Dư âm Hội nghị Trung ương 8 khoá 13

Mai Hoa Kiếm

14-10-2023

Hội nghị Trung ương 8 khoá 13 của đảng cộng sản Việt Nam đã bế mạc sau một tuần vòng vo, tranh cãi mà không đưa ra được giải pháp căn cơ nào cho hàng loạt vấn đề nan giải, như cải cách tiền lương, y tế, giáo dục và phục hồi kinh tế. Những tờ trình của Bộ Chính trị đưa ra Trung ương bỏ phiếu chỉ quanh quẩn việc phán quyết kỷ luật, bố trí nhân sự điền vào chỗ trống và quy hoạch cho được “mâm bát” của đại hội 14 vào tháng 1-2026.

Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 7, tức Hội nghị “giữa nhiệm kỳ” vào tháng 5-2023, các phe nhóm trong đảng đã “kèn cựa” nhau chuyện thảo luận và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa khoá 13. Một danh sách kết quả tín nhiệm “hư hư, thực thực”, được tung ra, như muốn dằn nặt hai Uỷ viên Bộ Chính trị còn đủ tuổi tái cử là Trần Tuấn Anh và Đinh Tiến Dũng.

Kết quả “đe doạ” Trần Tuấn Anh và Đinh Tiến Dũng. Nguồn: CTV Tiếng Dân

Hội nghị lần này, ngay trong phần biểu quyết kỷ luật Uỷ viên Trung ương đương nhiệm và đã nghỉ hưu, cũng nhiều ý kiến bất đồng. Việc tranh cãi, dẫn đến không khai trừ được Trịnh Văn Chiến, cựu bí thư Thanh Hoá ra khỏi đảng, cũng thể hiện sự không thống nhất trong nội bộ cấp cao.

Cách tất cả các chức vụ trong đảng, nhưng vẫn để Lê Đức Thọ, bí thư Bến Tre “hạ cánh an toàn”, ôm theo hơn 4000 tỷ, xem ra việc “kê khai tài sản” trong đảng chỉ là trò chơi tìm ô chữ của học sinh cấp một. Đảng đã lúng túng, bất lực trong thu hồi tài sản có nguồn gốc tham nhũng. Quốc hội nhiều lần bàn việc “có nên tịch thu, ra tòa hay thu thuế đối với tài sản bất minh” nhưng “bó tay”, đi vào ngõ cụt, huề cả làng. Đảng của ông Trọng sợ “đánh chuột vỡ bình” khi xử lý tài sản kê khai không trung thực, hoặc có kê khai nhưng không giải trình nguồn gốc.

Những ông bà sở hữu ngàn tỷ không kém Lê Đức Thọ, từng lãnh đạo chủ chốt ngân hàng, đang hiện diện trong Trung ương khoá 13, như Bí thư Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương đảng Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Hưng Yên ông Nguyễn Hữu Nghĩa – người từng bị VKS Tối cao triệu tập liên quan một vụ án và Bí thư Hậu Giang, ông Nghiêm Xuân Thành, vẫn rung đùi, vì chẳng ai làm được gì họ.

Ảnh từ trên xuống: Những ông bà “trùm” ngàn tỷ, Lê Minh Hưng, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Hữu Nghĩa và Nghiêm Xuân Thành

Đối với ông Điểu K’ré, Phó bí thư Thường trực tỉnh Đăk Nông, Ủy viên dự khuyết khoá 10,11 và Ủy viên Trung ương khoá 12,13, nhận kỷ luật “cảnh cáo” rồi thôi chức Uỷ viên Trung ương, là cách đảng “giơ cao đánh khẽ”.

Điểu K’ré nổi tiếng ăn chơi trác táng, được mệnh danh là “vua M’Nông” tiền nhiều như “lá rừng”. Điểu K’re’ cặp bồ, lập “phòng nhì” và có con với nhiều người đẹp cả Kinh lẫn Thượng. Mặc dù hầu hết đảng viên chỉ biết Điểu K’re vi phạm “đạo đức và lối sống” qua kết luận ỡm ờ của Uỷ ban Kiểm tra, nhưng dân tình nắm rõ, đại quan này là một kẻ tham nhũng, hư đốn và cực kỳ suy đồi.

Về Nguyễn Văn Đọc, cựu Bí thư Quảng Ninh, dù chưa từng là Uỷ viên Trung ương, nhưng ông Đọc vẫn bị Ban Bí thư đem ra “xẻ thịt” trong những ngày nhóm họp Hội nghị Trung ương 8, là vấn đề khó hiểu. Ông Đọc là cánh tay đắc lực của Phạm Minh Chính hồi còn ở Quảng Ninh. Đọc cũng kế nhiệm, tiếp quản chức bí thư Quảng Ninh khi ông Chính về Trung ương, làm cấp phó cho Tô Huy Rứa.

Nguyễn Văn Đọc liên quan các dự án, gói thầu do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Công ty cổ phần Tập đoàn FLC thực hiện, gây thiệt hại hàng trăm tỷ ngân sách. Đuổi Nguyễn Văn Đọc ra khỏi đảng, đồng nghĩa với việc có thể tiến hành các bước tố tụng hình sự với ông này. Cùng với cả “bộ sậu” Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015-2020 và 2016-2021 bị kỷ luật đảng, phe nhóm tấn công đang siết chặt vòng vây và đích ngắm là muốn thủ tướng Phạm Minh Chính rời chính trường.

Phần lớn thời gian Hội nghị Trung ương 8 dành để mổ xẻ quy hoạch nhân sự khoá 14. Nhiều ý kiến cho rằng, còn quá sớm để bàn về “chỗ ngồi”. Tuy nhiên, nhìn cách đảng vội vã thành lập 5 tiểu ban phục vụ đại hội 14, xem ra cuộc tranh giành quyền lực đã bắt đầu gay cấn. Năm tiểu ban gồm: Tiểu ban Văn kiện; Tiểu ban Kinh tế – Xã hội; Tiểu ban Nhân sự; Tiểu ban Điều lệ Đảng; và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội. Trong đó, Tiểu ban văn kiện và Tiểu ban Điều lệ Đảng do ông Nguyễn Phú Trọng cầm đầu.

Tờ trình “Quy hoạch nhân sự khoá 14” của Bộ Chính trị vấp phải phản ứng của một số Uỷ viên Trung ương, khi người của họ bị soi mói, đe doạ đưa ra khỏi quy hoạch. Câu trả lời không cần thiết phải bầu bổ sung Uỷ viên Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị vào lúc này của ông Nguyễn Phú Trọng, đã không thoả mãn được hội nghị. Các Uỷ viên Trung ương thừa biết, ông Trọng muốn “giữ nguyên hiện trạng”, không muốn bị phân tán quyền lực.

Việc bổ sung suất duy nhất vào Ban Bí thư, dành cho Lê Hoài Trung, sinh năm 1961, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương, mở đường cho ông Trung vào Bộ Chính trị khoá 14. Nếu không có cơ hội này, Trung sẽ chấm dứt sự nghiệp chính trị vào năm 2026 vì hết tuổi tái cử. Trung là đồ đệ của Nguyễn Phú Trọng, bị phe nhóm của Phạm Bình Minh loại ra khỏi cuộc đua vào ghế bộ trưởng Bộ Ngoại giao khoá 13. Nay gió đổi chiều, Lê Hoài Trung sẽ đi tiếp, còn Bùi Thanh Sơn, sinh năm 1962, đương kim bộ trưởng Bộ Ngoại giao, sẽ “về vườn” vào năm 2026.

Không có đề xuất nào dành cho Trần Lưu Quang trong lúc này. Ông Quang chỉ hy vọng có thể kiếm được một “vé” vào Bộ Chính trị khoá tới, để quay trở lại thành Hồ thay vị trí Nguyễn Văn Nên sau đại hội 14.

Như vậy, sớm nhận diện được các nhân vật đủ tuổi tái cử, với xác suất cao sẽ có mặt trong Bộ Chính trị khoá 14 gồm:

1. Võ Văn Thưởng, sinh năm 1971, quê Vĩnh Long, Chủ tịch nước

2. Trần Cẩm Tú, sinh năm 1961, quê Hà Tĩnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

3. Trần Thanh Mẫn, sinh năm 1962, quê Hậu Giang, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội

4. Trần Tuấn Anh, sinh năm 1964, quê Quảng Ngãi, Trưởng Ban kinh tế Trung ương

5. Đinh Tiến Dũng, sinh năm 1961, quê Ninh Bình, Bí thư thành uỷ Hà Nội

6. Lê Minh Hưng, sinh năm 1970, quê Hà Tĩnh, Chánh văn phòng Trung ương Đảng

7. Nguyễn Trọng Nghĩa, sinh năm 1962, quê Tiền Giang, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

8. Đỗ Văn Chiến, sinh năm 1962, quê Tuyên Quang, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

9. Bùi Thị Minh Hoài, sinh năm 1965, Trưởng ban Dân vận Trung ương

10. Lê Minh Khái, sinh năm 1964, quê Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Chính phủ

11. Lê Hoài Trung, sinh năm 1961, quê Thừa Thiên – Huế, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương.

Ảnh: “Tam mã” tranh ghế Tổng bí thư đang theo sát Nguyễn Phú Trọng. Nguồn: QHVN

Theo một số nguồn tin mà chúng tôi có được, tại Hội nghị Trung ương 8, Nguyễn Phú Trọng cho rằng, ông ta “không tham vọng quyền lực” và nói rõ sẽ rút lui. Cuộc đua vào ghế Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam vào năm 2026 chỉ gói gọn trong “cổ xe tam mã”: Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ và Võ Văn Thưởng.

Chính trường Việt Nam luôn gay cấn, đầy kịch tính và bất ngờ. Tuy vậy, đại đa số dân chúng vẫn thờ ơ với thời cuộc. Đơn giản, họ nghĩ ai lên, ai xuống, cũng chỉ là vở diễn quen thuộc của đảng. Vật giá leo thang, cơm áo gạo tiền đang đè nặng lên vai người lao động. Trong khi đó, đảng cứ hội hè cả tuần, cả tháng, ra rả nghị quyết, chỉ thị, quy định, thông báo xa rời thực tế, nghe như đâu ở thiên đường mù mịt.

Related posts