Dorothy Li • Frank Fang
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen hôm thứ 7 đã kêu gọi Bắc Kinh liên lạc “trực tiếp” với Washington nếu có bất kỳ lo ngại nào về các hoạt động kinh tế cụ thể. Bà cũng nhắc lại tầm quan trọng của đối thoại trong bối cảnh “triển vọng kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp”.
Lời kêu gọi của bà Yellen được đưa ra trong cuộc trò chuyện giữa bà với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong – một đồng minh lâu năm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, trong ngày thứ ba của chuyến công du tới Bắc Kinh. Chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Tài chính Mỹ là một phần trong nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm khôi phục đường dây liên lạc giữa hai cường quốc trong bối cảnh quan hệ song phương căng thẳng.
Trong các tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ, Bộ Tài chính Mỹ đã mô tả cuộc trò chuyện là “thẳng thắn, mang tính xây dựng và toàn diện”, trong khi truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi đó là “sâu sắc, cởi mở và thực tế”.
Trong cuộc họp, bà Yellen đã thảo luận về “cách tiếp cận của chính quyền Biden nhằm có được sự cạnh tranh kinh tế lành mạnh với Trung Quốc, với một sân chơi bình đẳng cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ”, theo thông tin từ Bộ Tài chính Mỹ. “Bộ trưởng Yellen cũng bày tỏ quan điểm rằng ngay cả khi Hoa Kỳ và Trung Quốc có bất đồng, điều quan trọng là hai nước phải tìm cách hợp tác với nhau về các vấn đề toàn cầu cùng quan tâm, bao gồm cả vấn đề nợ ở các nền kinh tế có thu nhập thấp và mới nổi và vấn đề tài chính khí hậu”.
Khi bắt đầu cuộc thảo luận, bà Yellen nhắc lại rằng an ninh quốc gia không nên là chướng ngại làm chệch hướng quan hệ kinh tế giữa Bắc Kinh và Washington.
“Khi chúng ta lo ngại về các hoạt động kinh tế cụ thể, chúng ta nên và sẽ đối thoại trực tiếp”, bà Yellen nói.
Bà nói thêm với ông Hà: “Tôi tin rằng nhiều khía cạnh trong nền kinh tế của chúng ta có thể tương tác theo những cách không gây tranh cãi cho cả hai chính phủ. Thực tế là bất chấp những căng thẳng gần đây, chúng ta đã lập kỷ lục về thương mại song phương vào năm 2022; điều này cho thấy có rất nhiều cơ hội để các công ty của chúng ta tham gia các hoạt động thương mại và đầu tư”.
Ông Hà nói với bà Yellen rằng ông lấy làm tiếc vì mối quan hệ song phương đã bị tổn thương bởi “một số sự cố ngoài ý muốn”.
“Thật không may, do một số sự cố ngoài ý muốn, chẳng hạn như sự cố liên quan đến khinh khí cầu, đã xảy ra một vài vấn đề trong việc thực hiện sự đồng thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được” tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Bali, Indonesia, tháng 11 năm ngoái, ông Hà nói.
Theo bản tóm tắt cuộc họp do truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố, ông Hà đã đề cập đến “mối quan ngại” của Bắc Kinh về các lệnh trừng phạt và các biện pháp hạn chế của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.
Chuyến đi của bà Yellen được coi là nỗ lực ngoại giao cấp cao nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, khi chính quyền Biden đang tìm cách tăng cường liên lạc với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tuy nhiên, chuyến đi của bà đã vấp phải nhiều chỉ trích về thời điểm và về những phát biểu mà bà đưa ra khi gặp gỡ giới chức Trung Quốc.
Bộ Tài chính Mỹ đã mô tả cuộc gặp của bà Yellen với tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường hôm thứ 6 là “thẳng thắn và mang tính xây dựng”. Trong cuộc gặp đó, bà Yellen nói rằng cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ không phải là kiểu cạnh tranh “kẻ thắng được tất cả”, mà là với “một bộ quy tắc công bằng, có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên theo thời gian”.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Lý đã nói với bà Yellen rằng Bắc Kinh phản đối “bá quyền và bắt nạt”, đồng thời yêu cầu phía Mỹ phải “lý trí và thực tế” khi đối xử với Trung Quốc.
Sau cuộc gặp hôm thứ 6, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Tom Cotton (Cộng hòa – Arkansas) đã lên Twitter để nhắc nhở bà Yellen về tham vọng toàn cầu của Trung Quốc: “Ông Tập Cận Bình từng nói rằng ông ấy muốn Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Tôi có thể đảm bảo rằng ông ấy không muốn một cuộc chiến mà ‘kẻ thắng được tất cả'”.
Ông Gordon Chang, thành viên cấp cao tại Viện Gatestone, đã chỉ trích những phát biểu của bà Yellen, bao gồm cả việc bà kêu gọi Trung Quốc thực hiện cải cách thị trường:
“Bộ trưởng #Yellen cố gắng lặp lại những lời kêu gọi đầy khát vọng từ 3 thập kỷ qua về việc kinh doanh ở #Trung Quốc”, ông Chang viết trên Twitter vào ngày 07/07. “Tuy nhiên, không phải đã đến lúc nhận ra rằng #ĐCSTQ của #Tập Cận Bình sẽ không bao giờ chơi công bằng và đây là lúc đưa doanh nghiệp của chúng ta ra khỏi #đất Trung Quốc hay sao?”.
Ông Anders Corr, chủ nhiệm công ty tư vấn chính trị Corr Analytics có trụ sở tại New York, cũng chỉ trích bà Yellen vì đã tỏ ra yếu thế.
“Bà Yellen yếu về các vấn đề Trung Quốc. Ông chủ của bà ấy [Tổng thống Joe] Biden tỏ ra yếu thế trước Trung Quốc. Họ yếu vì họ ưu tiên các lợi ích đặc biệt đến từ lợi nhuận ngắn hạn ở Trung Quốc; họ không chú trọng các giá trị của nước Mỹ như dân chủ, tự do, nhân quyền, thị trường tự do và nền Cộng hòa của chúng ta”, ông Corr viết trên Twitter ngày 07/07.
Biến đổi khí hậu
Trước cuộc hội đàm với ông Hà, bà Yellen đã nói chuyện với một nhóm chuyên gia tài chính khí hậu. Theo bà, Trung Quốc và Hoa Kỳ cần hợp tác với nhau để giải quyết những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra.
“Biến đổi khí hậu đứng đầu danh sách các thách thức toàn cầu, và Hoa Kỳ và Trung Quốc phải hợp tác với nhau để giải quyết mối đe dọa hiện hữu này”, bà Yellen nói.
Bà nhắc đến Thỏa thuận Paris 2015 như một ví dụ thành công về hợp tác song phương và cho biết việc tiếp tục hợp tác là điều “rất quan trọng”.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi Thỏa thuận Paris, nhưng Tổng thống đương nhiệm Biden đã tái gia nhập thỏa thuận này sau khi nhậm chức vào năm 2021.
Trung Quốc là nước phát thải khí carbon dioxide lớn nhất thế giới và đã hứa sẽ đạt mức đỉnh carbon trước năm 2030 và mức trung hòa carbon vào năm 2060. Theo báo cáo hồi tháng 2 của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch và Giám sát Năng lượng Toàn cầu, Trung Quốc đã sử dụng nhiều hơn các nhà máy điện than vào năm 2022 so với bất kỳ năm nào khác kể từ năm 2015.
Báo cáo có đoạn: “Công suất điện than đến từ các dự án bắt đầu xây dựng ở Trung Quốc lớn gấp 6 lần so với công suất của tất cả các nơi khác trên thế giới cộng lại”.
Các chuyên gia từ lâu đã đặt câu hỏi về tính chân thành của Trung Nam Hải trong việc hứa hẹn giảm lượng khí thải carbon. Các nhà phê bình thì cho rằng Bắc Kinh đang sử dụng vấn đề biến đổi khí hậu để mở rộng ảnh hưởng toàn cầu.
Bà Yellen nói: “Tôi tin rằng nếu Trung Quốc hỗ trợ các tổ chức khí hậu đa phương hiện có như Quỹ Khí hậu Xanh và Quỹ Đầu tư Khí hậu cùng với chúng tôi và các chính phủ khác, thì chúng ta có thể tạo ra tác động lớn hơn hiện nay”.
Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry dự kiến sẽ thăm Trung Quốc vào cuối tháng này và gặp người đồng cấp Trung Quốc Xie Zhenhua. Trả lời phỏng vấn tờ New York Times về chuyến công du Trung Quốc sắp tới, ông Kerry cho biết ông muốn thấy hai nước có “sự hợp tác thực chất” về biến đổi khí hậu. Chuyến đi sắp tới đánh dấu chuyến đi thứ ba của ông Kerry tới Trung Quốc với tư cách là đặc phái viên về khí hậu.
Vào ngày 06/07, Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Cộng hòa – Tennessee) đã lên Twitter chỉ trích chính quyền Biden vì đã lên kế hoạch cho chuyến đi.
Bà Blackburn viết: “Trong khi ĐCSTQ sử dụng lao động nô lệ, ông John Kerry lại đến Trung Quốc để thảo luận về biến đổi khí hậu. Tại sao chính quyền Biden lại muốn làm thân với những kẻ vi phạm nhân quyền này?”.
Năm 2021, ông Kerry bị lên án vì đã phớt lờ câu hỏi về tội ác của chính quyền Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ. Trước đó, chính phủ Hoa Kỳ từng tuyên bố rằng ĐCSTQ thực thi “tội ác diệt chủng” và “tội ác chống lại loài người” đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Tính khẩn cấp của chuyến công du
Ông Peter Earle, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ, cho rằng thời điểm chuyến đi tới Bắc Kinh của Bộ trưởng Tài chính Mỹ dường như không phải là ngẫu nhiên.
Chuyến đi của bà Yellen diễn ra 2 ngày sau khi Trung Quốc đưa ra các hạn chế xuất khẩu mới đối với gali và germanium, hai kim loại quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn.
Bà Yellen đến Bắc Kinh vào ngày 06/07, đúng 5 năm sau khi chính quyền Trump bắt đầu đánh thuế các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng giá trị hơn 300 tỷ USD; chính quyền Biden sau đó đã giữ nguyên mức thuế này.
“Chuyến thăm của bà Yellen có lẽ không phải ngẫu nhiên”, ông Earle nói với đài truyền hình NTD vào ngày 06/07. “Tôi nghĩ chuyến đi này có gì đó khẩn cấp”.
Sau khi công bố biện pháp kiểm soát xuất khẩu, truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời một cựu quan chức nước này nói rằng lệnh cấm mới nhất “chỉ là bước khởi đầu trong các biện pháp đối phó của Trung Quốc và hộp công cụ của Trung Quốc vẫn còn sẵn nhiều loại biện pháp khác”.
Theo ông Earle, Trung Quốc sản xuất 94% lượng gali và 83% lượng germanium cho thế giới. “Vì vậy, họ thực sự đang bắt đầu với một điều gì đó rất quan trọng để đối phó với Hoa Kỳ”, ông nói.
‘Nhận thức được cái chết của chính họ’
Theo ông Gregory Copley, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Washington đang ở trong tình thế “không có phần thắng” sau chuyến công du của bà Yellen.
Ông Copley nói với NTD vào ngày 06/07: “Chính quyền Biden đã cam kết ‘khôi phục quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh’. Chuyến đi sẽ không đạt được điều gì khác ngoài việc đưa ra quan điểm rõ ràng rằng Hoa Kỳ là bên đang [có thiện chí] đàm phán và rằng ông Tập đang tỏ ra vô lý”.
Ông nói thêm: “PRC [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] được cho là đang ở thế thắng, và Hoa Kỳ buộc phải đến Bắc Kinh để cúi đầu trước ĐCSTQ. Đây thực sự là một tình huống không có phần thắng đối với Hoa Kỳ”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã được đón tiếp trong im lặng khi ông đến thăm Trung Quốc vào tháng trước. Một quan chức bộ ngoại giao Trung Quốc đã đơn độc đón ông tại sân bay và Bắc Kinh không trải thảm đỏ. Ông Miles Yu, cố vấn chính về chính sách Trung Quốc của cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, nói với The Epoch Times rằng màn chào đón tại sân bay dành cho ông Blinken là hành động cố tình coi thường. Trong khi đó, cựu cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro nói rằng chuyến đi của ông Blinken là “chiến thắng tuyên truyền to lớn” dành cho ĐCSTQ.
Một tuần sau chuyến thăm của ông Blinken, Global Times – phương tiện truyền thông hiếu chiến của nhà nước Trung Quốc – đã đăng một bài báo tuyên bố rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ “không đủ” để cải thiện quan hệ song phương. Bài báo đặt câu hỏi về sự chân thành của chính phủ Hoa Kỳ và nói rằng “Hoa Kỳ phải nói đi đôi với làm”.
“Vì vậy, hiện tại, thế bế tắc giữa Bắc Kinh và Washington vẫn tiếp tục diễn ra. Điều đó khó có thể sớm được cải thiện, đặc biệt là khi ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt với sức ép từ bên trong nền kinh tế Trung Quốc đại lục”, ông Copley nói.
Thời gian gần đây, những vấn đề như người tiêu dùng Trung Quốc không dám chi tiêu, thanh niên thất nghiệp và người giàu tháo chạy khỏi quê hương là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại.
Ông Copley nói thêm: “Thế giới hiện không nhìn thấy [những dấu hiệu của] sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc hay của ĐCSTQ. Vì vậy, ngay bây giờ, ĐCSTQ đang nhận thức được cái chết của chính họ”.
“Chúng ta biết rằng nếu không có bất ngờ nào xảy ra, Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ còn vài năm nữa để sống”, ông Copley nói. “Hiện tại, điều đó có xu hướng khiến một người như ông Tập Cận Bình, vốn mắc chứng hoang tưởng rằng ai cũng sẽ hại mình (paranoid), nhiều khả năng sẽ hành động nhanh chóng và mạnh mẽ bằng cách phát động chiến tranh tấn công Đài Loan hoặc tấn công một trong những nước láng giềng khác, chỉ đơn giản là để tăng cường sự ủng hộ của công chúng trong nước, để toàn bộ người dân Trung Quốc không ngay lập tức quay lưng lại với ĐCSTQ”.
“Ngay bây giờ, ĐCSTQ đang nhận thức được cái chết của chính họ”, ông nhắc lại.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch