Russ Jones
Sau vụ ám sát cựu Tổng thống Donald Trump, cả đề cử viên Đảng Cộng Hòa năm 2024 này và Tổng thống Joe Biden đều kêu gọi đoàn kết và giảm bớt căng thẳng chính trị. Cựu tổng thống Trump đã thay đổi đáng kể phát ngôn của mình tại Hội nghị Quốc gia Đảng Cộng Hòa để tập trung vào sự đoàn kết quốc gia.
Đảng Cộng Hòa, Đảng Dân Chủ, và những người ủng hộ đôi bên đã sử dụng ngôn ngữ gây chia rẽ để mô tả đối thủ của họ, trong đó Đảng Cộng Hòa cáo buộc Đảng Dân Chủ là những người theo chủ nghĩa xã hội hoặc là mối đe dọa đối với các giá trị của Mỹ quốc, còn Đảng Dân Chủ miêu tả Đảng Cộng hòa là những kẻ cực đoan hoặc phát xít.
Một nghiên cứu của Pew Research năm 2023 cho thấy 86% người Mỹ tin rằng Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ đã tập trung vào việc công kích lẫn nhau hơn là giải quyết các vấn đề. Gần 70% những người được khảo sát nói rằng họ thất vọng vì thiếu thông tin khách quan về chính trị.
The Epoch Times đã trò chuyện với một số nhà lãnh đạo chính trị và văn hóa về việc liệu họ có nghĩ rằng Mỹ quốc có thể đoàn kết trước cuộc bầu cử năm 2024 hay không.
Sự đoàn kết sẽ trông như thế nào trong một xã hội bị chia rẽ?
Ông Chris Gorman từng là thành viên Đảng Dân Chủ trong những năm giữ chức vụ dân cử là Ủy viên Quận Jefferson và tổng chưởng lý tiểu bang Kentucky. Hiện tại, ông đang liên kết với Đảng Tiến Lên (Forward Party), một phong trào mà theo ông nói thì họ tìm cách tập hợp những người ôn hòa, theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống, và cấp tiến lại với nhau để hàn gắn sự chia rẽ chính trị của quốc gia. Ông Gorman chia sẻ với The Epoch Times rằng việc đồng thuận cư xử lịch sự với nhau là mục tiêu mà tất cả mọi người nên coi trọng.
“Điều thách thức chính là vừa đạt được sự đồng thuận trong phép lịch sự nhưng vẫn phải duy trì quyền tự do ngôn luận của chúng ta,” ông Gorman cho biết. “Điều làm cho chúng ta trở thành một quốc gia vĩ đại đó là chúng ta mang đến một cơ chế để quý vị có thể kiến nghị ôn hòa với chính phủ bằng cách sử dụng các quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp được Hiến Pháp bảo vệ.”
Ông Gorman nói rằng ông đã làm hết sức mình để đối đãi bình đẳng với mọi người bất kể khuynh hướng chính trị của họ. Ông hồi tưởng lại một lần khi ông tham dự cuộc vận động tranh cử của cựu tổng thống Trump vào năm 2016, khi đó ông đã đứng xếp hàng suốt hai tiếng đồng hồ để nghe cựu tổng thống phát biểu mặc dù ông khá bất đồng với quan điểm chính sách và thái độ của ông Trump. Ad
“Quyền lắng nghe là một quyền đi kèm với quyền tự do ngôn luận,” ông nói. “Tôi thật phát hoảng trước những người biểu tình Black Lives Matter khi họ xúc phạm mọi người và cố gắng ngăn cản quyền phát biểu của ông Trump.”
Ông Gorman, hiện là luật sư thành phố của Prospect, Kentucky, hy vọng rằng ít nhất người Mỹ có thể đoàn kết và công nhận rằng mọi người đều có quyền chia sẻ quan điểm của mình và công dân có quyền tụ tập an toàn để ủng hộ ứng cử viên họ ưa thích.
Ông Paul Begley bày tỏ với The Epoch Times rằng để xây dựng một xã hội thực sự đoàn kết, trước tiên chúng ta phải nhận ra rằng một liên minh giữa thiện và ác là bất khả thi. Những người có thế giới quan theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống hoặc Thiên Chúa Giáo không thể hạ thấp các giá trị đạo đức và văn hóa để mưu cầu sự đoàn kết.
“Sự chia rẽ của đất nước này cần phải chấm dứt,” ông Begley, một mục sư và là tác giả cuốn sách có nhan đề “Revelation 911: How the Book of Revelation Intersects with Today’s Headlines” (Khải huyền 911: Sách Khải Huyền Giao thoa với Tin Tức Ngày Nay Như thế nào), cho biết.
“Mỹ quốc cần được hàn gắn,” Ông chia sẻ.
Ông Begley đồng ý rằng sự chia rẽ đảng phái ngày càng tăng là một trở ngại đáng kể cho việc quản trị hiệu quả. Sự tương phản này vượt ra ngoài phạm vi chính phủ tiến vào xã hội rộng lớn hơn, khiến cho việc thỏa hiệp và phối hợp ngày càng trở nên khó khăn.
“Đoàn kết không có nghĩa là chúng ta hạ thấp khả năng nhận thức tội lỗi của mình,” ông Begley nói. “Ngay cả người không tin vào Kinh thánh, sự đoàn kết có thể có nghĩa là tôn trọng lẫn nhau và chấp thuận những ý kiến bất đồng một cách kính cẩn.”
“Những người chín chắn trong chúng ta cần nói rằng chúng ta là một quốc gia dưới sự che chở của Chúa, và chúng ta biết rằng chúng ta không thể đồng ý [với nhau] về mọi việc” ông Begley chia sẻ. “Hãy để các nhánh của chính phủ làm công việc của họ. Rồi hãy chấp nhận các quyết định đó và đồng thuận rằng chúng ta sẽ tuân thủ các quy tắc chung và không quá công kích lẫn nhau.”
Ngừng bôi xấu lẫn nhau
Ông Rickey Cole là một nông gia thế hệ thứ bảy ở Quận Jones và là cựu Chủ tịch Đảng Dân Chủ Mississippi. Ông nói với The Epoch Times rằng hầu hết người dân đều muốn những gì tốt nhất cho quốc gia và gia đình họ, nhưng những lời lẽ gay gắt đã làm mất đi ý nghĩa của sự tranh biện và sự đồng thuận lẫn nhau.
“Chúng ta cần ngừng bôi xấu lẫn nhau và ngừng trú ngụ trong buồng vang thông tin (echo chamber) của chính mình,” ông Cole nói. “Mỹ quốc có một di sản phong phú. Khi chúng ta không nghi vấn lòng yêu nước của người khác chỉ vì chúng ta có quan điểm khác với họ, thì sẽ dễ để đoàn kết hơn. Thật vô ích khi chúng ta nghĩ rằng mình đạo đức hơn người khác.”
Ông Cole là người ủng hộ việc loại bỏ thuế bán hàng đối với thực phẩm sản xuất tại Mississippi, cũng là thành viên trong Ủy ban Chương trình Hoạt động của Đảng Dân Chủ năm 2024.
Một số người cho rằng lời hùng biện về sự đoàn kết có thể ngăn cản việc tranh biện lành mạnh và lối suy nghĩ phản biện, vốn là những yếu tố rất cần thiết trong một nền dân chủ. Việc lạm dụng lời kêu gọi đoàn kết thậm chí có thể mang hàm nghĩa là sự phục tùng một cách mù quáng.
Xuyên suốt nhiều vấn đề và trong nhiều dịp khác nhau, Tiến sỹ Alveda King, cháu gái của Tiến sỹ Martin Luther King Jr., đã liên tục kêu gọi sự đoàn kết và hàn gắn ở Mỹ quốc. Bà King bày tỏ với The Epoch Times rằng để đạt được sự đoàn kết, thường cần phải giải quyết các vấn đề cơ bản gây ra sự chia rẽ.
“Điều quan trọng là phải tìm kiếm các giải pháp đôi bên cùng có lợi bằng cách không lấn át lẫn nhau,” bà King nói. “Để làm được điều đó, chúng ta phải sẵn lòng ăn năn và tha thứ.”
Bà King, một người ủng hộ hết mình cho cựu Tổng thống Trump, nói rằng Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa phải tránh cái nhãn là theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống hay tự do thiên tả vì những điều này cũng nguy hiểm và gây hiểu nhầm như bất kỳ cái nhãn nào khác.
“Đất nước chúng ta đang ở thời điểm quan trọng,” bà King nói. “Để tiến tới, chúng ta phải đối đãi với những người mà chúng ta bất đồng như Chúa đối đãi với chúng ta. Giữa lúc hỗn loạn như thế này, chúng ta phải bảo trì tâm thái ôn hòa.”
Giống như bác của mình, bà King ủng hộ việc kháng cự phi bạo lực và đối thoại ôn hòa, điều mà bà cho rằng có thể áp dụng vào đường hướng chính trị. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công nhận phẩm hạnh và giá trị của tất cả mọi người, bất kể xuất thân hay tín ngưỡng của họ, như một con đường dẫn đến sự đoàn kết.
“Một quyết định mang tính khởi đầu tốt đẹp và đoàn kết là hãy ngừng làm tổn thương lẫn nhau,” bà King nói. “Chúng ta phải trân trọng nhân phẩm của nhau.”
Xác định các mục tiêu chung
Thượng nghị sỹ Roger Marshall (Cộng Hòa-Kansas) cho rằng việc xác định các mục tiêu chung hoàn toàn có thể dẫn đến sự đoàn kết trong một số lĩnh vực của môi trường chính trị hiện tại. Bác sỹ Marshall nói với The Epoch Times rằng bài diễn văn lịch sử của Chủ tịch Teamsters Sean O’Brien tại Hội nghị Quốc gia Đảng Cộng Hòa ở Milwaukee là một ví dụ về sự phối hợp bất ngờ.
Khác với những lần hội nghị trước đây của Đảng Cộng Hòa, ông O’Brien đã có một diễn văn sôi nổi ủng hộ người lao động, trong đó thách thức ảnh hưởng của các tập đoàn lớn đối với chính trị.
“Chúng ta đều có một người bạn hoặc người nhà đã từng tham gia vào một nghiệp đoàn nào đó,” Bác sỹ Marshall nói, sau bữa ăn sáng mà ông tham dự với chủ tịch nghiệp đoàn Teamster. “Tôi đang xem xét cơ hội hợp tác với nghiệp đoàn này một cách có ý nghĩa cũng như đánh giá những điểm chung mà chúng tôi có.”
Bác sỹ Marshall đã hành nghề y ở Great Bend, Kansas, trong hơn 25 năm và phục vụ trong Lực lượng Dự bị của Lục quân Hoa Kỳ trong bảy năm. Ông cho rằng đối với việc tìm kiếm sự đoàn kết, nói thì dễ hơn làm, nhưng đã đến lúc phải bỏ qua những lời hoa mỹ.
Các nghiên cứu cho thấy mạng xã hội có khuynh hướng khuếch đại các thông điệp chính trị mang tính cảm xúc và đạo đức, mà điều này có thể làm gia tăng quan điểm trái chiều và tạo ra sự mất đoàn kết. Những bài viết với ngôn từ giàu cảm xúc và đạo đức hơn sẽ có nhiều cơ hội được chia sẻ và lan truyền hơn. Sau đó, các thuật toán của mạng xã hội thường hiển thị cho người dùng nội dung phù hợp với niềm tin chính trị của họ, tạo ra “buồng vang thông tin” có thể củng cố các quan điểm hiện hữu cũng như hạn chế việc tiếp xúc với các quan điểm đa dạng hơn.
“Thành thật mà nói, chúng ta cần phải tắt TV đi thôi,” Bác sỹ Marshall bày tỏ. “Đặc biệt là trên tin tức truyền hình cáp, mục tiêu của họ là khiến chúng ta bực bội. Tôi hiểu rằng hễ có tin tức tiêu cực, thì đó sẽ là tin tức hàng đầu, nhưng giới truyền thông cũng là nguyên nhân tạo thêm sự chia rẽ.”
Là một bác sỹ sản/phụ khoa, ông Marshall cho biết ông đã hộ sinh hơn 5,000 trẻ sơ sinh, điều mà ông cho rằng đã mang lại cho ông sự kính trọng và lòng nhiệt huyết đối với sự thiêng liêng của sự sống cũng như kiến thức sâu rộng về hệ thống y tế.
Trong khi cùng nhau hướng tới các mục tiêu chung giúp xây dựng sự đoàn kết giữa các đồng nghiệp, Bác sỹ Marshall cho rằng việc hiểu những vấn đề không thể thương lượng được của người khác là điều cần thiết.
“Tôi biết mình sẵn sàng hi sinh vì điều gì,” Bác sỹ Marshall bày tỏ.
Tuệ Minh biên dịch