Danh sách các bên thua cuộc thật là dài: Tây và Đông Âu, NATO, các lợi ích an ninh của Mỹ ở Trung Á và Bắc Phi. Thị trường tài chính không mấy hài lòng với việc tái đắc cử của ông Recep Tayyip Erdogan. Hôm 02/06, giá trị của đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ chạm mức đáy mới: 20.75 so với đồng dollar Mỹ.
Tuy nhiên, người chịu mất mát nhiều nhất cho đến nay là ai? Là người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan đã giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử nhưng ông ta đã đạt được điều đó bằng cách sử dụng những thủ đoạn xấu xa của một nhà độc tài: kiểm duyệt các kênh truyền thông do chính phủ kiểm soát, đe dọa kiện tụng, và dọa dẫm tấn công phe đối lập chính trị của ông.
Tôi chưa tìm ra bằng chứng nào cho thấy ông Erdogan đã tới mức ám sát các đối thủ chính trị của mình — vẫn chưa.
Tuy nhiên, ông Erdogan đang trong quá trình tiêu diệt nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ, và đó là một tội ác hủy diệt to lớn mang tính lịch sử, kèm theo hậu quả lâu dài đối với các nước đang phát triển, đặc biệt là ở các quốc gia có nền văn hóa Hồi giáo.
Đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ qua thời kỳ Khai sáng. Các vị vua Thổ Nhĩ Kỳ cần chắc chắn rằng đó là điều cần làm. Tự do ngôn luận đe dọa các nhà quân chủ toàn quyền (các nhà độc tài với vương miện trên đầu). Thất bại của Ottoman trong Đệ nhất Thế chiến đã để lại một khoảng trống về xã hội, văn hóa, và chính trị. Để thoát khỏi tình trạng hỗn loạn, những người theo chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự lãnh đạo của Mustafa Kemal Ataturk, đã thành lập Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ như một quốc gia thế tục.
Ông Ataturk để lại cho Thổ Nhĩ Kỳ thứ mà người viết tiểu sử cho ông ấy, ông Andrew Mango, gọi là “cấu trúc của một nền dân chủ, không phải của một chế độ độc tài.” Mục tiêu của ông là biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một nền dân chủ có khả năng tự hiện đại hóa vĩnh viễn.
Ông Erdogan là nhân vật chính trị quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ thời ông Ataturk. Tuy nhiên, ông biết rằng bản thân mình đang dần trở nên mờ nhạt trong cái bóng của ông Ataturk. Không có khả năng thay thế người đàn ông tên Ataturk, ông Erdogan tìm cách thay thế chính phủ của ông ấy.
Ông Erdogan nói với chúng ta rằng ông ấy sẽ nỗ lực. Bước đầu trong sự nghiệp của mình, ông Erdogan có thói quen sử dụng thơ ca liên quan đến Hồi giáo: “Dân chủ chỉ đơn thuần là một chuyến tàu để chúng ta ngồi trên đó cho tới khi đến đích. Thánh đường Hồi giáo là pháo đài quân đội của chúng ta. Tòa tháp trong thánh đường là ngọn giáo của chúng ta.”
Vào năm 2017, ông Erdogan đã thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp để biến đổi hệ thống nghị viện của Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một hệ thống “vững chắc” của tổng thống. Kể từ năm 2018, Học thuyết “Big Man” (khái niệm về nhà lãnh đạo toàn quyền) của ông Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ đã thay thế cấu trúc và định hướng dân chủ của ông Ataturk bằng chế độ chuyên quyền được thể chế hóa.
Đây là lo ngại nhất của tôi: Một chế độ độc tài vững chắc của ông Erdogan — được củng cố bằng lực lượng cảnh sát mật — có thể là một hoàn cảnh gây rối không thể chấp nhận được đối với NATO và khiến tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ bị ngờ vực. Đây cũng có thể là một hoàn cảnh khó có thể cứu vãn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, vì điều này gieo rắc sự hỗn loạn trong tương lai. Một nước Thổ Nhĩ Kỳ theo chủ nghĩa Erdogan thiếu đi sự cân bằng dân chủ.
Thỏa thuận mua hỏa tiễn đất đối không S-400 của Nga vào năm 2017 của Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ về cơn thịnh nộ xuất phát từ quyền tự cho mình là trung tâm của ông Erdogan. Vì lý do chính đáng, Hoa Kỳ coi các hỏa tiễn S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ là mối đe dọa duy nhất đối với phi cơ của NATO. Nga có thể có được dữ liệu về hệ thống phòng không của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một đồng minh chính trị trên danh nghĩa nhưng lại là một đối thủ về công nghệ.
Vì vậy, Mỹ đã hất văng Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi tổ hợp tiêm kích tàng hình F-35. Đôi lần ông Erdogan cũng khoe khoang rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể tự sản xuất vũ khí. Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất các hệ thống đơn giản nhưng xuất sắc. Tuy nhiên vào đầu tháng Năm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nền kinh tế nghèo nàn của Thổ Nhĩ Kỳ khiến chính phủ không thể cung cấp cho quân đội các thiết bị và vũ khí mới.
Điều này là lỗi của ông Erdogan. Ông ấy đã quản trị nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ một cách yếu kém về mọi mặt. Tuy nhiên, bằng cách nắm giữ tất cả các đòn bẩy quyền lực, ông ta đã giành được chiến thắng trong gang tấc.
Đây là một tình huống quan trọng trong tương lai: Chính phủ của ông Erdogan đã gợi ý rằng họ sẽ từ chối việc lực lượng quân sự Hoa Kỳ sử dụng căn cứ không quân Incirlik rộng lớn ở vùng trung nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc đóng kín căn cứ Incirlik sẽ kiềm hãm nghiêm trọng nếu không muốn nói là cản trở các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ và NATO ở phía đông Địa Trung Hải, Trung Đông, và Trung Á. Mối đe dọa này đánh động đến toàn khối NATO. Incirlik là một căn cứ ở vị trí chiến lược, một cơ sở hậu cần và huấn luyện, một đầu mối liên lạc, một trung tâm thu thập thông tin tình báo, và một trung tâm giao thông quốc tế. Việc đóng kín căn cứ Incirlik sẽ làm gián đoạn các hoạt động giám sát góp phần bảo đảm an ninh quốc tế.
Ông Erdogan biết rằng căn cứ Incirlik đem lại cho ông ta đối trọng. Liệu việc từ chối cho phép Hoa Kỳ sử dụng căn cứ Incirlik là một điều kiện bất khả thi để Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của NATO chăng? Hoa Kỳ cung cấp lực lượng không quân mang tính quyết định cho NATO; về mặt hoạt động, việc từ chối Mỹ tiếp cận căn cứ Incirlik có đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ rút lui khỏi NATO chăng?
Những người chiến thắng duy nhất trong cuộc đối đầu này chính là Moscow và Bắc Kinh.