Ông Thưởng thành thật chứ không ngoa ngôn

Trân Văn (VOA)

4-10-2023

Ông Võ Văn Thưởng nói rằng: “Đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm.” Nguồn: AP

Những Trần Huỳnh Duy Thức, Đinh Đăng Định, Phạm Đoan Trang,… và nhiều, nhiều người Việt khác giống như họ chính là nhân chứng cho điều mà ông Võ Văn Thưởng – Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam vừa xác nhận…

Không phải tự nhiên mà có rất nhiều người sử dụng mạng xã hội mỉa mai Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khi ông ta vừa bảo rằng: Đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm (1).

Tuy nhiên, xét cho đến cùng thì ông Võ Văn Thưởng thành thật chứ không ngoa ngôn. Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phát biểu như thế với các nhà văn lão thành tại hội nghị đầu tiên tổ chức cho riêng đối tượng này.

Theo ông Thưởng… kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc trong hòa bình là sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác, là tham nhũng, tiêu cực, là sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá văn hóa và đi ngược lại xu thế của thời đạinên… sứ mệnh, trách nhiệm của nhà văn Việt Nam lúc này lại càng lớn lao và yêu cầu cao hơn vì… nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh này.

Dưới gầm trời này, chẳng còn mấy nơi như Việt Nam – Nguyên thủ quốc gia phải lên tiếng kêu gọi giới cầm bút tham gia chống các thói hư, tật xấu cả trong xã hội lẫn hệ thống công quyền, khuyến khích giới này phải vừa… “trung thực” vừa… “quả cảm”!

Muốn biết vì sao lại thế xin cùng tham khảo….

***

Tháng 2/2009, một người Việt chia sẻ suy nghĩ của mình trên Internet: Triều đại Cộng sản Việt Nam sẽ suy vong nhanh chóng là tất yếu không thể cản lại được bởi chính những sai lầm của nó. Lúc này, điều nhân dân Việt Nam cần quan tâm trên hết là một thời đại mới sẽ hình thành như thế nào, chúng ta có nắm bắt được vận hội mới để tham gia kiến tạo hòa bình và ổn định cho toàn thế giới, qua đó tận dụng cơ hội để phát triển thịnh vượng bền vững hay không. Điều đó tùy thuộc hoàn toàn vào ước nguyện bây giờ của chúng ta.

Nếu chúng ta lại rơi vào cái bẫy của nghèo đói hoặc của sự tham lam mà mong ước một xã hội thế nào cũng được miễn có thể kiếm tiền nhiều hơn thì lịch sử đã chứng minh rằng chúng ta sẽ không đi được đến đó. Nhưng nếu chúng ta mong cầu tự do, mong được có đầy đủ quyền con người mà tạo hóa dành cho chúng ta, kiên quyết nắm lấy quyền quyết định vận mệnh chính trị của dân tộc mình bằng lá phiếu của mình để lựa chọn những thành phần ưu tú nhất lãnh đạo đất nước thì chúng ta sẽ có tất cả.

Chúng ta sẽ có quyền làm giàu và cũng có quyền không thích làm giàu nhưng không ai có quyền tước đoạt hay ban phát những cơ hội đó. Chúng ta sẽ có quyền nói lên tiếng nói của mình mà không phải sợ hãi cho dù đó là những lời phê bình chỉ trích những nhà lãnh đạo. Lịch sử đã cho thấy rõ là những xã hội như thế thì luôn phát triển thịnh vượng và bền vững, mọi người trong đó luôn có cuộc sống vật chất và tinh thần tốt đẹp. Những doanh nhân chân chính khát khao làm giàu để làm ra của cải vật chất cho mình và cho xã hội thì chỉ cần phục vụ khách hàng và thỏa mãn cổ đông chứ không phải những quan chức nhà nước. Nhìn những doanh nhân “đại gia” nhất nước hiện nay phải cung kính trước mặt hoặc lấp xấp chạy theo các quan chức không chỉ tạo ra hình ảnh của sự bất công mà còn là sự hạ thấp phẩm giá của họ

Từ đó đến nay đã 14 năm. Các diễn biến của thời cuộc và hiện tình xứ sở đủ để từng người xác định ý kiến vừa kể trung thực, thậm chí chính xác đến mức nào. Còn người đưa ra rất nhiều những nhận định, đề nghị kiểu như vừa trích dẫn – ông Trần Huỳnh Duy Thức – 57 tuổi, người thành lập EIS năm 2000 với mục tiêu “mạnh mẽ tiến vào thị trường công nghệ thông tin quốc tế, chuyển tri thức Việt Nam thành những giá trị cao trong nền kinh tế tri thức thế giới” và năm 2002, ngoài One-connection Vietnam nổi tiếng một thời, còn thành lập thêm hai doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ viễn thông tại Singapore, Mỹ – hiện đã… ngồi tù 14 năm. Nếu không có gì thay đổi, ông Thức sẽ tiếp tục ngồi tù thêm hai năm nữa để thi hành cho đủ bản án 16 năm vì…“hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”!

***

Tháng 10/2010, một người Việt khác gửi cho Công an tỉnh Đắk Nông thư ngỏ giải thích thêm về quan điểm của ông đối với hiện tình quốc gia khi ấy nói chung và chủ trương khai thác bauxite tại Tây Nguyên nói riêng: Việt Nam có dân số khá đông, con người cần mẫn, giàu lòng vị tha, đất nước ở vị trí thuận lợi; có tiềm năng của một nước lớn và giàu có, giữ địa vị quan trọng trên thế giới nhưng cho đến nay chúng ta vẫn là một quốc gia gia nghèo nàn, lạc hậu nằm ở tốp cuối của thế giới.

Mâu thuẫn đau lòng đó là câu hỏi thường trực trong lòng mỗi con dân nước Việt trước một tương lai chưa hứa hẹn ở thế kỷ 21. Những chênh lệch về mức sống và trình độ phát triển của các dân tộc là hậu quả của điều kiện địa lý, tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt là cách thức tổ chức xã hội. Tổ chức xã hội tốt hay xấu có thể làm thay đổi hẳn số phận của một đất nước, một dân tộc. Thế giới đã chứng kiến nhiều quốc gia mặc dù đất đai ít, nghèo tài nguyên thiên nhiên nhưng nhờ có tổ chức xã hội tốt đã vươn lên (Nhật là ví dụ rất gần với Việt Nam), bên cạnh đó nhiều quốc gia được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên, sau nhiều chục năm xây dựng vẫn quằn quại trong nghèo đói, đồng hành với tài nguyên cạn kiệt… So sánh lợi tức của người Nhật hơn 40 lần người Việt sẽ thấy việc tổ chức xã hội có vị trí đặc biệt quan trọng như thế nào.

Sự thua kém, tủi hổ này buộc người Việt Nam phải tự suy xét tìm lối đi cho mình, nó cho phép chúng ta tin rằng nếu tổ chức lại giang sơn đất nước một cách khoa học, hiệu quả thì người Việt Nam chúng ta chắc chắn sẽ thoát khỏi nghèo hèn, đủ sức vươn lên nhưng chúng ta đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội. Cơ hội lớn nhất là chế độ thực dân sụp đổ sau chiến tranh thế giới thứ hai, cơ hội giành độc lập và vươn lên đã bị bỏ lỡ! Nội bộ quốc gia – dân tộc bị chia rẽ sâu sắc, lên án nhau, mạt sát nhau, tiêu diệt nhau khi có cơ hội và tìm mọi cơ hội! Chính nó tạo ra sự rạn nứt trong lòng quốc gia, dân tộc thật khó có thể hàn gắn. Kết quả cuối cùng là chúng ta thu được chế độ cộng sản toàn trị đến tận bây giờ! Trong khi đó các dân tộc khác dù tốn rất ít xương máu, thậm chí không, cũng đã có độc lập và còn xây dựng xã hội dân chủ từ nhiều chục năm qua. Vì thế mà họ đã bỏ xa chúng ta!

Ngày nay, nhân dân cùng cực và chán ngán chế độ sinh ra chán nản với cả quê hương đất nước của mình, đất nước đã kiệt quệ, tụt hậu và bế tắc. Nguy cơ thua kém vĩnh viễn là nguy cơ mất nước trở thành thách thức đang hiện hữu. Nếu quốc gia không mang lại hạnh phúc, niềm tự hào và hy vọng vươn lên không sớm thì muộn sẽ bị giải thể theo quy luật đào thải – chọn lọc và phát triển một lẽ tự nhiên. Con đường thoát khỏi bế tắc để vươn lên là DÂN CHỦ – ĐA NGUYÊN VÀ NHÂN QUYỀN. Dân chủ là động lực phát triển. Đa nguyên tự nó tôn trọng mọi khác biệt trong xã hội làm xã hội càng phong phú và thực hiện hòa giải dân tộc sau những xung đột đẫm máu, nhân quyền phát huy sinh lực, nguồn lực, sáng kiến và ý kiến mỗi cá nhân trong cộng đồng dân tộc và đặc biệt là tôn vinh con người.

Nhìn lại, nguyên nhân dẫn đến những rạn nứt mà nước ta phải gánh chịu chính là vì chúng ta không đầu tư đủ tư duy để nhận diện những vấn đề trọng đại đặt ra cho mình và tìm hướng giải quyết. Chúng ta thiếu hẳn một DỰ ÁN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA phù hợp với thời đại và hoàn cảnh của đất nước. Cuối cùng, đồng bào, con Lạc cháu Hồng đã tàn sát lẫn nhau vì ý thức hệ không phải của mình, thảm hại thay sự tàn sát còn đẫm máu hơn, bảo vệ say sưa hơn ở các dân tộc khởi xướng ra nó!

Bài học đau đớn đó, dứt khoát chúng ta cần từ bỏ độc quyền lẽ phải, tôn trọng sự khác biệt, đối thoại, thảo luận và thỏa hiệp trong tinh tần tương kính với thái độ lương thiện, xây dựng từ nhận thức rằng người Việt Nam ràng buộc trong một than phận chung, rằng nếu đất nước giàu mạnh, cuộc sống khá hơn và tất cả chúng ta được kính trọng. Ngược lại nếu đất nước ta nghèo nàn, lạc hậu, đói khổ tất cả chúng ta đều bị coi thường bất kể ta thuộc đảng phái chính trị nào hay theo chủ nghĩa gì (3)...

Tác giả thư ngỏ này là ông Đinh Đăng Định – sinh năm 1963, cựu sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, giáo viên Hóa của trường THPT Lê Quý Đôn ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Sau khi vận động hơn 3.000 người ký tên vào thư phản đối dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên và không ngần ngại bày tỏ thẳng thắn suy nghĩ của ông, kể cả với những sĩ quan an ninh đang quấy nhiễu, hăm dọa sẽ tống giam ông. Tháng 10/2011, ông Đinh Đăng Định bị bắt, bị phạt sáu năm tù vì “tuyên truyền chống chế độ XHCN”… Nhiều người tin rằng ông Định bị đầu độc trong tù. Tháng 2/2014, khi sức khỏe rơi vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, ông Định được… “tạm hoãn thi hành án”. Hai tháng sau, tháng 4/2014, ông Định qua đời sau khi trăn trối với vợ con: Đừng giữ lòng thù hận vì chúng ta không phải kẻ thù của nhau (4).

Cứ đối chiếu thực tại sẽ thấy những gì ông Đinh Đăng Định từng trình bày có trung thực và chính xác hay không? Sau khi ngốn vài trăm ngàn tỉ, việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên theo chủ trương của Bộ Chính trị đã đem lại những gì cho môi trường, kinh tế, xã hội? Khi thẳng thắn bày tỏ suy tư, ước vọng như đã biết, ông Định có quả cảm hay không và bất kể bị ngược đãi tàn tệ đến mức mất mạng, điều ông trăn trối cho thấy ông có đủ tình yêu dành cho đồng bào, cho xứ sở hay không?

***

Tháng 10/2020, một người Việt khác nữa, tâm sự như thế này khi đang bị công an Việt Nam săn lùng: Tôi hay nói đùa với chính mình, tôi là người dành cả tuổi thanh xuân để nâng người khác lên. Nâng người khác lên được hiểu là gì? Trang bị kiến thức cho họ, trang bị kỹ năng cho họ, trao đổi thông tin với họ, tôn trọng họ, nâng họ lên để họ cảm thấy họ được tôn trọng, cảm thấy họ là con người, họ quý giá, họ xứng đáng sống một cuộc sống tốt đẹp.

Tôi muốn thay đổi Việt Nam theo hướng làm sao để cho con người được tôn trọng hơn, con người đối xử với nhau với tình yêu, thương yêu nhau nhiều hơn, thương nhau hơn, yêu nhau hơn, tin tưởng nhau hơn. Nhiều khi chỉ cần như thế thôi đã là dấu hiệu đầu tiên của phát triển rồi. Muốn phát triển đất nước nói chung, chúng ta phải phát triển nhiều thứ chứ không chỉ riêng kinh tế. Mà ngay cả muốn phát triển kinh tế, chúng ta cũng đừng quên là phải phát triển một thứ quan trọng, đó là niềm tin của nhau. Đúng không ạ? Khi không có niềm tin thì người ta khó làm việc với nhau lắm. Khi không có niềm tin thì người ta khó làm ăn, khó hợp tác. Dân không tin nhà nước, nhà nước không tin dân, dân không tin nhau. Chúng ta khó làm ăn lớn với nhau, không làm được gì. Và như vậy chúng ta buộc lòng phải làm truyền thông; phát triển truyền thông, giáo dục, xuất bản (5).

Người tâm sự như vừa trích dẫn tên là Phạm Đoan Trang – 45 tuổi, một cây bút chuyên vận động cho tự do, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, bị bắt sau đó ít ngày và nay đang thi hành bản án chín năm tù vì “tuyên truyền chống nhà nước”.

***

Những Trần Huỳnh Duy Thức, Đinh Đăng Định, Phạm Đoan Trang,… và nhiều, nhiều người Việt khác giống như họ chính là nhân chứng cho điều mà ông Võ Văn Thưởng – Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam vừa xác nhận, ở Việt Nam muốn “trung thực” thì phải… “quả cảm” và điều này thường chỉ có thể thấy ở những cá nhân “có đủ tình yêu thương con người”. Các “nhà văn lão thành” cả đời phục vụ đảng hiểu điều đó nên không ai thèm… “trung thực”. Ông Thưởng có… dụ cũng thế thôi!

Chú thích

(1) https://thanhnien.vn/dat-nuoc-dang-can-tieng-noi-cua-tinh-yeu-thuong-con-nguoi-cua-long-trung-thuc-su-qua-cam-tu-cac-nha-van-18523093012542794.htm

(2) https://tranfami.wordpress.com/2009/02/02/ky-suu-va-van-hoi-moi-cua-viet-nam/

(3) https://www.facebook.com/rememberdinhdangdinh/posts/pfbid02L9Zw9fMuQ7zSovHZ6zRxDDdjv4RnFR1TyXcWfqFSQR6VWWYnNskPzWodT545dBBrl?locale=vi_VN

(4) https://www.facebook.com/rememberdinhdangdinh/photos/a.461125700686990/462666020532958

(5) https://luatkhoa.org/2020/11/doan-trang-neu-toi-co-di-tu-moi-hoat-dong-ben-ngoai-van-phai-tiep-tuc-tham-chi-manh-hon/

Related posts