Stu Cvrk
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và đội ngũ tay sai của ông ấy rất biết cách lợi dụng tư tưởng bài ngoại tại Trung Quốc để đánh lạc hướng người dân khỏi sự bất mãn ngày càng mạnh mẽ trong xã hội.
Số 3 được coi là con số may mắn trong số học Trung Quốc, và Bắc Kinh thường chơi 3 quân bài trong ván bài địa chính trị của họ, từ đó hướng sự tập trung của dư luận vào các đối thủ nước ngoài lâu đời (mà họ gọi là kẻ thù), nhằm đánh lạc hướng quần chúng khỏi những khó khăn kinh tế trong nước.
Chúng ta hãy cùng phân tích ngắn gọn về 3 quân bài này, sau đó xác định các vấn đề kinh tế tiềm ẩn mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các phương tiện truyền thông nhà nước của họ đang ra sức che đậy trong thời gian gần đây.
3 lá bài trong chính sách đối ngoại
Nhờ các chiến dịch tuyên truyền trong nhiều năm qua rằng 3 quốc gia dưới đây là những kẻ thù chính của Trung Quốc, việc ĐCSTQ tập trung nói về họ là một cách chắc chắn để thu hút sự chú ý của người dân.
Quân bài Ấn Độ
Mao Trạch Đông đã ban hành và thúc đẩy cái gọi là “Chính sách 5 ngón tay” vào những năm 1940. Chính sách này coi Tây Tạng là bàn tay phải của Trung Quốc với “5 ngón tay” ở ngoại vi của nó gồm Sikkim, Arunachal Pradesh, Bhutan, Nepal và Ladakh; đồng thời nói rõ nhiệm vụ của Trung Quốc là phải ‘giải phóng’ những khu vực này. Mục đích cuối cùng của chính sách là nhằm vào Ấn Độ.
Nhiều cuộc giao tranh quân sự dưới thời Tập Cận Bình, cũng như cuộc chiến tranh biên giới năm 1962, đã diễn ra trên các vùng lãnh thổ tranh chấp dọc theo Đường kiểm soát ranh giới thực tế Trung – Ấn (LAC) – đường này ngăn cách Trung Quốc với các vùng lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát, bao gồm 7 bang ở đông bắc Ấn Độ (Arunachal Pradesh, Assam, Meghalaya, Manipur, Mizoram, Nagaland và Tripura), Sikkim, Hành lang Siliguri và các bang phía tây (Jammu – Kashmir, Himachel Pradesh và Uttar Pradesh). Việc Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) của Trung Quốc tiến hành bắn phá dọc theo LAC là một trò đánh lạc hướng thường xuyên của ĐCSTQ để thu hút sự chú ý của công chúng trong nước.
Quân bài Nhật Bản
Sự thù hận của Trung Quốc đối với Nhật Bản dường như không có giới hạn, phần lớn là do sự tàn bạo của đế quốc Nhật trong Chiến tranh Trung – Nhật lần thứ hai; 8 ví dụ về những tội ác đó đã được trang History Collection tóm tắt tại đây. Những ký ức từ thời kỳ ấy được lưu giữ bởi những người Trung Quốc sống sót cũng như bởi ĐCSTQ – những kẻ sẵn sàng lợi dụng tinh thần chống Nhật Bản trong người dân bất cứ khi nào họ thấy thích hợp.
Lấy ví dụ, sau khi hội nghị G-7 do Nhật Bản tổ chức kết thúc, Nhân dân Nhật báo vào ngày 21/05 đã viết như sau: “Nhật Bản, với tư cách là quốc gia từng phát động chiến tranh xâm lược, nên thận trọng trong lời nói và hành động của họ (trước khi họ kêu gọi sự chú ý của thế giới đến ‘mối đe dọa từ Trung Quốc’)”. Chiến tranh tâm lý (psychological warfare) / chiến lược bao vây (encirclement strategy) – thứ đang được Hải quân PLA (PLAN) thực hiện – cũng được hết lời ca ngợi.
PLAN đã định kỳ phái các nhóm hành động trên mặt nước đi vòng quanh Nhật Bản (ví dụ: vào ngày 21/10/2021, ngày 01/07/2022 và ngày 15/05/2023).
Gần đây hơn, Tướng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) của PLA — ủy viên quốc vụ viện, bộ trưởng quốc phòng, và là một trong bảy thành viên của Quân ủy Trung ương Trung Quốc — đã đưa ra một tuyên bố công khai gây sốc khi gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada tại Singapore. Theo Nikkei Asia, khi đề cập đến “vấn đề quần đảo Điếu Ngư” — tên tiếng Trung của quần đảo Senkaku của Nhật Bản, ông Lý tuyên bố rằng tranh chấp lãnh thổ đối với các đảo đó trên thực tế vẫn chưa được giải quyết (điều này chắc chắn khiến hầu hết người Nhật ngạc nhiên): “Vấn đề Điếu Ngư không phải là toàn bộ quan hệ Trung – Nhật”. [Quan điểm của chính phủ Nhật Bản là không có “vấn đề lãnh thổ” giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Từ đó có thể thấy, phát biểu của ông Lý là một kỹ thuật ngoại giao khôn ngoan để đặt bẫy Tokyo thừa nhận rằng hai nước đang xảy ra tranh chấp lãnh thổ].
Bất kỳ sự lên án nào về Nhật Bản đều được nhiều người Trung Quốc ủng hộ; và ĐCSTQ thường dùng con bài này để đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề nội tại.
Quân bài Đài Loan
Trong quan hệ Mỹ – Trung, có lẽ quân bài nước ngoài quan trọng nhất thường được Bắc Kinh sử dụng là Đài Loan. Toàn bộ bộ máy của nhà nước Trung Quốc — các nhà ngoại giao, tướng lĩnh PLA, cơ quan truyền thông nhà nước và chính ông Tập — thường bày tỏ sự tức tối, giận dữ và buông lời đe dọa Hoa Kỳ vì dám “can thiệp công việc nội bộ của Trung Quốc”. “Can thiệp công việc nội bộ của Trung Quốc” là cách mà ĐCSTQ gọi sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Đài Loan – hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một tỉnh của Trung Quốc. Một ví dụ điển hình là bài viết có tiêu đề “Washington không bao giờ nên vượt qua lằn ranh đỏ của Bắc Kinh” về vấn đề Đài Loan trên trang China’s Diplomacy in the New Era vào ngày 04/06.
Các cuộc đối đầu của PLA với Hoa Kỳ và các đơn vị quân đội khác – những lực lượng hoạt động trong vùng biển quốc tế xung quanh Đài Loan – cũng tạo ra sự phân tâm trong quần chúng Trung Quốc. Một ví dụ là vụ việc ngày 03/06 trên biển, trong đó một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Trung Quốc đã vi phạm các quy tắc quốc tế và băng qua mũi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ ở cự ly rất gần.
Đài Loan là con át chủ bài cuối cùng mà Bắc Kinh sử dụng bất cứ khi nào họ cần đánh lạc hướng quần chúng.
Cuối cùng, cũng cần nhắc đến rằng Bắc Kinh từng chơi một quân bài kết hợp vào tháng 07/2021. Trang web của tổ chức Center for Security Policy đưa tin: “Trung Quốc đã đe dọa sẽ ‘tấn công hạt nhân Nhật Bản với cường độ liên tục’ nếu Nhật Bản hỗ trợ Hoa Kỳ bảo vệ Đài Loan khỏi một cuộc xâm lược của Trung Quốc”. Hãy gọi đây là lá bài hai mặt của ĐCSTQ. Đây rõ ràng là những gì ĐCSTQ muốn dân chúng bàn luận.
Họ đang che giấu điều gì?
Có một số vết nứt lớn, rất lớn trên mặt tiền của Trung Quốc – vùng đất mà ĐCSTQ đã chiếm lấy bằng lưỡi lê của PLA. Những rạn nứt này xuất hiện bất chấp vô số nỗ lực che đậy và báo cáo sai về tình hình tài chính cũng như về các dữ liệu và thông tin khác – những thứ có thể giúp người ngoài hiểu được tình trạng thực sự của nền kinh tế Trung Quốc.
Sự phục hồi kinh tế – từng được ca ngợi sau khi ông Tập đột ngột chấm dứt chính sách “zero-COVID” (một chính sách giết chết nền kinh tế) – đã nhanh chóng biến mất trong quý đầu tiên của năm 2023. Do đó, các nhà chức trách đã phải dùng đến biện pháp “mồi máy bơm” bằng cách hạ lãi suất tiền gửi. Đã có 2 lần Trung Quốc cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Như Reuters đưa tin vào ngày 24/04, lãi suất tiền gửi ngân hàng tại Trung Quốc đã giảm khoảng 10 điểm cơ bản. Như thường lệ, lý do được đưa ra là không rõ ràng: “Với tỷ suất lợi nhuận ở mức thấp kỷ lục, ‘các ngân hàng không có lựa chọn nào khác ngoài việc hạ lãi suất tiền gửi một cách hợp lý khi chính phủ tiếp tục dần dần đẩy chi phí tài chính xuống thấp hơn để hỗ trợ nền kinh tế thực’”.
Đợt cắt giảm thứ hai bắt đầu vào ngày 08/06, cũng theo Reuters. “Các ngân hàng do nhà nước hậu thuẫn đã cắt giảm 5 điểm cơ bản đối với tiền gửi không kỳ hạn và 15 điểm cơ bản đối với tiền gửi kỳ hạn 3 năm và 5 năm”. Chính quyền hy vọng rằng những lần cắt giảm này “có thể giảm bớt áp lực lên tỷ suất lợi nhuận và giảm chi phí cho vay”.
Vào tháng 4, những lý do được đưa ra cho việc cắt giảm là “các doanh nghiệp đang vật lộn với rủi ro nợ nần, khủng hoảng cơ cấu và nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại”; trong khi những lý do được đưa ra vào tháng 6 chuyển sang “vật lộn với xuất khẩu sụt giảm, thị trường nhà đất trì trệ và tỷ lệ thất nghiệp cao”. Tuy nhiên, bài phân tích hồi tháng 6 nêu trên của Reuters đã tiết lộ sự thật khi đề cập đến dự đoán của một chuyên gia rằng Trung Quốc “sẽ sớm cắt giảm 50 điểm cơ bản trong tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) để hỗ trợ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương”.
Con chim hoàng yến trong mỏ than (dấu hiệu báo hiệu nguy hiểm) là nợ của chính quyền địa phương Trung Quốc – trái phiếu – vì phần lớn tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bị che giấu đằng sau Vạn Lý Trường Nợ.
Theo tin từ Reuters hồi tháng 3, “khoản nợ của chính quyền địa phương [Trung Quốc] đang ở mức khổng lồ, hơn 9 nghìn tỷ USD và đang tăng lên”. Các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương (LGFV) phải giải quyết lượng trái phiếu trong nước trị giá 790 tỷ USD sắp đáo hạn chỉ riêng trong năm nay. Việc LGFV không có khả năng thanh toán các khoản nợ này đã dẫn đến việc cắt giảm lãi suất, vì hiệu ứng dây chuyền của các vụ vỡ nợ sắp xảy ra gây ra mối nguy hiểm lớn cho toàn bộ khu vực ngân hàng Trung Quốc. Thực tế là, hầu hết mọi người trên toàn thế giới không biết tăng trưởng kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều như thế nào vào phát triển bất động sản – vốn được thúc đẩy bởi LGFV.
Kết luận
Những lời đe dọa quân sự gần đây của Bắc Kinh một phần là để đánh lạc hướng dư luận Trung Quốc khỏi những tai ương kinh tế trong nước đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Bên cạnh sự sụp đổ gần như chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai gần của chính quyền địa phương, có những vết nứt khác trong nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm những điều sau đây:
- Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 đã giảm 7,5% so với năm ngoái (theo tin từ CNN ngày 07/06).
- Nhập khẩu của Trung Quốc giảm tháng thứ ba liên tiếp, giảm 4,5% (theo tin từ Pro Farmer ngày 07/06).
- Thặng dư thương mại hàng năm của Trung Quốc trong tháng 5 giảm 17% (theo tin từ Trading Economics ngày 08/06).
Cuối cùng, theo tin từ Zero Hedge ngày 03/06: “Hoạt động bất động sản [của Trung Quốc] tiếp tục giảm, sự tăng trưởng của giá nhà ở mức thấp, lợi suất bắt đầu giảm trở lại và nhập khẩu giảm, tất cả phản ánh độ trì trệ của nhu cầu”.
Vì vậy, khi tờ Nhân dân Nhật báo đưa tin vào ngày 08/06 rằng Hoa Kỳ đang “gây nguy hiểm cho hòa bình ở châu Á – Thái Bình Dương”, những người theo dõi Trung Quốc có lý trí đều có thể suy luận rằng các vấn đề nội tại của Trung Quốc đang ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch