Liệu nền kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi hay không đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới. Gần đây, chính quyền Trung Quốc đã công bố dữ liệu tiêu dùng mới, tuy nhiên các chuyên gia lại không mấy lạc quan về vấn đề này. Giáo sư Hứa Thành Cương, chuyên gia kinh tế chính trị tại Đại học Stanford, đã thảo luận về các vấn đề cơ bản và hướng đi tương lai của nền kinh tế Trung Quốc với chủ đề “Liệu nền kinh tế Trung Quốc có thể được cứu vãn?”
Nền kinh tế Trung Quốc có thể được cứu vãn?
Vào thứ Hai (19/2), Trung Quốc đã chính thức công bố dữ liệu cho thấy chi tiêu cho du lịch của người dân trong thời gian đón năm mới tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 7,7% so với mức trước khi bùng phát loại virus Corona năm 2019 và số lượng chuyến du lịch tăng 19% so với cùng kỳ năm 2019; thị trường chứng khoán tăng nhẹ trong 2 ngày qua.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Nomura cho biết, so với trước dịch bệnh, mức tiêu thụ trong một chuyến đi đã giảm 9,5%. Dữ liệu hải quan từ Hải Khẩu, một hòn đảo miễn thuế ở Hải Nam, cho thấy chi tiêu trung bình trong kỳ nghỉ của mỗi khách hàng giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Chuyên gia kinh tế Trần Xu Cẩn của Jefferies China (công ty cung cấp dịch vụ ngân hàng và đầu tư chứng khoán) cho biết, mô hình tiêu dùng của người Trung Quốc đã thay đổi từ ‘có tiền nhưng không có thời gian sang có thời gian nhưng không có tiền’.
Trên thực tế, nền kinh tế Trung Quốc gần đây tiếp tục suy thoái với những vấn đề nghiêm trọng như bất động sản trì trệ, vốn nước ngoài tháo chạy, thị trường chứng khoán lao dốc, tiêu dùng yếu, số lượng lớn người thất nghiệp và xuất khẩu sụt giảm.
Giáo sư Hứa Thành Cương Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình Podcast Unclear, Giáo sư Hứa Thành Cương đã chia sẻ quan điểm của ông về những vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc. Theo Giáo sư Hứa, “Vấn đề kinh tế Trung Quốc không phải do một cá nhân nào gây ra, mà là do hệ thống của Trung Quốc tạo ra”.
Ông Hứa nói rằng Hoa Kỳ và Nhật Bản đều là nền kinh tế thị trường dựa trên quyền sở hữu tư nhân, hệ thống dân chủ và pháp quyền. Pháp quyền có nghĩa là các tòa án độc lập với đảng và cơ quan hành pháp của chính phủ. Trong thế giới tư bản chủ nghĩa, thứ hỗ trợ vốn chính là luật pháp, nên việc loại bỏ hệ thống pháp luật đồng nghĩa với việc loại bỏ linh hồn của chủ nghĩa tư bản.
“Những vấn đề nghiêm trọng mà chúng ta thấy ở thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán và các vấn đề trong toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc thực sự không thể tách rời khỏi quyền sở hữu hoàn toàn của nhà nước về đất đai và ngân hàng, và cơ quan tư pháp là một công cụ của đảng. Nó không thể tách khỏi những vấn đề do tất cả các hệ thống cơ bản này gây ra”.
“Những vấn đề này đã khiến nền kinh tế Trung Quốc thực sự chứng kiến tốc độ tăng trưởng sụt giảm rất đều đặn hàng năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”. Ông Hứa nói rằng, như một xu hướng chung, chế độ Tập Cận Bình đã đẩy nhanh sự suy giảm này.
“Trên thực tế, Trung Quốc không phải là nước duy nhất. Trước đây, Liên Xô và các nước ở Trung và Đông Âu đều trải qua thời kỳ suy thoái dần dần, cuối cùng tụt xuống mức tăng trưởng chậm hơn nền kinh tế tư bản chủ nghĩa”.
Ông nói rằng dưới chế độ toàn trị, chính quyền Trung Quốc chỉ đang cố gắng tạo ra một số hình thức kinh tế thị trường để giúp chế độ tồn tại.
Nền kinh tế Trung Quốc đã sụp đổ?
Nền kinh tế Trung Quốc đã sụp đổ? Giáo sư Hứa cho rằng trên thực tế, dưới những hệ thống khác nhau và dưới những nền tảng khác nhau, mọi người sẽ có những cách hiểu khác nhau.
“Nếu đây là một xã hội cởi mở, một nền kinh tế thị trường, một hệ thống dân chủ, thì khi nền kinh tế của bạn suy thoái rõ ràng, tỷ lệ thất nghiệp tăng đáng kể và thị trường chứng khoán giảm đáng kể mọi người sẽ cho rằng hệ thống đã sụp đổ, trong trường hợp đó, người dân sẽ bỏ phiếu bầu cử để thay thế lãnh đạo hiện tại
Giáo sư Hứa Thành Cương cho rằng trong một xã hội đóng kín, đặc biệt là dưới chế độ độc tài, tiếng nói, ý thức hệ và thông tin đều bị kiểm soát. Khi người lãnh đạo độc tài cho rằng những lời bàn tán về kinh tế đe dọa đến chế độ của họ, họ sẽ cấm mọi thảo luận về kinh tế và ngăn chặn mọi dữ liệu liên quan bị tiết lộ.
Ông đưa ra một ví dụ: Trong nạn đói kéo dài 3 năm ở Trung Quốc, nạn đói ở tất cả các vùng đều không được phép bộc lộ. Đại đa số người dân thành thị không hề biết rằng hàng chục triệu người đã chết đói ở Trung Quốc, và không ai ở các vùng nông thôn dám nói cho họ biết. “Trong trường hợp này, nền kinh tế có thể tiếp tục hoạt động vì mọi người buộc phải chịu đựng, và sự sụp đổ không được công khai”.
Khủng hoảng tài chính bùng nổ hoặc rất nhanh hoặc kiểu ‘hiệu ứng luộc ếch’
Với tình trạng bất động sản Trung Quốc tiếp tục sụt giảm, liệu một cuộc khủng hoảng tài chính có nổ ra ở Trung Quốc? Giáo sư Hứa cho rằng nếu Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường thì các nguyên tắc cơ bản và điều kiện tài chính hiện tại của Trung Quốc xác định rằng một cuộc khủng hoảng tài chính gần như khó tránh khỏi. Vì thị trường bất động sản đang có những vấn đề rất lớn nên sẽ gây khủng hoảng cho toàn bộ nền tài chính Trung Quốc. Nhưng hiện nay tình trạng này đang bị che đậy.
Ông nói rằng chính quyền Trung Quốc kiểm soát tất cả các nguồn tài nguyên của đất nước. “Đúng là chính quyền Trung Quốc có trong tay nhiều tài sản, nhưng không có cách nào sử dụng những tài sản này để trụ vững trước khủng hoảng tài chính trừ khi bạn bán chúng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc bán tài sản cho các nhà đầu tư quốc tế, dù là cá nhân hay tổ chức, sẽ làm lung lay nền tảng cai trị của ĐCSTQ. Do đó, việc bán tài sản là không thể chấp nhận được về mặt chính trị.
Giáo sư Hưa cho rằng: “Khủng hoảng tài chính Trung Quốc có thể bùng nổ bất cứ lúc nào”, nếu Trung Quốc xảy ra khủng hoảng tài chính, nó sẽ diễn ra rất nhanh chóng, dẫn đến tình trạng thất nghiệp hàng loạt và bất ngờ. Tuy nhiên, nếu khủng hoảng tài chính không bùng nổ, nền kinh tế Trung Quốc sẽ dần dần suy thoái theo kiểu “đun ếch trong nước ấm”, ngày càng tồi tệ hơn.
Tầng lớp trung lưu sẽ rơi vào cảnh nghèo đói?
Hiện tại, nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang lo lắng về nguy cơ rơi vào cảnh nghèo khó một lần nữa. Giáo sư Hứa Thành Cương cho rằng điều này đã và đang xảy ra trong những năm qua. Số lượng lớn người thuộc tầng lớp trung lưu và trung thượng đang trải qua giai đoạn khó khăn này. Hiện tại, nhóm lao động chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là tầng lớp công nhân, bao gồm cả người nông dân di cư.
“Vấn đề bây giờ là khi nền kinh tế dần suy thoái thì vấn đề này sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều chắc chắn là điều này đã và sẽ tiếp tục xảy ra; điều chưa chắc chắn là nó sẽ trở nên tồi tệ nhanh đến mức nào”
Số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc cho biết GDP tăng trưởng 5,2% vào năm 2023. Giáo sư Hứa cho rằng dữ liệu này không đáng tin cậy. Nguyên nhân rất đơn giản, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tổng kim ngạch ngoại thương giảm, toàn bộ ngành bất động sản cũng giảm, cái gọi là 3 chiêu trò mới: xe điện, pin, năng lượng xanh chỉ chiếm 3% của ngoại thương. Theo cách này, khả năng tăng trưởng GDP lớn nhất là từ 0 đến 1%.
Trong ngành công nghiệp xe điện được giáo sư Hứa đề cập, thị trường Trung Quốc đang chững lại. Ngành công nghiệp ô tô điện của Trung Quốc đã bùng nổ trong vài năm qua, được thúc đẩy bởi các khoản trợ cấp, với doanh số bán hàng vượt cả châu Âu và Mỹ cộng lại. Tuy nhiên, sau khi trợ cấp giảm và người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, sự cạnh tranh khốc liệt xuất hiện, nhiều hãng xe điện sẵn sàng đốt tiền đổi lấy cổ phần nhưng không đạt được lợi nhuận và đứng trước nguy cơ phá sản hoặc phải bơm vốn.
Cải cách kinh tế của Trung Quốc hoàn toàn không phải vì kinh tế mà là vì quyền lực chính trị
Nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong nhiều thập kỷ. Giáo sư Hứa Thành Cương chỉ ra rằng mục đích ban đầu của các cuộc cải cách kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ đơn thuần là vì nền kinh tế mà là vì quyền lực chính trị. Khi các nhà lãnh đạo tin rằng các doanh nghiệp tư nhân đe dọa sự cai trị của họ, họ sẽ loại bỏ bất cứ ai gây ra mối đe dọa lớn nhất trước tiên.
Ông đưa ra một ví dụ, chẳng hạn như cái gọi là ngành giáo dục và đào tạo, thực chất đang cạnh tranh lãnh thổ với chính quyền trong lĩnh vực giáo dục và tư tưởng, nên cứ đóng cửa hết là xong.
Ông cho biết khi Ant Financial bị điều tra lại, người ta hiểu là do vài lời Jack Ma nói. “Không, vấn đề đó vượt xa những lời nói của Jack Ma. Là một tổ chức tài chính, nếu Ant Financial niêm yết thành công, ranh giới giữa nó và các ngân hàng sẽ không còn rõ ràng, điều này về cơ bản sẽ làm lung lay nền tảng quản trị của chính quyền, điều này không được phép”.
Giáo sư Hứa nói rằng không có lãnh đạo Trung Quốc nào nghĩ rằng đó là vì lợi ích của nền kinh tế. Bất kể đó là Liên Xô hay các nhà lãnh đạo ở Đông và Trung Âu trước kia, không ai tin rằng cải cách kinh tế đó là vì lợi ích của nền kinh tế mà cải cách kinh tế là vì chế độ. Nếu nó đe dọa chế độ, chính quyền sẽ bóp nghẹt không chút do dự.
Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch