BTV Tiếng Dân
13-9-2024
Hai ngày trước, cư dân mạng chia sẻ bức ảnh khiến nhiều người xúc động. Bức ảnh ghi lại cảnh giữa mênh mông nước, một người đàn ông đẩy chiếc thau, trên thau là vợ và con ông. Nhiều người chia sẻ ảnh này với nội dung cho rằng, đây là hình ảnh chạy lũ của một gia đình ở xã Ngọc Linh, Vị Xuyên, Hà Giang. Thế nhưng, đây là ảnh dàn dựng.
Nhà thơ Bùi Chí Vinh có bài thơ “Cú Lừa Ngoạn Mục” nói về bức ảnh này: Hồi nhỏ đọc truyện ngắn ANH PHẢI SỐNG Của nhà văn Khái Hưng Nhớ thằng Bò, cái Nhớn, cái Bé Tuổi thơ nước mắt lưng tròng * Bà vợ trong truyện tự chết chìm Bằng cách buông tay cho chồng được sống Người chồng là cột trụ gia đình Phải tồn tại để còn nuôi hy vọng * Ngày nay nước lũ dâng cao nên EM PHẢI SỐNG Con cần em nuôi bằng dòng sữa mẹ hiền Nhà mình không có ghe thuyền thì em ngồi trong thau nhựa Anh thề đưa em đến bến bình yên * Cuối cùng lòi ra là một cuốn phim Do chính hai vợ chồng Phạm Xuân Dự đạo diễn Tội nghiệp cư dân mạng bị một cú sốc hết hồn Bộc lộ cảm xúc nghẹn ngào nhanh như điện * Tội nghiệp luôn nhà văn Khái Hưng không khiếu kiện ANH PHẢI SỐNG đã bất tử từ lâu trong Tự Lực Văn Đoàn Còn EM PHẢI SỐNG để kiếm like bằng “You Tuber mạo hiểm” Phim thừa sức đoạt giải Cánh Diều Vàng của điện ảnh Việt Nam…
Cũng chuyện hình ảnh và thông tin không đúng sự thật, Fanpage Hình Sự, là trang Facebook tự giới thiệu rằng: “Trang thông tin tuyên truyền, cảnh báo lừa đảo và cập nhật tin tức về tình hình ANTT xã hội“, ngày 11-9-2024, đã đăng một video clip về cháu bé đi tìm mẹ, với hình ảnh và nội dung thật giả lẫn lộn.
Clip ghi chú: “Khóc sưng cả mắt khi nhìn thấy video này của con. Nước lũ cuốn mẹ rồi, con cứ chạy đi tìm mẹ thôi. Thương lắm con ơiii“, đã lấy được nước mắt của nhiều người: Video Player
Thế nhưng, cô giáo Mai Thị Xoan, giáo viên trường Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, cho biết, bé trong clip “không phải khóc vì mẹ bị lũ cuốn bởi thời điểm ghi hình này em nhỏ là học sinh mẫu giáo 5 tuổi, còn hiện tại em nhỏ là học sinh lớp 1 điểm trường Mã Pì Lèng… do tôi trực tiếp chủ nhiệm“.
Cô Xoan cho biết thêm: “Tên bé là Giàng Mí Lúa, mẹ là Giàng Thị Sùng, bố là Giàng Mí Chứ, thuộc thôn Mã Pì Lèng. Hiện tại gia đình bé vẫn đầy đủ cả bố mẹ. Bé khóc là do theo mẹ xuống nương thôi và có thể người quay lại khoảnh khắc này của bé không hiểu được ngôn ngữ tiếng địa phương nên không rõ được bé nói gì“.
Bình luận về tin tức, hình ảnh giả trong dịp bão Yagi, bác sĩ Võ Xuân Sơn viết: YAGI ƠI LÀ YAGI
“Cơn bão Yagi đã làm bộc lộ nhiều vấn đề trong xã hội chúng ta. Bên cạnh thông tin về số người chết và mất tích, những trận lũ quét, những vụ sạt lở… là những bản tin, có lẫn cảnh người dân ở các thành phố hớn hở “chơi” lũ.
Ngay cả một bản tin, với mặt đường còn đầy sình lầy do nước ngập để lại, chứng tỏ là có ngập thật, quay cảnh thật, nhưng người dân nào lọt vô khung hình cũng tươi cười. Một bản tin khác, các cháu ngồi trên cái thuyền bằng tôn, ông bố kéo đi. Bà mẹ vừa thấy nhóm phóng viên quay phim thì vừa che mặt cười, vừa chạy trốn ống kính.
Thực ra, tính lạc quan là tốt. Tuy nhiên, lạc quan đến mức vui mừng, hớn hở vì được trải nghiệm cơn bão lịch sử, hoặc phong trào kéo nhau đi xem bão như cách đây vài năm, thì khó hiểu quá.
Sau vụ sập cầu Phong Châu, một clip lan truyền trên mạng, về việc 1 chiếc xe hơi rớt xuống sông, trôi đi bao nhiêu cây số, được dân vớt lên và cả 4 người trong xe còn sống. Khi hỏi mấy bạn ở Phú Thọ, mới biết đó là vụ chiếc xe thoát chết trong một trận lũ trước đây ở Yên Lập, một huyện miền núi Phú Thọ. Tương tự, một cháu bé lạc mất mẹ do lũ dữ bởi cơn bão Yagi gây ra, lại hóa ra là clip từ hồi nảo hồi nào.
Có lẽ không nhiều người tiếp cận được những điểm nóng, những nơi thiệt hại thật sự nặng nề, hoặc những cảnh chạy lũ đáng thương. Đã vậy, nhiều người dân ta, dù đang trong hoàn cảnh bi đát thật sự, nhưng luôn cười tươi rói trước ống kính. Cho nên, không có nhiều tấm hình hay thước phim thực sự gây rung động. Từ đó mà những cảnh dàn dựng, lợi dụng bão lũ để kiếm tiền mới có đất sống. Tấm hình ông bố đẩy vợ con trong cái thau trốn lũ gây bão trên mạng ngày hôm qua, lấp đầy khoảng trống đó.
Tôi vừa xem được clip, một người đàn ông vừa được lôi ra khỏi đống bùn do sạt lở vùi lấp, đã chạy ngay đi tìm vợ con, mà không để ý, rằng mình đang không mặc quần. Một cảnh hết sức thương tâm. Nhưng tôi không dám tin ngay, đó là thước phim thật. Niềm tin đã đổ vỡ đến mức thấy cái gì thương tâm, thì phải cẩn thận, coi chừng đó là sản phẩm dàn dựng.
Khác với những trận lũ cách đây vài năm ở Miền Trung, thông tin hồi đó trung thực hơn. Nói cho đúng thì hồi đó, những thông tin fake dễ được nhận biết hơn, và chúng cũng ít hơn bây giờ. Các bạn phóng viên hồi đó cũng hăng hái và nhiệt tình tiếp cận các điểm nóng, và có những thông tin, hình ảnh thật, lột tả chân thực, chính xác, gây rung động nhiều hơn.
Trồng cây, xây cầu… rồi bây giờ lại đến truyền thông. Yagi ơi là Yagi.
Tấm hình chạm đến trái tim, hóa ra lại là sản phẩm dàn dựng”.
***
Chuyện tin giả ở xứ Cờ Hoa vừa hạ knock-out cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng Hòa, trong cuộc tranh luận với Phó Tổng thống Kamala Harris hôm 9-9-2024 trên truyền hình. Ông Trump nói trước hàng chục triệu khán giả truyền hình, rằng di dân Haiti ăn thịt chó mèo nuôi trong nhà: “Hiện nay ở Springfield, người ta ăn thịt chó, mấy người nhập cư, họ ăn thịt mèo. Họ ăn thú cưng của cư dân ở đó. Mà chuyện này đang xảy ra trên đất nước chúng ta. Đáng xấu hổ”.
Một số viên chức chính quyền địa phương trong đó có Thống đốc Mike DeWine của tiểu bang Ohio, đã bác bỏ tin đồn di dân Haiti ăn thịt chó, mèo của người dân thành phố Springfield, tiểu bang Ohio. Ông DeWine nói: “Không hề có chuyện đó. Họ không hề có bằng chứng nào về chuyện đó“.
Hãy cẩn thận với những thông tin thuộc dạng “too good to be true” (tạm dịch: Có vẻ rất tốt nhưng không có thật). Hãy kiểm chứng với những loại tin như thế này trên mạng, để không tự biến mình thành những người tiếp tay lan truyền tin đồn sai sự thật.