Trưởng bộ phận thư ký tài chính Công ty AIC về nước đầu thú
Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Trưởng bộ phận Thư ký Tài chính Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) đã ra đầu thú sau khi bỏ trốn và bị truy nã.
Thông tin trên do ông Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết vào ngày 28/8. Ông Xô không nói rõ bà Phương đã ở nước nào trước khi về Việt Nam.
Bà Phương là bị can liên quan sai phạm trong vụ án xảy ra tại Sở Y tế Quảng Ninh, bị truy nã vào ngày 1/8/2023.
Trước đó, cựu Kế toán trưởng Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC Đỗ Văn Sơn (SN 1977) cũng đã ra đầu thú.
Trong vụ án xảy ra tại Sở Y tế Quảng Ninh, kết luận điều tra xác định bà Phương và bộ phận thư ký tài chính được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch AIC, đang trốn truy nã) giao điều hành hoạt động các công ty “sân sau” trong hệ sinh thái AIC, gồm: Công ty Mopha, Công ty Phúc Hưng, Công ty Uy tín Toàn Cầu, Công ty Công nghệ cao…
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn được xác định đang ở Châu Âu. Bà Nhàn từng là trung gian cho các thương vụ mua bán vũ khí giữa Việt Nam và các những nhóm quốc phòng ngoại quốc. Trong đó có thương vụ mua bán một vệ tinh quân sự cho Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) hồi năm 2018.
Thời điểm xảy ra sai phạm tại Sở Y tế Quảng Ninh, đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh.
Ngoài ra, bà Phương còn được phân công phụ trách việc thu, chi riêng của bà Nhàn. Hoạt động này không được hạch toán vào sổ sách của công ty.
Trong quá trình tham gia đấu thầu dự án mua sắm trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Sản – Nhi Quảng Ninh năm 2012, Phương bị cáo buộc giúp Chủ tịch AIC ký vào mục kế toán trưởng tại báo cáo tài chính các năm 2010, 2011 và 2012.
Từ đó, hồ sơ dự thầu của các công ty “quân xanh” được hợp thức, nhằm giúp Công ty AIC trúng thầu.
Theo kết luận điều tra, hành vi của bà Phương và đồng phạm gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50,6 tỷ đồng.
Trong kết luận điều tra, Bộ Công an đề nghị truy tố 16 bị can về các tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
2 trong số các bị can bị đề nghị truy tố là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và anh trai là ông Nguyễn Anh Dũng (Giám đốc Công ty CP Bất động sản Phúc Hưng). Những người còn lại là cựu cán bộ, lãnh đạo tại Công ty AIC, Sở Y tế Quảng Ninh, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh…
Phạm Toàn
Ông Nguyễn Đức Chung lãnh 18 tháng tù vụ ‘thổi giá’ cây xanh
Ông Nguyễn Đức Chung bị tuyên phạt 18 tháng tù trong vụ án liên quan đến sai phạm về trồng cây xanh, gây thiệt hại 34 tỷ đồng.
Chiều 28/8, HĐXX tuyên án đối với cựu chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung và 14 đồng phạm trong vụ án nâng khống giá cây xanh.
Về nhóm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, bị cáo Nguyễn Đức Chung bị tuyên 18 tháng tù. Cộng với bản án cũ, bị cáo Nguyễn Đức Chung phải chấp hành hình phạt 13 năm 6 tháng tù.
Tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí:
– Bị cáo Đỗ Khắc Tú Anh, cựu phó phòng Tài chính kế toán, Ban Duy tu bị tuyên 3 năm 6 tháng tù;
– Bị cáo Vũ Kiên Trung, cựu chủ tịch Công ty Cây xanh bị tuyên 6 năm tù;
– Bị cáo Nguyễn Xuân Hanh, cựu tổng giám đốc Công ty Cây xanh bị tuyên 6 năm tù;
– Bị cáo Bùi Phương Thảo, cựu kế toán trưởng Công ty Cây xanh bị tuyên 4 năm tù;
– Bị cáo Đỗ Quang Tiến, cựu giám đốc Xí nghiệp sản xuất cây xanh thuộc Công ty Cây xanh bị tuyên 4 năm 6 tháng tù;
– Bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Lâm, cựu thẩm định viên Công ty Cổ phần định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam bị tuyên 3 năm tù cho hưởng án treo;
– Bị cáo Bùi Văn Mận, cựu giám đốc Công ty Sinh Thái Xanh bị tuyên 7 năm tù;
– Bị cáo Hoàng Thị Kim Loan, cựu phó giám đốc Công ty Sinh Thái Xanh bị tuyên 5 năm tù
Nhóm bị truy tố cả hai tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước:
– Bị cáo Nguyễn Tuấn Nghĩa, cựu giám đốc Công ty Vì Nhân Dân và Công ty Xanh Hòa Lạc bị tuyên 3 năm 3 tháng tù;
– Kiều Thị Thúy, cựu kế toán hai công ty trên bị tuyên 30 tháng tù
Về tội Buôn lậu, bị cáo Hoàng Đình Văn, cựu giám đốc Công ty Hoàng Anh Phát bị tuyên 8 năm tù. Tổng hợp bản án cũ, bị cáo phải chấp hành hình phạt 10 năm tù.
Tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Đỗ Anh Tuấn, cựu giám đốc Ban Duy tu bị tuyên 3 năm tù cho hưởng án treo
Tội In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước:
– Bị cáo Đỗ Thị Hạnh, kinh doanh tự do bị tuyên 24 tháng tù cho hưởng án treo;
– Bị cáo Nguyễn Thị Ngữ, kinh doanh tự do bị tuyên 24 tháng tù cho hưởng án treo
Về trách nhiệm dân sự, Tòa buộc các bị cáo Nguyễn Xuân Hanh, Đỗ Quang Tiến, Bùi Phương Thảo, Vũ Kiên Trung liên đới bồi thường 17 tỷ đồng.
Các bị cáo Mận và Loan liên đới bồi thường 17 tỷ đồng cho UBND Hà Nội. Các bị cáo Nguyễn Tuấn Nghĩa và Kiều Thị Thúy truy nộp 19 tỷ đồng tiền thuế trong đó bị cáo Nghĩa là hơn 18 tỷ đồng, bị cáo Thúy là 30 triệu đồng.
Cáo trạng thể hiện trước năm 2016, công tác trồng mới, thay thế cây xanh ở Hà Nội được thực hiện theo hình thức đấu thầu.
Đến tháng 12/2015, khi được bổ nhiệm Chủ tịch UBND Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp can thiệp, chỉ đạo việc trồng mới, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh.
Từ chỉ đạo của ông Chung, toàn thành phố tạm dừng toàn bộ việc đấu thầu, chuyển sang đặt hàng từng quý. Tại các cuộc họp với sở ngành liên quan, ông Chung chỉ đạo miệng áp đặt cho Giám đốc Sở Xây dựng phải đặt hàng trực tiếp của Công ty Sinh Thái Xanh.
Công ty này ra đời từ năm 2016, khi Bùi Văn Mận đang trốn nợ ở Lâm Đồng thì được ông Chung gọi về làm dự án trồng cây.
Viện kiểm sát xác định 16 hợp đồng với Công ty Cây Xanh và Công ty Sinh Thái Xanh đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 34 tỷ đồng.
Phạm Toàn
Việt Nam xuất khẩu trái cây rau củ tăng gần 56%
Xuất khẩu trái cây rau củ của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 3,5 tỷ USD (tăng gần 56% so với cùng kỳ). Năm ngoái, các cửa khẩu đường bộ phía Bắc nhiều lần bị phía Trung Quốc đóng cửa khiến doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và người nông dân thiệt hại nặng.
Trong các mặt hàng trái cây rau củ xuất khẩu, sầu riêng chiếm 30% tổng giá trị (đóng góp nhiều nhất), nhưng 90% loại trái này lại chỉ xuất được sang Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự đoán cả năm nay xuất khẩu sầu riêng Việt Nam có thể đạt mốc 1,5 tỷ USD.
Theo ghi nhận năm nay, Thái Lan xuất qua Trung Quốc khoảng 660.000 tấn sầu riêng, trong khi Việt Nam chỉ khoảng 186.000 tấn.
Ông Đặng Phúc Nguyên – tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – giải thích ngoài diện tích lớn hơn, Thái Lan đang có hàng nghìn mã vùng trồng và đóng gói, trong khi Việt Nam mới chỉ có vài trăm mã, báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Cùng với sầu riêng, mít và dừa sẽ là nhóm 3 mặt hàng chính góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu, dự đoán năm nay có thể đạt 6 tỷ USD nếu thuận lợi.
Bà Nguyễn Tường Vy – Giám đốc Công ty XNK Chánh Thu (Bến Tre) cho hay nhiều cơ sở sau thời gian được cấp mã số vùng trồng, đóng gói đã không duy trì chất lượng, dẫn đến việc vi phạm, thậm chí có hiện tượng làm giả, mua bán mã vùng trồng, đóng gói…
Tuấn Minh