Nguyên Đại
4-7-2024
Những công nhân Trung Đông lúc bị chôn vùi trong tai nạn hầm mỏ, dường như cái chết là chắc chắn trong tối tăm, và họ đã chuẩn bị. Vài ngày sau, họ thấy được một ánh đèn pin của những người cứu trợ, họ được cứu sống sau đó. Tia sáng le lói đến với họ trong lúc thập tử là mầu nhiệm từ thánh Ala (Allah).
Những chiến sĩ Ba-Lan, quê hương của Cố Giáo Hoàng, Gioan Phaolo Đệ Nhị (Pope John Paul II), bị lạc trong rừng tuyết phủ trắng, tiếng gọi của đồng đội, người đã dẫn đường cho họ sau đó, là thông điệp từ Chúa Jesus.
Những con thuyền lênh đênh đói khát trên biển Đông những năm 1980 – 1990 của thế kỷ trước, cơn mưa bất chợt đến như giọt nước độ sinh từ Phật. Những con người đen đủi đó đã quỳ xuống trên thuyền, giàn giụa nước mắt, cảm ơn những giọt nước mầu nhiệm. Người khác thì lặng lẽ làm dấu thánh và cầu kinh, cảm tạ ân sủng từ Thiên Chúa.
Không thể biết chắc những giọt nước mưa bình thường đó đến từ Chúa hay Phật, nhưng có thể chắc chắn rằng, đối với những con người bất hạnh khát khao trên thuyền lúc đó, những giọt mưa ấy là ân sủng, là mầu nhiệm.
Mầu nhiệm không phải là hào quang, chói chang, rực rỡ; không phải tiếng sấm sét rung chuyển đất trời; không phải là giọt nước ngọt ngào đặc biệt. Mầu nhiệm đến từ một vệt sáng mong manh, một tiếng gọi nhẹ nhàng của đồng nghiệp, những giọt nước mưa rất đỗi bình thường. Chính đêm tối tăm, nỗi cô đơn tột cùng, sự đói khát nghiệt ngã đã làm cho một tia sáng mặt trời, tiếng gọi của bạn, những giọt nước mưa bình thường trở nên những mầu nhiệm.
Cũng vậy, một ngày ra cửa gặp một nhà sư đầu trần, chân đất, áo vá chằng chịt, đứng lặng yên…
Tự nhiên thấy mình hạnh phúc, vì mình có một mái nhà để trú nắng mưa, bộ đồ mặc trên người cũng lành lặn, và … chí ít cũng có một đôi dép dưới chân, tại sao mình vẫn chưa có được sự bình an? Ông ấy chỉ cần thức ăn cho một bữa, không giữ tiền bạc. Tại sao mình có thức ăn thừa, có tiền “rất nhiều hơn ông ấy”; vì sao mình vẫn cứ băn khoăn, lo lắng quá nhiều?
Nhà sư vừa bị đánh, vì có có kẻ cho rằng sư vẫn mạnh khỏe, sao không đi làm, mà đi xin! Kẻ ấy có thể không cho ông ấy thức ăn, nhưng không thể can thiệp vào sự chọn lựa của nhà sư. Không thể vô cớ tạo thương tích cho một người, chỉ vì họ có cuộc sống khác mình. Dù vậy, nhà sư vẫn vui vẻ, và chúc phúc cho kẻ đánh mình.
Sự từ bỏ sân hận, nuôi dưỡng lòng từ bi là suối nguồn của hạnh phúc. Mình có thể dừng lại những “ăn miếng, trả miếng” để khởi đầu những bình an không? Mình có thể dằn lại những bực bội trong đời thường để hóa giải thành những cảm thông không?
Nhà sư đứng đó, chẳng có gì cả, không có chức tước từ bất cứ đoàn thể nào. Mình là cha, là mẹ, là thầy giáo với bao nhiêu học trò… “hơn ông ấy nhiều chứ”, tại sao mình vẫn cứ thấy chưa đủ, miệt mài giành giựt…?
Sự xuất hiện của một con người đen bụi trước mặt mình chính là lời khuyên từ kinh Phật, thông điệp của bình an và hạnh phúc. Thái độ sống của ông ấy dường như kích hoạt bộ phận phanh-thắng, giữ cho chiếc xe của cuộc đời mình trong một vận tốc chậm hơn, và vì thế an toàn hơn. Mình có duyên gặp ông ấy, nhưng cái duyên đó chỉ có thể khởi sinh, lớn lên cùng với sự thay đổi trong nhận thức của chính mình.
Ông sư ấy dường như không có gì để cho mình cả, ngoài ánh nhìn nhân hậu. Mình cũng không thể cúng dường ông ấy cái gì quá to tát, vượt tầm tay, ngoài một gói xôi, hay chai nước. Nhưng, sự “xúc chạm”, “giao duyên” vi tế đó có thể là khởi đầu cho một mầu nhiệm đến với cuộc đời mình, như một tia sáng, một ơn gọi từ đấng thiêng liêng.
Khi nhiều người Việt, ngoài việc đối diện với một lô “nghĩa vụ”, “những bôi trơn” trong cuộc sống hằng ngày ở kiếp này; họ còn có “nghĩa vụ” cúng dường cho các “thầy” vì sự an toàn của “(nhiều) kiếp sau”. Các “thầy”, các “cô”, những người “siêu việt, tài ba, với một lô bằng cấp”, trắng trẻo, mủm mỉm với nhà đẹp, xe sang, đồ hiệu, được giáo hội của chính phủ cấp giấy phép hành nghề, ngày ngày tháng tháng đem vào đầu các Phật tử, rằng họ phải chịu tội cả kiếp sau, và cúng tiền, thật nhiều tiền, cho những vong, ma. Đêm tối, tuyết lạnh, đói khát, lạc đường?…
Trong đêm tối của “thập diện mai phục, trùng trùng nợ nần”, một ông sư đứng đó đen đúa bụi đường, không nhận tiền, chỉ cần một gói cơm cho qua một bữa… chính là những bình thường mầu nhiệm, là tia sáng le lói trong đêm trường lầm lạc từ những đe dọa tối tăm, là tiếng gọi thân thương của người bạn đồng hành trên trần thế này, là giọt nước bình thường làm tái sinh những cuộc đời lạc lối, u mê.
Nguồn: Tiếng Dân