Hôm thứ Năm (10/8), Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã gọi nền kinh tế Trung Quốc là “quả bom hẹn giờ”, một nhận xét đã dấy lên sự phản đối từ chính phủ Trung Quốc trong bối cảnh Washington nối lại quan hệ với Bắc Kinh.
Tại một buổi gây quỹ chính trị ở Utah (tiểu bang miền tây của Hoa Kỳ), Tổng thống Biden đã gọi giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là “những kẻ xấu xa”, nhấn mạnh rằng nước Mỹ đang gặp “rắc rối” vì tăng trưởng kinh tế suy giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kỷ lục.
“Họ có vài vấn đề. Điều đó không tốt bởi vì khi những người xấu gặp vấn đề, họ sẽ làm những điều tồi tệ”, Tổng thống Biden nói, theo một phóng viên.
“Trung Quốc là một quả bom hẹn giờ”, ông tuyên bố.
“Trung Quốc đã tăng trưởng ở mức 8% một năm để duy trì tốc độ tăng trưởng. Bây giờ là gần 2% một năm”, ông nói.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden đã đánh giá sai tốc độ tăng trưởng của Hoa Kỳ.
Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố, nền kinh tế nước này tăng trưởng 4,5% trong quý đầu tiên và 6,3% trong quý hai, với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 0,8% từ tháng 4 đến tháng 6 so với quý trước.
Tổng thống Biden nói với các nhà tài trợ rằng ông không muốn làm mất lòng Trung Quốc và mong muốn duy trì một mối quan hệ hợp lý với nước này.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã rất tức giận trước nhận xét của ông Biden. Hôm 11/8, hãng truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã đã cáo buộc các nhà lập pháp Hoa Kỳ và truyền thông phương Tây lợi dụng các vấn đề kinh tế của Trung Quốc để “nói xấu” nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nối lại quan hệ Mỹ – Trung
Bình luận của Tổng thống Biden lặp lại những nhận xét mà ông đã nêu ra tại một buổi gây quỹ khác hồi tháng 6. Vào thời điểm đó, ông đã gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là một “nhà độc tài”.
Tuyên bố trên của ông chủ Nhà Trắng cũng được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tổ chức một “cuộc trò chuyện thẳng thắn” với ông Tập và các quan chức cấp cao khác ở Bắc Kinh.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh, lời nói của Tổng thống Biden đã “xúc phạm nghiêm trọng phẩm giá chính trị của Trung Quốc”.
“Đó là một sự khiêu khích chính trị công khai”, bà Mao Ninh tuyên bố trong một cuộc họp báo hồi tháng 6.
Chính quyền ông Biden đang tìm cách xoa dịu căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington trong bối cảnh quan hệ song phương ngày càng xấu đi vì những lo ngại từ các hoạt động thương mại bất công của Bắc Kinh cho đến hành vi gây hấn của họ đối với Đài Loan.
Tổng thống Biden cũng từng tuyên bố rằng việc gọi ông Tập là “nhà độc tài” sẽ không gây nguy hiểm cho quan hệ với Bắc Kinh.
“Tôi hy vọng có thể gặp Chủ tịch Tập vào một thời điểm nào đó trong tương lai, trong ngắn hạn và tôi không nghĩ điều đó để lại bất kỳ hậu quả thực chất nào”, Tổng thống Biden nói.
Thật vậy, trong ba tuần sau đó, giới lãnh đạo Trung Quốc đã tiếp đón riêng hai quan chức chính quyền cấp cao khác của Mỹ.
Một quan chức cấp cao thứ tư của Hoa Kỳ có thể sớm đến thăm Trung Quốc. Theo một bài báo ngày 13/7 của Tân Hoa Xã, Bộ Thương mại Trung Quốc đã “liên lạc” với phía Mỹ về chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo.
Theo các nguồn tin truyền thông, bà Raimondo sẽ đến thăm Bắc Kinh vào cuối tháng này.
Hôm 10/8, Tổng thống Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp để bắt đầu quá trình hạn chế các khoản đầu tư công nghệ cao của Mỹ chảy vào Trung Quốc trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và chất bán dẫn. Chính phủ Trung Quốc rất lo ngại về sắc lệnh này. Ngày 11/8, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo Bắc Kinh từ bỏ quyền áp dụng các biện pháp đáp trả.
Trung Quốc ‘cần phương Tây’
Giới quan sát đã nhiều lần cảnh báo rằng các cuộc đàm phán cấp cao như vậy với các quan chức Mỹ có lợi cho giới lãnh đạo Bắc Kinh, những người vốn đang nỗ lực thực hiện nhiều chương trình hơn để thúc đẩy nhu cầu trong nước và vực dậy nền kinh tế yếu kém của Trung Quốc.
“Trung Quốc đã chơi hết mình trong vài tháng qua và họ không chịu đối thoại. Bây giờ họ đã nhượng bộ và đồng ý đối thoại với các quan chức nội các cấp cao của Mỹ về các vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế của hai nước”, ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), một thành viên cấp cao và là Giám đốc của Trung tâm Trung Quốc tại Viện Hudson, cho biết.
“Lý do khiến họ chùn bước là vì nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn nghiêm trọng”, ông Dư Mậu Xuân nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 7 trên chương trình “American Thought Leaders: NOW” của đài EpochTV.
“Trung Quốc cần phương Tây nhiều hơn so với phương Tây cần Trung Quốc. Vì vậy, lần này họ thực tế hơn một chút”, ông Dư nhận định.
Cuộc phỏng vấn diễn ra trong bối cảnh Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen tới Bắc Kinh để gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang), người gần đây được ông Tập giao nhiệm vụ vực dậy nền kinh tế bị đại dịch COVID-19 của Trung Quốc “tàn phá”.
Theo số liệu thống kê kinh tế vi mô gần đây nhất của Bắc Kinh, lĩnh vực tiêu dùng đang trong tình trạng giảm phát. Theo NBS, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2021. Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm tháng thứ 10 liên tiếp, giảm 4,4%, nhanh hơn so với mức giảm 4,1% dự kiến.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc đang tiến đến kỷ nguyên phát triển kinh tế chậm hơn đáng kể, tương tự như “thập niên mất mát” của Nhật Bản, trong đó giá tiêu dùng và tiền lương trì trệ trong một thế hệ, trái ngược hẳn với tình trạng siêu lạm phát ở những nơi khác.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch