Country Garden cho biết họ đã tìm hiểu nhiều phương án khác nhau để tạo ra tiền mặt, nhưng “điều kiện thị trường hiện tại” đã khiến công ty gặp khó khăn trong việc tìm ra đủ lượng tiền mặt cần thiết để đáp ứng các thời hạn nợ sắp đến.
Nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang ngập trong nợ nần Country Garden Holdings cho biết hôm thứ 3 (10/10) rằng họ đã không thanh toán được khoản tiền gốc 470 triệu HKD (đô la Hong Kong) (60 triệu USD) trước thời hạn.
Công ty không nêu chi tiết về khoản thanh toán nhưng thừa nhận rằng khả năng vỡ nợ trong tương lai có thể xảy ra khi “công ty cũng dự đoán rằng nó không thể đáp ứng tất cả các nghĩa vụ thanh toán nước ngoài khi đến hạn hoặc trong thời gian ân hạn có liên quan, bao gồm nhưng không giới hạn ở những nghĩa vụ theo đồng USD”.
Công ty cho biết trong hồ sơ của Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong: “Việc không thanh toán như vậy có thể dẫn đến việc các chủ nợ có liên quan của Tập đoàn yêu cầu đẩy nhanh việc thanh toán các khoản nợ liên quan mà họ là người cho vay hoặc theo đuổi biện pháp cưỡng chế”.
Theo kế hoạch, Country Garden vào thứ 2 phải trả 66,8 triệu USD tiền lãi cho trái phiếu USD năm 2024 và 2026, mặc dù các khoản thanh toán này có thời gian gia hạn 30 ngày.
Trong hồ sơ của mình, gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc cho biết họ phải đối mặt với “sự không chắc chắn đáng kể” trong khả năng bán bất động sản của mình và dự đoán rằng vị thế thanh khoản của họ sẽ vẫn căng thẳng, với lý do không có “bất kỳ sự cải thiện đáng kể nào trong toàn ngành đối với hoạt động bán bất động sản”.
Country Garden cho biết họ đã tìm hiểu nhiều phương án khác nhau để tạo ra tiền mặt, nhưng “điều kiện thị trường hiện tại” đã khiến công ty gặp khó khăn trong việc tìm ra đủ lượng tiền mặt cần thiết để đáp ứng các thời hạn nợ sắp đến.
Công ty cho biết: “Kể từ năm 2020, liên tục có dòng tiền chảy ra ròng trong hoạt động tài chính của Tập đoàn”.
“Hiện tại, doanh số bán hàng và tài chính của Tập đoàn vẫn đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể và nguồn vốn khả dụng của Tập đoàn tiếp tục giảm”, nó nói thêm. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu đáng lo ngại về các vấn đề cơ cấu sâu sắc.
Số liệu vận hành chưa kiểm toán của công ty cho thấy doanh thu của Country Garden giảm xuống còn 154,98 tỷ CNY (21,3 tỷ USD) từ tháng 1 đến tháng 9, đánh dấu mức giảm lần lượt là 43,9% và 65,4% so với cùng kỳ năm 2022 và 2021.
Hồ sơ cho thấy Country Garden đã nhận được “sự đồng ý cần thiết” từ các trái chủ có liên quan về việc gia hạn thời gian đáo hạn cho 9 lô trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng số tiền gốc còn tồn đọng khoảng 14,7 tỷ CNY (2 tỷ USD).
Country Garden có lượng trái phiếu nước ngoài trị giá 10,96 tỷ USD và khoản vay trị giá 42,4 tỷ CNY (5,81 tỷ USD) không được niêm yết bằng CNY. Nếu vỡ nợ, các khoản nợ này sẽ cần phải được cơ cấu lại, đồng thời công ty và tài sản của công ty sẽ có thể bị các chủ nợ thanh lý.
Công ty cho biết họ đã thuê các cố vấn từ China International Capital Corporation Hong Kong Securities Limited, Houlihan Lokey và công ty luật Sidley Austin để đánh giá cơ cấu vốn và vị thế thanh khoản của mình.
“Công ty và các cố vấn của nó sẽ đảm bảo đối xử công bằng và bình đẳng đối với tất cả các chủ nợ và tích cực liên lạc với các chủ nợ để tìm hiểu các lựa chọn tiềm năng khi thích hợp”, nó tuyên bố.
Bối cảnh của công ty và toàn ngành
Country Garden từng được biết đến với các dự án quy mô lớn ở các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn, cũng như kế hoạch đầy tham vọng xây dựng một thành phố trong rừng ở Malaysia, nơi công ty cho biết vẫn “hoạt động bình thường” bất chấp cuộc khủng hoảng nợ ngày càng gia tăng của công ty.
Tuy nhiên, công ty đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp thắt chặt của Bắc Kinh đối với lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc mà chính phủ trung ương cho biết là nhằm hạn chế đầu cơ và rủi ro nợ nần. Công ty cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các chủ đầu tư khác, như Evergrande Group và Sunac China Holdings Ltd.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã mất ổn định do cuộc khủng hoảng nợ kể từ năm 2021. Các công ty chiếm 40% doanh số bán nhà ở Trung Quốc – hầu hết là các nhà phát triển bất động sản tư nhân – đã không trả được nợ, khiến nhiều ngôi nhà chưa được hoàn thiện.
Hơn hai năm trôi qua, cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc khi niềm tin vào cả thị trường nhà đất và vốn đều cạn kiệt, càng làm tổn hại tính thanh khoản của các nhà phát triển.
Evergrande, trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ ở Trung Quốc, hồi tháng trước cho biết người sáng lập công ty đang bị điều tra về những tội danh chưa xác định. Họ cũng cho biết họ không thể phát hành khoản nợ mới – một bước quan trọng trong quá trình tái cơ cấu – do cuộc điều tra đang diễn ra đối với đơn vị kinh doanh chính của họ.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch