Chiến đấu cơ F-35I vừa lập kỷ lục thế giới của Israel lợi hại ra sao?

Viên Minh

Chiến đấu cơ F-35I vừa lập kỷ lục thế giới của Israel lợi hại ra sao?
Một máy bay chiến đấu F-35 Lightning II của Không quân Israel bay qua trong buổi triển lãm hàng không ở Tel Aviv vào ngày 26 tháng 4 năm 2023, nhân dịp Israel kỷ niệm Ngày Độc lập (Yom HaAtzmaut), 75 năm kể từ khi thành lập Nhà nước Do Thái. (Ảnh: JACK GUEZ/AFP via Getty Images)

Lực lượng Phòng vệ Israel mới đây đã công bố một video quay lại cảnh máy bay chiến đấu F-35I Adir của không quân nước này bắn hạ một tên lửa hành trình được phóng bởi phiến quân Houthi ở Yemen. Đây là lần đầu tiên máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm do Mỹ sản xuất đánh chặn thành công tên lửa hành trình, qua đó giúp quân đội Israel lập kỷ lục thế giới mới.

Adir trong máy bay F-35I Adir dịch từ tiếng Hebrew có nghĩa là quyền năng, hoặc vĩ đại, F-35I Adir là kẻ quyền năng núi Sion (một ngọn núi thánh mang tính biểu tượng của người Do Thái).

Israel ngày 2/11 xác nhận máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của họ đang đóng vai trò tích cực trong cuộc xung đột hiện nay, tin tức mới nhất cho thấy chiến đấu cơ phiên bản mới nhất F-35I Adir đã bắn hạ 1 tên lửa hành trình. Điều này không chỉ xác nhận chiến đấu cơ F-35 đã tham chiến, mà nó còn là lần đầu tiên xác nhận đã bắn hạ một mục tiêu như vậy.

Không quân Israel cho biết trong bài viết được đăng trên nền tảng X rằng, trong những ngày gần đây, hệ thống kiểm soát và trinh sát phát hiện của Không quân nước này đã phát hiện một tên lửa hành trình được phóng vào không phận Israel từ phía đông nam. Hệ thống đã theo dõi quỹ đạo của tên lửa hành trình, đội quân cảm tử đã điều động máy bay chiến đấu đánh chặn thành công.

Một đoạn video trong dòng tweet cho thấy cảnh quay được hiển thị từ ống kính gắn trên mũ bảo hiểm của chiếc F-35I, trên đường ngắm, có thể thấy một tên lửa hành trình đang phụt khí lao về phía trước, người ta gần như chắc chắn rằng đây là tên lửa không đối không AIM-9X Sidewinder dẫn đường bằng hồng ngoại, ngay khi vừa được phóng, bạn có thể thấy ngọn lửa phụt ra từ tên lửa khi nó rời cánh máy bay chiến đấu. Tên lửa rẽ ngoặt sang trái trước khi va chạm với mục tiêu, thể hiện khả năng tác chiến cơ động cao đặc trưng của tên lửa Sidewinder.

Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết, sau khi chiếc F-35I bắn hạ tên lửa hành trình, hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo Arrow cũng đánh chặn một quả tên lửa đất đối đất trên Biển Đỏ vào cuối ngày hôm đó. Quân đội Israel cho biết, từ Bắc tới Nam, việc triển khai lực lượng không quân và hệ thống phòng không của Israel nhằm cung cấp khả năng phòng thủ đa chiều và cung cấp sự bảo vệ bổ sung trước nhiều mối đe dọa mà Israel hiện đang phải đối mặt.

Israel không tiết lộ các tình huống cụ thể như thời gian, địa điểm đánh chặn cũng như nguồn gốc chính xác của tên lửa hành trình bị chiến đấu cơ F-35I đánh chặn lần này. Tuy nhiên, những ý kiến ​​cho rằng tên lửa tấn công Israel từ phía đông nam thì gần như chắc chắn rằng nó được bắn bởi phiến quân Houthi ở Yemen được Iran hậu thuẫn. Một số mục tiêu khác, bao gồm cả máy bay không người lái bị lực lượng phòng vệ Israel đánh chặn ở Biển Đỏ trong những ngày gần đây, cũng được phóng từ Yemen.

Tên lửa hành trình bị chiến đấu cơ F-35I bắn hạ rất giống với tên lửa dòng Quds được phiến quân Houthi sử dụng. Các video tuyên truyền do phiến quân Houthis công bố cũng cho thấy cảnh họ phóng tên lửa hành trình và máy bay không người lái vào Israel để trả đũa các hoạt động trên bộ đang diễn ra của Israel ở Gaza.

Nếu tình huống trên là đúng, phiến quân Houthi có thể vượt Biển Đỏ hoặc Ả Rập Xê Út từ phía tây Yemen để tấn công thành phố Eilat phía nam Israel. Nhưng điều kỳ lạ là nó không bị chặn bởi Ả Rập Xê Út, quốc gia có kinh nghiệm chống lại tên lửa và máy bay không người lái của lực lượng Houthi, bao gồm các hệ thống phòng không trên mặt đất và đánh chặn máy bay chiến đấu.

Trong cuộc giao tranh gần đây ở dải Gaza, Ả Rập Xê Út cũng tham gia vào các hoạt động đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái do phiên quân Houthi phóng đi. Vào ngày 19 tháng 10, phiến quân Houthi đã tiến hành ít nhất bốn cuộc tấn công. Nhiều tên lửa hành trình và gần 20 máy bay không người lái đã bị tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Carney của Hải quân Mỹ đánh chặn trong trận chiến kéo dài 9 giờ. Ả Rập Xê Út cũng tham gia chiến dịch đánh chặn.

Tóm lại, tình hình khó khăn ở Trung Đông đã thúc đẩy Israel sẵn sàng đưa tiêm kích tàng hình F-35I tiên tiến nhất của mình vào chiến đấu. Sự khác biệt là Israel đã áp dụng cách tiếp cận độc đáo trong việc sử dụng chiếc F-35I trong chiến đấu và đã thực hiện những cải tạo đặc biệt dựa trên yêu cầu tác chiến của Israel. Việc cải tạo máy bay quân sự của Mỹ theo thông số kỹ thuật riêng của Israel đã trở thành chuyện thường ngày trong quá trình phát triển thiết bị của Không quân Israel, cách làm này cũng đã được mở rộng sang chiếc máy bay F-35I mới nhất.

Không quân Israel là nước ngoài đầu tiên sử dụng chiến đấu cơ F-35, nhưng môi trường khắc nghiệt ở Trung Đông đã làm dấy lên mối lo ngại rằng khả năng tàng hình của máy bay này có thể sẽ chỉ khắc phục một phần trong vòng 10 năm. Người Nga khẳng định tên lửa phòng không của họ có thể theo dõi và tiêu diệt các mục tiêu vô hình. Viktor Ozherelev, người đứng đầu bộ phận của doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nga Almaz-Antey, từng cho biết tại một triển lãm vũ khí năm 2007 rằng: “Người Mỹ biết rằng kế hoạch tàng hình của họ đã thất bại”. Điều này nghe có chút khoa trương, nhưng thực tế Nga đã cải tiến kỹ thuật số các hệ thống phòng không cũ kỹ của mình, hơn nữa còn lắp đặt các thiết bị dẫn đường mới trong đầu đạn. Có rất nhiều hệ thống phòng không được nâng cấp như vậy trong kho vũ khí của đối thủ của Israel ở Trung Đông, bao gồm hệ thống phòng không tự hành S-200, S-300, Buk-M2E và hệ thống phòng không tên lửa Pantsir S1. Sự hiện diện của những trang bị này trên chiến trường Trung Đông có thể sẽ có tác động nhất định, khiến khả năng tàng hình của chiếc F-35 trở thành vấn đề sống còn.

Chiến đấu cơ F-35 không hấp thụ tín hiệu radar từ mọi góc độ như chiếc F-22 và tiếng vọng radar bên hông của chiếc F-35 còn có thể mạnh hơn. Một số nhà phân tích cho rằng, sóng radar sẽ được phản xạ tại các khớp nối thân cánh của chiếc F-35, và nếu chiếc F-35 được quét từ bất kỳ hướng nào ngoại trừ mặt chính, tiếng vọng radar có thể được phát hiện. Nhưng yếu tố then chốt ảnh hưởng đến khả năng sống sót của chiếc F-35 còn bao gồm radar riêng của nó, Hệ thống quét điện tử chủ động (AESA) được lắp đặt trên mũi máy bay. Các bề mặt radar mảng pha là đứng yên, nhưng chùm tia của chúng có thể truyền đi hàng nghìn lần mỗi giây theo các hướng khác nhau và ở nhiều tần số.

Để giải quyết vấn đề này, Israel tìm cách sử dụng hệ thống tác chiến điện tử của riêng mình, tức là tích hợp hệ thống tác chiến điện tử của Israel vào trong hệ thống của chiếc F-35. Người Mỹ từ việc từ chối đến việc cho phép tích hợp các cảm biến và các biện pháp đối phó của Israel vào trong hệ thống máy bay của Hoa Kỳ, họ đã trải qua một quá trình tìm hiểu phức tạp. Dù sao đi nữa, các kỹ sư hệ thống điện tử của Israel cuối cùng đã thuyết phục được người Mỹ chấp nhận phương án sửa đổi của họ, điều này đối với người Israel mà nói thì đây cũng là một thành tựu khiêm tốn, nhưng cũng rất đáng để tự hào.

Các sửa đổi khác còn bao gồm: màn hình gắn trên mũ bảo hiểm, khả năng liên kết dữ liệu và các cải tiến tăng cường khả năng khác được chế định riêng cho Không quân Israel, cải thiện hơn nữa khả năng thu thập và xử lý dữ liệu vốn đã rất mạnh mẽ của chiếc F-35. Israel tin rằng tất cả những bổ sung này đều đủ quan trọng để đảm bảo rằng những chiếc F-35 này có thể nhận được danh hiệu F-35I của Israel.

Kế hoạch mua ban đầu của Israel là hơn 100 chiếc F-35I để thay thế những chiếc F-16 hiện có, nhưng cuối cùng số lượng đã giảm xuống còn 75 chiếc. Những lô F-35I sau này đã áp dụng nhiều công nghệ và vũ khí của Israel hơn, do vậy người ta thấy chiếc F-35I của Không quân Israel thực chất rất khác so với máy bay chiến đấu F-35 của Hoa Kỳ và những chiếc F-35 khác rải rác trên khắp thế giới.

Lô 25 chiếc F-35 đầu tiên được bàn giao thành công cho Israel vào năm 2018. Vào tháng 4 năm 2022, cùng 3 chiếc F-35I Lockheed Martin được đưa đến Căn cứ Không quân Nevatim ở Israel, tổng số chiếc F-35 mà Không quân Israel sở hữu đã lên tới 33 chiếc. 17 chiếc còn lại sẽ được bàn giao vào năm 2024, nâng tổng số máy bay chiến đấu F-35 của Israel lên đến 50 chiếc. Việc bàn giao 25 chiếc F-35I bổ sung tiếp theo sẽ được bắt đầu từ năm 2027 và sẽ kết thúc vào năm 2035.

Ngày 22/5/2018, Tư lệnh Không quân Israel Amikam Norkin cho biết, Israel đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng chiếc F-35 trong chiến đấu. Vào thời điểm đó, những máy bay chiến đấu này được sử dụng để tấn công các địa điểm phóng tên lửa của Iran tại Syria. Vào tháng 4 năm ngoái, một chiếc F-35I của Không quân Israel lần đầu tiên đã bắn hạ 2 chiếc máy bay không người lái của Iran.

Do máy bay không người lái hoặc tên lửa hành trình bay ở độ cao thấp, mặt cắt radar nhỏ, hơn nữa lại chịu ảnh hưởng bởi tiếng ồn ào trên mặt đất, nên việc bắn hạ những mục tiêu như vậy là không dễ dàng gì. Tuy nhiên, chiếc F-35 có thể dễ dàng đối phó với radar điều khiển hỏa lực tiên tiến và hệ thống nhắm mục tiêu quang điện, qua đó đã thể hiện khả năng không chiến tuyệt vời của chính nó.

Chiếc F-35I của Israel được trang bị tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9X và tên lửa không đối không tầm trung AIM-120. Chi phí một động cơ của AIM-120C là khoảng 1 triệu USD, và chi phí một động cơ của AIM-9X là khoảng 475.000 USD, nếu cộng thêm chi phí sử dụng, bảo trì, đào tạo và các chi phí vận hành cơ bản khác của máy bay. Trên thực tế, việc sử dụng máy bay F-35I để đánh chặn máy bay không người lái hoặc tên lửa hành trình là không có lợi về mặt kinh tế. Nhưng Israel dường như đã quen với việc đầu tư mạnh vào năng lực phòng không toàn diện hơn các nước khác để đối phó với nhiều mối đe dọa khác nhau.

So với khả năng tác chiến trên không, khả năng tấn công mặt đất của F-35I nổi bật hơn. Israel rất chú trọng đến khả năng tấn công mặt đất chính xác, dòng tên lửa tấn công mặt đất, tự động, độc lập được kế thừa từ hệ thống SPICE thế hệ mới nhất có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác ở những khu vực mà GPS không thể hoạt động. Công nghệ quang điện/hồng ngoại tiên tiến có thể phát hiện, nhắm mục tiêu và tự động theo dõi các mục tiêu đang di chuyển, đồng thời các thuật toán khớp với bối cảnh có thể thực hiện các cuộc tấn công tự động không dựa vào GPS. Độ chính xác của nó thậm chí còn vượt xa cả “Đạn tấn công trực tiếp kết hợp” (JDAM) của Hoa Kỳ.

Nhìn chung, chiến đấu cơ F-35I của Israel là máy bay đa năng. Nó có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như chiến đấu không đối không, tấn công mặt đất, giám sát và trinh sát trên không, chỉ huy và kiểm soát, đồng thời mỗi nhiệm vụ đều có một sơ đồ lắp đặt vũ khí cụ thể. Thiết kế của nó đã được tối ưu hóa toàn diện về tầm bắn, tải trọng bom, khả năng tàng hình và khả năng cơ động. Điều này cho phép Israel tiếp tục tận dụng tính linh hoạt trong nhiệm vụ của chiếc F-35I để tiến hành các cuộc không kích và thu thập thông tin tình báo ở Trung Đông mà vẫn bình an vô sự.

Theo Epochtimes
Viên Minh (biên dịch)

Related posts