn phát biểu nhậm chức của ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại kỳ họp bất thường lần thứ tư, Quốc hội khóa XV, Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước CHXHCNVN, 02/03/2023.

3. Đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, Du lịch Hà Tĩnh, 1/11/2017

4. Tiểu sử đồng chí Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,Cổng thông tin điện tử Chính phủ, 09/03/2023.

5. Cố Chủ tịch nước Võ Chí Công là thân phụ tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng? Tiếng Dân, 22/3/2023

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, nguyên là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống tại California, Hoa Kỳ.

Related posts