Hồi còn bé nơi thành phố quê hương vùng đồng bằng Sông Cửu, chị em tôi như bao nhiêu đứa trẻ khác, nao nức đợi ngày Xuân về Tết đến để được mặc quần áo mới, đuợc đốt pháo, được nghỉ học đi chơi, đi thăm bà con chúc Tết, đuợc lắc “bầu cua cá cọp”, và hơn hết là được những phong bao lì xì!
Nhà cửa mọi nơi đều được sơn phết, quét dọn sạch sẽ, các bộ lư đồng trên bàn thờ gia tiên được mang ra lau chùi lại sáng loáng. Nghe ra không khí Tết rồi đây! Vì chợ búa đóng cửa trong mấy ngày Tết nên mọi người đều bận rộn nấu nướng, kho thịt, gói bánh tét, gói nem… để cúng ông bà và dành cho gia đình hay khách khứa đến dùng.
Vào những ngày giáp Tết, những chiếc xe thổ mộ từ ngoại ô lóc cóc chạy về thành phố, chở đầy ắp các loại hoa không thể thiếu trong ba ngày Tết như hoa mai, hoa cúc, hoa huệ, hoa vạn thọ. Hình ảnh xe thổ mộ là hình ảnh thân thuơng quen thuộc đối với người dân Sài Gòn và lục tỉnh qua bao thế hệ. Tên thổ mộ có nguồn gốc từ chữ Thụ Mã của người Hoa ở Việt Nam. Họ đọc trại ra là Thụ Mạ nhưng giọng phát âm không rõ nên nghe như là Thổ Mộ. Còn người Việt lại nói vì mui xe ngựa được đóng khum khum y như cái gò mộ đất nên gọi là Thổ Mộ.
Thấy những xe thổ mộ chở hoa là biết Tết đã gần kề, mùi Tết đã chan hòa nơi nơi. “Mùi Tết” không chỉ đến từ nhang trầm tỏa khói hương nghi ngút trên bàn thờ từ chiều 30 đến lúc giao thừa và suốt ba ngày Tết, mà “mùi Tết” bàng bạc khắp bầu trời trong xanh màu ngọc bích, trên gió xuân dịu mát lay động chùm hoa nắng xôn xao trên vòm cây bãi cỏ, đến những hiên nhà ngập nắng làm sáng rỡ hàng hoa vạn thọ. Cảnh và nguời đều lâng lâng reo vui. Cứ thế mà tuổi thơ của tôi đã ngập đầy “mùi Tết”, những ngày Tết thật vui và cũng thật bình an…
Xe ngựa trên đường phố Sài Gòn xưa – Ảnh: vannghe.blogspot
* * *
Ai biết mình tóc trắng
Vì yêu ngọn lửa tàn
Rừng khuya bên bếp lạnh
Ngồi đợi gió sang canh
(Tuệ Sỹ)
Mấy muơi năm rồi trên xứ người, chúng ta đã ngồi đợi gió sang canh trong đêm trừ tịch. Đếm từng thời khắc năm cũ đi qua, lòng se lạnh khi đón thêm một mùa Xuân nữa tha hương. Nghĩ đến sự chuyển dịch tuần hoàn của vũ trụ, của trời đất vô thường, mà cảm thuơng xác thân nầy nhỏ bé quá, thân phận người mong manh quá, thực quả như “mộng huyễn bào ảnh, như ánh chớp mây chiều”.
Trên xứ người giờ đây, những mùi Tết năm xưa của đất trời, của khói huơng, của hoa kiểng, của pháo nổ… tất cả đã đi vào quá khứ. Mùi Tết đã dần nhạt phai khi thời gian ngã màu vàng úa trên cuộc đời. Có còn chăng đôi chút là trong đêm trừ tịch, đi lễ chùa lúc nửa đêm, nghe tiếng chuông đổ liên hồi, tiếng pháo nổ rền vang, khói trầm hương nghi ngút quyện lẫn tiếng kinh cầu trong thời khắc giao thoa của trời đất, Tết về rồi đó ta ơi!
Ngày Tết, nguời ta thuờng chúc nhau “mùa Xuân Di Lặc”, “nụ cuời Di Lặc” và đến các Chùa Việt Nam và Trung Hoa, chúng ta thấy bên ngoài chánh điện có một tượng Phật ngồi mập mạp, bụng to, cười vui vẻ sảng khoái mặc dù trên người đang có 5 đứa trẻ đeo theo chọc phá. Đó là tượng Phật Di Lặc, vị Phật Tương lai, vị Phật Cười.
Danh hiệu Đức Di Lặc
Bồ Tát Di Lặc được cả ba truyền thống Nam Tông, Bắc Tông và Mật Tông tôn kính nói đến trong các Kinh điển. Ngài có tên gọi là Maitreya (Sanskrit), hay Metteya (Pāli) hoặc Jampa (Tây Tạng). Tên gọi Maitreya có nghĩa là lòng “Từ mẫn”. Hán dịch là Từ Thị hay A Dật Đa.
Tuy nhiên một số giáo sư Phật học như Erich Frauwallner, Hakiju Ui… cho rằng có 2 vị cùng tên Di Lặc, đó là Bồ Tát Di Lặc Maitreya và Luận sư Di Lặc Tôn (Maitreya-nātha, khoảng 270-350 TL) là tên một nhân vật lịch sử trong 3 vị luận sư khai sáng Du-già Duy thức tông.
Bồ Tát Di Lặc hiện đang ngự tại cõi trời Đâu Suất (Tusita) thuyết pháp cho chư thiên ở cõi trời này. Ngài là Bồ Tát được Phật Thích Ca Mâu Ni thọ ký trở thành vị Phật tương lai vào cuối thời mạt pháp khi Chánh pháp ở thế gian nầy không còn dấu vết.
Theo truyền thống Phật giáo, một kiếp của Phật được chia làm ba thời kỳ: 1/Chánh pháp kéo dài 500 năm; 2/Tượng pháp kéo dài 1.000 năm; 3/Mạt pháp kéo dài 10.000 năm; và sau đó, Phật pháp diệt tận: chúng sanh chìm nổi trong hỗn loạn và đau khổ. Lúc đó, Bồ-tát Di Lặc từ cung trời Đâu Suất hạ sanh xuống cõi đại địa nầy để cứu độ chúng sinh và thành Phật dưới cội Long Hoa nên chúng ta thường niệm danh hiệu Ngài là Nam Mô Long Hoa Giáo Chủ Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật.
Hình tượng Bồ Tát Di Lặc
* Tại Ấn Độ, theo ngài Huyền Trang và Pháp Hiền trong khi chiêm bái và cầu pháp ở Tây Trúc đã nhìn thấy và mô tả lại những tượng Di Lặc rất lớn ở nhiều nơi như Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) và dưới chân núi cao ở Darel thuộc phía Bắc bang Kashmir, có niên đại từ thế kỷ I và thế kỷ II.
Từ thế kỷ II trở đi, các quốc gia Phật giáo ở Tây Á và dọc theo Con đường Tơ Lụa thuộc nền văn hóa Gandhara đã tạc rất nhiều hình tượng Bồ tát Di Lặc theo phong cách Ấn Độ. Một số tượng Bồ tát Di Lặc theo phong cách Gandhara, thế kỷ thứ II, đến nay vẫn còn được bảo tồn ở Pakistan.
* Ở Tây Tạng, Di Lặc được gọi là Jam-pa, khi thể hiện ở tư thế ngồi thì đôi chân buông xuống đất theo kiểu ngồi ngai (hiện tọa), còn gọi là kiểu ngồi chúc phúc và được phục trang như một vị Phật. Đây cũng là thể thức của tượng Di Lặc được đặt ở đền Chandi Meudut, hành lang của Tháp Stupa Borohudur ở Java, Nam Duơng hồi thế kỷ thứ 8. Nói chung, hình tướng về Di Lặc ở các quốc gia Phật giáo châu Á đặc biệt phong phú, phổ biến là dạng Bồ-tát hình hay Phật hình.
Tượng Phật Di Lặc Phật Giáo Tây Tạng ở Bồ Đề Đạo Tràng
Tượng Phật Di Lặc Phật Giáo Tây Tạng ở Ladakh – Bắc Ấn Độ
* Tại Trung Hoa, từ trước đời nhà Đường thế kỷ thứ 10, đại đa số tượng Di Lặc được thể hiện ở dạng Bồ-tát: đầu đội mão báu, thân mặc thiên y, đeo chuỗi anh lạc, đang thuyết pháp cho chư thiên ở cõi trời Đâu Suất (theo kinh Di Lặc thượng sinh) như Tượng Đại Phật Di Lặc ở Lạc Sơn, Tứ Xuyên, Trung Quốc được khởi tạo năm 713 là một điển hình.
Nói chung, đó là các dạng tượng Di Lặc chính thống, không có điểm nào giống với loại tượng Tăng hình: mập mạp, phanh bụng, bày ngực, toét miệng cười – được xác định gốc từ nguyên mẫu “Bố Đại Hòa thượng” (Hòa thượng có túi vải lớn), tức Hòa thượng Khiết Khử, sống vào cuối đời Đường, ở Triết Giang.
Trong Phật giáo Trung Hoa từ thế kỷ thứ 10, Bố Đại Hoà Thượng một phần là truyền kỳ, một phần có lịch sử. Theo Truyền đăng lục, quyển 27, ngài sống thời Hậu Lương, tịch năm 916. Ngài là một lãng tử không có nơi cư ngụ cố định. Bất cứ đi đâu ngài đều mang trên vai một cái đãy (túi) rất lớn, xin được thứ gì đều bỏ vào đó. Sau đó đem phân phát lại cho con nít và người nghèo vừa giảng Phật Pháp cho họ. Tại Trung Hoa, Bố Đại Hòa Thượng được coi là hoá thân của Bồ Tát Di Lặc vì khi tịch, Ngài có để lại bài kệ như sau:
Di Lặc chân Di Lặc
Phân thân thiên bách ức
Thời thời thị thời nhân
Thời nhân tự bất thức.
(Di Lặc thật Di Lặc
Phân thân nghìn trăm ức
Luôn thị hiện vì đời
Người đời không tự biết)
Từ đó, người ta họa hình ngài với dáng vẻ rất tự tại, hoan hỷ, có năm đứa trẻ vây quanh.
Các chùa Trung Hoa và Việt Nam đều thờ Đức Di Lặc theo hình tướng hóa thân của Ngài là Bố Đại Hoà thượng.
Hình ảnh Phật Di Lặc qua Bố Đại Hòa Thượng có cái bụng phình to thể hiện nội lực sung mãn và lòng từ của vị thiền sư. Năm đứa trẻ tượng trưng cho năm trần: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc (lẽ ra là sáu trần nhưng do Pháp trần không có hình tướng nên không biểu hiện được). Sáu trần như là sáu tên giặc, gọi là lục tặc. Vậy bộ mặt thật của sáu tên giặc này là gì? Phật Quang Đại từ điển giải thích: Lục tặc là sáu tên cướp. Sáu trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, nhờ sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý làm môi giới, cướp đoạt công năng tài pháp của người tu cho nên ví nó như sáu tên giặc cướp.
Nhưng Bồ Tát Di Lặc đã điều phục được Tâm nên không dính mắc với cảnh bên ngoài để nổi giận khi bị lục tặc phá phách và với lòng Từ như danh hiệu của Ngài, Ngài đã không phiền não với đám lục tặc nầy mà lòng vẫn từ bi rộng nở nụ cười hỷ xả.
Tượng Phật Di Lặc Bố Đại Hòa Thượng Chùa Phước Huệ Sydney (Photo: Ngọc Anh Trần)
Phật Di Lặc cũng đi đến thế giới phương Tây khi họ đề cập đến Ngài là Ông Phật Cười (Laughing Buddha), Ông Phật Mập (Fat Buddha), Phật Phát Tài (Lucky Buddha), Phật Vui Vẻ Hạnh Phúc (Happy Buddha)…
Theo Trần Kiêm Đoàn, “giới chuyên gia và trí thức Mỹ không tìm đến đạo Phật bằng hình thức thờ cúng lễ bái mà tìm đến với đầu óc, tinh thần học thuật. Điển hình như trong ngành y khoa tâm lý trị liệu (psychotherapy), những chuyên viên y khoa tâm lý trị liệu Mỹ đã “tập đại thành” ý nghĩa nụ cười Di Lặc thành một tài liệu giáo khoa dưới tiêu đề “Cẩm Nang Tâm lý Trị Liệu Theo Phương Pháp Phật Di Lạc Dành Cho Thế Giới Phương Tây” (Happy’s Buddha Hoslistic Counseling Manual for People of the Western World). Mở đầu tài liệu nầy là một câu xác định đầy… hấp dẫn như sau:
Tại sao Ông Phật lại vui sướng nhỉ?!
– Vì chẳng giống như người thường – những kẻ chưa giác ngộ (unlightened person) – chỉ hiểu mọi điều qua đầu óc phân tích và lý luận chật chội của riêng mình, Ông Phật (bậc giác ngộ “Enlightened One”) hiểu bằng trí huệ toàn giác. Đấy là sự mở toang mọi cánh cửa phân tích, lý luận, trực giác, siêu hình… để tiến thẳng vào tánh thật và tướng thật của vạn pháp thường hằng rỗng lặng, giản đơn, không còn biên giới phân chia sướng khổ, vui buồn, yêu ghét nên Ông Phật cười!… ”
Trong Phật giáo và trong dân gian, mỗi lúc Xuân về, người ta thường nghe cụm từ “Xuân Di Lặc”. Xuân Di Lặc là Xuân an vui, như hình ảnh của Đức Di Lặc lúc nào cũng tươi cười tự tại trong thế giới đầy phiền-não-truợc của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Tuy nhiên, hình ảnh Đức Di Lặc bụng lớn miệng cười vui vẻ ngày nay đã bị thế gian hóa, thuơng mại hóa nặng nề và càng ngày càng bớt đi sự tôn nghiêm.
Tất nhiên ngày Mùng Một Tết là ngày khởi đầu một năm mới nên ai ai cũng hân hoan chào đón và hy vọng mọi việc vui tươi tốt lành trong ngày đó để được may mắn tốt lành trọn năm. Nhưng qua thời gian, hình ảnh Ông Phật Cuời đã bị con người pha trộn với nhu cầu của thế tục, nhu cầu giàu sang và của cải vật chất đã làm lệch đi lý tưởng và giá trị nguyên thủy của Phật giáo nói chung và tuợng Phật Di Lặc nói riêng. Vì hy vọng của cải dồi dào, cuộc sống may mắn mà nguời ta biến hình tuợng Ông Phật Cuời, Phật Di Lặc trở thành tuợng Ông Thần Tài khi cho Ngài cầm thỏi vàng trên một tay hay cả hai tay nâng một lượng vàng to tuớng.
Chúng ta hãy tìm lại nụ cười nguyên sơ của Đức Di Lặc, một nụ cười Từ Bi Tuệ Giác luôn đem lại niềm vui, an bình cho những ai cầu tìm khấn nguyện Ngài, một nụ cười mà giới chuyên gia Mỹ đã viết rằng: đó là nụ cười của bậc giác ngộ.
Trong Đêm Trừ Tịch bước sang Năm Mới, nguyện cầu thế giới được thanh bình, an lạc, dân tộc Việt Nam hết cơn khổ nạn để nụ cười hạnh phúc, nụ cười Di Lặc bình an được trở về trên môi mọi người.
Ngọc Hân, đầu năm 2019
* Hình ảnh trên Internet