Bảo Nguyên
Khủng hoảng nhân khẩu học đang đặt ra một bài toán hóc búa cho chính quyền Trung Quốc, đặc biệt là khi kinh tế Trung Quốc vốn phụ thuộc nhiều vào đội ngũ lao động dồi dào. Để đối phó với cuộc khủng hoảng này, liệu Bắc Kinh sẽ chuyển từ chính sách một con cực đoan trước đây sang một cực đoan khác và bắt ép phụ nữ nước này sinh con?
Theo Steven Mosher, chủ tịch Viện Nghiên cứu Dân số, Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu chiến dịch ép mang thai, ra lệnh cho các cặp vợ chồng trẻ kết hôn và sinh thêm con nếu những thách thức về nhân khẩu học trở nên nghiêm trọng hơn.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, công bố vào ngày 17/1, cho thấy chỉ có 9,02 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra vào năm ngoái – năm thứ bảy liên tiếp con số đó giảm. Nó đã chạm mức thấp nhất kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nắm quyền kiểm soát Trung Quốc vào năm 1949.
ĐCSTQ đã áp dụng chính sách cho phép các gia đình sinh ba con vào năm 2021. Chính quyền địa phương trên toàn quốc cũng đưa ra các biện pháp khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con. Các lựa chọn bao gồm khấu trừ thuế, trợ cấp nhà ở và giáo dục miễn phí tại các trường công lập.
Theo ông Mosher, những biện pháp này dự kiến sẽ có tác dụng hạn chế. Ông là một trong những nhà khoa học xã hội Mỹ đầu tiên làm việc tại Trung Quốc sau khi Washington bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh vào năm 1979. Để ngăn chặn tình trạng xuống dốc về nhân khẩu học đang diễn ra, mọi phụ nữ Trung Quốc cần phải có ba đứa con, do chính sách một con trong nhiều thập kỷ và truyền thống ưa thích con trai đã dẫn đến hiện nay có ít phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hơn.
Ông Mosher nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với NTD, hãng truyền thông có liên kết với The Epoch Times: “Tôi không thể nghĩ ra bất kỳ sự kết hợp giữa hối lộ hay khuyến khích nào có thể khiến phụ nữ trẻ kết hôn và sinh những đứa con đó”.
Mặc dù Trung Quốc đã chuyển từ trừng phạt các cặp vợ chồng vì sinh quá nhiều con sang khuyến khích họ sinh nhiều con hơn, nhưng có lẽ không dễ để thay đổi cách nhìn của công chúng về các gia đình đông con sau nhiều thập kỷ tuyên truyền trước đây.
“Trong 30, 40 năm qua, họ đã được dạy rằng trẻ em là gánh nặng chứ không phải phước lành; họ đã được nói rằng mọi người nên sinh ít con hơn vì lợi ích của đất nước. Giờ đây, đột nhiên, bạn không thể lật ngược mọi chuyện và nói rằng hãy bắt đầu có con”, ông Mosher nói.
“‘Chúng tôi đã sai, chúng tôi đã phạm sai lầm’ – tất nhiên Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không bao giờ nói như vậy”.
Dữ liệu chính thức công bố đầu tháng này cho thấy nỗ lực tăng tỷ lệ sinh trên toàn quốc của ĐCSTQ đang diễn ra trong lúc tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này chậm lại xuống một trong những mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vào năm 2023. Ông nói, nền kinh tế yếu kém và tỷ lệ thất nghiệp cao đã ngăn cản giới trẻ Trung Quốc sinh con.
Ông Mosher nói: “Những người trẻ không có hy vọng vào tương lai, không có việc làm, không có khả năng khởi nghiệp, sẽ không kết hôn và sinh con”.
Với số lượng trẻ em được sinh ra ít hơn trong những thập kỷ gần đây, xã hội Trung Quốc đang bị già đi. Dữ liệu chính thức cho thấy cứ năm người dân nước này thì có một người từ 60 tuổi trở lên vào năm ngoái. Dân số trong độ tuổi lao động – những người từ 16 đến 59 tuổi – chỉ chiếm 61% tổng dân số vào năm 2023, giảm từ mức hơn 70% gần một thập kỷ trước.
Đối mặt với tình trạng dân số già đi nhanh chóng, ông Mosher cho biết ông lo ngại rằng các quan chức của chế độ có thể đẩy nỗ lực kế hoạch hóa gia đình lên những thái cực mới và trái ngược với trước đây.
“Tuy nhiên, tôi rất lo ngại rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không dừng lại ở các biện pháp khuyến khích; rằng đến một lúc nào đó, nếu tình hình trở nên ngày càng nghiêm trọng, điều mà tôi nghĩ sẽ xảy ra, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ nói với phụ nữ trẻ: ‘Bây giờ chúng tôi ra lệnh cho các bạn phải kết hôn và ra lệnh cho các bạn phải có con. Đây là chỉ tiêu sinh ba con của bạn và bạn phải sinh ra những đứa trẻ này trong vòng sáu năm tới’”, ông nói.
“Giờ thì điều đó nghe có vẻ quá đáng, tất nhiên nó là quá đáng”.
Nhưng ông Mosher cho biết, mệnh lệnh đó cũng không cực đoan hơn chính sách một con áp dụng từ những năm 1980 đến năm 2016. Ông gọi chính sách một con này là “tội lỗi tồi tệ nhất chống lại loài người ở Trung Quốc”.
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc quy định hầu hết các cặp vợ chồng chỉ được sinh một con. Những đứa trẻ sinh ra ngoài kế hoạch một con sẽ không thể có hộ khẩu, đây là giấy đăng ký để công dân Trung Quốc đi học, làm việc trong các công ty nhà nước, kết hôn hoặc thậm chí mở tài khoản ngân hàng. Nhiều phụ nữ vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình đã bị buộc phải phá thai hoặc triệt sản.
Ông Mosher nói: “Hàng trăm triệu trẻ em chưa được sinh ra ở Trung Quốc chưa bao giờ được nhìn thấy ánh sáng vì mẹ của chúng bị ép phá thai khi mang thai được 4, 6, 8, thậm chí 9 tháng và đôi khi [chúng] bị giết sau khi sinh”.
“Tôi nghĩ sự suy giảm dân số là do Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn dắt”.
Khủng hoảng nhân khẩu học góp phần đẩy Trung Quốc vào ‘thập kỷ mất mát’
Bất chấp ĐCSTQ tuyên bố Trung Quốc đã đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2023, giới chuyên gia dường như đang có cái nhìn tiêu cực về quỹ đạo của nền kinh tế nước này. Các vấn đề trong nền kinh tế Trung Quốc đã trở nên hết sức nghiêm trọng, và dường như, Trung Quốc sẽ không thể tránh khỏi sụp đổ kinh tế.
Trong bài báo “Trung Quốc có đang bước vào giai đoạn bị lãng quên về kinh tế?”, đăng ngày 23/1, trên tờ The Epoch Times, chuyên gia James Gorrie đã trình bày những lý do khiến Trung Quốc có thể phải đối mặt với một giai đoạn kinh tế ảm đạm, trong đó nhân khẩu học nổi lên như một vấn đề trung tâm.
Theo ông Gorrie, người ta có thể chỉ ra nhiều yếu tố là nguyên nhân dẫn đến xu hướng kinh tế đi xuống của Trung Quốc, nhưng một yếu tố chắc chắn là tác động của chính sách một con, bắt đầu từ năm 1979 và chính thức kết thúc vào năm 2015. Trung Quốc đang phải trả giá đắt từ chính sách này, bất chấp việc ĐCSTQ đã chuyển sang khuyến khích người Trung Quốc có gia đình lớn hơn. Thế hệ trẻ ngày nay ít quan tâm đến việc có nhiều con hơn nhiều, nếu họ thực sự có mong muốn đó. Ngay cả hôn nhân cũng đang trở thành một chủ đề của quá khứ, với số vụ kết hôn giảm từ 13,5 triệu năm 2013 xuống còn 6,8 triệu vào năm 2022.
Kết quả là Trung Quốc đang phải gánh chịu tình trạng dân số già đi nhanh chóng và đang bị thu hẹp. Độ tuổi trung bình ở Trung Quốc là 38, so với độ tuổi trung bình toàn cầu là khoảng 30 tuổi, tức là già hơn 25%. Con dao hai lưỡi về nhân khẩu học này đang cắt đứt tương lai kinh tế của Trung Quốc. Đến năm 2035, 30% dân số Trung Quốc sẽ trên 60 tuổi. Tỷ lệ đó sẽ tăng nhanh do lần đầu tiên kể từ năm 1961, tỷ lệ tử vong cao hơn tỷ lệ sinh.
Những xu hướng nhân khẩu học này khó có thể bị đảo ngược, cũng như những hậu quả tai hại của chúng, đặc biệt trong mối liên quan tới những hạn chế của mô hình kinh tế dựa trên lao động của Trung Quốc. Chính sách kinh tế vĩ mô này được ĐCSTQ thực hiện vào đầu những năm 1980 khi quyết định mở cửa để Trung Quốc tiếp nhận vốn trực tiếp, công nghệ và đầu tư cơ sở hạ tầng của phương Tây.
Trung Quốc đã đồng ý cung cấp lao động giá rẻ cho các nền kinh tế phát triển để đổi lấy đầu tư của phương Tây vào Trung Quốc. Về cơ bản, ĐCSTQ đang yêu cầu các nước phát triển làm điều mà bản thân nó không thể thực hiện trong 30 năm kể từ khi thành lập chính quyền: phát triển Trung Quốc. Sau đó, việc làm sản xuất đã đổ sang Trung Quốc, nhanh chóng mang lại hàng hóa rẻ hơn cho phần còn lại của thế giới, mức tiêu thụ toàn cầu lớn hơn và lợi nhuận bùng nổ cho các công ty phương Tây cũng như các nhà sản xuất Trung Quốc. Như chúng ta đã biết, Trung Quốc trở nên giàu có và hùng mạnh nhờ sự chuyển dịch lớn trong hoạt động sản xuất của thế giới hướng đến Trung Quốc.
Ông Gorrie cho rằng, phải thừa nhận lịch sử và bối cảnh kinh tế của Trung Quốc và Nhật Bản khá khác nhau. Tuy nhiên, có một số yếu tố kinh tế và nhân khẩu học quan trọng mà cả hai nước đều có. Những yếu tố này bao gồm giá tài sản giảm, nhu cầu kinh tế suy yếu, dân số già và thu hẹp, những thứ Nhật Bản đã trải qua từ năm 1990 và Trung Quốc hiện đang chứng kiến. Nhật Bản phải tiếp tục vật lộn với tỷ lệ sinh giảm, nhu cầu kinh tế trong nước giảm và nợ công cao lặp đi lặp lại do các chính sách kích thích thất bại.
Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với những thách thức tương tự. Nó có thể đã đi qua giai đoạn phát triển đỉnh cao với tư cách là một chủ thể kinh tế trên thế giới, khi Liên minh châu Âu và Mỹ đang tìm cách thu hẹp quy mô đầu tư vào Trung Quốc. Và, như đã lưu ý ở trên, xu hướng nhân khẩu học của nước này báo hiệu sự suy giảm kinh tế hơn nữa. Còn có những yếu tố khác cần xem xét, nhưng đây là những yếu tố có nhiều khả năng nhất sẽ đẩy Trung Quốc vào một thập kỷ mất mát (nếu không nói là một thế hệ mất mát) vì nhân khẩu học và nhu cầu tiêu dùng đóng vai trò to lớn đối với sức khỏe kinh tế lâu dài.
Ông Gorrie khẳng định, tại thời điểm này, không còn nghi ngờ gì nữa rằng ngày nay Trung Quốc phải đối mặt với những trở ngại đáng kể về kinh tế và nhân khẩu học mà nước này chưa từng thấy kể từ cuối những năm 1970, ngay trước khi phương Tây giải cứu ĐCSTQ khỏi chính bản thân nó. Nhưng cơ hội để phương Tây giải cứu ĐCSTQ giờ đã qua. Sự trì trệ lan rộng đang dần hiện ra trên đường chân trời ở Trung Quốc, đi kèm với nó là cuộc đàn áp chính trị kéo dài và sự kiểm soát liên tục của ĐCSTQ đối với nền kinh tế. Không điều nào trong số này dẫn tới tăng trưởng và đổi mới, trong khi chỉ tạo ra nguy cơ kéo dài tình trạng trì trệ.
Từ chính sách một con đến thách thức già hóa
Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương Trung Quốc gần đây đã công bố báo cáo “Vốn nhân lực ở Trung Quốc năm 2023”, trong đó cho biết đến cuối năm 2021, độ tuổi trung bình của lực lượng lao động Trung Quốc đã gần 40 tuổi, trong đó lao động nam ở khu vực nông thôn trung bình đã trên 40 tuổi.
Báo cáo cũng cho biết, từ năm 2011 đến năm 2017, tốc độ tăng trưởng tổng nguồn nhân lực của Trung Quốc đã giảm từ 10,9% xuống 6,7%. Điều này chủ yếu là do tác động của dân số già đi, dẫn đến giảm tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng làm việc.
Đáng chú ý, tại thủ đô Bắc Kinh, tỷ lệ trung bình giữa người lao động và người về hưu là 2 trên 1.
Những con số này cho thấy thị trường lao động Trung Quốc đang gặp phải những thách thức chưa từng có. Theo thời gian, xu hướng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của đất nước.
Trung Quốc có dân số người lớn tuổi lớn nhất thế giới.
Theo nhà kinh tế học Trung Quốc Ren Zeping, năm 2001, hơn 7% dân số Trung Quốc trên 65 tuổi, đánh dấu sự khởi đầu của một xã hội già hóa, và nước này mất 21 năm để bước vào một xã hội “già hóa sâu sắc”, với hơn 14% dân số từ 65 tuổi trở lên.
Ông Ren dự đoán đến năm 2050, một nửa dân số sẽ rơi vào nhóm người già do sự già đi nhanh chóng của những cá nhân sinh ra trong thời kỳ bùng nổ sinh con ở Trung Quốc từ năm 1962 đến năm 1975.
Vào tháng 9/2023, học giả Trung Quốc Du Peng cho biết, do ảnh hưởng của đỉnh điểm sinh năm 1963, năm nay sẽ chứng kiến mức tăng ròng cao nhất về dân số cao tuổi. Từ năm nay trở đi, dân số già của Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng đều đặn, đạt khoảng 500 triệu người vào năm 2050, trước khi giảm sau năm 2052.
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), cựu giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô của Trung Quốc, nói với The Epoch Times vào ngày 20/12/2023: “Nguyên nhân chính khiến dân số Trung Quốc già đi đáng kể là do chính sách một con của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thứ đã phá vỡ sự tăng trưởng tự nhiên của dân số. Phải mất bốn thập kỷ kể từ những năm 1970, Trung Quốc mới có dân số già hóa, vì vậy sẽ phải mất thêm nhiều thập kỷ nữa để phục hồi”.
Chính sách một con do ĐCSTQ thực hiện từ năm 1979 đến năm 2015 đã dẫn đến một tình huống điển hình là một cặp vợ chồng có hai cặp cha mẹ ở hai bên nội ngoại phải chăm sóc.
Nhà kinh tế học Li Xunlei làm việc tại Thượng Hải bình luận trên truyền thông Trung Quốc rằng, không giống như các nước phát triển “giàu trước khi già”, Trung Quốc “già trước khi giàu”. Ông nói, khi những làn sóng người lớn tuổi bước sang giai đoạn về hưu, vấn đề thiếu hụt lương hưu sẽ sớm xuất hiện. Hơn nữa, già hóa dân số sẽ dẫn đến dân số trong độ tuổi lao động giảm, chi phí lao động tiếp tục tăng khiến Trung Quốc mất đi lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Lý Nguyên Hoa tin rằng mô hình kinh tế của ĐCSTQ từng dựa vào lao động giá rẻ để trở thành “công xưởng của thế giới”. Tuy nhiên, với sự sụt giảm tỷ lệ người trẻ và trung niên trong dân số và chi phí lao động tăng cao, mô hình kinh tế trước đây không còn bền vững nữa, ông nói. Hơn nữa, dân số già ngày càng tăng sẽ dẫn đến chi phí cao hơn cho chăm sóc y tế, phúc lợi xã hội, v.v. Điều này có thể sẽ tác động đến nền kinh tế tổng thể của Trung Quốc và có thể dẫn đến sự sụp đổ kinh tế.
Ông Lý Nguyên Hoa cho biết: “Cuộc khủng hoảng lớn nhất có thể bùng phát trong xã hội Trung Quốc là nếu ĐCSTQ chiếm đoạt lương hưu nhà nước của đất nước”. “Đây là một cuộc khủng hoảng tiềm tàng lớn trong tương lai và là yếu tố gây bất ổn cho chế độ”.
Có thể thấy, khủng hoảng nhân khẩu học đang là một vấn đề bức bối đối với kinh tế Trung Quốc. Và đối diện với các vấn đề nan giải, ĐCSTQ rất có thể sẽ lại dùng tới các biện pháp cực đoan.
Bảo Nguyên tổng hợp