Liên minh Ngũ Nhãn (Five Eyes) vào đầu tháng 6 đã công bố các bước nhằm ngăn chặn việc các phi công quân sự của phương Tây huấn luyện các phi công quân sự và hải quân của Bắc Kinh, điều mà các chuyên gia về quân sự cho là chìa khóa để Bắc Kinh có thể tấn công Đài Loan.
Vào ngày 5/6, Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia (NCSC), đại diện cho Ngũ Nhãn (gồm Mỹ, Vương quốc Anh, Canada, Úc và New Zealand), đã ra một bản thông cáo cảnh báo về những nỗ lực của Trung Quốc trong việc tuyển dụng các quân nhân phương Tây đang tại ngũ và đã nghỉ hưu để huấn luyện quân đội của họ.
“Nhằm khắc phục những hạn chế, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã ráo riết tuyển dụng nhân tài quân sự phương Tây để đào tạo phi công của họ, sử dụng các công ty tư nhân trên toàn cầu vốn che giấu mối quan hệ với PLA và đưa ra các mức lương tuyển dụng cao ngất ngưởng”, Giám đốc NCSC Michael C. Casey cho biết.
Các hành động của Ngũ Nhãn nhằm chống lại mối đe dọa này bao gồm các hạn chế thương mại đối với Học viện Bay Thử nghiệm Nam Phi (TFASA), Công ty Công nghệ Hàng không Trung Quốc Bắc Kinh (BCAT), Stratos và các nhà cung cấp liên quan đến PLA khác mà đang khai thác nhân viên phương Tây và NATO, cũng như những thay đổi về pháp lý và quy định nhằm cấm các cựu quân nhân đã nghỉ hưu làm việc cho Trung Quốc.
Ông Tony Hạ (Tony Xia), một chuyên gia quân sự và nhà bình luận, lưu ý rằng phi công có kinh nghiệm thực chiến ở Trung Quốc là rất ít.
“Phải mất ít nhất 5 năm để đào tạo một phi công chiến đấu. Trên thực tế, phi công này được yêu cầu phải bay trong suốt quãng đời phục vụ còn lại của mình”, ông nói với The Epoch Times.
Ông Hạ nói thêm rằng lý do chính để Trung Quốc thuê các phi công có kinh nghiệm từ quân đội của các nước phương Tây là để sao chép các hệ thống, phương pháp và kinh nghiệm đào tạo của phương Tây.
“Trong vài thập kỷ qua, các phi công chiến đấu thế hệ thứ tư của Trung Quốc hầu như không có kinh nghiệm chiến đấu thực tế”, ông nói.
Trung Quốc chuẩn bị cho tấn công Đài Loan
Ông Trương Diên Đình (Zhang Yanting), cựu phó tư lệnh Không quân Đài Loan và hiện là giáo sư tại Trường Chiến tranh Chính trị thuộc Đại học Quốc phòng Đài Loan, tin rằng những hành động này của Trung Quốc là sự chuẩn bị cho một cuộc chiến thực sự ở eo biển Đài Loan.
Các phi công đã nghỉ hưu mang lại kinh nghiệm chiến đấu, điều mà PLA còn thiếu. Ông nói với The Epoch Times rằng họ có thể truyền lại cho quân đội Trung Quốc những kinh nghiệm quý báu của họ về toàn bộ kịch bản chiến đấu, các mối đe dọa trong thế giới thực và cách phát huy tối đa sức mạnh chiến đấu.
Hơn nữa, mỗi người trong số họ có chuyên môn khác nhau: một số lái máy bay chiến đấu, một số lái máy bay tác chiến chống tàu ngầm và một số lái máy bay chở hàng. Lực lượng vũ trang của Đài Loan tổ chức hai ngày diễn tập định kỳ nhằm thể hiện khả năng sẵn sàng chiến đấu, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại một căn cứ quân sự ở Cao Hùng, Đài Loan, ngày 11/1/2023. (Ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)
Ông Kỳ Lạc Nghĩa (Qi Leyi), một nhân vật truyền thông cấp cao và nhà bình luận quân sự ở Đài Loan, lưu ý rằng Trung Quốc đánh giá cao kinh nghiệm hoạt động thực tế của các sĩ quan phương Tây đã nghỉ hưu mà họ tuyển dụng.
Những người ở tuyến đầu là đặc biệt cần thiết. Ông nói với The Epoch Times rằng ngoài việc tiếp thu các kỹ năng, Trung Quốc còn có thể nhận được một số thông tin và tin tình báo.
Lịch sử chiêu mộ quân nhân phương Tây của Trung Quốc
Việc Trung Quốc tuyển dụng phi công phương Tây đã nghỉ hưu đã được biết đến từ năm 2022, bao gồm cả những trường hợp như TFASA ở Nam Phi mà đã bị Bộ Thương mại Mỹ trừng phạt vào tháng 6/2023.
Trong khi TFASA phủ nhận việc liên quan đến công tác huấn luyện quân sự bí mật và tuyển dụng công dân Mỹ và Anh, thì Daniel Duggan, cựu phi công Thủy quân Lục chiến Mỹ và là công dân Úc (người sẽ bị dẫn độ sang Mỹ), thực sự là huấn luyện viên cho TFASA và đã đào tạo các phi công Trung Quốc về nghệ thuật hạ cánh trên tàu sân bay.
Ông Duggan chuyển đến Úc sau hơn 10 năm phục vụ trong quân đội Mỹ và đã thành lập một công ty tên là Top Gun Tasmania; công ty này tuyển dụng các cựu phi công quân sự của Mỹ và Anh để cung cấp cho khách du lịch dịch vụ bay trực thăng giải trí.
Ông Duggan, với Giấy phép Phi công Vận tải Hàng không do Mỹ và Úc cấp, đã lái các máy bay AV-8B Harrier, T2C Buckeye và A4J Skyhawk. Vào tháng 5, ông thừa nhận đã làm việc với điệp viên Trung Quốc tên là Su Bin, người đã đánh cắp bí mật quân sự của Mỹ, nhưng ông phủ nhận việc biết anh này là gián điệp.
Tại Vương quốc Anh, vào năm 2022, người ta tìm ra rằng có tới 30 phi công người Anh đã nghỉ hưu đã được quân đội Trung Quốc tuyển dụng với các mức lương cao (lên tới khoảng 270.000 USD/năm). Việc tuyển dụng được thực hiện thông qua các bên thứ ba, bao gồm một học viện bay có trụ sở tại Nam Phi; các phi công đã từng phục vụ ở khắp trong [các bộ phận] quân đội Anh, không chỉ trong Lực lượng Không quân Hoàng gia.
Pháp cũng là mục tiêu của Trung Quốc khi Bắc Kinh đang tích cực tìm kiếm những giảng viên người Pháp có tay nghề cao để hướng dẫn các phi công Trung Quốc hạ cánh trên tàu sân bay và học các chiến lược của lực lượng không quân NATO. Ngoài Mỹ và Trung Quốc, Pháp nằm trong số ít các quốc gia có tàu sân bay được trang bị hệ thống phóng.
Trung Quốc tuyển dụng các phi công người phương Tây đã nghỉ hưu và từng hoạt động trên tàu sân bay để đào tạo đội ngũ phi công tương tự của riêng mình, từ đó tiếp thu kinh nghiệm về chiến thuật tác chiến trên tàu sân bay từ các nước phương Tây, ông Ou Si-Fu nói với The Epoch Times. Ông Ou Si-Fu là người đứng đầu Ban Các nguyên tắc Chính trị, Quân sự và Chiến tranh Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Phòng thủ và An ninh Quốc gia ở Đài Loan.
Hạ cánh một máy bay chiến đấu trên boong hẹp của tàu sân bay là một nhiệm vụ với thử thách cao độ. Ông nói, Trung Quốc đang bắt đầu từ đầu về các hoạt động chiến đấu, điều mà họ cần được các quốc gia phương Tây đào tạo. Các chiến lược chiến đấu của tàu sân bay là bí mật quốc gia mà không nước nào sẵn sàng dạy trực tiếp cho Bắc Kinh, khiến chính quyền này phải lôi kéo các phi công phương Tây đã nghỉ hưu với mức lương khổng lồ.
Ông Hạ cho biết rằng trong quá trình theo đuổi việc phát triển tàu sân bay, Trung Quốc đặt mục tiêu hiện thực hóa “Giấc mông Biển xanh” của họ, “một cách để cạnh tranh vì quyền bá chủ khu vực và thế giới”.
“Đối với ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc], việc đào tạo phi công trên tàu sân bay về cơ bản là không có [kinh nghiệm] gì. Kinh nghiệm của phương Tây tất nhiên là rất quan trọng đối với họ”, ông nói. “Hải quân Mỹ, khi quan sát hoạt động cất cánh và hạ cánh của máy bay trên tàu sân bay Trung Quốc, đã phải thốt lên đầy ngạc nhiên về những thao tác [nghiệp dư] nguy hiểm của họ”.
Ông Ou tin rằng Trung Quốc đang thâm nhập xã hội Đài Loan bằng một cách tiếp cận tương tự, thu hút các quân nhân đã nghỉ hưu để đánh cắp bí mật quân sự của Đài Loan và lôi kéo các chuyên gia bán dẫn để lấy bí mật công nghiệp tiên tiến.
Ông nói, Đài Loan và các quốc gia dân chủ phương Tây phải luôn cảnh giác trước những biện pháp bất hợp pháp này của Trung Quốc nhằm đánh cắp các bí mật quân sự quốc phòng và công nghiệp tiên tiến.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch