Ca nương nước Việt Tú Thanh: tài năng không bao giờ chết

23:40 | Posted by BVN4

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

Ca nương Tú Thanh, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh “Nghệ sĩ hát các dòng nhạc

dân tộc cổ truyền của Việt Nam nhỏ tuổi nhất”. Nguồn: Dân trí 

Đầu những năm 1960, khi còn bé tý, tôi đã quen với Thị Màu, Xúy Vân… nơi có ánh đèn sân khấu. Chả là cha tôi, nhà thơ Huy Cận, khi ấy là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, phụ trách “văn công”, tức biểu diễn nghệ thuật sân khấu. Ông hay đưa tôi theo đến Nhà hát lớn Hà Nội mỗi khi ông dự tổng duyệt các vở diễn mới, chiêu đãi nghệ thuật lãnh đạo Nhà nước hay khách quý nước ngoài. Tôi chưa hiểu được những éo le cùng những triết lý của cuộc đời mà những màn diễn ấy của nghệ thuật truyền thống Bắc Bộ chuyển tải. Thế nhưng sắc màu của những tà áo tứ thân quyện với lời ca réo rắt nhịp cùng thanh âm huyền hoặc của bộ gõ, bộ dây, bộ hơi, từ trống cơm, trống ban, mõ, thanh la, chuông, tiu, não bạt, sinh tiền cho đến nhị, hồ, nguyệt, bầu, tam thập lục, tiêu, sáo…,tất cả hợp thành một thế giới cổ tích, chinh phục không gì cưỡng lại trái tim non nớt của tôi.

Khi Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam với những trận bom dữ dội, cha tôi năng đi các địa phương để xây dựng phong trào “nghệ thuật quần chúng”, cụ thể là hỗ trợ tổ chức các đoàn, các đội biểu diễn nghệ thuật không chuyên. Mục đích là khích lệ tinh thần của các chiến sĩ chuẩn bị vượt Trường Sơn đánh Mỹ “vì miền Nam ruột thịt” và những người ở lại, những người mẹ, người vợ, những đồng đội trên mâm pháo cao xạ. Được cha tôi cho đi cùng một số lần, tôi vẫn nhớ như in những buổi diễn dưới ánh đèn măng sông ấy. Ngày mai có thể thành tro bụi dưới những chùm bom tọa độ nhưng những con người quả cảm vẫn cứ đắm say đêm nay, trong những làn điệu của ngàn xưa nước Việt.

Sau này vào đầu những năm 1980, khi cha tôi thôi làm việc ở Bộ Văn hóa để lần thứ ba làm Bộ trưởng với chức Bộ trưởng đặc trách văn hóa – nghệ thuật tại Văn phòng Chính phủ, tôi vẫn tiếp tục thụ hưởng khá là đều đặn những làn điệu truyền thống ấy. Chỉ khác là lần này với sự giúp đỡ của Dương Hà vợ tôi, lúc đó đang là cán bộ của Công ty biểu diễn nghệ thuật Việt Nam mà trụ sở lại chính là Nhà hát lớn Hà Nội. Khi cơn bão “giá – lương – tiền” ập tới vào giữa những năm 1980, cũng là lúc đói kém nhất, sân khấu vẫn sáng đèn…

Thế rồi các hoạt động pháp lý – chính trị sôi động và tiếp đó nhà tù đã không cho tôi cơ hội tiếp tục đến nhà hát. Sau khi đến Mỹ từ Trại giam số 5 – Bộ Công an vào ngày 6/4/2014, tôi và Dương Hà vợ tôi đã phải lăn mình vào cuộc sống mới mà mỗi học tiếng Anh thôi đã ngốn biết bao thời gian. Chỉ mới hai năm nay, kể từ khi chuyển từ bờ Đông sang sống bờ Tây nước Mỹ, California, tôi mới có thời gian để tìm lại chính mình với tư cách một khán giả trung thành của sân khấu Việt truyền thống, điều này dĩ nhiên là qua Youtube. Và người nghệ sĩ đã giúp tôi hoàn thành công việc hệ trọng đó là một ca nương bé nhỏ có tên Tú Thanh.

Ca nương ấy có tên đầy đủ là Đặng Tú Thanh, sinh năm 2009 tại Hải Phòng, tức mới một tuổi khi tôi bước chân vào tù vì “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Vậy mà chỉ 7 năm sau, năm 2016, cô bé đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh “Nghệ sĩ hát các dòng nhạc dân tộc cổ truyền của Việt Nam nhỏ tuổi nhất”. Chỉ cần một lần xem ca nương nhỏ nhắn ấy diễn xướng, dù là chèo, ca trù, chầu văn, xẩm hay quan họ, vọng cổ… ta đã có thể tin rằng trước mặt mình là một “thần đồng nghệ thuật”, một báu vật mà Trời cho sân khấu cổ truyền Việt Nam giữa thời buổi hội nhập nhanh, mạnh, thậm chí có phần vội vã, với phương Tây. Tú Thanh đó, chiếm lĩnh toàn bộ, từ sân khấu cho đến cử tọa, với lối diễn xuất đầy tự tin, với những luyến láy, ém hơi, nhả chữ thật điệu nghệ cùng những cái đảo mắt, những động tác ước lệ thật thuần thục, tưởng chỉ có nơi những nghệ sĩ thành danh như Dịu Hương, Diễm Lộc… Mà không chỉ với các vai Xúy Vân (1), Thị Màu (2), Tú Thanh còn thăng hoa với Cô Đôi Thượng Ngàn (3), Thị Nở (4) và cả nhân vật Hà Thị Cầu (5). Nghệ nhân hát xẩm bậc thầy họ Hà giờ đã có thể ngậm cười khi thấy mình được phục hiện một cách thần tình với miếng nhai trầu bỏm bẻm, cánh tay đưa đẩy cần cung vĩ đàn nhị cùng các ngón vuốt, nhấn, láy, chuyền của Tú Thanh.

Cũng nhờ say mê theo dõi ca nương Tú Thanh mà tôi ngộ thêm về sân khấu cổ truyền. Theo tôi, sân khấu này có thể được chia làm hai loại. Loại thứ nhất tôi gọi là “sân khấu tĩnh”, gồm ca trù, hát xẩm, vọng cổ, nơi mà khán giả có thể nhắm mắt thưởng thức, tức “thính” mà không “khán”. Loại thứ hai tôi gọi là “sân khấu động” gắn với vũ đạo gồm các thể loại diễn xướng còn lại, như chầu văn, chèo, tuồng, cải lương… nơi cái “khán” bổ túc cho cái “thính” và ngược lại. Thậm chí ở thể loại sau, như chèo, cái “động” còn được tiếp ứng từ bên ngoài sân khấu, thậm chí từ hàng ghế khán giả với tiếng đế. “Sao?” từ hậu trường hay từ hàng ghế khán giả đáp lại câu “Này chị em ơi!” của vai diễn trên sân khấu là một ví dụ.

Tú Thanh tuổi nhỏ mà diễn xướng xuất sắc như thế làm không ít người nghĩ rằng cô bé được sinh ra trong một gia đình có nòi nghệ thuật, thậm chí đình đám lắm. Vậy mà không, bố mẹ, ông bà Tú Thanh chỉ là những người làm lụng, kinh doanh thuần túy. Mọi chuyện diễn ra rất tự nhiên khi cô bé 3 tuổi xem biểu diễn bài chầu văn “Cô Đôi Thượng Ngàn” trong chương trình “Giọng hát Việt nhí”. “Cháu mê bài hát đó và chỉ một vài ngày sau đã thuộc lòng nó”, bà nội Tú Thanh nhớ lại. Thế rồi cô bé bám theo bà đến đình làng Trung Nghĩa tận tai, tận mắt thưởng thức chầu văn để rồi thuộc về cái thế giới nghệ thuật cổ truyền lúc nào không hay. Theo một nghĩa nào đó, Tú Thanh “già” hơn bạn cùng trang lứa nhiều lắm. Chính cô bé tâm sự: “Các bạn hay bảo con là Tú Thanh thành bà già rồi”.

Mới đây Tú Thanh đã bày tỏ ý định trở thành cô giáo dạy văn thay vì theo đuổi con đường showbiz, điều này hẳn đã gây bất ngờ cho gia đình và nhiều người hâm mộ. Riêng tôi thì thấy suy nghĩ ấy của Tú Thanh không có gì bất thường bởi lứa tuổi 14 là giai đoạn chấp chới giữa trẻ con và người lớn. Thực vậy, ở lứa tuổi này, những biến động về sinh lý, cảm xúc mà tình yêu là một trạng thái, dồn dập xảy ra, dẫn đến một sự khao khát độc lập và tự chủ để khám phá bản thân. Tóm lại, đứa trẻ có xu hướng phản đối con đường mà gia đình đã vạch sẵn cho nó nhằm tự mình tìm kiếm và xác định danh tính của bản thân. Tôi tin rằng một khi giai đoạn bối rối này qua đi, Tú Thanh sẽ trở lại là chính mình như một ca nương thiên bẩm.

Thế nhưng tất cả sẽ mãi chỉ là dự định. Vào ngày 1/7 vừa qua, một tai nạn giao thông bất ngờ đã làm trái tim kỳ tài bé bỏng ấy ngừng đập vĩnh viễn.

Trong nỗi đau nghẹn, tôi thấy những đám mây trắng bồng bềnh… Thì lạ chưa kìa, chính giữa bồng bềnh mây trắng ấy hiện ra Tú Thanh đang mê mải diễn, cả “tĩnh” lẫn “động”. Lúc thì ca trù trong nền nã áo dài, lúc thì Thị Màu, Xúy Vân trong sặc sỡ tứ thân, rồi Thị Nở, với cái miêng toe toét cười làm gã Chí Phèo vốn hung dữ, ngang ngược là thế cũng trở nên ngoan ngoãn… Tú Thanh đấy, cô bé đang biến cả vũ trụ mông mênh thành sân khấu nhỏ của mình, khiến Thượng đế và các thần linh phải bỏ việc giữa chừng để cùng đắm say, bay bổng trong réo rắt lời ca từ ca nương nhỏ bé ấy của nước Việt.

Ca nương Tú Thanh sống mãi, tôi tin thế, bởi tài năng không bao giờ chết!

Garden Grove, California, Hoa Kỳ, 7/7/2023

C.H.H.V.

Chú thích:

*

Related posts