Lý Ngôn
Brazil đang mong muốn phát triển ngành công nghiệp đất hiếm khi nhu cầu nam châm cho xe điện và năng lượng xanh tăng cao. Chính phủ các nước phương Tây đang đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích dành cho các cường quốc khai thác khoáng sản, nhằm phá vỡ sự độc quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong lĩnh vực sản xuất đất hiếm.
Brazil sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn thứ ba thế giới. Lợi thế của quốc gia này nằm ở chi phí nhân công thấp, năng lượng sạch, có các quy định đã được thiết lập và gần với thị trường tiêu dùng cuối cùng. Brazil còn sở hữu nhà máy nam châm đầu tiên của khu vực Mỹ Latinh.
Theo tin tức của Reuters, mỏ đất hiếm đầu tiên của Brazil, Serre Verde, đã bắt đầu sản xuất thương mại trong năm nay. Các nhà phân tích, giám đốc điều hành ngành khai thác và các nhà đầu tư cho biết, với sự trợ giúp từ những biện pháp khuyến khích của các chính phủ phương Tây, sản lượng khai thác sẽ tăng lên nhanh chóng. Các biện pháp khuyến khích này cũng đang thúc đẩy sự phát triển của ngành tinh chế và chế biến đất hiếm trên toàn cầu.
Ông Daniel Morgan từ Ngân hàng Đầu tư Barrenjoey tại Sydney cho biết: “Kiến nghị xem Brazil như một nguồn cung cấp đất hiếm tiềm năng rất thú vị, vì trong những năm gần đây nước này đã có một số phát hiện rất quan trọng.”
“Tôi thực sự nghĩ rằng, ngoài Trung Quốc, các dự án của Brazil là những dự án xanh có chi phí tiết kiệm nhất.”
Hoa Kỳ và các đồng minh gần như hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc về kim loại đất hiếm và nam châm. Sau khi chuỗi cung ứng đất hiếm bị gián đoạn do đại dịch COVID-19, phương Tây dự kiến sẽ thiết lập chuỗi cung ứng độc lập vào năm 2027.
Trữ lượng đất hiếm có thể đứng thứ hai
Theo dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, năm ngoái Trung Quốc đã sản xuất 240,000 tấn đất hiếm, gấp năm lần so với quốc gia sản xuất đất hiếm lớn thứ hai thế giới là Hoa Kỳ. Trung Quốc chế biến khoảng 90% đất hiếm trên toàn cầu thành nam châm vĩnh cửu, được sử dụng trong nhiều lĩnh vực từ tua-bin gió đến xe điện và hỏa tiễn.
Tập đoàn Serra Verde cho biết, dự kiến sản lượng năm nay sẽ đạt 5,000 tấn, và có thể tăng gấp đôi vào năm 2030. Ông Thras Moraitis, Tổng giám đốc Serra Verde, nói với Reuters rằng: “Serra Verde và Brazil có lợi thế cạnh tranh đáng kể. Họ có thể duy trì phát triển ngành công nghiệp đất hiếm quan trọng trên toàn cầu trong thời gian dài.”
Ông Moraitis cho biết, Brazil có các yếu tố hấp dẫn như điều kiện địa chất, thủy điện, các quy định đã được thiết lập và công nhân có tay nghề.
“Đây vẫn là một ngành công nghiệp mới nổi, cần sự trợ giúp liên tục để có thể đứng vững trong thị trường cạnh tranh khốc liệt,” ông Moraitis giải thích. “Các công nghệ gia công then chốt do một số ít người tham gia kiểm soát.”
Ông Reg Spencer, nhà phân tích của công ty môi giới Canaccord, cho biết rằng đến năm 2030, Brazil có thể sẽ có thêm hai đến ba mỏ đất hiếm, và có thể vượt qua sản lượng hàng năm của Úc hiện nay.
Chi phí vận hành thấp
Do giá đất hiếm giảm 70% trong hai năm qua, các doanh nghiệp rất khó gọi vốn để khai thác và chế biến.
Ông Nick Holthouse, Giám đốc điều hành của công ty phát triển Meteoric Resources niêm yết tại Úc, nói với Reuters rằng, “Hiện tại, việc gọi vốn rất khó khăn.”
Công ty Meteoric đặt mục tiêu là cuối năm 2025 sẽ đầu từ vào dự án Caldeira tại bang Minas Gerais, Brazil, để sản xuất đất hiếm nhẹ và đất hiếm nặng.
Hồi tháng Ba, Ngân hàng Xuất nhập cảng Hoa Kỳ (U.S. Export-Import Bank) cho biết, họ quan tâm đến việc cung cấp 250 triệu USD tài chính cho kế hoạch của Meteoric. Công ty này cũng đã đạt được thỏa thuận sơ bộ để cung cấp oxit đất hiếm cho một nhà máy phân tách tại Estonia do công ty Neo Performance Materials niêm yết tại Toronto điều hành.
Các mỏ đất hiếm của công ty Brazilian Rare Earths cũng đang ở giai đoạn phát triển ban đầu. Mỏ đất hiếm lớn nằm ở đông bắc Brazil này được tỷ phú giàu nhất nước Úc Gina Rinehart đầu tư.
Ông Bernardo Da Veiga, Tổng giám đốc của Brazilian Rare Earths, nhấn mạnh rằng chi phí vận hành thấp của Brazil là một lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh như Úc. Ông cho biết, các tài xế xe tải khai thác mỏ tại Úc có thể kiếm được tới 200,000 AUD (133,200 USD) mỗi năm, kèm theo chi phí ăn uống và chỗ ở.
“Ở Brazil, một tài xế xe tải, cũng làm công việc đó, có thu nhập khoảng 15,000 USD mỗi năm. Anh ấy đi xe đạp đến chỗ làm và mang theo bữa trưa của mình,” ông nói. Chi phí nhân công của hai bên “hoàn toàn khác biệt.”
Lựa chọn thay thế
Mặc dù chi phí nhân công rẻ, nhưng các nhà phát triển đang phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật. Để kích thích sự phát triển, hồi tháng Hai, chính phủ Brazil đã khởi động một quỹ trị giá 1 tỷ Real (194.53 triệu USD), để cung cấp tài chính cho các dự án khoáng sản chiến lược, bao gồm cả đất hiếm.
Bộ Khai khoáng và Năng lượng Brazil cũng ra thông báo, mong muốn xây dựng một ngành công nghiệp chuyển hóa các khoáng sản này thành hợp kim cho pin, tua-bin gió, và động cơ điện.
Bộ này cho biết, thách thức của họ là kích thích sản xuất và xây dựng các mối quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy công nghệ phân tách nguyên tố và phát triển chuỗi cung ứng. Bộ này đang nghiên cứu việc tái chế đất hiếm và thảo luận công nghệ tái chế với các công ty như Ionic Rare Earths của Úc.
Ông Tim Harrison, Tổng giám đốc của Ionic Rare Earths cho biết, công ty có một nhà máy thí điểm tái chế tại Belfast và đang hợp tác với nhà phát triển Brazil Viridis Mining and Minerals.
Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Minas Gerais (FIEMG) Flavio Roscoe cho biết, Brazil cũng đang xây dựng một nhà máy nam châm để kiểm chứng ý tưởng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Ad
“Mục tiêu của chúng tôi là trở thành nhà phát triển và quảng bá công nghệ này,” ông Roscoe nói. “Brazil đang có cơ hội trở thành sự lựa chọn khác của thế giới ngoài Trung Quốc.”
Khi ngành công nghiệp đất hiếm của Brazil đang sẵn sàng tiến lên, châu Âu cũng đưa đến tin vui. Họ dự kiến sẽ thực hiện một bước quan trọng trong việc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các khoáng sản quan trọng.
Hôm 06/06, công ty khai thác đất hiếm Rare Earths Norway của Na Uy thông báo đã phát hiện ra mỏ đất hiếm ước tính có giá trị lớn nhất châu Âu, có thể sử dụng cho sản xuất xe điện và các công nghệ năng lượng sạch khác.
Kênh tin tức tài chính CNBC của Hoa Kỳ cho biết, việc phát hiện ra mỏ đất hiếm lớn nhất châu Âu, một trong số ít mỏ không thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của ĐCSTQ, được coi là một động lực đáng mừng cho nỗ lực của châu Âu trong việc phá vỡ sự thống trị của ĐCSTQ về đất hiếm.
Theo tin tức của Reuters, chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu đang tái cơ cấu, chuyển từ quốc gia sản xuất đất hiếm lớn nhất là Trung Quốc sang hướng đa dạng hóa.
Hoa Hưng biên dịch