13-1-2024
Mấy ngày qua, hãng hàng không #JetstarAustralia đã khiến nhiều khách hàng cả trong và ngoài nước nổi giận khi đem tiếng Việt ra để đùa cợt trên page chính thức với gần 800k lượt theo dõi.
Chữ “đồng” – một từ chỉ đơn vị tiền tệ đã gắn bó với ngôn ngữ của người Việt từ xa xưa – bị lược bỏ dấu và đọc theo âm giọng tiếng Anh. Sau khi đã lột da một từ nguyên bản, “đồng” thành “dong”, Jetstar Australia đăng nguyên một post chế giễu rằng từ tiếng Việt chỉ “tiền” thật là “buồn cười” (vì nó có nghĩa là “con c*c”). Cái sự buồn cười ấy có tính bản chất, khách quan (“objectively”), chả liên quan gì đến cảm xúc yêu ghét hay phán xét hay dở của ai.
Chưa hết, trong phần comment, Jetstar còn chêm thêm nhận xét rằng chỉ cần có 65 đô Úc thôi là bạn sẽ thành “triệu phú”.
***
XENOPHOBIC/ RACIST JOKE
Xenophobic/ racist jokes là những câu đùa nhằm vào văn hóa, bản sắc của dân tộc khác. Phần lớn các jokes kiểu này ẩn chứa thái độ thượng đẳng. Trong sự việc của Jetstar, họ đã dùng tiêu chí văn hóa của mình (tiếng Anh) để đánh giá, cười cợt, giễu nhại văn hóa của chính khách hàng (người Việt).
Tuy nhiên, xenophobic jokes vốn là một phần tự nhiên của sự chung sống, đa dạng trong xã hội loài người. Như một công cụ tâm lý để đối phó với những cộng đồng khác biệt, nó dùng sự hài hước để che giấu thái độ khinh miệt, truyền tải nỗi sợ hãi, giảm nhẹ sự giận giữ. Tuy nhiên, nó cũng đồng thời là công cụ để bày tỏ sự thân thiện không câu nệ, cân bằng hoặc lát đường cho một mối quan hệ mới.
Nó tồn tại ở khắp mọi nơi, bên bàn tiệc, lúc riêng tư, với bỗ bã bạn bè, và đương nhiên là khi phím chiến trên cõi mạng. Chính vì thế, ứng xử ra sao với những câu đùa kiểu này tùy thuộc vào bối cảnh. Tôi từng thấy một người bạn Trung Quốc cười xòa khi có đứa cùng phòng kêu rằng “máy tính của mày bé vì mắt mày (một mí) đâu có nhìn hết màn hình”. Hẳn nhiên, câu đùa ấy là No-No với một người bạn chưa đủ độ bỗ bã và thân quen.
***
ĐÙA LÚC NÀO THÌ VUI?
Chính vì tính chất con dao hai lưỡi ấy, xenophobic/ racist jokes có có ba mức nguy hiểm.
Ở mức 1, nó yêu cầu sự cẩn trọng, chuyên nghiệp, thông minh và một mối quan hệ cho phép vượt ngưỡng. Một ví dụ cụ thể là các nghệ sĩ hài (stand-up comedy) bởi bản chất công việc của họ cho phép đặt một chân qua làn ranh mong manh. Kẻ cả như vậy thì không phải ai cũng dám cười cợt kẻ khác. Nhiều nghệ sĩ chỉ dám chọn đùa cợt về văn hóa của chính mình.
Ở mức nguy hiểm thứ 2, xenophobic/ racist jokes đôi khi xuất hiện trong phát ngôn của người nổi tiếng, đặc biệt là các chính trị gia theo trường phái dân túy, vốn có lợi thế khi song hành cùng tư tưởng và lời lẽ của đám đông.
Trong cuốn hồi ký của cựu Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, ông kể rằng cựu Tổng thống Trump từng hỏi có phải tên của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc là “Fook You” không. Theo lời kể của Ted Osius, cả phòng họp rộ lên cười, có lẽ cũng có phần để chữa ngượng cho Trump và che giấu sự bối rối.
Ở mức nguy hiểm cao nhất, xenophobic/ racist jokes là địa phận không được phép tới gần của các nhãn hàng, các công ty đa quốc gia và báo chí. Nhằm tăng phiếu bầu, một chính trị gia dân túy có thể đùa về một cộng đồng dân cư vốn đã bị kỳ thị nhằm trung tính hóa sự căm ghét và che đậy sự bất an. Tuy nhiên, trong trò chơi với dao này, doanh nghiệp và báo chí hầu như chắc chắn sẽ bị đứt tay. Doanh nghiệp thì mất tiền còn báo chí thì mất danh tiếng.
Hãy thử tưởng tượng câu đùa “nhân dân tệ” trở thành một post trên trang chính thức của Vietnam Airline thì chính quyền Trung Quốc sẽ lên tiếng ra sao, cộng đồng mạng Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào?
***
JETSTAR AUSTRALIA ĐÃ XỬ LÝ RA SAO?
Những lời phản đối đầu tiên về trò đùa thượng đẳng của Jetstar đến từ chính những khách hàng người Úc da trắng. Cộng đồng người Việt ở Úc và người Việt trong nước sau đó đã chỉ trích dữ dội khiến Jestar Australia phải gỡ bài. Tuy nhiên, phản ứng của hãng không tương xứng với sự nghiêm trọng mà họ gây ra.
Thứ nhất, hãng đã vi phạm luật chống kỳ thị chủng tộc của Úc (Racial Discrimination Act 1975 – Sect 18C Offensive behaviour because of race, colour or national or ethnic origin).
Hãng cũng vi phạm luôn những điều luật về mạng xã hội do chính mình đề ra (Community standards on social media).
Thứ hai, sau khi vi phạm, Jetstar đã XÓA bài, tức là xóa bằng chứng chứ không phải ĐÍNH CHÍNH.
Thứ ba, hãng đã xúc phạm một nền văn hóa khác bằng post, nhưng lại xin lỗi chỉ bằng một comment ngắn ngủi: “You are right, and that’s why we’ve deleted the post. We are really sorry for any offence caused”.
Vì bài nguyên gốc đã bị xóa, lời xin lỗi bằng comment này chỉ xuất hiện khi một người có cái tên châu Âu là Mark Adnum tiếp tục tạo áp lực bằng cách comment trên bài mới nhất của hãng.
Lời xin lỗi của Jetstar Australia rất ngắn, thiếu hoàn toàn bốn thành tố cơ bản nhất của một lời xin lỗi chân thành:
(1) Nó không có tính “tương đương” về độ lan tỏa khi chỉ là một comment;
(2) Nó không đưa ra “lý do tại sao” đây lại là sai phạm;
(3) Nó không xác nhận “thiệt hại” mà lỗi sai phạm đó gây ra; và
(4) Nó hoàn toàn không đề cập đến những “giải pháp” để trừng phạt và ngăn chặn sai phạm tương tự trong tương lai, ví dụ rà soát lại quá trình thẩm định chất lượng, đào tạo lại và đa dạng hoá đội ngũ nhân viên.
Trên những post mới nhất của hãng, hàng ngàn người đã thả tương tác giận giữ và yêu cầu Jestar có một lời xin lỗi chính thức, tương xứng với phát ngôn và tầm vóc của một trong những doanh nghiệp lớn nhất tại nước Úc.
Quay trở lại ví dụ ở trên, hãy thử tưởng tượng câu đùa “nhân dân tệ” trở thành một post trên trang chính thức của một hãng hàng không Việt Nam. Liệu họ có thoát hiểm chỉ bằng một câu xin lỗi trong comment?
***
CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM GÌ?
Việc một số người Việt đòi “đánh sập page” và comment một cách hung hãn là một cách xử lý ngắn hạn, thậm chí có hại khi những người không thấu hiểu sự việc có cái nhìn sai lệch về văn hoá Việt Nam.
Trong một xã hội pháp quyền, con đường chính thống bằng luật pháp sẽ khiến sự việc được chính thức nhìn nhận và xử lý đúng đắn hơn. Ban quản lý của Jestar sẽ không thể làm lơ khi phàn nàn và khiếu nại chính thức được gửi đến hai địa chỉ sau:
1. Hội đồng nhân quyền Úc: Australian human right commission (Link: https://humanrights.gov.au)
2. Jetstar (Link: https://www.jetstar.com/au/en/social-media-community-standards)
Cuối cùng, chúng ta đang sống trong một thế giới mở, nơi sự khác biệt phải được tôn trọng, nơi đa dạng văn hoá có thể trở thành một nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, sự tôn trọng đó cũng phải đến từ chính những chủ nhân văn hoá người Việt. Nguồn tài nguyên đó sẽ trở thành lực cản nếu chính chủ nhân của nó không nhìn ra giá trị.
Nó có thể là sự trân quý tiếng nói, lịch sử và bản sắc của quê hương. Đôi khi, sự trân quý và tự hào ấy lớn hơn việc đánh đổi lấy sự dễ dàng. Khi còn dạy học, tôi luôn để ý xem những sinh viên nào dễ dãi với việc người ta gọi mình sao cũng được. Tôi cũng để ý xem ai nhanh chóng đổi tên sang tiếng Anh, không phải để có một danh tính mới mà vì họ chấp nhận sự thoải mái được dành cho kẻ khác.
Tôi rất chú ý dạy các em những câu cửa miệng khi mới gặp ai:
“Tên bạn có nghĩa là gì?”
“Tôi gọi tên bạn thế nào cho đúng?”
“Bạn muốn tôi gọi tên bạn như thế nào?”
“Xin lỗi nếu tôi phát âm tên bạn sai”.
Những lời nói khiêm tốn ấy ngay lập tức tạo thiện cảm, xây dựng kết nối, làm nền móng cho một câu chuyện và mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau.
Trong cuốn Tôi Là Một Con Lừa, tôi có kể về một lần lấy bản thân làm ví dụ minh hoạ khi sau bài học về danh tính đã tạm thời tuyên bố không trả lời email của bất kỳ em nào gõ tên mình thiếu dấu. Thế là một buổi sáng đến lớp, chúng nó đánh vần tên và dõng dạc chào tôi như sau: “Miss Ngủ-yên Phú-ông Mai”. Kỷ niệm ấy đi theo rất nhiều sinh viên trong khoá học, một số em ghi điểm với đối tác khi trở thành người đầu tiên tìm cách viết tên của họ không bị lỗi, đủ dấu, đúng phông, kể cả những chữ cái phải copy-paste mới hiện hình.
Tên của mình mà, còn thanh âm nào trên đời này gần gũi đáng yêu hơn?