James Gorrie
Có thể nói, những ngày tháng tăng trưởng nóng của Trung Quốc đã kết thúc. Trong khi đó, Ấn Độ đang có những điều kiện thuận lợi để trở thành câu chuyện phát triển đáng chú ý kế tiếp Trung Quốc.
Trong bốn thập kỷ, Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, mặc dù không đồng đều, nhờ vào dòng đầu tư nước ngoài dường như vô tận và bí quyết công nghệ từ phương Tây, cùng với nguồn lao động giá rẻ không giới hạn và các thị trường mở rộng lớn luôn khao khát mua bất cứ thứ gì họ sản xuất.
Kết quả là, các trung tâm sản xuất trên toàn cầu chứng kiến các cơ sở sản xuất của họ biến mất nhanh chóng, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, khi các công ty chuyển đến Trung Quốc để duy trì khả năng cạnh tranh với nhiều lợi thế về chi phí của Trung Quốc. Toàn bộ các ngành công nghiệp ở Hoa Kỳ – từ dệt may đến điện tử, phụ tùng ô tô, máy tính và thậm chí cả các hệ thống quân sự chiến lược cao – đã biến mất trong vòng vài năm, nếu không muốn nói là chỉ sau một đêm. Người ta ước tính rằng hơn 2 triệu việc làm sản xuất chỉ riêng tại Hoa Kỳ đã bị mất vào tay Trung Quốc trong giai đoạn 2001-2018.
Trung Quốc đã chứng kiến sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu, với ước tính 800 triệu người đã thoát khỏi đói nghèo từ năm 1979 đến năm 2014. Một tầng lớp thượng lưu mới nổi cũng xuất hiện, với các thương gia, ông trùm công nghệ và nhà sản xuất trở nên cực kỳ giàu có, cũng như các thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Giờ đây ĐCSTQ là một đảng của những triệu phú và tỷ phú. Chỉ vài năm trước (trước thời COVID-19), nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã khoe khoang rằng chính ĐCSTQ đã tạo ra sự tăng trưởng và thành công chưa từng có của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những ngày đó đã qua.
Sự xuống dốc được dự đoán trước
Sự kết thúc của chuyến đi dài, lớn lao của Trung Quốc trên con tàu lượn phát triển siêu tốc phần nào có thể dự đoán được, cũng như chuyến đi xuống dốc lớn của nước này mà chúng ta đang chứng kiến. Những nhà quan sát Trung Quốc như ông Gordon Chang (và một cách khiêm tốn, bản thân tôi) trong nhiều năm đã thấy trước điều này sẽ tới, còn trong trường hợp của ông Chang, là nhiều thập kỷ. Mặc dù không ai (mà tôi biết) lường trước được bối cảnh COVID-19 và lệnh phong tỏa kéo dài của chính quyền Trung Quốc do COVID-19, nhưng viễn cảnh sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc vẫn hiện hữu trong một loạt những sai lầm và sự méo mó về kinh tế của nước này, những thứ đã thúc đẩy sự sụp đổ đang diễn ra tại Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc đang phát hiện ra rằng do việc phụ thuộc vào vốn và công nghệ của nước ngoài (việc lạm dụng các đối tác thương mại một cách dài hạn), một nền kinh tế dựa trên tham nhũng, việc bóp méo thị trường bất động sản… thì quy luật lợi nhuận giảm dần cuối cùng sẽ phát huy tác dụng. Hầu hết các đối tác thương mại của Trung Quốc, dù là ở phương Tây hay trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (vốn để phục vụ cho Trung Quốc), đều không còn tin tưởng rằng chính quyền Trung Quốc sẽ giao dịch công bằng và muốn giảm rủi ro từ Trung Quốc. Các công ty lớn như Apple, vốn đã giúp xây dựng ngành công nghệ cao của đất nước này, đang rời đi, cũng như nhiều công ty khác.
Các yếu tố tiêu cực tiếp tục gia tăng chồng chất. Tác động của cuộc khủng hoảng bất động sản, vốn chiếm tới một phần ba GDP của Trung Quốc, tiếp tục lan rộng khắp nền kinh tế, cũng như vấn đề với một dân số già hóa với số lượng người dân đang giảm nhanh chóng.
Trên thực tế, lần đầu tiên sau 40 năm, lượng vốn đầu tư từ Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc rời khỏi Trung Quốc nhiều hơn số vốn đầu tư vào Trung Quốc. Không có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng đó sẽ sớm đảo ngược. Vấn đề là khi mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn, chính quyền Trung Quốc càng trở nên hung hăng hơn để nắm giữ quyền lực. Thật là một vòng xoáy đi xuống. Đó chính là tình hình hiện tại của Trung Quốc.
Nói một cách ngắn gọn, Trung Quốc là có thể thay thế được. Các nước như Ấn Độ và Việt Nam là những nước hưởng lợi trực tiếp, trong đó Ấn Độ sẽ là bên hưởng lợi nhiều nhất từ sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc. Điều đó thì ai cũng thấy rõ. Một cặp đôi xách túi trên phố mua sắm chính tại Đường Tây Nam Kinh, ở Thượng Hải, vào ngày 11/11/2016. (Ảnh: JOHANNES EISELE/AFP qua Getty Images)
Ấn Độ sẽ là câu chuyện phát triển lớn tiếp theo?
Ấn Độ đang ở vị thế thuận lợi để trở thành câu chuyện phát triển lớn tiếp theo. Dân số Ấn Độ đang tăng, phần lớn có trình độ học vấn cao, văn hóa hướng Tây hơn, và nước này có các ngành công nghệ cao, dịch vụ khách hàng và ô-tô đã được thiết lập vững chắc, v.v. Thêm vào đó, Ấn Độ có lợi thế là thân thiện với phương Tây.
Theo quan điểm đầu tư nước ngoài, vốn toàn cầu đang đổ mạnh vào ngành công nghiệp máy tính và ô-tô của Ấn Độ. Không ai mong đợi nền kinh tế 3,75 nghìn tỷ USD của Ấn Độ có thể thách thức nền kinh tế 15 nghìn tỷ USD của Trung Quốc ngày nay, nhưng theo quan điểm tăng trưởng, Ấn Độ là một cơ hội đầu tư tốt hơn nhiều. Các công ty sẽ nắm bắt cơ hội để thay thế các hoạt động kinh doanh mang tính đối đầu mà họ đang phải chịu đựng ở Trung Quốc bằng môi trường kinh doanh dễ chịu hơn của Ấn Độ. Một cuộc khảo sát gần đây đối với 500 giám đốc điều hành người Mỹ do công ty nghiên cứu thị trường OnePoll thực hiện cho thấy 61% sẽ chuyển hoạt động sản xuất của họ sang Ấn Độ sau khi cơ sở hạ tầng được hoàn thiện.
Đường sá kém và các trở ngại về hệ thống phân phối của Ấn Độ tạo ra những thách thức đáng kể về cơ sở hạ tầng mà cần phải khắc phục. Tuy nhiên, một số xu hướng dài hạn đang báo hiệu điều tốt lành cho Ấn Độ, nơi sẽ tiếp tục thu hút việc làm chuyển tới từ Trung Quốc.
Không giống như Trung Quốc, Ấn Độ đang chứng kiến thu nhập tăng lên, có nghĩa là nhu cầu trong nước đối với hàng hóa và dịch vụ sẽ mạnh mẽ hơn. Tầng lớp trung lưu và thượng lưu của Ấn Độ sẽ sớm đạt khoảng 400 triệu người, cạnh tranh với Trung Quốc với một thị trường cởi mở hơn, điều sẽ thu hút các sản phẩm cao cấp. Trong khi đó, Trung Quốc phần lớn đã từ chối mở cửa thị trường trong nước cho phương Tây.
Trong thập kỷ qua, chính phủ Ấn Độ đã bắt tay vào các cải cách cơ cấu để cải thiện môi trường kinh tế và đầu tư và giúp đất nước thân thiện hơn với doanh nghiệp. Họ cũng cam kết chuyển đổi số. Hiện tại, Ấn Độ có một trong những cộng đồng trực tuyến lớn nhất thế giới, với mức giá cước dữ liệu thấp và việc áp dụng rộng rãi Giao diện thanh toán hợp nhất (UPI), dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ trong nền kinh tế trực tuyến của nước này.
Trung Quốc phản ứng ra sao?
Phản ứng của chính quyền Trung Quốc đối với các nỗ lực giảm rủi ro của phương Tây là vụng về và dễ đoán. Tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo Châu Âu và Hoa Kỳ rằng “Bất kỳ ai cố gắng phi Trung Quốc hóa dưới danh nghĩa giảm rủi ro sẽ phạm phải sai lầm lịch sử”.
Chính quyền Trung Quốc không thừa nhận rằng các chính sách của mình vốn là “sai lầm lịch sử” trong nhiều trường hợp. Tầng lớp trung lưu của họ đang thu hẹp, cũng như dân số và nền kinh tế của họ. Những thất bại đó không phải là kết quả của việc giảm rủi ro mà là kết quả trực tiếp của các chính sách của chính quyền nước này.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch