Ngại cưới, lười sinh đang ngày càng trở thành xu hướng đáng báo động, đặc biệt tại một số đô thị lớn, có kinh tế – xã hội phát triển ở Việt Nam. Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), giá nhà tăng cao là một phần nguyên nhân rất lớn thúc đẩy xu hướng này.
Báo động xu hướng người trẻ ngại cưới, lười sinh
Số liệu mới nhất Tổng cục Thống kê công bố ngày 1/8/2024, tuổi kết hôn lần đầu ở Việt Nam ngày càng tăng. Năm 2023, tuổi kết hôn lần đầu trung bình là 27,2; trong khi năm 2022 là 26,9 và năm 2021 là 26,2. Nam giới Việt lấy vợ khi gần 30 tuổi, thậm chí có địa phương tuổi kết hôn lần đầu trung bình của nam nữ là 30,4.
Đông Nam bộ hiện là vùng người dân kết hôn lần đầu muộn nhất, ngoài 29 tuổi. Trong đó, tuổi kết hôn lần đầu của người TP.HCM là 30,4 tuổi; Bà Rịa – Vũng Tàu là 29,3 tuổi. Khánh Hoà là 29,1 tuổi. Con số này của người Hà Nội là 27,9 tuổi, cao nhất trong vùng Đồng bằng sông Hồng.
Đáng lo ngại, thanh niên hiện nay, đặc biệt ở các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển có xu hướng ngại lấy vợ, thích cuộc sống độc thân, kết hôn muộn.
Tại Lễ kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam 26/12 và tổng kết công tác dân số năm 2023, đại diện Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết theo số liệu ước tính, tổng tỷ suất sinh năm 2023 của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 (2,01 con/phụ nữ) và ở dưới mức sinh thay thế. Kết quả này không đạt kế hoạch đề ra (2,1 con/phụ nữ).
Ông Mai Trung Sơn, Cục Dân số, cho biết giảm sinh là xu hướng toàn cầu nhưng Việt Nam “nhanh hơn thế giới” và ngày càng rõ nét. Nếu những năm trước, phụ nữ thành thị sinh hơn 1,7 con, hai năm gần đây, mức sinh xuống thấp dưới 1,7. Ở nông thôn, mức sinh năm 2023 ước tính cũng xuống dưới mức sinh thay thế, trong khi vài năm trước, con số này tiệm cận mức 2,4.
Xu hướng ngại sinh con ngày càng phổ biến ở các đô thị lớn, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM. Số con trung bình của một phụ nữ TP.HCM trong độ tuổi sinh đẻ giảm ở mức đáng báo động, từ mức 1,42 năm 2022 xuống còn 1,32 năm 2023.
Gần hai thập kỷ qua, mức sinh ở TP.HCM dao động ở mức 1,24 – 1,7, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế Việt Nam đang duy trì (2 – 2,1 con trên mỗi phụ nữ).
Theo các chuyên gia dân số, xu hướng ngại cưới, ngại sinh của giới trẻ không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà đang là vấn đề đáng lo ngại tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank), có đến 89 trong số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới hiện có tổng tỷ suất sinh dưới mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ, trong khi cách đây 50 năm chỉ có 8 quốc gia. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của Nhật Bản (34), Italy (34), Pháp (32,9), Nauy (33,1), Đức (32,8).
Như tại Trung Quốc, quốc gia tỷ dân vốn theo đuổi chính sách kiểm soát mức sinh khắc nghiệt, nay Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với vấn đề người trẻ sợ hôn nhân, ngại sinh con.
Theo số liệu chính thức công bố mới đây của Bộ Nội vụ Trung Quốc, số lượng các cặp kết hôn trong nửa đầu năm 2024 của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013. Dự báo, con số này năm 2024 sẽ giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 1980 khi nước này ghi nhận 7,2 triệu cặp kết hôn. Độ tuổi kết hôn trung bình của người Trung Quốc cũng tăng lên 28,67 vào năm 2020, từ mức 24,89 vào năm 2010.
Hệ lụy của những nỗi sợ
Có nhiều nguyên nhân khiến người trẻ có xu hướng ngại cưới, lười sinh. Nhưng nguyên nhân chủ yếu có lẽ là từ áp lực cuộc sống ngày càng lớn. Có nhiều nỗi sợ bủa vây người trẻ: sợ không đủ tài chính lo cho cuộc sống gia đình, lo cho con cái học hành, sợ không có đủ tiền mua nhà, sợ trách nhiệm với gia đình…
Đặc biệt tại các thành phố lớn, các vùng kinh tế – xã hội phát triển, chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ khiến áp lực lên người trẻ không ngừng gia tăng. Nuôi một đứa trẻ bây giờ không còn đơn giản như cách đây cả chục năm với tiền ăn, tiền học ngày càng chiếm nhiều phần thu nhập của cha mẹ.
Theo VARS, giá nhà tại các đô thị lớn không ngừng tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân chính góp phần thúc đẩy xu hướng tiêu cực này trong người trẻ. Người Việt vẫn có quan niệm an cư lạc nghiệp nên việc có được nơi ở ổn định vẫn là một ưu tiên hàng đầu.
Nhiều bạn trẻ đặt mục tiêu có nhà rồi mới lập gia đình. Vì thế, khi giá nhà càng tăng cao trong những năm gần đây thì mục tiêu đó càng thêm khó khăn, khiến họ có tâm lý lao vào kiếm tiền, tạm gác lại việc lập gia đình, sinh con.
Thực tế, tại TP.HCM và Hà Nội, giá nhà trong những năm gần đây chỉ tăng mà không giảm. Trong giai đoạn 2016 – 2018, giá nhà đất tại TP.HCM liên tục tăng cao và lập đỉnh. Từ năm 2019, khi giá nhà đất tại TP.HCM có xu hướng giảm nhiệt thì lại là thời điểm giá nhà đất tại Hà Nội tăng không ngừng.
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý II/2024 ở Hà Nội do Savills Việt Nam công bố hôm 11/7, chung cư giá dưới 45 triệu/m2 không có nguồn cung mới. Giá căn hộ đã tiệm cận 65 triệu đồng/m2.
Giá nhà tăng cũng kéo giá thuê nhà tăng theo gây áp lực lên chi phí sinh hoạt của người dân. Tiền thuê nhà, sinh hoạt hàng tháng chiếm gần hết thu nhập cả tháng khiến các cặp vợ chồng trẻ ngại sinh con hoặc chỉ sinh 1 con. Trên thực tế, Hà Nội và TP.HCM cũng là 2 nơi có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất cả nước.
Nhìn sang Trung Quốc, nỗi lo tài chính 4K – “không nghề, không tiền, không nhà, không vị thế” cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến người trẻ nước này chọn 2K – “không kết hôn, không sinh con”.
Việc ngại cưới, sinh con gây ra nhiều hệ lụy xã hội, như thiếu hụt lực lượng lao động trẻ, giảm năng suất lao động, tăng gánh nặng an sinh xã hội… Để giải quyết vấn đề này, VARS kiến nghị Nhà nước cần triển khai các biện pháp đã có và nghiên cứu, xây dựng các chính sách khuyến khích rõ ràng hơn như ưu tiên hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần đối với cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con.
Theo VARS, giải pháp gốc rễ cho vấn đề “ngại cưới, lười sinh” thực tế nhất, là giải quyết bài toán về nhà ở cho người dân. Theo đó, bên cạnh việc tăng cung nhà ở xã hội tại đô thị, Nhà nước cần nghiên cứu các chính sách can thiệp để phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền.
Phan Vũ