Trân Văn
9-2-2024
Về vụ gắn đèn, còi ưu tiên, tôi thấy dư luận hơi bất công với bà ấy. Việc gắn đèn còi trên các xe chở các cán bộ là… bình thường như cơm bữa.
Chuyện bà Nguyễn Thị Lệ Hà – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam – ở Hà Tĩnh sử dụng công xa đi đón ái nữ và để khỏi phải chờ đợi như thường dân, tài xế đã cho chớp đèn, hụ còi, buộc các phương tiện khác nhường đường (1)… là scandal cuối cùng của năm Quý Mão 2023. Scandal này hứa hẹn, cho dù “tống cựu, nghinh tân” nhưng “dưới sự lãnh đạo vẻ vang của đảng”, Giáp Thìn 2024 chẳng hứa hẹn điều gì tốt lành…
***
Scandal vừa kể là lý do khiến Thach Vu cho rằng “chế độ ta, cán bộ ta tiến bộ”, bằng chứng là: Trước, phải cỡ bộ trưởng như Trần Tuấn Anh mới dùng ô tô đón vợ ở chân máy bay. Nay, chỉ cần là Hội trưởng phụ nữ một tỉnh là có thể dùng công xa gắn đèn chớp và còi hụ đi đón con gái ở sân bay (2)?!. Nguyen Dang Khoa thì nhìn scandal như một ví dụ để so sánh và nêu thắc mắc, cưỡi mô tô trên đường vắng rồi đăng lên mạng, và “cho công xa hụ còi, giành quyền ưu tiên ở phi trường, đường phố làm náo động cõi mạng, suy giảm, hoại uy tín nhà nước, tội nào nặng hơn?” Đồng thời lưu ý: Luật pháp bất vị thân nha (3)! Tuy lưu ý đó chính xác mọi lúc, mọi nơi nhưng… riêng ở… Việt Nam thì… sai! Vừa có một phóng viên bị Thanh tra Sở TTTT Hà Tĩnh triệu tập lấy lời khai và phạt bốn triệu vì dám gọi điện thoại hỏi bà Hà về vụ dùng công xa đón ái nữ (4).
Không phải tự nhiên mà Hà Phan bộc bạch thế này: Tôi nghĩ lỗi lớn nhất và đầu tiên trong vụ xe biển xanh tình cờ mở còi hụ khi từ Hà Tĩnh ra Vinh chúc Tết nhân tiện đón con Chủ tịch là… của cá thể tài xế! Đã không chịu nghe chị tôi chỉ đạo là phải tháo bỏ mà còn tự ý bật đèn xanh đỏ nhấp nháy, cho còi hú inh ỏi gây chú ý. Kế đó là lỗi của người quay video clip không xin phép ai và cứ thế tung lên mạng. Không post thì ai biết đấy là đâu? Lỗi cuối cùng thuộc về những người dùng facebook, chuyển tứ tung rồi phẫn nộ không chịu lo Tết làm các cơ quan ban ngành đoàn thể tự dưng bao việc. Nên làm rõ ngay các sai phạm và xử lý nghiêm những cá thể này (5)! Còn Nguyễn Thu Trang thì phỏng đoán việc “chị đại nghênh ngang xông thẳng vô sân bay đón con gái” bởi người được đón “cũng là một phụ nữ và đó có thể là lãnh đạo tương lai” (6).
Lê Huyền Ái Mỹ cũng nghĩ gần như thế nên trách công chúng: Chuyện cái còi thì Văn phòng Tỉnh hội phải thấy mà tự giác tháo chứ! Nếu Văn phòng không thấy thì Ban Chính sách – Pháp luật phải thấy vì nó chưa đúng luật. Nếu nó làm nhân dân “chướng tai, gai mắt” thì Ban Tuyên giáo Tỉnh hội phải thấy. Ai lại để đích thân chị Lệ Hà trực tiếp nhắc tài xế mà nhắc rồi vẫn không chịu tháo còi. Lỗi tại anh tài xế. Thế thôi. Các anh làm ghê quá! Trung ương Hội đang phát động chương trình “Tết sum vầy – Xuân yêu thương”, chị Lệ Hà là cán bộ Hội, đón con gái chả phải để sum vầy là gì, đi cả quãng đường xa ngái để đón con cho bằng được thì chả yêu thương quá đó sao. Các anh làm ghê quá! Bà Lê Huyền Ái Mỹ lưu ý: Chị Lệ Hà là lãnh đạo phụ nữ cao nhất của tỉnh nên dùng xe biển số xanh là quyền của… chị, mở còi giành ưu tiên là quyền của anh tài xế (6)!
***
Trước scandal cuối cùng của năm Quý Mão 2023, cũng có những người không chọn bỡn cợt để bày tỏ suy nghĩ, thái độ mà nhận xét hết sức nghiêm túc như ông Đoàn Bảo Châu: Luật pháp nước ta rất ‘nghiêm’. Ngọc Trinh biểu diễn trên xe máy còn bị phạt giam mấy tháng và một năm án treo vì ‘gây rối trật tự công cộng’ – trước đấy báo chí còn dọa có thể tới năm, bảy năm tù. Vậy cho tôi hỏi việc lắp đèn, còi, cho nháy đèn, hụ còi của cô Lệ Hà có ‘gây rồi trật tự công cộng’ không? Việc gắn đèn, còi ấy theo quy định nào? Nếu sai thì xử phạt sao? Luật pháp nếu nghiêm minh thì phải xử cán bộ nặng hơn xử dân, bởi cán bộ là những người hiểu biết, cần làm gương cho dân, không phải như câu nói nổi tiếng của ông Mai Tiến Dũng: ‘Nếu ta sai, ta xin lỗi dân. Nếu dân sai, dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật’. Khác với câu nói của Hồ Chí Minh: ‘Cán bộ là đày tớ của nhân dân’, nhiều người có chức quyền trong bộ máy coi thường dân, coi mình cao hơn dân nhưng thực ra họ đã làm gì cho dân để tự cho mình đặc quyền, đặc lợi? Cô Lệ Hà sẽ dạy con kiểu gì khi chính mình tuỳ tiện dùng tài sản công cho việc riêng? Chẳng những dùng mà còn khoa trương bằng đèn, còi để tranh đường trong giao thông. Sự việc không chỉ có vậy. Chỉ vì gọi điện cho cô Lệ Hà hỏi về sự việc mà một phóng viên bị phạt. Là người làm báo lâu năm, tôi không tin việc làm của phóng viên là sai. Một phóng viên có quyền tìm hiểu thông tin, nếu thấy câu chuyện có chất liệu tốt thì mới đề đạt lên cấp trên để viết bài. Theo suy luận của tôi, chuyện này phản ánh một sự lạm quyền của bộ máy ở Hà Tĩnh. Xe, còi, đèn… là lạm quyền cấp một, phạt phóng viên thể hiện cái bản chất cố hữu sâu hơn của bộ máy ở Hà Tĩnh. Thú thật là càng viết, càng nghĩ sâu thì tôi càng cảm thấy nản trước thực trạng ở Việt Nam. Với đà này thì xã hội còn rất nhiều vấn đề, đất nước này còn lâu mới ‘sánh vai với các cường quốc năm châu’ (8).
Xuan Son Vo cũng thế – cũng bi quan tới mức không thể bỡn cợt: Tôi thấy mọi người ồn ào vụ bà chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh lấy xe công vụ có gắn đèn còi đi đón con ở sân bay. Về vụ gắn đèn, còi ưu tiên, tôi thấy dư luận hơi bất công với bà ấy. Việc gắn đèn còi trên các xe chở các cán bộ là bình thường như cơm bữa. Ai đó thường xuyên lái xe đi trên đường đều biết. Bản thân tôi, đã nhiều lần phải nhường đường cho họ. Họ không chỉ gắn đèn còi ưu tiên, mà còn gắn cả những đèn pha cực sáng, rất nhức mắt. Không nhường đường cho họ thì chỉ có nước lóa mắt mà tông vô xe khác mà thôi. Nhiều bạn viện dẫn qui định này nọ, rằng xe gắn đèn, còi như vậy là sai, là vi phạm qui định. Các bạn cứ làm như luật pháp, qui định ở cái đất nước này là dành cho đám ‘đày tớ’ ấy. Hãy mở mắt ra mà nhìn. Ở đất nước này, đám ‘đày tớ’ mà không ngồi xổm lên pháp luật thì đó mới là chuyện lạ. Cứ nhìn những vụ án xử chúng nó và những vụ án xử bọn không thuộc nhóm chúng nó thì thấy ngay thôi. Ngay cả vụ ở Hà Tĩnh, tôi tin rằng cái bà “chủ tịt” gì đó, chắc là xui, gặp đối thủ, hoặc lỡ cản đường hay qua mặt ông to bà lớn nào, nên mới bị lôi lên công luận. Chứ bình thường, thì đố báo nào dám đăng. Hoặc giả gặp phóng viên và Biên tập viên nổi máu yêng hùng thì cũng bị gỡ bài liền. Cứ để đó xem, tuần này, tuần sau, tháng này, tháng sau và sau này nữa, xem mấy cái xe biển xanh gắn đèn còi ưu tiên có giảm hay không? Hay là thằng này lật thằng khác xong rồi, lên ngồi đó, lại trang bị thêm đèn sáng hơn, còi to hơn nữa (9)!
Dùng công xa đón vợ con, ngay cả đi lại cũng gắn đèn, còi, giành quyền ưu tiên đã thành bình thường trong giới “đày tớ”, rất xui mới bị “búa rìu dư luận”, Kiem Mai Ba đệ đạt: Tôi đề nghị một giải pháp ôn hòa vừa mang tính thuyết phục vừa thỏa mãn tánh phô trương của họ – cấp “xe đặc chủng tám chỗ ngồi và một chỗ nằm”, có còi và đèn, sẵn sàng tùy nghi sử dụng khi vào… Tám chỗ ngồi dành cho bác sĩ, y tá hoặc đạo tì (10)!
Chú thích