Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Dear Japan, China asks, do you have any jobs for us?,” Nikkei Asia, 26/10/2023
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Thanh niên Trung Quốc vẫn cố gắng tìm việc làm ở Nhật dù vụ bắt giữ giám đốc điều hành Astellas đã làm rạn nứt quan hệ hai nước.
Một quan chức cấp cao chính quyền địa phương ở nội địa Trung Quốc gần đây đã liên hệ với một người bạn cũ ở Nhật Bản với một yêu cầu tha thiết.
“Chúng tôi muốn Nhật Bản chấp nhận nhiều thực tập sinh kỹ thuật hơn từ khu vực của tôi, dù chỉ một chút,” vị quan chức Đảng đứng đầu một khu vực đang có nền kinh tế suy thoái, khẩn khoản.
Người bạn Nhật, vốn có quan hệ với chính giới Nhật Bản và cũng quen thuộc với những thăng trầm trong quan hệ Trung-Nhật, đã rất ngạc nhiên trước yêu cầu này và trước tình hình kinh tế khó khăn của các khu vực nội địa Trung Quốc.
Vấn đề ở đây là Trung Quốc đã không thể cung cấp đủ việc làm cho thanh niên. Tình hình tồi tệ đến mức sau khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 đến 24 tuổi sống ở thành thị đạt mức cao kỷ lục 21,3% hồi tháng 6, chính phủ Trung Quốc đã phải ngừng công bố số liệu.
Nền kinh tế từng phát triển mạnh mẽ cho đến vài năm trước giờ đây dường như đang rơi vào suy thoái. Nếu Trung Quốc không muốn bỏ lại phía sau những ngày tươi đẹp nhất của mình, nếu họ muốn khơi dậy nền kinh tế sôi động của mình, thì chính phủ phải triển khai một số biện pháp xử lý khéo léo.
Vị trí thực tập sinh kỹ thuật mà vị quan chức yêu cầu là dành cho người lao động từ các nước đang phát triển đến Nhật Bản theo một chương trình nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế bằng cách chuyển giao kỹ năng thông qua đào tạo tại chỗ.
Nếu người lao động từ các quốc gia đang phát triển đáp ứng các tiêu chí nhất định, “thực tập sinh kỹ thuật” có thể được chuyển trạng thái thành “công nhân có tay nghề đặc định” và sẽ có quyền cư trú.
Tuy nhiên, Chương trình Đào tạo Thực tập sinh Kỹ thuật được báo cáo là thường xuyên xảy ra tình trạng làm thêm giờ không được trả lương và lạm quyền, dẫn đến sự biến mất đột ngột của các thực tập sinh. Chính phủ Nhật Bản hiện đang nghiêm túc xem xét việc bãi bỏ chương trình này và thay thế bằng một chương trình mới.
Suốt nhiều năm, Trung Quốc là nguồn cung cấp thực tập sinh hàng đầu, nhưng khi nền kinh tế nước này mở rộng, số lượng người Trung Quốc chọn tham gia chương trình này đã giảm đáng kể.
Theo số liệu do Bộ Tư pháp Nhật Bản công bố, phần lớn thực tập sinh đang cư trú tại nước này tính đến cuối tháng 6 là người Việt Nam. Thực tập sinh Trung Quốc chỉ chiếm 8% trong tổng số, đứng sau cả Indonesia và Philippines.
Nhưng nếu tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc không được cải thiện, công nhân từ nước này có thể lại bắt đầu hướng đến Nhật Bản.
Khi chính quyền Trung Quốc ngừng công bố số liệu chính thức về tỷ lệ thanh niên thất nghiệp, họ lấy lý do cần xem xét lại phương pháp tính toán của mình. Tuy nhiên, một nguồn thạo tin về kinh tế Trung Quốc nói rằng quyết định này mang tính chính trị. Nguồn tin cho biết “[Chính phủ] đình chỉ công bố số liệu vì việc ngăn chặn tình trạng bất ổn xã hội đã trở thành ưu tiên hàng đầu của họ”.
Quan điểm của ông cũng được chia sẻ bởi nhiều người khác trong chính giới Bắc Kinh.
Một nguồn tin từ một trường đại học danh tiếng, người đang sống ở một khu vực nội địa khác của Trung Quốc, đã chia sẻ một số suy nghĩ về tình hình việc làm tại địa phương. Nguồn tin nói rằng “Người dân ở tỉnh Hồ Bắc và các vùng lân cận cảm thấy tỷ lệ thất nghiệp thực tế của thanh niên có thể cao gấp đôi số liệu chính thức của chính phủ.” Điều này có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp ở các khu vực thành thị trong nội địa Trung Quốc có thể lên tới 40%, thậm chí nhiều hơn.
Chênh lệch số liệu thống kê đến từ nhóm người trẻ chỉ có thể tìm được công việc không ổn định, không thường xuyên. Nguồn tin cho biết “Họ chỉ làm việc một hoặc hai lần một tuần, nhưng vẫn được coi là có việc làm trong số liệu thống kê của chính phủ.”
Vậy thanh niên thất nghiệp ở Trung Quốc sẽ sống thế nào? Nhiều người đang phụ thuộc vào cha mẹ của họ.
Nhiều cư dân thành thị Trung Quốc sở hữu bất động sản và khá giàu có, một phần do bong bóng nhà ở và bất động sản bị thổi phồng bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Trung Quốc. Hiện tại, họ có đủ tiền để nuôi đứa con do họ sinh ra trong thời kỳ chính sách một con.
Tình hình tài chính của thanh niên Trung Quốc theo học tại các trường dạy nghề và đại học Nhật Bản phản ánh những gì đang xảy ra ở khu vực nội địa Trung Quốc.
Cho đến gần đây, các bậc cha mẹ giàu có ở các khu vực thành thị của Trung Quốc đã chu cấp cho con cái đang theo học ở các thành phố lớn của Nhật Bản khoản trợ cấp hàng tháng từ 200.000 yên đến 400.000 yên (1.335 USD đến 2.770 USD). Số tiền đó đủ để trả học phí và thuê một căn hộ nhỏ.
Vì có nhiều tiền trợ cấp, nên việc sinh viên Trung Quốc làm thêm bán thời gian trong các cửa hàng tiện lợi ở Nhật không còn phổ biến nữa. Những sinh viên này có nhiều tiền hơn những người đồng trang lứa Nhật Bản đến từ nông thôn, và thậm chí còn có thể bao toàn bộ chi phí cho các bạn cùng lớp người Nhật mỗi khi đi chơi cùng nhau. Và như thế, các khuôn viên trường đại học Nhật Bản đã phản ánh việc Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Nhưng tình hình lại một lần nữa thay đổi. Chủ một trường dạy tiếng Nhật ở vùng Kanto cho biết sinh viên Trung Quốc hiện đã bắt đầu tìm việc làm bán thời gian ngay khi đến nước này, vì họ không thể trông chờ vào tiền trợ cấp gửi từ quê nhà.
Chủ trường ngôn ngữ cũng ghi nhận sự gia tăng số lượng sinh viên Trung Quốc đến từ các thành phố địa phương, chứ không phải từ các siêu đô thị giàu có, như Bắc Kinh và Thượng Hải.
Nhiều thanh niên ở các vùng nông thôn Trung Quốc không tìm được việc làm hiện đã đến Nhật Bản. Một số người vừa học vừa làm, trong khi số khác trở thành thực tập sinh kỹ thuật.
Vị quan chức chính quyền địa phương Trung Quốc có lý do thuyết phục để đưa ra yêu cầu của mình. Nếu phía Nhật chấp nhận đề nghị của ông, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở các khu vực nông thôn của Trung Quốc có thể giảm.
Việc đạt được thay đổi đó sẽ cho phép quan chức này ghi điểm chính trị và giúp ông có thể được thăng chức trong tương lai.
Đối với chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, việc kiềm chế tỷ lệ thanh niên thất nghiệp đang tăng mạnh là ưu tiên hàng đầu, để tránh bất ổn xã hội.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã ban hành các chỉ thị cứng rắn nhằm giải quyết vấn đề thất nghiệp trong thanh niên, và các quan chức địa phương không thể bỏ qua chúng.
Trong khi đó, các kênh liên lạc giữa giới doanh nhân Nhật Bản và chính phủ Trung Quốc lại gặp bế tắc.
Hôm thứ Hai (23/10/2023), Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản, tổ chức vận động hành lang về kinh tế mạnh nhất đất nước, thường được gọi là Keidanren, và các tổ chức khác đã tổ chức tiệc chiêu đãi tại một khách sạn ở Tokyo để kỷ niệm 45 năm hiệp ước hòa bình và hữu nghị Trung-Nhật. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã phát biểu trong buổi tiệc.
Nhưng sự kiện này không nhận được nhiều chú ý. Bãi đậu xe của khách sạn gần như vắng tanh khi bữa tiệc bắt đầu.
Một nguồn tin ngoại giao tại bữa tiệc đã so sánh nó với bữa tiệc mà Hàn Quốc mới tổ chức gần đây tại một khách sạn ở Tokyo. Nguồn tin tiết lộ, bữa tiệc đó “có rất nhiều người Nhật tham dự và tràn ngập sự phấn khích. Nó tượng trưng cho quan hệ được cải thiện giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.”
“Ngược lại, sự kiện Trung-Nhật hôm nay lại khá yên ắng.”
Ẩn sau cảnh đìu hiu của buổi tiệc hôm thứ Hai là vụ Trung Quốc chính thức bắt giữ một người đàn ông Nhật Bản, giám đốc điều hành chi nhánh ở Trung Quốc của Astellas Pharma, một hãng dược phẩm lớn. Trung Quốc cho biết họ nghi ngờ người này có hoạt động gián điệp.
Vị giám đốc kỳ cựu này đã làm việc ở Trung Quốc hơn 20 năm. Ông từng giữ chức phó chủ tịch Văn phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc, một tổ chức chuyên hỗ trợ các công ty Nhật Bản kinh doanh tại Trung Quốc.
Vụ bắt giữ ông, vốn đã gây ra làn sóng chấn động trong giới doanh nhân Nhật Bản, diễn ra như thể nó đã được sắp xếp để trùng với buổi tiệc kỷ niệm hiệp ước hòa bình và hữu nghị hôm thứ Hai.
Chính quyền Trung Quốc vẫn chưa công bố chi tiết các cáo buộc chống lại vị giám đốc điều hành.
Nhiều doanh nhân Nhật hiện đang hạn chế thực hiện các chuyến công tác tới Trung Quốc vì việc đến nước này có thể tiềm ẩn nguy hiểm. Xu hướng này giải thích tại sao sự kiện hiệp ước hữu nghị Trung-Nhật lại có rất ít người tham dự.
Vào ngày diễn ra buổi tiệc, Chỉ số Tổng hợp Thượng Hải (Shanghai Composite), chỉ số chứng khoán chuẩn của Trung Quốc, đã mở cửa dưới ngưỡng 3.000, sau đó giảm đáng kể. Đầu tư của các công ty nước ngoài vào Trung Quốc cũng đang trên đà giảm.
Than thở về tình trạng quan hệ Trung-Nhật hiện nay, nguồn tin chính trị Nhật Bản được yêu cầu bổ sung thêm vị trí thực tập sinh nhận xét: “Việc đối phó với người hàng xóm đang suy yếu và đang gặp rắc rối của chúng ta là điều vô cùng khó khăn. Nếu chúng ta không cẩn thận, hậu quả có thể rất tồi tệ.”
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.