Nguyễn Văn Tuấn
Mấy ngày gần đây, người ta đã bàn rất nhiều về quy trình và thời gian kỷ lục liên quan đến việc cấp văn bằng tiến sĩ cho ngài thượng toạ (TT). Nhưng tôi nghĩ nội dung của luận án mới thú vị hơn, và hình như chưa ai bàn qua. Do đó, cái note này sẽ đọc những nội dung chánh của luận án để các bạn hiểu thêm.
Bản dễ đọc: https://nguyenvantuan.info/…/doc-luan-an-tien-si-cua-tt…
Đọc như thế nào?
Cũng như bất cứ công trình nghiên cứu nào, tôi sẽ đọc qua 4 khía cạnh hay cũng có thể xem là 4 câu hỏi phổ biến:
• Ý tưởng hay chủ đề nghiên cứu có mang tính nguyên thuỷ?
• Phương pháp luận có đạt tiêu chuẩn ‘scientific method’?
• Nội dung nghiên cứu có cái mới hay không?
• Cách trình bày có đạt chuẩn mực khoa học?
Cần phải nhấn mạnh một cái hay của luận án. Trong khi tuyệt đại đa số luận án tiến sĩ ở Việt Nam viết bằng tiếng Việt, thì luận án của ngài thượng toạ viết bằng cả Việt lẫn tiếng Anh. Dịch toàn bộ luận án ~300 trang từ tiếng Việt sang tiếng Anh không phải là điều đơn giản, nhưng ngài TT đã làm cái việc rất công phu đó. Đáng nể.
1. Ý tưởng
Không nói ra thì ai cũng biết một nghiên cứu cấp tiến sĩ cần phải có cái mới. ‘Mới’ ở đây không hẳn là cái gì cũng mới (như nhiều người hiểu lầm), mà là hoặc mới về ý tưởng, hoặc mới về cách tiếp cận, hoặc mới về cách phân tích, hoặc mới về dữ liệu, hoặc mới về cách diễn giải. Có khi chủ đề nghiên cứu không mới, nhưng cách tiếp cận mới và dữ liệu mới, thì luận án vẫn được xem là có cái mới. Ví dụ như tôi làm nghiên cứu về ăn chay và loãng xương, thì cái chủ đề đó không mới, nhưng cách tôi tiếp cận câu hỏi đó ở Việt Nam và những dữ liệu tôi thu thập đều là mới.
Quay lại nghiên cứu của ngài TT, ý tưởng nghiên cứu có thể thấy qua nhan đề của luận án: ‘Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam’ (Human Responsibilities in International Law and Vietnamese Law). Đáng lý ra, tác giả phải nhấn mạnh đến phần Nhân quyền trong nhan đề nữa, vì luận án đề cập đến Nhân quyền khá nhiều lần, nhưng ngài chỉ nói sơ qua. Có lẽ do nhạy cảm?
Trong chương mở đầu của luận án, tác giả lặp đi lặp lại khái niệm ‘quyền’ và ‘nghĩa vụ’ trong xã hội. Tác giả cho rằng phương Tây đề cao quyền hơn là nghĩa vụ, và theo ông, đó là một vấn đề. Tác giả ví von như sau: “Con người phải trồng lúa rồi mới có gạo để nấu cơm ăn. Nếu chỉ đòi hỏi phải có cơm, Quyền được ăn cơm là Quyền hiển nhiên, rồi ai cũng ngồi đó chờ cơm thì chẳng bao lâu kho gạo sẽ cạn. Mọi người phải đi gieo trồng lúa trước đã, rồi Quyền được ăn cơm sẽ hiện ra”. Tác giả còn trích dẫn câu nói nổi tiếng [được cho là của] cố Tổng thống John F Kennedy ‘Đừng hỏi đất nước có thể làm gì được cho các bạn, hãy hỏi các bạn có thể làm gì cho đất nước’ (ask not what your country can do for you, ask what you can do for your country)’ để làm tiền đề cho luận án.
Luận điểm chánh của tác giả có thể tóm tắt như sau:
• thế giới đang đề cao quyền con người (nhân quyền) mà không quan tâm đến nghĩa vụ;
• đề cao nhân quyền chính là ‘đề cao sự thụ hưởng, cũng chính là đề cao lòng ích kỷ, gây nên sự xuống cấp của các giá trị đạo đức trong xã hội’;
• do đó, việc đề cao nhân quyền đã dẫn đến những hậu quả như lười biếng, ỷ lại, làm cạn kiệt tài nguyên quốc gia.
Tác giả còn khẳng định rằng ‘Khái niệm tự do của phương Tây đang được hiểu là một loại Quyền đặc biệt, có thể làm mọi thứ theo ý mình’.
Mỗi luận điểm trên đều có thể [nói theo tiếng Anh] challenge. Chẳng hạn như chứng cớ về thế giới đề cao nhân quyền ở đâu, ‘thế giới’ là ai, đề cao như thế nào, tất cả đều không được lý giải, mà chỉ là một câu phát biểu chung chung.
Luận điểm cho rằng đề cao nhân quyền dẫn đến ích kỷ và suy đồi đạo đức càng có vấn đề hơn, bởi vì nó hàm ý nguyên nhân – hậu quả, mà tác giả hoàn toàn chẳng chứng minh được hay có bất cứ bằng chứng khoa học nào. Nhấn mạnh là ‘bằng chứng khoa học’, chứ không phải bằng chứng là những câu phát biểu của ông Kennedy.
Một trong những quyền cơ bản nhứt của cá nhân, theo luật pháp quốc, tế là quyền được sống. Điều này bao gồm quyền không bị tra tấn, đối xử tàn nhẫn hoặc hạ thấp nhân phẩm, và không bị áp dụng hình phạt tử hình. Nhưng theo quan điểm của ngài TT, tôi tự hỏi các cá nhân có phải thực hiện nghĩa vụ (nào đó) để được hưởng cái quyền cơ bản trên? Lý luận của ngài TT xem ra chưa bao hàm được tình huống trên. Có lẽ ông cần định nghĩa cụ thể hơn về khái niệm bổn phận và quyền.
Dĩ nhiên, ai cũng biết ở vài khía cạnh quyền đi đôi với nghĩa vụ. Nghĩa vụ không xâm phạm đến quyền của người khác và tránh bạo lực hoặc phân biệt đối xử. Đó là kiến thức phổ thông. Khó nói rằng đó là cái mới trong luận án.
Còn phát biểu rằng tự do ở phương Tây có nghĩa là ‘làm mọi thứ theo ý mình’ chẳng những rất hời hợt mà còn sai một cách hiển nhiên. Hời hợt là vì khái niệm tự do, nếu viết và lý giải đầy đủ phải mất vài chục trang, chứ đâu phải vài câu văn. Giới triết học còn phân biệt giữa ‘tự do tích cực’ và ‘tự do tiêu cực’, chứ đâu phải đơn giản như cách tác giả viết. Sai là vì không có nơi nào trên thế giới này hiểu khái niệm tự do như là cho phép người ta muốn làm gì thì làm. Hiểu ‘tự do’ như vậy là rất sai.
Chủ đề của luận án là quyền (cụ thể là ‘nhân quyền’) và nghĩa vụ. Hai khía cạnh này là đối tượng của Học thuyết Khế ước Xã hội (còn gọi là ‘Social Contract Theory’). Wiki giải thích Khế ước Xã hội như sau: ‘Về mặt luật pháp, khế ước xã hội thể hiện cụ thể là một tờ khế ước, một bản hợp đồng trên đó các thành viên xã hội thống nhất các nguyên tắc để cùng chung sống với nhau’.
Khái niệm Khế ước Xã hội xưa như từ ngày có con người trên trái đất. Đã có rất rất nhiều triết gia lừng danh trên thế giới viết về Khế ước Xã hội, nhưng 3 người nổi bật là Thomas Hobbes, John Locke, Jean-Jacques Rousseau. Thế nhưng luận án đề cập đến những công trình của các tác giả này chỉ một câu văn! Chỉ nhắc đến tên của họ, mà không mô tả ý tưởng của họ là gì, ý nghĩa trong thực tế ra sao, ưu điểm và nhược điểm như thế nào, v.v. Tác giả chỉ đề cập một cách thoáng qua. Vì đề cập không đầy đủ như vậy, nên người đọc không rõ những đóng góp của tác giả trên nền tảng của Hobbes, Locke và Rousseau là gì.
Điều thú vị là tác giả ‘toán hoá’ khái niệm quyền và nghĩa vụ bằng một công thức đơn giản:
Nghĩa vụ + Quyền = Nguồn lực xã hội
Responsibilities + Rights = Social Resources
Chẳng những vậy, ở một đoạn kế tiếp, tác giả lại đưa ra một phương trình mang tính tỷ số, lấy nghĩa vụ chia cho quyền và kết quả là giá trị con người:
Nghĩa vụ / Quyền = Giá trị con người
Responsibilities / Rights = Human Values
Thú thiệt, tôi không biết hai công thức này xuất phát từ đâu; rất có thể là một sáng chế của tác giả (và như vậy là một điểm mới). Nhưng vấn đề là đưa ra một công thức mà không có lýthuyết đằng sau của công thức thì chẳng ai biết nó có ý nghĩa gì trong thực tế. Không thấy tác giả định nghĩa ‘Nguồn lực xã hội’ là gì, nên tôi thấy rất khó biết được ý nghĩa của phương trình trên. Tôi đoán rằng phương trình trên sai, bởi vì cái ‘Nguồn lực xã hội’ nó bao gồm những thiết chế cụ thể như gia đình, bạn bè, tôn giáo, cộng đồng, v.v. và những cái này không có liên quan cộng với nghĩa vụ và quyền.
Toán học thoạt đầu nhìn qua rất hấp dẫn, nhưng thật ra, nó chỉ là một đơn giản hoá sự phức tạp của một hiện tượng. Hiện tượng xã hội rất phức tạp vì những mối tương tác giữa các yếu tố, và phương trình toán học không bao giờ phản ảnh đầy đủ sự phức tạp đó. Không bao giờ. Nó chỉ là một cách ví von cho vui hay giải trí, chứ không mang tính khoa học. Phương trình toán trong trường hợp này, thoạt đầu mới nhìn qua tưởng là hay và gọn, nhưng nhìn một cách khoa học thì nó rất ư là phi khoa học và [nói theo tiếng Anh là] simplistic. Đã là toán thì phải có định lượng, nhưng toàn bộ luận án không có một đại lượng nào để minh hoạ cho 2 phương trình trên.
Phát biểu một công thức kiểu như “Quyền + Nghĩa vụ = Tài nguyên” thì đơn giản, nhưng lýluận đằng sau cái công thức mới là chiều sâu. Đa số người ta chỉ phát biểu những câu ngắn gọn, và họ nghĩ đó là ‘tư tưởng’, nhưng đó chỉ là một hiểu lầm tai hại.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Mỗi nghiên cứu đều phải có một mục tiêu chánh. Nhưng trong luận án này, rất khó biết mục tiêu nghiên cứu là gì. Tuy nhiên, luận án có đề cập đến ‘Mục đích’ nghiên cứu, nhưng cũng viết rất chung chung:
“Mục đích nghiên cứu của luận án là làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nghĩa vụ con người trong Pháp luật quốc tế và Pháp luật Việt Nam, qua đó khẳng định tầm quan trọng của Nghĩa vụ con người trong pháp luật. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp hoàn thiện Nghĩa vụ con người trong Pháp luật quốc tế, Pháp luật Việt Nam, và cơ chế bảo đảm thực thi Nghĩa vụ con người”.
Điều trớ trêu là cái động từ ‘làm rõ’ đó chẳng làm sáng tỏ mục tiêu cụ thể của luận án chút nào! Dù sao đi nữa thì mục đích (purpose) không phải là mục tiêu (objective’).
Một chi tiết thú vị là sau khi phát biểu ‘mục đích’, tác giả đề ra ‘Nhiệm vụ’ của luận án:
“Tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước về Nghĩa vụ con người trong Pháp luật quốc tế và Pháp luật Việt Nam;
Phân tích làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản về Nghĩa vụ con người trong Pháp luật quốc tế và Pháp luật Việt Nam như khái niệm, mục đích, ý nghĩa của Nghĩa vụ con người trong pháp luật và mối tương quan giữa Nghĩa vụ và Quyền con người trong pháp luật;
Nghiên cứu, đánh giá thực trạng những quy định về Nghĩa vụ con người trong Pháp luật quốc tế và Pháp luật Việt Nam; và tình hình về sự thực thi Nghĩa vụ con người”.
Như thấy trên, vẫn là những phát biểu chung chung. Luận án nào cũng bắt buộc phải có phần tổng quan, nên cái nhiệm vụ tổng quan trên e rằng bị thừa. Còn ‘phân tích làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản về Nghĩa vụ con người’ và ‘nghiên cứu, đánh giá thực trạng’ thì lại càng mù mờ. Những ‘nhiệm vụ’ đó không có một điểm gì cụ thể để người đọc luận án biết tác giả đã hoàn thành nhiệm vụ hay chưa.
3. Phương pháp luận
Nói cho cùng, nghiên cứu khoa học là một hoạt động nhằm sáng tạo ra tri thức mới qua ứng dụng phương pháp khoa học (Scientific Method). Hai điều kiện của định nghĩa trên là mục tiêu và phương pháp. Mục tiêu là nhằm sáng tạo ra tri thức mới hoặc mở rộng ‘biên cương’ của tri thức hiện hành. Tri thức dĩ nhiên phải được chuyển hóa từ thông tin và dữ liệu. Tri thức ở đây phải đáp ứng 2 đặc tính chính: phổ quát và tái lập.
Để bảo đảm tri thức mang tính tái lập, người ta phải ứng dụng phương pháp khoa học. Phương pháp khoa học có thể định nghĩa là tập hợp một số kỹ thuật để điều nghiên các hiện tượng, thu thập dữ liệu mới, hay chỉnh sửa và tổng hợp các dữ liệu cũ. Hàm ý trong định nghĩa về phương pháp khoa học là đo lường hay định lượng hóa. Khác với những suy luận cá nhân hay phỏng đoán, phương pháp khoa học đòi hỏi dữ liệu phải chính xác tái lập qua đo lường.
Cần phải nói thêm là phương pháp khoa học không chỉ quan tâm đến đo lường, mà là một hệ thống phương pháp luận (methodology). Phương pháp luận từ cách đặt vấn đề, phát biểu giả thuyết, phương pháp chọn mẫu nghiên cứu, phương pháp đo lường, phương pháp phân tích dữ liệu đo lường, và logic trong diễn giải kết quả nghiên cứu.
Quay lại nghiên cứu của ngài TT, câu hỏi là có phương pháp luận không? Tôi đọc đi đọc lại, nhưng không thấy bất cứ một phương pháp nào hay bất cứ một phương pháp luận nào. Hyvọng rằng tôi đã bỏ sót.
Trong luận án, tác giả trích dẫn khá nhiều các văn kiện của chánh phủ và các tổ chức thế giới, thậm chí những câu ví von (như trình bày trên). Nhưng những văn bản đó chỉ là chất liệu, và chất liệu cần phải qua một quá trình phân tích (ví dụ như phân tích văn bản – documentation analysis) thì nó mới mang tính khoa học. Ví dụ như chương 4 (thực trạng của vấn đề), đáng lý ra là phần kết quả thì phải có phương pháp, nhưng rất tiếc là hoàn toàn không có bất cứ một phương pháp nào cả.
4. Nội dung
Phần quan trọng nhứt của một nghiên cứu cấp tiến sĩ là kết quả, là dữ liệu tạo ra. ‘Dữ liệu’ ở đây không chỉ đơn thuần là những con số, hình ảnh, hay biểu đồ, mà bao gồm cả thông tin do chính tác giả tạo ra. Người đọc luận án sẽ hỏi: sau 4 năm nghiên cứu, tác giả đã tạo ra cái gì, cái mà tác giả có thể tự hào nói ‘đó là của tôi’. Đóng góp của nghiên cứu sinh chính là ở đây: phần kết quả. Kết quả là ‘trái tim’ của một nghiên cứu, và đó là một điểm quan trọng mà các chuyên gia thẩm định luận án tập trung vào.
Luận án bảng tiếng Việt dài đến 305 trang, có vẻ khá dài so với luận án tiến sĩ bên ngành y vốn chỉ chừng 100-150 trang. Tuy nhiên, độ dài không quan trọng bằng nội dung. Vậy bạn đọc hỏi: nội dung luận án gồm những thành tựu nghiên cứu nào? Xin thưa là khó nói có thành tựu. Để các bạn hình dung luận án, dưới đây là danh sách các chương:
Chương 1: Tổng quan.
Chương 2: Những vấn đề lý luận về nghĩa vụ con người trong pháp luật.
Chương 3: Thực trạng nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và Việt Nam.
Chương 4: Quan điểm, giải pháp hoàn thiện nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và Việt Nam. Tuyên ngôn toàn cầu về nghĩa vụ của con người và kết luận.
Trong Chương 4, tác giả đưa ra một bản ‘Tuyên ngôn Toàn cầu về Nghĩa vụ của con người (Global Declaration of Human Responsibility)’ để đệ trình lên Liên Hiệp Quốc. Lời lẽ trong Tuyên ngôn rất trịnh trọng, nhưng có vẻ không phù hợp với văn phong khoa học của một luận án tiến sĩ:
“Để hiện thực hóa việc xây dựng và hoàn thiện Nghĩa vụ con người trong pháp luật, trước hết, chúng tôi đề xuất phải chính thức có một bản Tuyên ngôn Toàn cầu về Nghĩa vụ của con người (Global Declaration of Human Responsibility) để đệ trình lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc”.
Tác giả kết luận luận án bằng một ngôn ngữ đầy tự tin và … bay bổng:
“Trong những giải pháp mà luận án đề ra để nâng cao vai trò của Nghĩa vụ con người cũng như thúc đẩy việc thực thi có hiệu quả Nghĩa vụ con người, để chung tay xây đắp một thế giới văn minh đạo đức và phát triển bền vững, đặc biệt chúng tôi đề xuất bản Tuyên ngôn Toàn cầu về Nghĩa vụ con người. Chúng tôi tin rằng bản Tuyên ngôn này sẽ đáp ứng tính khoa học, lương tâm đạo đức của con người, cùng sánh vai kết hợp với Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền con người tạo thành đôi cánh vững chắc cho thế giới bay lên”.
Bạn đọc thử tưởng tượng: một cá nhân đưa ra bản ‘Tuyên ngôn Toàn cầu về Nghĩa vụ của con người’. Tôi tự hỏi việc làm đó có quá đà không? Mình mới là một nghiên cứu sinh từ một đại học chưa có danh tiếng trên thế giới, còn hạn chế về kiến thức và trải nghiệm, mà đã thay mặt các tổ chức thế giới đưa ra một bản tuyên ngôn với tham vọng áp dụng cho toàn cầu.
Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948 được một hội đồng các học giả xuất sắc trên thế giới soạn thảo cả năm trời, họ cẩn thận từng chữ, tham vấn hàng trăm học giả khác. Một cá nhân không thể làm được, hay cho dù là một vĩ nhân có thể làm được thì cũng chẳng ai chấp nhận. Phải nhìn vào thực tế.
Có thể nói rằng luận án chưa trình bày rõ tác giả đã phát hiện cái gì, phát kiến điều gì. Luận án có khá nhiều chữ, nhưng rất ít hay không có thông tin.
5. Tài liệu tham khảo
Trong luận án tiến sĩ, tài liệu tham khảo gián tiếp nói lên năng lực và kiến thức của tác giả. Thông thường, người viết luận án tiến sĩ trích dẫn các nghiên cứu trên các tập san khoa học, chứ ít ai trích dẫn từ sách giáo khoa. Trong luận án của ông TT thì thấy rất rất ít tham khảo các nghiên cứu công bố trên các tập san khoa học về luật. Thay vào đó, ứng viên liệt kê 34 tài liệu tham khảo (tiếng Anh), thường là sách, tài liệu của các tổ chức quốc tế, và luận án tiến sĩ trước đây.
Chỉ có 4 bài duy nhứt là từ tập san khoa học, nhưng cũng chỉ là một bài tổng quan (Journal of peace education and social justice, Jurisprudence Journal, Australian Social Work Journal, University of New South Wales Law Journal). Mà, ngay cả những trích dẫn các tập san này cũng rất hời hợt, không có bình luận hay phát biểu chánh kiến / ý kiến của mình.
6. Thành tựu của đào tạo
Mục tiêu sau cùng của chương trình học tiến sĩ là đào tạo ra những nhà khoa học chuyên nghiệp. Danh từ ‘Nhà khoa học’ ở đây phải hiểu rộng và bao quát hơn, chứ không phải chỉ là những người như tôi, tức làm việc trong môi trường khoa học thực nghiệm và y học. Nhà khoa học chuyên nghiệp là người có kiến thức chuyên sâu, có khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề, có kỹ năng nghiên cứu khoa học, và có năng lực thông tin.
Một thước đo của thành tựu nghiên cứu là bài báo khoa học. Thường, ở Việt Nam, nghiên cứu sinh trước khi bảo về luận án tiến sĩ đã công bố 2-3 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế hay quốc nội. Thế nhưng luận án của ngài TT thì không thấy liệt kê bất cứ bài báo khoa học nào mà ngài là tác giả.
Có thể xem chủ đề nghiên cứu (hãy tạm cho là ‘nghiên cứu’) của ông TT thuộc về lãnh vực khoa học xã hội. Vậy sau khi hoàn tất chương trình học, ông TT đã trở thành một professional social scientist / Nhà khoa học xã hội chuyên nghiệp? Kiến thức, như thể hiện trong luận án, thì e rằng chưa ở mức độ tiến sĩ. Khả năng phát hiện vấn đề chưa được thể hiện rõ ràng, vì những gì trình bày trong luận án còn khá hời hợt. Chỉ riêng lãnh vực Học thuyết Khế ước Xã hội mà vẫn chưa được bàn một cách thấu đáo.
Chưa rõ ngài TT học được kỹ năng nghiên cứu nào trong quá trình theo học. Kỹ năng thông tin của ngài TT cũng chưa đạt. Tiếng Việt thì tuy có vẻ hùng biện nhưng thực chất là thiếu tính logic trong trình bày.
Tiếng Anh thì có quá nhiều sai sót. Có thể nói trong suốt gần 400 trang, trang nào cũng có ít nhứt một sai sót. Sai sót về cách dùng chữ, sai sót về cách hành văn, sai sót về cấu trúc câu văn. Ngay từ những trang đầu, tác giả dịch cũng chưa đạt. Ví dụ như câu:
“MỖI NGƯỜI ĐẾN VỚI THẾ GIỚI NÀY ĐỀU CÓ TRÁCH NHIỆM XÂY DỰNG THẾ GIỚI TỐT ĐẸP HƠN, ĐỂ CÙNG NHAU THỤ HƯỞNG NHỮNG QUYỀN VÀ HẠNH PHÚC TRONG THẾ GIỚI ĐÓ”.
được dịch là:
“COMING TO THIS WORLD, EVERYONE HAS THE RESPONSIBILITY TO MAKE IT BETTER, THEN WE TOGETHER CAN ENJOY THE RIGHTS AND HAPPINESS HERE”.
Chưa bàn đến cái ý, chỉ bàn tiếng Anh đã thấy cách dùng chữ chưa đạt. Đó cách dịch từng chữ, mà ngay cả chữ ‘everyone’ (mọi người) đã khó hiểu. Câu văn gốc nhấn mạnh đến quyền lợi và hạnh phúc, gây ấn tượng rằng đó là một phần thưởng hơn là một thành quả của nỗ lực tập thể. Câu văn chưa đạt. Đáng lý ra tác giả nên suy nghĩ một cách dịch ‘Tây’ hơn, ví dụ như: ‘We all have a role to play in shaping a better world, where we can all thrive’.
Tuy nhiên, những thiếu sót về tiếng Anh thì cũng dễ hiểu, vì tác giả chưa quen với văn phong khoa học bằng tiếng Anh. Vì chưa quen văn phong khoa học, nên đa phần tác giả chỉ dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Tiếng Việt thì giàu cảm tính, nên khi dịch sang tiếng Anh có khi chẳng mang tính khoa học gì cả. Chẳng hạn như câu ‘Con người phải trồng lúa rồi mới có gạo để nấu cơm ăn’ mà tác giả dịch là ‘People must grow a field of rice before they have rice to cook’. Nếu là người am hiểu tiếng Anh, chẳng ai dịch dài dòng và ngô nghê như thế, chỉ cần đơn giản (ví dụ như): ‘People can harvest rice only after cultivating it’.
Mà, thật ra, câu văn nói đó có cần có trong luận án tiến sĩ? Theo tôi thì không, vì nó không phải là chứng cớ. Luận án là văn bản khoa học, mà khoa học đòi hỏi chứng cớ, và chứng cớ phải trình bày một cách trang trọng.
Ngay cả những cách viết về danh xưng cũng sai rất cơ bản và rất … Việt Nam. Ví dụ như “PhD Đoàn Trung Kiên, president of Hanoi Law University” mà đáng lí ra là “Dr. Đoàn Trung Kiên, President of Hanoi Law University”. Cần nhắc lại rằng PhD là tên của một loại văn bằng cấp tiến sĩ (degree), còn ‘Doctor’ là danh xưng (title). Người tốt nghiệp tiến sĩ có danh xưng là ‘Doctor’. Người tốt nghiệp cử nhân và cao học có danh xưng là ‘Mr’ hay ‘Mrs’ hay ‘Ms’ tuỳ theo trường hợp cụ thể, chứ chẳng ai viết ‘MSc Nguyễn Văn A’ cả. Càng chẳng ai viết kỳ lạ kiểu Việt Nam là “Associate Professor PhD Nguyễn Văn Tuyến” cả.
***
Một luận án tiến sĩ được đánh giá qua 4 tiêu chuẩn: (1) tính nguyên thuỷ của nghiên cứu (originality); (2) phương pháp luận (methodology); (3) kết quả nghiên cứu và phân tích; và (4) cách trình bày khúc chiết, kể cả viết văn. Dựa vào 4 tiêu chuẩn này, người đọc đánh giá luận án của ngài TT ra sao?
Công bằng mà nói, luận án tiến sĩ ‘Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam’ có nỗ lực tập trung vào chủ đề dung hoà giữa nhân quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong xã hội. (Tác giả dùng chữ ‘con người’, nhưng tôi nghĩ ‘thành viên xã hội’ hay ‘công dân’ nhẹ nhàng và phù hợp hơn). Tác giả kêu gọi một cách tiếp cận cân bằng, nhấn mạnh cả quyền lẫn nghĩa vụ để bảo đảm xã hội phát triển một cách hài hoà và nhân ái. Mặc dù tác giả cố gắng lý giải và có công tìm đọc, nhưng nhìn chung, luận án có nhiều điểm cần cải tiến:
• Về ý tưởng, là độc giả ngoài cuộc, tôi không thấy tác giả đã nêu nổi bật ý tưởng gì mới trong luận án này. Vấn đề cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ đã được nghiên cứu nhiều và viết nhiều trên hệ thống truyền thông, những gì tác giả trình bày chưa làm rõ tại sao cần đến luận án này.
• Về mặt phương pháp luận (methodology), luận án chưa đưa ra một luận điểm nào khả tín để cho thấy những lý giải của tác giả có cơ sở khoa học, cũng chẳng có phương pháp luận nào có thể xem là đạt tiêu chuẩn tái lập của một phương pháp khoa học / ‘scientific method’;
• Về phương pháp (method), luận án không có những nghiên cứu thực nghiệm một cách bài bản và có hệ thống. Đây là nhược điểm lớn nhứt. Vì thiếu dữ liệu cứng, nên tác giả tập trung vào những diễn giải có thể nói là mang tính chủ quan và thiếu cơ sở khoa học;
• Về nội dung, tác giả chưa đưa ra tầm quan trọng của luận án, chưa thuyết phục độc giả ‘tại sao tôi phải quan tâm’. Có vẻ như tác giả độc thoại nhiều hơn là viết cho người đọc đi tìm một giải pháp. Không rõ tác giả đã phát kiến điều gì mới, vì chưa thấy tác giả đã công bố một bài báo khoa học có bình duyệt;
• Về cách trình bày, ở nhiều chỗ trong luận án, tác giả sử dụng một văn phong ví von và cảm tính, thiên về cách viết báo phổ thông hơn là văn phong khoa học vốn khách quan và ‘lạnh lùng’. Đáng lý ra với một khả năng tiếng Anh còn nhiều hạn chế như thế, tác giả không nên mạo hiểm soạn luận án bằng tiếng Anh, vì người nước ngoài đọc được thì sẽ không có ấn tượng tốt về học thuật ở Việt Nam.
Cũng công bằng mà nói, tác giả có ý tưởng, nhưng chưa chứng minh được khả năng khai triển ý tưởng. Biểu hiện rõ nét nhứt là những câu văn chủ đề đọc lên khá ấn tượng, nhưng những câu văn sau đó thì chẳng ăn nhằm gì với ý tưởng. Không khai triển được ý tưởng có thể là do chưa điểm qua các nghiên cứu trước một cách đầy đủ (thể hiện qua phần tài liệu tham khảo), thiếu chiều sâu, thiếu cái nhìn tổng thể. Đây là ‘triệu chứng’ khá phổ biến ở VN, từ nghiên cứu sinh đến thầy cô, chớ chẳng riêng một nghiên cứu sinh nào.
Với những nhược điểm trên, không ai dám chắc rằng tác giả đã đạt mục tiêu đề ra. Thật ra, tác giả không có mục tiêu, mà chỉ có ‘nhiệm vụ’. Có lẽ luận án đã đáp ứng một phần trong 3 nhiệm vụ đề ra (tổng quan tình hình, phân tích lý luận, và đánh giá thực trạng), nhưng kết quả đó có ý nghĩa gì và đóng góp gì cho luật học thì chưa rõ.
Bản dễ đọc hơn: https://nguyenvantuan.info/…/doc-luan-an-tien-si-cua-tt…
*****
[1] Toàn văn của luận án của ngài được công bố trên trang của Bộ GDĐT: https://luanvan.moet.gov.vn/?page=1.33&view=38582
[2] Nếu các bạn thắc mắc một luận án tiến sĩ luật ở nước ngoài như thế nào, xin mời xem qua luận án của Sébastien Lorion (ĐH Copenhagen) về nhân quyền:
Các bạn sẽ thấy tác giả làm nghiên cứu rất bài bản. Có cả phỏng vấn để thu thập dữ liệu và phân tích văn bản. Luận án tiến sĩ không đơn giản như một bài luận văn phổ thông hay một bài nghị luận chánh trị theo một quan điểm nào đó. Cần thêm? Thì đây là một danh sách luận án tiến sĩ về luật tại London School of Economics:
Thật ra, luận án tiến sĩ ở Việt Nam – không chỉ trong ngành luật, mà ở tất cả các ngành khác – rất cần cải tiến. Cải tiến từ chương trình đào tạo sao cho đúng với chuẩn mực quốc tế.
N.V.T.
Nguồn: FB Nguyễn Tuấn