Trụ cột lịch sử chính của Đế chế Nga sụp đổ?

Liên Thành

Diễu hành quân sự tại Quảng trường Đỏ ở Moscow, Nga. (Ảnh: Kremlin.ru).

Dưới đây là bài phân tích của tác giả Vadim Shtepa – tổng biên tập trang tin Region.Expert – một kênh truyền thông độc lập về Nga. Ông tốt nghiệp khoa Báo chí của Đại học Matxcova và Trường Nghiên cứu Chính trị Matxcova. Ông hiện sống ở Estonia kể từ năm 2015.

Vào đầu tháng 4/2023, chính quyền một số khu vực của Nga giáp với Ukraina, gồm Belgorod, Bryansk và Kursk, đã quyết định dừng tổ chức các cuộc duyệt binh thường lệ để kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã vào ngày 9/5.

Thống đốc Belgorod, ông Vyacheslav Gladkov, tuyên bố rằng ông không muốn “khiêu khích kẻ thù bằng một số lượng lớn thiết bị và nhân viên quân sự ở trung tâm thành phố.”

Tình trạng này ám chỉ rằng người Nga đang trở nên lo ngại về một khả năng xấu trên chiến trường Ukraina, và lo sợ về lực lượng của chính quyền Kyiv, vì sự tập trung của binh lính Nga ở bất kỳ khu vực nào không còn có nghĩa là người dân địa phương đó được an toàn nữa. Ngược lại, sự hiện diện của quân đội Nga đang khiến các địa phương lo ngại rằng họ sẽ trở thành mục tiêu dễ dàng cho các cuộc phản công của Ukraina.

Khi bắt đầu cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, Điện Kremlin dự định sẽ chiếm Kyiv trong vòng chưa đầy 2 tuần. Nhưng sau hơn 1 năm giao tranh ác liệt, hình hình bây giờ đã hoàn toàn khác.

Giờ đây, chính các khu vực của Nga đang buộc phải tăng cường thế trận phòng thủ. Hơn nữa, các cuộc duyệt binh vào ngày 9/5 của một loạt địa phương đã bị hủy bỏ, không chỉ ở các khu vực lân cận Ukraina, mà còn ở các thành phố khá xa tiền tuyến, bao gồm cả ở Pskov, và thậm chí cả Tyumen ở phía tây Siberia.

Không giống như năm ngoái, khi các lực lượng Ukraina không có nhiều máy bay không người lái, các khu vực này hiện đang lo sợ về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái từ Ukraina.

Nga vẫn sẽ tổ chức cuộc diễu binh lớn trên Quảng trường Đỏ ở Thủ đô Matxcova. Tuy nhiên, các nhà chức trách Nga đang phải thành lập các nhóm “chiến sĩ nhân dân” có nhiệm vụ túc trực ban đêm và theo dõi các thiết bị bay không người lái.

Năm nay, cuộc tuần hành thường niên mang tên “Trung đoàn bất tử” – trong đó những người tham gia mang theo chân dung những người thân của họ đã hy sinh trong Thế chiến Thứ hai – đã bị hủy bỏ ở tất cả các thành phố.

Cuộc diễu hành này có từ thời ông Vladimir Putin lên làm tổng thống. Đây được coi là một công cụ quan trọng trong mảng tuyên truyền của Điện Kremlin.

Việc hủy bỏ đột ngột cuộc diễu hành của Quân đoàn bất tử cũng liên quan đến những tính toán về an ninh của Nga, nhưng thuộc một loại cân nhắc khác. Giới chức Nga lo sợ rằng người dân sẽ mang theo chân dung của những người thân của họ đã chết trong cuộc xâm lược Ukraina, và có thể số lượng những bức chân dung này sẽ nhiều hơn khi so sánh với số liệu do Bộ Quốc phòng Nga công bố.

Và điều đó có thể trở thành nguồn phản ứng dữ dội trong nước đối với các con số thương vong của Nga ở Ukraina.

Tuy nhiên, với việc buộc phải hủy bỏ hàng loạt một số sự kiện nhân Ngày Chiến thắng, chế độ Putin dường như đang tự bắn vào chân mình, bởi vì gần như tất cả các hoạt động tuyên truyền của Nga rằng họ tấn công Ukraina để giải trừ lực lượng tân phát xít tại Ukraina chủ yếu dựa trên ngày lịch sử này.

Tổng thống Putin coi ngày 9/5 là ngày lễ chính của Nga để kỷ niệm Ngày Chiến thắng, mặc dù nó thực sự thuộc về lịch sử thời Liên Xô. Với điều này, ông Putin đang chứng tỏ rằng thời kỳ Xô Viết có thể quan trọng hơn trong tâm trí ông so với thời kỳ hậu Xô Viết.

Trong thời kỳ hậu chiến, Ngày Chiến thắng được coi là một trong những ngày lễ chính ở Liên Xô, nhưng ý nghĩa của nó đã thay đổi dưới thời các nhà lãnh đạo Kremlin khác nhau.

Khi hệ tư tưởng Đảng Cộng sản Liên Xô hướng tới tương lai, như trường hợp của Tổng Bí thư Nikita Khrushchev, ngày lễ này phần nào chìm vào bóng tối. Nhưng sau đó, vào năm 1965, Tổng Bí thư Leonid Brezhnev đã đưa nó lên một tầm cao mới: 20 năm sau chiến tranh, những tượng đài khổng lồ về Tổ quốc bắt đầu được xây dựng trên khắp đất nước, “những ngọn đèn vĩnh cửu” được thắp sáng.

Sau đó, trong thời kỳ cải tổ dưới thời Tổng bí thư Mikhail Gorbachev, sự sùng bái chiến thắng trong quá khứ này một lần nữa nhường chỗ cho khát vọng xã hội về một tương lai mới, tự do.

Tuy nhiên, tổng thống đầu tiên của nước Nga tự do, ông Boris Yeltsin, đã biến các cuộc duyệt binh vào ngày 9/5 thành một sự kiện thường niên vào năm 1995, điều chưa từng xảy ra ngay cả trong thời Xô Viết.

Với việc ông Putin lên nắm quyền, khẩu hiệu “Chiến thắng vĩ đại” ngày càng được nâng lên tầm cao mỗi năm. Và ngày nay, ở Nga, mọi học sinh, kể cả học sinh mẫu giáo, buộc phải diễu hành trong quân phục Thế chiến thứ hai. Chính quyền Mátxcơva coi câu chuyện “Chiến thắng vĩ đại” là ý thức hệ thống nhất của tất cả các khu vực của Nga, và cho tham vọng của Điện Kremlin, vốn đang tìm cách khôi phục ảnh hưởng toàn cầu thời Liên Xô.

Hệ tư tưởng của Nga hiện tại dựa trên sự sùng bái tuyệt đối quá khứ, nên Ngày Chiến thắng bắt đầu được phổ biến rộng rãi ở Nga vào năm 2005. Nhưng nếu như Nga mong muốn giữ lại quá khứ của mình, thì một số quốc gia hậu Xô Viết lại mong muốn về một tương lai mới, tự do.

Nga hiện nay về cơ bản vẫn đang sống trong nỗi ám ảnh rằng, cuộc chiến chống Ukraina là sự tiếp nối của Thế chiến II, với vai kẻ thù là Ukraina mà họ gọi là tân phát xít.

Tuy nhiên, lịch sử thực sự đang hoàn toàn bị bỏ qua ở đây. Và vai trò của các nước phương Tây đã bị giảm thiểu hoặc bị Nga bóp méo hết mức có thể, đến mức chính họ bị ví như “bọn phát xít”.

Ở nước Nga ngày nay, không được phép nghiên cứu một cách khách quan thời kỳ đầu của Thế chiến thứ hai (1939–1941), khi Hiệp ước Molotov-Ribbentrop có hiệu lực, theo đó Liên Xô chiếm đóng miền đông Ba Lan, vùng Baltic các nước và xâm chiếm Phần Lan. Những người nghiên cứu thời kỳ đó có khả năng bị phạt nặng hoặc bị bắt giữ.

Sự thật lịch sử đầy đủ về Thế chiến thứ hai là điều nguy hiểm đối với Điện Kremlin. Ngay từ thời Xô Viết, bản thân tên gọi của nó đã bị thay thế bằng cụm từ “Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại”.

Tuy nhiên, cuộc phản công sắp tới của quân đội Ukraina cuối cùng có thể phá hủy những tuyên truyền của Nga về “Chiến thắng vĩ đại”, và sau đó chính đế chế Kremlin có thể một lần nữa sụp đổ do mất nền tảng ý thức hệ.

Related posts