Rồng nuốt chửng gấu trong cuộc tầm cầu ngôi bá chủ thế giới

Tác giả Kevin Andrews

Rồng nuốt chửng gấu trong cuộc tầm cầu ngôi bá chủ thế giới
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Kremlin ở Moscow hôm 21/03/2023. (Ảnh: Sergei Karpukhin/Sputnik/AFP qua Getty Images)

Chuyến công du gần đây của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm “người bạn tri kỷ” của ông ấy ở Moscow, Vladimir Putin, đánh dấu một giai đoạn mới trong nỗ lực của ông Tập nhằm tạo ra một trật tự thế giới mới do các chế độ độc tài thống trị.

Lý do bề ngoài của chuyến thăm là để thúc đẩy kế hoạch hòa bình của Trung Quốc cho cuộc chiến ở Ukraine, nhưng kết quả của chuyến thăm này để lộ mưu toan thực sự.

Diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) thông báo rằng lệnh bắt giữ ông Putin đã được ban hành với cáo buộc trục xuất trẻ em Ukraine sang Nga, chuyến thăm của ông Tập là một sự cứu giúp cho nhà lãnh đạo Nga đang tứ bề khốn khó này.

Trên thực tế, chính quyền Trung Quốc lại một lần nữa bác bỏ luật pháp quốc tế, trong đó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân tuyên bố rằng ICC nên đưa ra một quan điểm “khách quan,” giải thích và áp dụng luật pháp quốc tế một cách “thiện chí,” và không sử dụng “tiêu chuẩn kép.”

Chuyến thăm Nga đã trợ giúp cho ba mục tiêu của ông Tập: đoàn kết chống lại kẻ thù chung, Hoa Kỳ; thúc đẩy tham vọng đã tuyên bố rõ ràng của ông ấy là thay thế nền dân chủ trở thành chuẩn mực toàn cầu; và thiết lập quyền bá chủ của Trung Quốc, đặc biệt là trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Sau khi che giấu quan điểm của mình đối với cuộc xung đột Ukraine, thì các sự kiện gần đây lại cho thấy những ý đồ thực sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Cái gọi là “kế hoạch hòa bình” của Trung Quốc chưa bao giờ là một đề xướng hòa bình thực sự.

Các binh sĩ Trung Quốc đến nhà ga xe lửa Grodekovo để tham gia các cuộc tập trận mô phỏng chiến tranh ở Grodekovo, Primorsky Krai, Nga, trong một bức ảnh tĩnh từ đoạn video được phát hành vào ngày 29/08/2022. (Ảnh: Dịch vụ Báo chí Bộ Quốc phòng Nga qua AP)

Hòa bình thực sự đòi hỏi tôn trọng sinh mệnh con người cũng như đề cao phẩm giá và quyền tự do của con người, những giá trị bị cả Nga và Trung Quốc bác bỏ.

ĐCSTQ không thể lên án cuộc xâm lược mà không làm suy yếu khát vọng giành lấy Đài Loan của bản thân mình. Họ cũng không thể cho phép sự thương cảm đối với Ukraine trở nên lớn mạnh ở Trung Quốc.

Các chỉ thị cho giới truyền thông Trung Quốc bị rò rỉ hồi năm ngoái bao gồm cả các hướng dẫn như không được đăng bất cứ điều gì “không có lợi” cho Nga và “có lợi” cho phương Tây, cũng như phải sử dụng cơ chế kiểm duyệt để lọc các bình luận.

Các bản hướng dẫn này cho biết, “Trung Quốc phải hỗ trợ Nga về mặt tinh thần và đạo đức trong khi kiềm chế không làm Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu khó chịu vì trong tương lai, Trung Quốc sẽ cần sự hỗ trợ của Nga khi đối phó với Mỹ để giải quyết dứt điểm vấn đề Đài Loan.”

Nếu ông Putin thất bại, thì các khát vọng của ông Tập sẽ bị ảnh hưởng.

Biến Nga thành một nước chư hầu

Ông Tập không chỉ không lên án cuộc xâm lược bất hợp pháp của ông Putin, mà còn hỗ trợ cả về ngôn từ và vật chất, chuyến thăm của ông ấy là ví dụ rõ ràng nhất.

Việc bán khí đốt cho Trung Quốc giúp thúc đẩy nền kinh tế Nga và quan trọng đối với sự thịnh vượng của Trung Quốc. Thiết bị đều có khả năng sử dụng kép dân dụng/quân sự, chẳng hạn như phi cơ không người lái và súng trường, đang được cung cấp cho Nga và được sử dụng trong cuộc chiến. Nga được cho là cũng đang dựa vào các vệ tinh và thiết bị khác của Trung Quốc trong cuộc xung đột này.

Ông Tập cũng sử dụng chuyến thăm này để tài trợ cho một diễn đàn quốc tế thay thế, Đối thoại Cao Cấp của ĐCSTQ với Cuộc họp Cao Cấp của Các đảng Chính trị Thế giới về Sáng kiến Văn minh Toàn cầu Mới [GCI]. Điều này là để chống lại Hội nghị thượng đỉnh vì Dân chủ của Hoa Kỳ và thúc đẩy nghị trình toàn trị toàn cầu được biết của ông ấy.

Ông Tập nói với ông Putin rằng “sự thay đổi đang đến” và họ đang cùng nhau thúc đẩy nó.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bước vào một hội trường trong cuộc họp tại Điện Kremlin ở Moscow hôm 21/03/2023. (Ảnh: Alexey Maishev/Sputnik/AFP qua Getty Images)

Một ông Putin ngày càng tuyệt vọng lại cảm thấy biết ơn sự ủng hộ của ông Tập, và cuộc hội đàm đó đã bộc lộ những điểm yếu của ông ta. Nga đang ngày càng phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, một vị thế mà ông Tập sẽ khai thác để giảm các loại giá thành.

Bất chấp những luận điệu chính trị về liên kết đối tác “không giới hạn” giữa hai người họ, thì mục đích cuối cùng của ông Tập vẫn là để Nga trở thành một nước chư hầu. Tốt hơn hết là, để Trung Quốc cuối cùng cai quản vùng Siberia giàu tài nguyên và bờ biển phía đông của đất nước này, phía bắc Vladivostok, tạo khả năng gây áp lực lớn hơn đối với Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Có lẽ bình luận kỳ lạ nhất là việc ông Tập ủng hộ ông Putin trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào năm tới. Không một chút mỉa mai nào khi nói rằng ít nhất Nga cũng giả vờ tổ chức bầu cử!

Trong khi ông Tập đến thăm ông Putin, một cuộc gặp quan trọng khác cũng diễn ra, cụ thể là giữa các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Ấn Độ.

Thủ tướng Fumio Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng của bầu trời và vùng biển tự do, rộng mở ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nhắc lại tầm quan trọng của luật pháp quốc tế.

Ông nói về bốn trụ cột cho khu vực: duy trì hòa bình, giải quyết các vấn đề toàn cầu mới trong sự hợp tác với các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đạt được kết nối toàn cầu thông qua các nền tảng khác nhau, và bảo đảm an toàn cho vùng biển và bầu trời rộng mở này.

Cuộc họp diễn ra khi các quốc gia khác, chẳng hạn như Philippines, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với các quốc gia dân chủ có cùng chí hướng.

Cuộc gặp giữa ông Tập và ông Putin củng cố thêm nhu cầu của các quốc gia dân chủ trong việc ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ chống lại chủ nghĩa toàn trị “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh.”

Cẩm An biên dịch

Related posts