Thuần Phong
Ngày 10/4, tờ WSJ đăng bài viết với tiêu đề: ‘China Shock 2.0’ đã đến, hàng hóa giá rẻ tràn lan (của Trung Quốc) sẽ dẫn đến sự phản công của toàn cầu’.
Trong đó đề cập rằng, Trung Quốc đang vận chuyển hàng hóa giá rẻ đến mọi nơi trên thế giới. Đây là một cú sốc nghìn tỷ đô-la khác sau ‘China shock 1.0’ đối với ngành sản xuất toàn cầu. Nhưng lần này, thế giới đang phản công.
Âu – Mỹ sẽ tăng rào cản thương mại đối với xe điện và thiết bị năng lượng tái tạo do Trung Quốc sản xuất. Giờ đây, các nền kinh tế mới nổi như là Brazil, Ấn Độ, Mexico và Indonesia đang tham gia cuộc phản công nhắm vào thép, gốm sứ và hóa chất nhập khẩu từ Trung Quốc, bởi vì họ nghi ngờ chúng đang bị bán phá giá vào thị trường nội địa với giá thấp.
Riêng Ấn Độ đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc như bu lông, ốc vít, gương treo tường và bình chân không. Argentina đang điều tra thang máy của Trung Quốc. Vương quốc Anh đang điều tra máy xúc và xe đạp điện của Trung Quốc. Làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc hiện nay ngày càng gia tăng, cho thấy ‘China Shock’ đang làm gia tăng xung đột thương mại toàn cầu.
WSJ dẫn nguồn từ chiến lược gia về Trung Quốc tại BCA Research (có trụ sở tại Montreal) là ông Arthur Budaghyan nói rằng: ‘Khi bị Mỹ kiềm chế, hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc sẽ tràn vào một số nơi khác trên thế giới. Những gì chúng ta đang thấy bây giờ chỉ là sự khởi đầu’.
Để bù đắp sự suy thoái nghiêm trọng trong lĩnh vực bất động sản,Trung Quốc đang hướng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Trung Quốc đang tìm kiếm những người mua ở nước ngoài cho lượng hàng hóa khổng lồ mà thị trường trong nước không thể tiêu thụ được. Xu hướng này gợi nhớ đến sự gia tăng xuất khẩu của Trung Quốc vào đầu những năm 2000, ước tính khiến Mỹ mất khoảng 2 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất, đây là hiện tượng mà các nhà kinh tế gọi là ‘China Shock’, cú sốc Trung Quốc.
Đối với nhiều người tiêu dùng trên thế giới, hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc có thể là một lợi ích sau khi quốc gia sở tại đang phải chịu lạm phát. Ngoài ra, nhiều nước đang phát triển không thể thiếu ô tô, điện thoại thông minh và máy móc giá rẻ do Trung Quốc cung cấp, và những nỗ lực sản xuất của Trung Quốc sẽ giúp củng cố vị thế của nước này.
Nhưng chuyên gia cảnh báo, việc dựa vào nhu cầu tăng trưởng từ nước ngoài trong một thế giới thù địch hơn mang lại những rủi ro đáng kể cho Trung Quốc.
Trung Quốc thực sự nên thực hiện các bước nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa nhằm tạo ra một nền kinh tế cân bằng hơn. Đây là lý do vì sao khi bà Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đến Trung Quốc đã nói rằng: ‘Trung Quốc quá lớn, cho nên không có cách nào thông qua xuất khẩu để thực hiện tăng trưởng kinh tế nhanh chóng’. Ý ở ngoài lời của bà Yellen, đó là phải kích thích tiêu dùng của người dân trong nước Trung Quốc.
Dòng chảy xuất khẩu của Trung Quốc đã khiến các đối thủ nước ngoài trong một số ngành không thể trụ được. Nhà sản xuất thép lớn nhất Chile là Compania de Acero del Pacifico (CAP), cho biết vào tháng 3 rằng, họ sẽ đóng cửa hoạt động của nhà máy thép ở Huachipato.
Trước phản ứng dữ dội của toàn cầu, Trung Quốc tố cáo chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng tải một số bài báo chỉ trích những cáo buộc của phương Tây về tình trạng sản xuất dư thừa của Trung Quốc là cường điệu và dối trá.
Nếu chọn cách trả đũa bằng các hạn chế thương mại, Trung Quốc có nhiều công cụ để sử dụng. Bởi vì Trung Quốc là nước nhập khẩu hàng hóa lớn và cũng cung cấp nhiều loại linh kiện, nguyên liệu cho các nhà sản xuất ở các nước khác. Lúc này mọi thứ sẽ trở nên phức tạp.
Ban đầu, khi mới cải cách mở cửa và sau đó gia nhập WTO vào năm 2001, Trung Quốc chủ yếu sản xuất các sản phẩm cấp thấp, chiếm khoảng 2% xuất khẩu hàng hóa toàn cầu. Nhưng hiện nay, Trung Quốc chiếm gần 15% xuất khẩu hàng hóa toàn cầu, sản xuất mọi thứ từ áo phông, cho đến máy ủi và chip máy tính.
Các nước phát triển lo ngại rằng, sự gia tăng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ làm suy yếu thế mạnh kinh tế của họ, giống như ‘China Shock 1.0’ đã phá hủy việc làm trong ngành sản xuất đồ nội thất và một số lĩnh vực sản xuất khác cách đây nhiều thập kỷ.
Vương quốc Anh đang điều tra máy xúc Trung Quốc, vì sao? WSJ giải thích rằng, nhu cầu về máy đào ở Trung Quốc đang giảm dần trong bối cảnh bất động sản sụt giảm kéo dài, đã khiến các nhà sản xuất Trung Quốc bán máy đào sang thị trường khác.
Các nền kinh tế đang phát triển mong muốn đi theo con đường của Trung Quốc và xây dựng các ngành công nghiệp sản xuất của riêng mình, nhưng sự gia tăng nhập khẩu của Trung Quốc có thể làm tiêu tan những mong muốn đó. Vậy thì điều gì tạo ra ‘China Shock 2.0’?
Ngày 6/5, tờ WSJ đăng bài viết với tiêu đề: ‘Hung thủ đằng sau China Shock 2.0: Đồng nhân dân tệ mất giá và giảm phát’.
Ngay đoạn đầu tiên, WSJ nói rằng, giá cả giảm cộng thêm lạm phát cao ở các nước khác, đồng NDT mất giá, đã thúc đẩy sự phồn vinh của xuất khẩu Trung Quốc.
Ở đây, ngoài việc nhiều người tin rằng sự gia tăng xuất khẩu Trung Quốc đó là do các khoản trợ cấp lớn và năng lực sản xuất dư thừa, thì trong bài viết này đưa ra một nguyên nhân khác, đó là đồng NDT mất giá.
WSJ nói rằng, tỷ giá hối đoái thực của đồng nhân dân tệ được điều chỉnh theo chênh lệch lạm phát giữa Trung Quốc và các đối tác thương mại lớn. Lạm phát làm đồng tiền mất giá, vậy thì Trung Quốc sẽ điều chỉnh đồng NDT sao cho đồng NDT mất giá nhiều hơn đồng tiền của các đối tác thương mại. Điều này đảm bảo rằng hàng hóa Trung Quốc luôn rẻ hơn, từ đó tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Trung Quốc.
Tỷ giá hối đoái thực của đồng nhân dân tệ giảm đang thúc đẩy doanh số bán hàng hóa Trung Quốc ra nước ngoài. Điều này gây thêm áp lực lên các nền kinh tế khác và đồng tiền của họ, đặc biệt là ở các nước châu Á, nơi cũng đang chịu áp lực từ đồng đô-la mạnh.
Phần lớn tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc gây thiệt hại cho các nước láng giềng ở châu Á, nhiều nước trong số đó cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc trong các sản phẩm như điện tử, thép, chất bán dẫn cơ bản và đồ nội thất.
WSJ dẫn thông tin từ Cục Phân tích Chính sách Kinh tế Hà Lan nói rằng, trong 2 năm xuất khẩu của Trung Quốc tăng 10%, thì xuất khẩu từ các thị trường mới nổi ở châu Á lại giảm gần 2%. Ngay cả Nhật Bản, vốn đang có đồng yên yếu mang lợi thế xuất khẩu, cũng không tránh khỏi tình trạng xuất khẩu giảm mặc dù đồng yên mất giá mạnh. Một phần nguyên nhân là do ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực ô tô.
Điều này báo hiệu mức tăng trưởng yếu hơn trong thời gian tới của các nước này, và sẽ đẩy đồng tiền của họ càng mất giá so với đồng đô-la.
Từ đầu năm đến nay, đồng won Hàn Quốc giảm 5% so với đồng đô-la, đồng ringgit của Malaysia giảm 3% và đồng Việt Nam giảm 4,5%. Chính phủ Nhật Bản đã dùng hàng chục tỷ đô-la dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng yên đang mất giá.
Bởi Vì khả năng cạnh tranh của đồng nhân dân tệ chủ yếu đạt được thông qua chênh lệch lạm phát, điều này làm phức tạp thêm các nỗ lực của nước ngoài nhằm đảo ngược tình trạng mất giá của đồng nhân dân tệ. Vào năm 2019, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã gán cho Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ và yêu cầu các quan chức Trung Quốc ngừng can thiệp vào thị trường ngoại hối và để đồng nhân dân tệ tăng giá.
Thuần Phong tổng hợp