Do Thái – Ả Rập, tình hận ngàn năm

Krishna Tran

14-10-2023

Hơn 30 năm trước, tôi đặt câu hỏi cho một người bạn Do Thái: Tại sao người Ả Rập và Do Thái cứ đánh nhau liên miên?

Bạn trả lời không ngập ngừng: Nếu như Abraham không đuổi mẹ con Hagar và Ishmael ra sa mạc, thì chắc không có thù hận dai dẵng như thế. Việc đuổi đi này lại có sự xúi bẩy của nàng Sarah, mẹ của Isaac, tổ tiên Do Thái.

Hagar, Ishmael, Sarah, Isaac, Abraham là các nhân vật trong Cựu Ước, bản kinh khởi thủy cho cả ba tôn giáo: Do Thái, Thiên Chúa và Hồi giáo.

Theo bản kinh này thì Abraham là tổ tiên của cả dân Do Thái và Ả Rập, qua hai người con là Isaac và Ishmael. Khổ một điều là Ishmael, tổ tiên dân Ả Rập lại là con của nàng hầu Hagar, người Ai Cập, bị ruồng bỏ. Hận thù bắt đầu.

Số phận cũng chẳng tốt đẹp gì với tộc Do Thái của Isaac, tiếp theo nhiều triều vua huy hoàng, vương quốc Do Thái tan nát, dân chúng lưu lạc tứ phương.

Điều đáng khen là dù lưu lạc, họ vẫn gìn giữ tôn giáo, văn hóa, truyền thống, dù có lai với các chủng tộc khác, ở châu Âu hay là châu Phi, sau này có thêm châu Mỹ. Và điều quan trọng nhất cho tương lai của họ về sau là họ làm ăn thịnh vượng, nhất là trong các lãnh vực tài chính và truyền thông.

Đến thế kỷ 19, phong trào phục quốc Do Thái bắt đầu hình thành tại châu Âu, chủ trương phục quốc cho người Do Thái từ khắp nơi về lại vùng quê hương cũ Trung Đông. Nạn diệt chủng Do Thái ở các quốc gia châu Âu, và cao điểm là dưới chế độ Đức quốc xã, thúc đẩy chủ nghĩa phục quốc Do Thái mạnh hơn lúc nào hết.

Thế chiến thứ hai kết thúc, cùng lúc với sự tan rã thuộc địa Anh và Pháp, những người Do Thái ráo riết vận động để họ trở về và tạo dựng nhà nước Israel.

Điều ít người Việt nam biết đến là khi nhà nước Irael được thành lập năm 1948, thì quốc gia công nhận nhà nước này đầu tiên lại là Liên Xô. Ngày 17-5-1948, Liên Xô công nhận Israel chỉ ba ngày sau khi nước này tuyên bố độc lập, trước cả Mỹ. Mỹ chỉ công nhận nhà nước Israel vào ngày 31-1-1949, sau cuộc tuyển cử đầu tiên ở Israel.

Mấy chục năm sau, giữa cuộc chiến tranh lạnh, Liên Xô đứng về phe Ả Rập, làm cho nhiều người quên đi sự kiện Liên Xô là quốc gia rất quan trọng cho sự sống còn của nhà nước Israel trong năm đầu tiên, nhất là nhiều người Việt Nam cũng bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh lạnh, một bên là Liên Xô, bên kia là Mỹ và phương Tây.

Mục đích của Liên Xô, lúc đó dưới tay nhà độc tài đỏ Stalin, chẳng phải là tốt lành gì cho dân Do Thái, mà là muốn dùng nhà nước Israel để chống lại ảnh hưởng của phương Tây tại Trung Đông. Trong những công dân Israel đầu tiên, có nhiều người là người Do Thái Nga, xuất thân dưới chế độ Soviet.

Mỹ ủng hộ thành lập nhà nước Do Thái Israel, nhưng cấm vận vũ khí vào vùng Trung Đông, trong khi Liên Xô, qua ngã Đông Âu, cung cấp vũ khí, huấn luyện quân sự, cho những đơn vị đầu tiên của quân đội Israel. Có thể nói không ngoa rằng, chính Liên Xô là nguyên nhân dẫn đến sự sống còn của nhà nước Israel trong những ngày đầu tiên, khi họ bị các đội quân Ả Rập xung quanh vây đánh, vì con cháu Ishmael nhất định trả thù, không để con cháu Isaac có đất dung thân.

Con tạo xoay vần, thù thành bạn, bạn thành thù, mấy mươi năm qua, Mỹ đã trở thành đồng minh vô điều kiện của Israel, trong khi Liên Xô và các nước cộng sản trước đây ủng hộ tổ chức PLO của người Ả Rập vùng Palestine. Và bây giờ nước Nga của Putin cũng muốn lá mặt lá trái, trục lợi trong cuộc xung đột này.

Nhà nước Do Thái Israel ngày càng vững chắc với thể chế dân chủ, quốc gia Israel trở thành một trung tâm khoa học công nghệ thế giới. Trong khi đó, các quốc gia Ả Rập xung quanh vẫn hì hục bí lối giữa những vương quyền độc tài, các giáo chủ nắm thần quyền, các vị tướng tá tham nhũng, các cuộc đảo chính, các rối loạn xã hội…

Hãy đến ranh giới giữa Israel và các quốc gia Ả Rập kề bên, trong đó có lãnh thổ Palestine, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt giống như khi chúng ta đứng tại biên giới Hoa Kỳ và Mexico, tại Texas hay California. Gần như cùng một giống người, một bên là ngăn nắp trật tự, một bên là lộn xộn, nghèo đói.

Sẽ không công bằng nếu không nói đến sự bành trướng, đàn áp của nhà nước Israel đối với những người anh em Ả Rập Palestine, điều tàn nhẫn, trớ trêu,… mà lịch sử luôn lặp lại, một dân tộc bị áp bức, lại áp bức kẻ khác, khi mình không còn nghèo khổ, bị áp bức, nữa.

Người Ả Rập Palestine rối bời với chính họ, với kẻ thù, dồn nén lâu ngày những uất ức.

Cuộc thảm sát dân thường Do Thái của các chiến binh Hamas Ả Rập Palestine là cơn giận từ những dồn nén đó.

Và một khi sự giận dữ leo thang trong biển máu, người ta không còn nhớ ai là kẻ đã bắt đầu. Cả Do Thái và Ả Rập đều cho mình là nạn nhân của sự tàn độc của người anh em thù hận bên kia, như một câu trong kinh Pháp Cú của nhà Phật, “lấy oán trả oán, oán ấy sẽ chất chồng”.

Trong vài giờ đồng hồ, hơn 1200 người Do Thái bị Hamas thảm sát. Vài chục giờ đồng hồ sau đó, hơn 1500 người Ả Rập ở dải Gaza gục ngã dưới bom đạn của quân đội Israel, trong cuộc trả oán kinh hoàng.

Tôi nghe lại bài quốc ca Israel, Hatikva. Bài hát được viết vào thế kỷ 19, bày tỏ niềm hy vọng trở về cố hương của dân tộc Do Thái. Trong giai điệu khắc khoải và trầm hùng của niềm hy vọng đó, là tiếng bom đạn Israel đang gieo rắc chết chóc và tuyệt vọng ở dải Gaza.

Dĩ nhiên cả người Do Thái lẫn Ả Rập đều không biết tới kinh Pháp Cú, cả hai đều tôn xưng Thượng đế, đấng toàn năng, nhưng dường như người nào cũng nghĩ rằng thượng đế của mình tốt hơn thượng đế của người kia.

Related posts