Phái đoàn Trung Quốc tới Ukraina: ‘Bắc Kinh không tìm cách hòa giải’

Liên Thành

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: afp.com/Mikhail TERESHCHENKO).

Trung Quốc hôm 26/04 tuyên bố sẽ cử một phái đoàn tới Ukraina để tìm kiếm một ‘giải pháp chính trị’ cho cuộc xung đột, sau khi công bố cuộc điện đàm giữa ông Tập Cận Bình và ông Volodymyr Zelenzky. Tổng thống Ukraina cho biết ông đã có cuộc điện đàm “dài và có ý nghĩa” với lãnh đạo Trung Quốc, đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa họ kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24/02 năm ngoái.

Đối với Antoine Bondaz, nhà nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) và là chuyên gia về Trung Quốc, thông báo này trên hết là một hoạt động truyền thông, nhằm mục đích giúp Trung Quốc tái định vị tốt hơn trong cuộc xung đột. 

Chia sẻ với báo Pháp L’express, nhà nghiên cứu Bondaz nói:

Việc cử một phái đoàn giống như việc tiếp tục đối thoại với người Ukraina hơn là mong muốn thực sự tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột trong thời gian ngắn. Theo nghĩa này, Trung Quốc vẫn không phải là một trung gian hòa giải và họ cũng không có mục tiêu đó. 

Về đại diện đặc biệt của chính phủ Trung Quốc phụ trách khu vực Á-Âu kể từ năm 2019, Đại sứ Li Hui, cũng là cựu đại sứ Nga (2009-2019), sẽ được Bắc Kinh cử đi, vì vậy một số người lo ngại về sự gần gũi với Matxcova hơn là với Kyiv. Ngoài ra, kể từ đầu cuộc chiến, ông Tập Cận Bình đã từ chối mọi yêu cầu liên lạc với ông Volodymyr Zelensky, trong khi ông trao đổi cả chục lần với ông Vladimir Putin: gặp mặt, gọi điện và trao đổi thư từ.

Lý do khiến Trung Quốc trì hoãn liên lạc với Ukraina?

Theo nhà nghiên cứu Bondaz, là do Bắc Kinh gần gũi với Matxcova, Trung Quốc biết rất rõ rằng bằng cách kêu gọi Ukraina, có nguy cơ sẽ khiến đối tác của mình không hài lòng. Hơn nữa, chính phủ Trung Quốc không có nhiều điều để nói với lãnh đạo Ukraina, bởi vì họ ủng hộ Nga về mặt kinh tế, chính trị và ngoại giao. 

Vậy tại sao Bắc Kinh lại liên lạc với Kyiv vào thời điểm này? Có một số giả thuyết. Thứ nhất, tất cả các nước châu Âu, bao gồm cả Pháp trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Emmanuel Macron, đã khuyến khích nhà lãnh đạo Trung Quốc thảo luận với tổng thống Ukraina. Bằng cách gọi điện cho ông Zelensky, ông Tập Cận Bình cũng bắn tín hiệu cho các quốc gia rằng Trung Quốc có vai trò trong việc giải quyết xung đột. Điều này cũng có thể làm chậm quá trình tăng cường hợp tác xuyên Đại Tây Dương ở một số quốc gia  Trung và Đông Âu. Cuối cùng, nhà nghiên cứu Bondaz chỉ ra là những bình luận vô căn cứ của đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lu Shaye (Lư Sa Dã) đã có thể đẩy nhanh chương trình nghị sự của Trung Quốc. Khi có những nghi ngờ về lập trường của Trung Quốc trong cuộc chiến này, thì thông báo về việc cử phái đoàn tới Ukraina đã trấn an một số quốc gia.

Trước đó Đại sứ Trung Quốc Lư Sa Dã đã bị các nước châu Âu chỉ trích gay gắt khi nói, các quốc gia từng thuộc Liên Xô không có địa vị thực tế trong luật pháp quốc tế vì không có thỏa thuận quốc tế nào cụ thể hóa tình trạng chủ quyền của họ. Ý chỉ họ không phải là một quốc gia được luật tế bảo vệ. Tuyên bố lập tức hứng nhiều chỉ trích từ các nước châu Âu, từ Ukraina, Ba Lan, Latvia, Czech, Litva, Estonia, Luxembourg, Đức, Pháp. Đại sứ quán Trung Quốc tại  Pháp sau đó phải lên tiếng giải thích rằng phát biểu gây tranh cãi của đại sứ Lư Sa Dã là ‘quan điểm cá nhân’.

Việc thông báo cử phái đoàn của Trung Quốc có ảnh hưởng tới Nga hay không? 

Theo nhà nghiên cứu Bondaz, Nga sẽ không nhúc nhích vì Trung Quốc chưa gửi bất kỳ tín hiệu nào cho thấy họ đã thay đổi quan điểm và xem xét lại sự ủng hộ đối với Nga. Thậm chí có một nghịch lý: trong khi ông Tập Cận Bình nhắc lại tầm quan trọng của chủ quyền của mỗi quốc gia, được ghi trong hiến chương Liên Hợp Quốc, thì ông ta không hề lên án sự xâm lược của Nga.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã ở Nga vài ngày gần đây và không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ xa rời Nga. 

Cuối cùng nhà nghiên cứu Bondaz kết luận.

Với Bắc Kinh, bạn luôn phải so sánh các tuyên bố của họ với những gì họ thực sự làm, và so sánh những gì họ làm với Nga và những gì họ làm với Ukraina.

Related posts