Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo kế hoạch triển khai quân đội đến gần Sudan trong bối cảnh xung đột leo thang ở quốc gia châu Phi.
“Chúng tôi đang điều động thêm nguồn lực tại khu vực với mục tiêu đảm bảo an ninh và sẵn sàng hỗ trợ sơ tán nhân sự của đại sứ quán Mỹ tại Sudan”, Lầu Năm Góc ngày 20/4 phát thông cáo.
Một quan chức Mỹ tiết lộ lính Mỹ sẽ được triển khai với số lượng lớn đến căn cứ tại Djibouti, đông châu Phi, cho kịch bản sơ tán nhân sự ngoại giao. Djibouti cách Sudan khoảng hơn 1.000 km.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói Tổng thống Joe Biden đang theo dõi rất sát tình hình tại Sudan và đã ra lệnh cho quân đội bố trí trước lực lượng, sẵn sàng làm nhiệm vụ tại khu vực.
Theo ông Kirby, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy các công dân Mỹ tại Sudan đang bị nhắm mục tiêu, nhưng tình hình vẫn nguy hiểm. Người phát ngôn Nhà Trắng cho rằng, kịch bản tốt nhất là hai bên hạ vũ khí, tuân thủ lệnh ngừng bắn và cho phép viện trợ nhân đạo được chuyển đến người dân ở thủ đô Khartoum.
Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó khuyến cáo công dân nước này ở Sudan tìm nơi trú ẩn và không rời khỏi nhà. Washington không cung cấp số lượng công dân Mỹ đang sống hoặc du lịch đến Sudan và vì lý do an ninh, Mỹ cũng không tiết lộ số nhân viên đại sứ quán ở Sudan. Các binh sĩ quân đội Sudan, trung thành với tổng tư lệnh quân đội Abdel Fattah al-Burhan, ngồi trên một chiếc xe tăng ở thành phố Port Sudan thuộc Biển Đỏ, vào ngày 20 tháng 4 năm 2023. (Ảnh: -/AFP via Getty Images)
Các quốc gia khác cũng đã bắt đầu lên kế hoạch sơ tán hàng nghìn người nước ngoài, nhưng những nỗ lực của họ bị đình trệ do bạo lực đang diễn ra.
Các quan chức Mỹ cho biết Djibouti, nằm giữa Ethiopia, Eritrea và Somalia trên Vịnh Aden, sẽ là điểm khởi đầu cho hoạt động sơ tán.
Bất kỳ cuộc sơ tán nào trong hoàn cảnh hiện tại đều gặp nhiều khó khăn và rủi ro an ninh vì sân bay Khartoum vẫn không hoạt động, và các tuyến đường bộ từ thủ đô ra khỏi đất nước rất dài và nguy hiểm ngay cả khi không có chiến sự hiện tại.
Nếu không thể tìm thấy bãi đáp an toàn trong hoặc gần Khartoum, họ có thể phải đưa những người sơ tán đến cảng Sudan trên biển Đỏ, nhưng đó là chuyến đi kéo dài 12 giờ với quãng đường dài 841 km rất nguy hiểm.
Một lựa chọn khác là đi đường bộ đến nước láng giềng Eritrea. Tuy nhiên, đó cũng sẽ là một vấn đề vì nhà lãnh đạo của Eritrea Isaias Afwerki không phải là bạn của Mỹ hay phương Tây nói chung.
Giao tranh kéo dài 6 ngày qua tại Sudan giữa lực lượng thuộc quyền hai tướng Abdel Fattah al-Burhan và Mohamed Hamdan Daglo đã khiến ít nhất 300 người chết.
Khartoum, thủ đô Sudan với khoảng 5 triệu dân, đã diễn ra nhiều trận đánh khiến thành phố tê liệt. Người dân phải nấp ở nhà trong cảnh mất điện, không thể tiếp cận nguồn lương thực và nước uống.
Hai phe ngày 19/4 tuyên bố sẽ tuân thủ toàn diện lệnh ngừng bắn 24 tiếng. Tuy nhiên, hình ảnh trên thực tế cho thấy chiến sự vẫn diễn ra tại Khartoum và nhiều thành phố khác.
Sudan là trọng tâm trong các nỗ lực ngoại giao của Mỹ ở châu Phi khi Washington đối phó ảnh hưởng của Nga ở khu vực này. Nga đang đầu tư vào các mỏ khai thác vàng ở Sudan, đồng thời nỗ lực hoàn tất thỏa thuận thiết lập căn cứ hải quân trên bờ Biển Đỏ ở Sudan.
Viên Minh (Tổng hợp)