Viên Minh
Hôm 21/8, khi ông Tập Cận Bình đang đến thăm Nam Phi, trên mạng Internet Trung Quốc lan truyền một tin đồn ghê gớm. Một tàu ngầm hạt nhân của quân đội Trung Quốc gặp nạn ở eo biển Đài Loan, “tất cả các thuyền viên đều tử vong”. Điều vô cùng thú vị đó là, người “bác bỏ tin đồn” đầu tiên lại là Bộ quốc phòng của Đài Loan. Người phát ngôn của cơ quan này cho biết ông chưa hề nghe thấy bất cứ tin tức nào có thể chứng thực thông tin này.
Mãi đến ngày 31/8, Bộ quốc phòng Trung Quốc mới “bác bỏ tin đồn”, phủ nhận việc tàu ngầm gặp nạn ở eo biển Đài Loan. Điều có ý nghĩa hơn đó là, phía Trung Quốc lại không nói chữ nào đến việc liệu tai nạn có xảy ra ở vùng biển khác hay không. Điều đó khiến người ta không khỏi bán tin bán nghi về một thảm hoạ đang được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) che giấu giống như bao thảm hoạ khác.
Điều đáng chú ý là, trong vòng mười ngày kể từ khi vụ tai nạn lan truyền trên mạng Internet cho tới khi quân đội Trung Quốc ra mặt “bác bỏ tin đồn”, hãng thông tấn Lutheran News Agency ở nước ngoài đã đưa tin trích dẫn nguồn tin nội bộ từ quân đội Trung Quốc xác nhận, tàu ngầm hạt nhân của quận đội đã gặp tai nạn nhưng không phải ở eo biển Đài Loan mà ở Hoàng Hải. Vụ tai nạn xảy ra khi tàu ngầm đang thực hiện nhiệm vụ thử nghiệm kiểm tra đánh giá thao tác vận chuyển lặn xuống đo lường. Khi ấy xảy ra sự cố ngoài ý muốn dẫn đến 55 người thiệt mạng trong đó có 22 sĩ quan quân đội tham gia thử nghiệm. Nhiều phương tiện truyền thông nước ngoài và bản thân các phương tiện truyền thông của Trung Quốc cũng dẫn lại tin của hãng thông tấn Lutheran.
Sau đó ngày 24/8, The Paper, một tờ mạng của Trung Quốc do Tập đoàn Truyền thông Thống nhất Thượng Hải sở hữu và điều hành, đăng tải bài báo “bác bỏ tin đồn”, phủ nhận tai nạn xảy ra và bôi nhọ tờ Lutheran News. Chứng cứ trích dẫn lại là dùng lời giải thích của các quan chức Đài Loan, vô cùng khôi hài.
Phương thức “cải chính tin đồn” của các kênh truyền thông đại lục và việc đáp trả chậm chạp của quân đội Trung Quốc đều đang chứng minh việc tai nạn tàu ngầm không phải là tin đồn. Điều mới nhất có thể xác minh điều này là bài viết đăng ngày 4/9 trên Mạng lưới quân sự Trung Quốc và Nhật báo quân sự. Bài viết này có tên: “Hãy vặn ‘Van an toàn’ ngày càng chặt chẽ hơn”.
Bài viết “Van an toàn” bắt đầu bằng phần giới thiệu rằng hiện nay nhiều quân chủng đang tổ chức huấn luyện dã chiến, huấn luyện bắn đạn thật, huấn luyện nổ thật… đồng thời nói về việc thắt chặt “van an toàn” chặt chẽ hơn và “tăng cường an ninh nền tảng của quân đội”. Tại sao nó quan trọng như vậy?
Bài viết chỉ rõ, cái gọi là “công tác ổn định an toàn là một hạng mục công việc có tính chính trị, tổng hợp, cơ bản và lâu dài, liên quan đến chính trị có căn nguyên đáng tin cậy, liên quan tới việc có thể đánh và đánh thắng trận, liên quan tới nền tảng xây dựng và phát triển quân đội, liên quan đến sự an toàn tính mạng của cán bộ, chiến sĩ. Một khi xảy ra sự cố về mất an toàn sẽ ảnh hướng tới công việc bình thường của quân đội và tinh thần của binh sĩ. Công tác ổn định an toàn không phải là toàn cục nhưng ảnh hưởng tới toàn cục, không phải là trung tâm nhưng ảnh hưởng tới trung tâm”.
Rõ ràng, an toàn ổn định trước hết là rất quan trọng về phương diện chính trị, nói cách khác, việc đảm bảo không xảy ra sự cố an toàn trong quân đội là điều rất quan trọng đối với các quan chức cấp cao ở Trung Nam Hải. Nếu xảy ra, nó không chỉ ảnh hưởng đến công việc bình thường của quân đội và làm lung lay tinh thần của quân đội mà còn ảnh hưởng đến tình hình chung và ảnh hưởng đến việc ra quyết định cấp cao ở Trung Nam Hải, tức là cản trở việc có khai chiến hay không.
Ngoài việc kiểm chứng gần đây trong quân đội xảy ra sự cố an toàn lớn, phải chăng còn đang ám chỉ những chuyên gia quân sự tử vong trong sự cố tàu ngầm là những người ông Tập tin tưởng? Nếu họ bí mật thực hiện một nhiệm vụ nào đó, cái chết của họ phải chăng đã giáng một đòn không nhỏ vào ông Tập? Thậm chí, có chuyên gia còn cho rằng nó còn ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch tấn công Đài Loan của ông Tập.
Sở dĩ có suy luận này là do câu nói trên trong bài từng xuất hiện trong bài “Luôn cảnh giác cao độ khi giẫm phải băng mỏng” do Nhật báo Quân đội đăng tải sau vụ tai nạn hàng không Ngô Châu của hãng hàng không China Eastern Airlines vào tháng 3 năm 2022. Vào thời điểm đó, bài báo viết rằng sau vụ tai nạn của China Eastern Airlines, quân đội đã học theo chỉ đạo của Tập Cận Bình và tuyên bố cần “làm tốt công tác an toàn của quân đội” và gọi “công tác an toàn là công trình bảo đảm, công trình cơ sở của quân đội, cũng là công trình của đảng ủy, công trình chính trị. Một khi quân đội xảy ra sự cố mất an toàn, không chỉ ảnh hưởng lớn tới tinh thần và thể lực của cấp lãnh đạo mà còn ảnh hưởng đến công tác trung tâm của quân đội và ý chí chiến đấu của binh sĩ”.
Ngoài ra, trong các bài báo quân sự đề cập đến công tác an toàn của quân đội đều nói đến một câu mà ông Tập Cận Bình từng nói, đó là “Cần nghiêm túc thực hiện khái niệm phát triển an toàn, chú trọng cao độ đề phòng các vấn đề an toàn lớn, bảo đảm an toàn, ổn định của quân đội”. Chúng ta không biết ông Tập đưa ra tuyên bố này khi nào, nhưng tìm trên Internet thì thấy rằng ít nhất vào tháng 3 năm 2015, nhận xét của ông Tập đã được trích dẫn trong các bài báo liên quan trên Mạng lưới Quân sự Trung Quốc. Phải chăng điều đó có nghĩa là điều mà ông Tập nhấn mạnh gần chục năm qua, và quân đội năm nào cũng học tập nhưng vẫn không phòng ngừa được những sự cố lớn về an toàn, vẫn không đảm bảo được an toàn, ổn định cho quân đội?
Một khả năng là các tướng lĩnh quân đội đang dương thịnh âm suy, vậy khả năng nắm giữ quân đội của ông Tập rốt cuộc lớn tới mức nào? Một khả năng khác là quân đội tham nhũng, dùng người không khách quan, các sĩ quan có năng lực bị đào thải nên không thể tránh khỏi việc xảy ra các sự cố. Dù là khả năng nào thì sự cố xảy ra với tàu ngầm hạt nhân đã tiết lộ một số nội tình đen tối không cho mọi người biết của quân đội Trung Quốc.
Để tránh tái diễn những vụ tai nạn an toàn lớn tương tự, bài viết “Van an toàn” nhấn mạnh “công tác an toàn, ổn định cần được đặt ở vị trí nổi bật hơn và nắm bắt đúng chỗ”, “tích cực phòng ngừa”, “tiến lên như một chỉnh thể”. Điều này có nghĩa là trong khi quân đội tăng cường tẩy não, họ cũng phải điều tra nghiêm ngặt các vấn đề an toàn. Nhưng trước những thảm họa liên tiếp xảy ra trong quân đội, sự bất ổn trong lòng người dân và cục diện của dòng nước ngầm đang dâng trào, liệu tầng lãnh đạo cấp cao nhất ở Bắc Kinh đã thực sự có biện pháp giải quyết hay chưa?
Với cá nhân nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, chúng ta thấy ông ta đang ở trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan thực sự.
Chiến dịch chống tham nhũng mà ông buộc phải thực hiện để bảo vệ chính mình giờ đây lại biến thành một bài toán khó giải cho chính bản thân ông. Tình trạng tham nhũng không hề giảm bớt trong khi chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” lại đang khiến các quan chức Trung Quốc giờ đây chùn tay. Họ quyết định án binh bất động, có nghĩa là không làm gì cả, vì họ biết càng làm sẽ càng gặp vấn đề, càng bị sai sót, mắc lỗi, càng dễ dính vi phạm kỷ luật Đảng.
Đối với ông Tập Cận Bình, quân bài chống tham nhũng là một trong những công cụ đấu tranh chính trị nội bộ. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, ông có thể xem xét đến tâm lý của các quan chức và đưa ra một số đặc ân cho họ. Nhưng dù có làm thế nào đi nữa, các quan chức đó vấn đang có tâm lý chán chường đối với Đảng hiện nay. Điều này khiến xu hướng sụp đổ của ĐCSTQ trong tương lai trở nên hiện hữu.
Liên quan đến việc ông Tập không dám đến dự hội nghị thượng đỉnh G20, nhiều người đồn đoán rằng ông sợ bị đảo chính. Điều này không phải là không có lý. Tổng thống Nga Putin không dám đến G20 vì sợ bị bắt theo trát của tòa án quốc tế, điều đó dễ hiểu. Nhưng lãnh đạo Trung Quốc không đến G20 thì sẽ làm mất mặt chính mình, vì không thể hiện được việc mình là một nhà lãnh đạo chủ chốt của thế giới.
Dù Trung Quốc điều Thủ tướng Lý Cường đến dự, nhưng chắc chắn ông Lý Cường không quyết được việc lớn. Thứ nhất là ông không đủ thẩm quyền. Thứ hai là nếu ông có quyết, thì buộc phải gọi về cho ông Tập, nếu không sẽ bị quy là “vượt mặt” ông chủ.
Có những đồn đoán về việc ông Tập không dự G20 vì lý do sức khỏe. Điều này cũng có thể, nhưng chắc chắn không phải là lý do xác đáng nhất. Ông ấy đang phải bận rộn chống thù trong thù ngoài.
Bản đồ tiêu chuẩn 2023 của Trung Quốc vừa được Bộ Tài nguyên nước này công bố đang gây bức xúc cho các nước xung quanh, vì một phần lãnh thổ của họ giờ đây bị Trung Quốc đưa vào lãnh địa của nước này. Nhưng điều đó vẫn không đáng lo bằng việc nền kinh tế Trung Quốc đang suy sụp. Ông Tập muốn vực dậy, nhưng các quan chức cấp dưới không hành động vì sợ bị dính tham nhũng. Nhưng ông Tập không thể bỏ chống tham nhũng vì điều đó có thể nguy hại đến tính mạng của mình.
Bây giờ, ngay cả quân đội, những tưởng là thứ mà ông Tập Cận Bình nắm chắc trong tay thì hoá ra lại không hề chắc chắn chút nào. Những vấn đề xảy ra liên tiếp trong quân đội gần đây chính là đang gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh với người đứng đầu quân uỷ trung ương Trung Quốc. Một nhà lãnh đạo độc tài không thể kiểm soát được quân đội – đó sẽ là cơn ác mộng lớn nhất mà ông Tập Cận Bình chắc chắn không bao giờ muốn chứng kiến.
Viên Minh (Tổng hợp)