Có những suy đoán được đưa ra về việc Trung Quốc đang chuẩn bị cho chiến tranh bằng cách thành lập các Phòng Lực lượng Vũ trang trong các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, các chuyên gia về Trung Quốc có xu hướng cho rằng các đơn vị này đang chuẩn bị lực lượng dân quân nội bộ cho tình trạng bất ổn xã hội quy mô lớn có thể xảy ra ở Trung Quốc.
Nhiều thông tin chính thức gần đây ở Trung Quốc đã phơi bày việc thành lập các Phòng Lực lượng Vũ trang (AFD), một thực thể bán quân sự có nhiệm vụ giám sát dân quân Trung Quốc, nằm dưới sự giám sát của cả quân đội và chính quyền. Cần lưu ý rằng, lực lượng dân quân Trung Quốc là một trong những lực lượng lớn nhất trên thế giới.
Một doanh nghiệp nhà nước lớn (SOE) ở Thượng Hải, trung tâm thương mại và tài chính của Trung Quốc, được cho là đã ra mắt AFD trong nội bộ công ty vào thứ 5 (28/9).
Tập đoàn Đầu tư Thành phố Thượng Hải (SMIG), một công ty phát triển bất động sản và dịch vụ xây dựng cơ sở hạ tầng lớn do chính quyền thành phố Thượng Hải quản lý, đã tổ chức lễ ra mắt chính thức AFD vào ngày 28/9, với sự tham dự của hai tướng chỉ huy của đơn vị đồn trú Thượng Hải, theo Jiefang Daily, một tờ báo chính thức của Quân đội Trung Quốc.
Ông Jiang Shujie, bí thư tại SMIG, cho biết tại lễ ra mắt rằng công ty “là lực lượng chủ chốt trong phòng chống toàn diện thảm họa ở đô thị cũng như cứu hộ khẩn cấp”. Theo ông Jiang, công ty có bảy đội ứng phó khẩn cấp chuyên biệt tham gia vào nhiều nhiệm vụ ứng phó và xử lý khẩn cấp khác nhau, bao gồm cấp nước đô thị, kiểm soát lũ lụt, quản lý môi trường nước và xử lý chất thải nguy hại.
Ông Jiang cho biết, với kinh nghiệm và nguồn lực, công ty có kế hoạch “khám phá con đường đạt được sự phát triển chất lượng cao trong xây dựng quốc phòng trong kỷ nguyên mới”.
Trong khi ban quản lý tuyên bố việc thành lập AFD là để phục vụ quốc phòng, các chuyên gia Trung Quốc tin rằng đó là nỗ lực của ĐCSTQ nhằm chuẩn bị cho tình trạng bất ổn xã hội ở quy mô lớn có thể xảy ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và chính trị trong nước.
Phòng Lực lượng Vũ Trang là gì?
AFD được liên kết với cả các đơn vị đồn trú quân sự địa phương và chính phủ, đồng thời giám sát lực lượng dân quân và việc huy động nhân dân trong thời gian chiến tranh cùng các trường hợp khẩn cấp và các nhiệm vụ khác.
AFD được thành lập ở tất cả các cấp chính quyền, cơ sở giáo dục và doanh nghiệp nhà nước sau khi chính quyền Trung Quốc tiếp quản đất nước và tăng cường kiểm soát lực lượng dân quân Trung Quốc, lực lượng đóng vai trò là lực lượng phụ trợ và dự bị cho quân đội chính quy của chế độ. Lực lượng dân quân là những người lao động bình thường và được trang bị súng trong thời bình. Họ được huấn luyện quân sự thường xuyên để chuẩn bị cho chiến đấu hoặc duy trì trật tự xã hội.
Với việc Trung Quốc chuyển trọng tâm sang nền kinh tế vào những năm 1980, AFD dần biến mất khỏi một số tổ chức hoặc công ty trực thuộc chính phủ. Nó đã quay trở lại trong những năm gần đây, thu hút sự chú ý của công chúng về vai trò của nó trong bối cảnh tình trạng bất ổn gia tăng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, luôn có lực lượng dân quân trong các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhà nước, trong khi việc huấn luyện thường xuyên có thể bị phớt lờ.
Trung Quốc có 8 triệu thành viên dân quân, theo Defense One, một ấn phẩm tình báo quân sự có trụ sở tại Mỹ. Hiện các đơn vị bán quân sự này đang quay trở lại, theo các bài báo chính thức của Trung Quốc.
Sự quay trở lại
Các doanh nghiệp nhà nước (SOE) lớn của Trung Quốc và các đơn vị trực thuộc chính phủ được cho là đã thành lập AFD nội bộ từ năm 2021.
Theo thông tin trên trang web chính thức của Bộ Quốc phòng Trung Quốc vào tháng 5/2021, AFD đã được thành lập tại 25 doanh nghiệp nhà nước ở Phủ Thuận, một thành phố với dân số 1,8 triệu người ở tỉnh Liêu Ninh phía đông bắc Trung Quốc. Thông tin cho biết gần 1.500 người từ 25 công ty này đã được tuyển dụng làm lực lượng dân quân nòng cốt.
Lực lượng dân quân Trung Quốc được chia thành hai loại – dân quân nòng cốt và dân quân bình thường. Các thành viên dân quân nòng cốt là những cá nhân đóng vai trò chủ chốt trong một tổ chức dân quân và thường có nhiều kinh nghiệm hơn, được đào tạo tốt hơn và giữ các vị trí lãnh đạo trong lực lượng dân quân, thường đóng vai trò là trụ cột của nhóm. Dân quân là người lao động trong thời bình và trở thành người lính trong thời chiến.
Theo một báo cáo chính thức trên trang web của chính quyền thành phố Vũ Hán, vào ngày 31/8/2023, Tập đoàn Nông nghiệp Vũ Hán, một doanh nghiệp nhà nước do chính quyền thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc quản lý, đã thành lập AFD của riêng mình.
Công ty nông nghiệp được thành lập vào tháng 9/2020, năm mà đại dịch bùng phát ở Vũ Hán. Hoạt động kinh doanh của công ty bao gồm sáu lĩnh vực chính: tài chính nông nghiệp, cảnh quan và cây xanh, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi, phát triển bất động sản ở khu vực nông thôn, vận hành vốn và du lịch.
Báo cáo cho biết, ngoài Tập đoàn Nông nghiệp Vũ Hán, 8 doanh nghiệp nhà nước khác ở Vũ Hán cũng đã thành lập AFD nội bộ kể từ năm 2023.
Tại Nam Thông, một thành phố trên bờ biển phía đông của tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, với dân số 7,7 triệu người, Tập đoàn Đầu tư Phát triển Xây dựng Thành phố Hải An đã thành lập AFD vào tháng 7, đây là đơn vị AFD đầu tiên được thành lập tại một doanh nghiệp nhà nước trong thành phố, theo thông cáo báo chí trên trang web chính thức của chính quyền thành phố.
Tại Huệ Châu, một thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông phía nam Trung Quốc, Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Thành phố Huệ Châu đã tổ chức lễ ra mắt AFD vào ngày 3/8/2023, theo thông tin trên trang web chính thức của công ty.
Mengniu Dairy, nhà sản xuất các sản phẩm sữa lớn của Trung Quốc có trụ sở tại Hòa Lâm Cách Nhĩ (Horinger), một huyện của Khu tự trị Nội Mông ở miền bắc Trung Quốc, đã tổ chức lễ ra mắt AFD vào ngày 25/5. Theo thông cáo báo chí trên trang web của chính quyền huyện, sĩ quan chỉ huy của đơn vị đồn trú địa phương đã tham dự buổi lễ cùng với một số lãnh đạo chính quyền huyện, ban quản lý công ty và khoảng 60 thành viên dân quân nòng cốt.
Chuẩn bị cho bất ổn xã hội quy mô lớn
Có những suy đoán được đưa ra về việc Trung Quốc chuẩn bị cho chiến tranh bằng cách thành lập AFD trong các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, các chuyên gia về Trung Quốc có xu hướng cho rằng các đơn vị này đang chuẩn bị lực lượng dân quân nội bộ cho tình trạng bất ổn xã hội quy mô lớn có thể xảy ra ở Trung Quốc.
Ông Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang), một chuyên gia nổi tiếng về chính trị Trung Quốc và Mỹ, lưu ý rằng một loạt vụ vỡ nợ đã xảy ra trong ngành bất động sản Trung Quốc sau vụ vỡ nợ của Evergrande, và Evergrande giống như “quân domino đầu tiên sụp đổ”.
Ông Chương cho biết trên một trong những kênh video của mình vào ngày 10/10: “Do phản ứng dây chuyền của một loạt vụ vỡ nợ, các cuộc biểu tình tương ứng sẽ xuất hiện, liên quan đến chủ sở hữu những bất động sản chưa hoàn thiện và các nhà đầu tư bị mất tiền gốc và tiền lãi, cùng những người khác”.
Ông Chương ước tính tổng số nợ của các công ty đầu tư đô thị ở Trung Quốc chiếm khoảng 60–70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Trung Quốc, lên tới khoảng 903 tỷ USD.
Ông Chương cho biết trong chương trình của mình: “Là nhà phát hành nợ lớn nhất Trung Quốc, các công ty đầu tư này đã trở thành mục tiêu hàng đầu của các nhà đầu tư sau hàng loạt vụ vỡ nợ bất động sản”.
Ông tin rằng việc thành lập ADF trong các công ty đầu tư là vì để phục vụ lợi ích của các công ty bất động sản và đầu tư đô thị của Trung Quốc trong những vụ việc như vậy. Ông cũng cho biết các cuộc biểu tình cũng sẽ nổ ra ở các lĩnh vực khác.
Việc vỡ nợ trong lĩnh vực bất động sản đã dẫn đến các chiến dịch đòi nợ khổng lồ ở Trung Quốc, liên quan tới cả người mua nhà, nhà đầu tư và công nhân xây dựng.
Sự phẫn nộ của công chúng đối với ĐCSTQ đã nảy sinh trong các lĩnh vực khác. Tình trạng bất ổn xã hội bắt đầu nổi lên trên quy mô lớn trong suốt 3 năm bùng phát dịch Covid-19. Các chính sách nghiêm ngặt zero-COVID của Bắc Kinh đã gây ra các cuộc biểu tình lớn trên khắp đất nước trong thời kỳ đại dịch, với những người biểu tình yêu cầu ĐCSTQ “thoái vị”. Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc đã khiến nền kinh tế trở nên trì trệ và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao kỷ lục.
Một đoạn video được đăng trên nền tảng truyền thông xã hội tương tự như Facebook của Trung Quốc, Weibo, cho thấy hoạt động huấn luyện quân sự tại Đại học Sư phạm Sở Hùng (Chuxiong) ở tỉnh Vân Nam phía tây nam Trung Quốc. Trong video, chính quyền nhà trường cho một số sinh viên đóng vai người đòi lương đang đòi tiền lương chưa được trả, trong khi một số sinh viên khác đóng vai cảnh sát chống bạo động đàn áp những người biểu tình muốn lấy lại tiền của họ.
Ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), một cựu luật sư Trung Quốc hiện đang sống ở Mỹ, tin rằng tình trạng bất ổn xã hội còn tồn tại ở nhiều lĩnh vực khác chứ không chỉ ở vấn đề đòi tiền lương.
Ông Lại nói với NTD, hãng truyền thông liên kết với The Epoch Times, rằng đoạn video trực tuyến vừa đóng vai trò như một lời tuyên truyền vừa là một lời cảnh báo.
“Nó đóng vai trò như một lời đe dọa, nói với các sinh viên và khán giả rằng: ‘Cho dù bạn gặp phải sự bất công nào, nếu bạn xuống đường biểu tình, bạn sẽ bị đàn áp một cách tàn nhẫn, giống như những người đòi tiền lương này’”, ông Lại nói với NTD vào hôm thứ 4 (4/10).
Ông nói rằng cả đất nước Trung Quốc, bao gồm cả các cơ sở giáo dục đại học, đang chuẩn bị cho điều mà ĐCSTQ gọi là “duy trì ổn định xã hội”. Nó cho thấy tình trạng bất công xã hội ở Trung Quốc đã lan rộng.
Theo Luật Quốc phòng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, các lực lượng vũ trang Trung Quốc có ba loại chính: Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), Cảnh sát Vũ trang Nhân dân và Dân quân. Luật yêu cầu Dân quân “gánh vác nhiệm vụ chuẩn bị chống chiến tranh và các hoạt động quốc phòng, đồng thời hỗ trợ duy trì trật tự công cộng” ở Trung Quốc.
Bảo Nguyên biên dịch