Huyền Anh
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã không vạch ra một kế hoạch phòng thủ quân sự quy mô lớn trong nhiều thập kỷ và Chiến tranh Nga – Ukraine đã có tác động rất lớn đến tình hình địa chính trị. Tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius ở Litva vào tháng 7, các nhà lãnh đạo NATO sẽ thông qua kế hoạch phòng thủ quân sự lớn đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Kế hoạch phòng thủ quân sự lớn đầu tiên của NATO trong nhiều thập kỷ
Các nhà lãnh đạo NATO sẽ thông qua hàng nghìn trang kế hoạch quân sự bí mật tại hội nghị thượng đỉnh tháng 7 ở Vilnius, Litva, nhằm ứng phó với những thay đổi trong bối cảnh địa chính trị và khả năng phòng thủ sau cuộc chiến Nga – Ukraine, tờ Reuters đưa tin.
Đây là kế hoạch đầu tiên của NATO kể từ Chiến tranh Lạnh, nêu chi tiết cách tổ chức này sẽ phản ứng trước một cuộc tấn công quân sự của Nga. Điều này đánh dấu một sự thay đổi cơ bản trong chiến lược của NATO.
Bất chấp những cuộc chiến lẻ tẻ đang nổ ra ở Afghanistan và Iraq, NATO nhận thấy không cần thiết phải có một chương trình phòng thủ quân sự quy mô lớn trong nhiều thập kỷ vì Nga không còn là mối đe dọa an ninh quốc gia đối với NATO sau khi Liên Xô sụp đổ. Tuy nhiên, vào tháng 2/2022, chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra và trở thành cuộc chiến đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ năm 1945.
NATO hiện đã đưa ra cảnh báo rằng tổ chức này phải thực hiện tốt tất cả các kế hoạch quân sự của mình trước khi nổ ra xung đột với các đồng minh, bao gồm cả Moscow.
Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer, cho biết: “Sự khác biệt cơ bản giữa quản lý khủng hoảng và phòng thủ tập thể là: không phải chúng ta quyết định thời gian biểu (của chiến tranh), mà là đối thủ của chúng ta. Do đó, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra bất kỳ lúc nào”.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Các đồng minh (NATO) sẽ biết chính xác lực lượng và khả năng quân sự nào là cần thiết, bao gồm cả địa điểm, trang thiết bị và chiến lược triển khai”.
Chiến tranh Lạnh tái diễn?
So với NATO trước năm 1990, NATO ngày nay đã mở rộng thêm khoảng 1.000 km về phía Đông. Kể từ khi quốc gia Bắc Âu là Phần Lan gia nhập NATO vào tháng 4 năm nay, số quốc gia thành viên của liên minh quân sự này đã tăng từ 12 lên 31, điều đó cũng đồng nghĩa với việc đường biên giới giữa các quốc gia thành viên NATO và Nga đã tăng gấp đôi lên khoảng 2.500 km.
Những thay đổi đó đã buộc NATO phải áp dụng một chiến lược triển khai quân sự linh hoạt hơn so với trước đây, trong bối cảnh Đức được coi là một chiến trường chính tiềm năng trước năm 1990. Đồng thời, Internet, máy bay không người lái, vũ khí siêu thanh và luồng thông tin nhanh chóng đặt ra những thách thức mới.
Trung tướng Hubert Cottereau, Phó Tham mưu trưởng của Trụ sở Tối cao NATO Lực lượng Đồng minh Châu Âu (SHAPE), cho biết: “Tin tốt là chúng ta đã thương lượng về tính minh bạch của chiến trường. Với tất cả các vệ tinh và tất cả thông tin tình báo, chúng ta có thể thấy một cuộc khủng hoảng thực sự đang diễn ra. Đối với Ukraine, chúng ta đã có tất cả các dữ liệu và thông tin từ khá sớm”.
Sự minh bạch này là một trong những lý do khiến NATO không ngay lập tức tăng quân số ở Đông Âu. Về vấn đề này, ông Cotero cảnh báo: “Càng tập hợp nhiều quân ở biên giới thì đến một lúc nào nó, điều này chẳng khác nào việc ‘búa tìm đinh’. Nếu việc người Nga đóng quân ở biên giới khiến chúng ta lo lắng, thì việc chúng ta tăng cường quân đội ở biên giới cũng sẽ khiến họ lo lắng”.
Tuy nhiên, đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn đối với NATO trong việc tăng cường đáng kể khả năng sẵn sàng chiến đấu của mình. Các đồng minh NATO đã đồng ý đặt 300.000 quân trong tình trạng báo động cao vào năm 2022, tăng từ 40.000 quân trong quá khứ.
Chiến tranh Nga – Ukraine cũng bộc lộ những bất cập của NATO về nhiều phương diện, từ khả năng sản xuất vũ khí và đạn dược cho đến nâng cấp mức độ hậu cần quân sự vốn bị lãng quên từ lâu để nhanh chóng triển khai lực lượng bằng đường sắt hoặc đường bộ.
Các quan chức NATO cho rằng sẽ phải mất vài năm để thực hiện đầy đủ các kế hoạch phòng thủ. Tuy nhiên, NATO có thể tham chiến ngay lập tức nếu cần. Ông Cottero lập luận rằng: “Chúng ta đã sẵn sàng chiến đấu ngay tối nay. Quý vị biết đấy, quý vị sẽ chẳng bao giờ ở trạng thái sẵn sàng hoàn toàn, không bao giờ. Chúng ta phải có khả năng chiến đấu ngay tối nay, nếu cần, với những gì chúng ta đang có”.
Năm 2014, các nhà lãnh đạo NATO cam kết sẽ dành 2% sản lượng kinh tế của họ cho quốc phòng trong vòng một thập kỷ. Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius vào tháng 7 tới đây, các nhà lãnh đạo sẽ phải quyết định một mục tiêu mới trước những thách thức mà liên minh quân sự này đang phải đối mặt.
Huyền Anh tổng hợp