Tác giả: Chu Khôi
Thời gian gần đây, báo chí và nhiều kênh truyền thông, mạng xã hội ở các nước Đông Nam Á đã có nhiều bài viết, video ngợi ca sự thay đổi vượt bậc của nông thôn Việt Nam. Phần lớn đều cho rằng vùng nông thôn Việt Nam đang giàu đẹp và hiện đại hơn nhiều so với nông thôn ở Thái Lan, Philippine, Indonesia…
Giữa năm 2022, Báo điện tử Bangkok New của Thái Lan đăng bài viết “Chính quyền địa phương ở Việt Nam liệu có đang tiến bộ hơn ở Thái Lan”. Bài báo đã phân tích những nguyên nhân tại sao Thái Lan có nền kinh tế tổng thể mạnh hơn Việt Nam, GDP cao hơn Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người cũng cao gần gấp đôi, nhưng các vùng nông thôn lại nghèo và kém phát triển, bị nông thôn Việt Nam bỏ xa. Tác giả cho rằng, đây là một nghịch lý mà người Thái khó tin, nhưng lại là sự thật.
Các nước láng giềng ngưỡng mộ nông thôn Việt Nam
Bài báo viết: “Như chúng ta đã biết kinh tế Việt Nam đang đi sau Thái Lan khoảng 10 năm, GDP của họ mới đạt gần 400 tỷ USD, thấp hơn so với 500 tỷ USD của Thái Lan. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 4.000 USD/năm, cũng chỉ hơn ½ so với thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan 7.000 USD/năm. Do đó chúng ta thường bình luận rằng người Việt Nam còn nghèo hơn Thái Lan rất nhiều, nhà cửa và đường xá của họ không thể đẹp bằng Thái Lan. Nhưng có thể điều này chỉ đúng ở các đô thị cấp quốc gia – nơi các Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chưa thể sánh bằng Bangkok. Còn thực tế đang ngược lại ở các đô thị khác, đặc biệt là ở các vùng nông thôn – nơi người dân Việt Nam đang có cuộc sống tốt hơn hẳn so với các vùng nông thôn Thái Lan. Nhà cửa, đường xá của họ khang trang hơn. Đó là điều mà chỉ khi đến Việt Nam, chúng tôi mới nhìn thấy sự chênh lệch rõ ràng giữa các vùng nông thôn của Việt Nam và các vùng nông thôn của Thái Lan”.
Báo Bangkok New đưa lên những ảnh được gửi về từ những người Thái Lan đi du lịch Việt Nam, những phượt thủ Thái Lan từng có thời gian đi dọc đất nước Việt Nam, khi nền du lịch Việt Nam mới được mở cửa sau 2 năm đại dịch Covid-19. Trong các bức hình đều hiện lên những ngôi nhà nhiều tầng hiện đại san sát nhau ven những con đường trải nhựa. Bài báo nhận định, hình ảnh này trông chẳng khác gì những khu đô thị ngoại thành, nhưng lại nằm ngay sát hoặc nằm giữa những cánh đồng xanh ngát. Đây không phải là cảnh hiếm tại Việt Nam, mà là hình ảnh phổ biến của nông thôn Việt Nam.
Những khách đi du lịch đến Việt Nam nói rằng, ngoại trừ những vùng cao – nơi những dân tộc thiểu số sống và một số vùng thường gặp thiên tai ở Nam miền Trung, còn lại phần lớn các vùng nông thôn khác hiện trông chẳng khác gì những thị trấn hay những vùng ven đô có vẻ rất giàu đẹp. Các dịch vụ tiện ích tại các vùng nông thôn Việt Nam cũng gần như đầy đủ, từ cửa hàng tạp hóa, quán ăn, quán cà phê, nhà hàng, khu vui chơi, nhà nghỉ, internet… đều có như tại thành phố.
“Trong khi đó, thực trạng nông thôn Thái Lan thì khác. Ngoại trừ các vùng đã phát triển du lịch, các vùng ven biển, thì phần lớn các vùng nông thôn của Thái Lan, đặc biệt là ở phía Bắc Thái Lan, mức sống kém xa so với nông thôn Việt Nam. Ở Thái Lan, những con đường đất vẫn còn rất nhiều, nhà mái tranh thì vẫn rất thường thấy, tiện ích thì hầu như rất ít, Internet chỗ có, chỗ không. Để xác thực điều này, bạn chỉ cần đi ra khỏi các thành phố Bangkok hay Phuket”.
Bài báo cho rằng những điều này liên quan đến vấn đề quản trị đất nước, quản trị địa phương. “Chiến lược phát triển ở nước ta và Việt Nam khác nhau. Ở Thái Lan, chúng ta tập trung vào phát triển các khu vực trọng điểm như Bangkok, Nakhon, Pattaya, hay Chiang Mai… các khu vực ven biển Thái Lan. Những thành phố này được ưu tiên mọi mặt để phát triển kinh tế, công nghiệp, du lịch, dịch vụ… trong khi các tỉnh còn lại, nhất là các tỉnh nằm sâu trong nội địa gần như không được quan tâm. Tình trạng này không chỉ ở Thái Lan, mà phổ biến ở các nước Đông Nam Á khác, như Philippines tập trung vào Manila, Indonesia tập trung vào Jakarta. Nhiều nước trong khu vực tập trung mọi nguồn lực để phát triển các siêu đô thị giàu có hiện đại không kém gì phương Tây, nhưng các địa phương còn lại đều thua xa so với Việt Nam”.
Theo phân tích của bài báo, khi chỉ tập trung vào một địa phương, sẽ tiết kiệm được chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, vì không nhất thiết phải đầu tư xây dựng đường cao tốc, đường sắt, các cảng biển, cảng hàng không dàn trải trên cả nước. Nhưng cũng vì như thế, các địa phương khác muốn phát triển kinh tế thông qua thu hút đầu tư vào công nghiệp cũng rất khó khăn. Ngược lại tại Việt Nam, tuy chi phí đầu tư về đường giao thông, cầu, cảng biển, cảng hàng không dàn trải hơn, tốn kém hơn, nhưng nhờ vậy mọi địa phương đều có cơ hội phát triển.
Cũng trong năm 2022, Ixigua – trang đăng tải video lớn nhất của Trung Quốc đã đưa lên nhiều video quay cảnh các làng quê nông thôn của Việt Nam, thu hút đông đảo người xem của Trung Quốc. Các video có tiêu đề “Đây là cuộc sống thực của nông thôn Việt Nam” đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng Trung Quốc, bên dưới các video này, dân mạng Trung Quốc đã tham gia bình luận rất sôi nổi. Họ thể hiện sự ngạc nhiên và khen ngợi đời sống nông thôn Việt Nam tốt hơn nhiều vùng quê của Trung Quốc, thậm chí nhiều người Trung Quốc còn bày tỏ khao khát muốn sang Việt Nam sống.
Một số bình luận như: “Ở một số vùng nông thôn của Trung Quốc, điều kiện còn không được tốt như vậy!”. “Họ phát triển nông thôn Việt Nam tốt hơn miền Bắc Trung Quốc, tốt hơn nhiều so với vùng quê của chúng tôi”. “Thành thật mà nói chất lượng cuộc sống ở nông thôn Việt Nam tốt hơn hầu hết các vùng nông thôn ở Trung Quốc. Tôi đã đến nhiều nơi ở Việt Nam và tôi đã đi từ Nam ra Bắc ở Việt Nam”. “Nhìn là thấy ngay, sự phát triển nông thôn ở Việt Nam rất tốt, tốt hơn rất nhiều so với vùng nông thôn ở Tây Bắc Trung Quốc của chúng ta. Vậy mà nhiều người vẫn nhìn bằng con mắt cổ hủ, cho rằng Việt Nam và cả Đông Nam Á chỗ nào cũng lạc hậu, chỉ có Trung Quốc là tiên tiến hơn. Trên thực tế hàng xóm của chúng ta đang tiến về phía trước, họ không hề dậm chân tại chỗ”. “Mười năm qua, Việt Nam đã phát triển nhanh. Những ngôi nhà ở nông thôn Việt Nam đẹp hơn những ngôi nhà ở nông thôn Trung Quốc của chúng ta”. “Nông thôn ở Việt Nam được xây dựng khá tốt, toàn nhà xây kiểu Pháp. Thành thật mà nói, Việt Nam ít ô tô hơn so với Quảng Đông và Quảng Tây, nhưng các vùng nông thôn đẹp hơn nhiều so với nông thôn ở Quảng Đông và Quảng Tây. Ở Đồng bằng sông Hồng có nhiều biệt thự hơn ở Đồng bằng sông Châu Giang”.
Đổi thay từ Nông thôn mới
Đến xã Việt Dân ở thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, bất cứ ai cũng phải ấn tượng với cảnh quan hài hòa, những đường làng ngõ xóm bê tông rộng thênh thang, hai bên bồn dải trồng hoa rất đẹp cùng với cây xanh, tạo nên không khí trong lành. Nhìn vào diện mạo của xã Việt Dân hôm nay, ít ai biết rằng trước năm 2011 nơi đây cơ sở hạ tầng thiếu thốn, mọi con đường trong các thôn xóm đều là đường đất nhỏ hẹp, thường xuyên lầy lội mỗi khi trời mưa. Năm 2011, Việt Dân mới chỉ đạt 8/19 tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới.
Để có những con đường khang trang, các hộ dân đã hiến đất vườn để mở rộng đường dong ngõ xóm ra 8 – 10m. Bà Chu Thị Đua, một người dân cho biết đã hiến cho địa phương 700m2 đất, khi xã có chủ trương mở rộng đường giao thông nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Dân cho hay bắt đầu từ năm 2012, UBND xã triển khai chiến dịch xây dựng Nông thôn mới, sau đó làm Nông thôn mới nâng cao, rồi đến Nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2019, Việt Dân trở thành xã đầu tiên của cả nước được công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo ông Huy, từ năm 2015 đến nay, xã đã huy động mọi nguồn lực được 242 tỷ đồng để xây dựng Nông thôn mới. Trong đó vốn ngân sách các cấp 28,6 tỷ đồng, doanh nghiệp và nguồn xã hội hóa 12,1 tỷ đồng, còn lại vốn nhân dân đóng góp 201,3 tỷ đồng. Toàn thể nhân dân thực hiện tốt phong trào thắp sáng đường quê tại 7/7 thôn với 497 bóng điện chiếu sáng ban đêm. Đường trục xã đến các thôn trồng được 35/46,7km cây xanh cây cảnh, với 230 cây Osaka, 100 cây sấu vừa có bóng mát vừa tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp.
Về phát triển kinh tế, toàn xã có 110ha trồng na dai và hàng chục hecta cam Canh, bưởi Diễn, Phật thủ, chuối trồng theo quy trình VietGAP… đạt giá trị trên 400 triệu đồng/ha/năm. Trồng cây ăn quả toàn xã đạt lợi nhuận 70,4 tỷ đồng. Nếu năm 2015, xã có 36 hộ nghèo (chiếm 2,9%) và 57 hộ cận nghèo (chiếm 4,59%) thì đến nay không còn hộ nghèo và cận nghèo.
Việt Dân là một trong số hàng nghìn xã trên cả nước đã đổi thay nhờ Chương trình Mục tiêu quốc gia Nông thôn mới, đến nay sau 12 năm triển khai đã đạt nhiều thành tựu vượt bậc, làm đổi thay sâu sắc diện mạo nông thôn Việt Nam. Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới trung ương, đến năm 2022, đã có hơn 70% số xã trên cả nước đạt chuẩn Nông thôn mới. Đời sống nông thôn thay đổi rõ rệt, từ các trang thiết bị đến nhà ở, đường làng ngõ xóm. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước, nhất là vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm nhanh, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết: Vốn ngân sách Trung ương bố trí thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 đã được Quốc hội phê duyệt là 39.632 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Nguồn: Nông thôn Việt